YOMEDIA

Bộ 3 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 CTST năm 2023-2024 có đáp án trường THPT Nguyễn Trãi

Tải về
 
NONE

Nhằm giúp các em rèn luyện kĩ năng giải đề, chuẩn bị cho kì thi HK1 lớp 11 sắp tới, HỌC247 xin giới thiệu đến các em nội dung tài liệu Bộ 3 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 CTST năm 2023-2024 có đáp án trường THPT Nguyễn Trãi được biên soạn bởi đội ngũ giáo viên HOC247 dưới đây. Hi vọng với tài liệu đề dưới đây sẽ giúp các em ôn tập kiến thức dễ dàng hơn. Chúc các em học tập tốt!

ATNETWORK

TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRÃI

ĐỀ THI HỌC KÌ 1

MÔN: NGỮ VĂN 11 CTST

NĂM HỌC: 2023-2024

(Thời gian làm bài: 60 phút)

Đề thi số 1

Phần I. Đọc hiểu (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

GIÁNG KIỀU GIẬN BỎ ĐI

(Trích Bích Câu kì ngộ)

Bích Câu kì ngộ (Cuộc gặp gỡ kì lạ ở Bích Câu) gồm 678 câu thơ. Bích Câu kì ngộ là câu chuyện tình yêu giữa Tú Uyên và Giáng Kiều. Tú Uyên là một thư sinh nghèo, cha mẹ mất sớm, nhờ chăm lo việc học hành, chàng trở thành một văn nhân nổi tiếng ở đất Thăng Long. Nhân ngày xuân, đi chơi hội chùa Ngọc Hồ, Tú Uyên gặp một tiểu thư xinh đẹp, nhưng chưa kịp làm quen thì nàng đã đi mất.

Về nhà, chàng tương tư rồi sinh bệnh. Theo lời một vị thần nhân trong mộng, Tú Uyên ra Cầu Đông, đợi từ sáng đến tối thì thấy một người bán bức tranh tố nữ hình dạng giống hệt người thiếu nữ đã gặp trong hội chùa. Chàng mua bức tranh, treo ở thư phòng, sớm khuya cùng người trong tranh tâm sự. Một hôm, Tú Uyên bận việc học nên về muộn. Về đến nhà, thấy có một mâm cơm thịnh soạn, bày sẵn, chàng lấy làm lạ nhưng vẫn ngồi ăn. Sau, chàng giả vờ đến nơi học rồi quay về nhà quan sát. Điều kì lạ xảy đến: thiếu nữ trong tranh ra, lo việc nhà cửa, cơm nước. Càng lạ lùng hơn, thiếu nữ đó lại chính là người con gái chàng đã gặp hôm đi chơi hội. Tú Uyên mừng rỡ, bước ra chào hỏi. Người thiếu nữ cho biết tên là Giáng Kiều, vốn người cõi tiên, vì có tiền duyên với chàng nên xuống hạ giới để kết duyên.

Cuộc sống đang hạnh phúc thì Tú Uyên rơi vào cảnh rượu chè. Giáng Kiều khuyên can nhưng không được, nàng bèn bỏ đi. Tỉnh rượu, Tú Uyên hết sức đau khổ và hối hận. Tuyệt vọng, chàng định tìm đến cái chết. Giáng Kiều hiện về tha lỗi cho chồng. Tình nghĩa hai người mặn nồng hơn xưa và họ sinh được một con trai đặt tên là Trần Nhi. Tú Uyên học phép tu tiên và hai vợ chồng cùng bay về cõi tiên. Ít lâu sau, Trần Nhi cũng cưỡi cá kình theo cha mẹ về tiên giới.

Đoạn sau đây kể việc Giáng Kiều bị ngược đãi, giận bỏ đi.

445. Ngán thay khuyên nhủ đến lời
Nước kia dội đá có mùi gì đâu
Thôi ngày trọn, lại đêm thâu
Cạn chung Lý Bạch, nghiêng bầu Lưu Linh
Ma men quanh quẩn bên mình
450. Cho đàn trễ phím, cho bình nhạt hương
Mải mê say tỉnh tâm trường
Liệu bài nàng lại tìm đường van lơn
Trái tai vả lại ngứa gan
Đang tay nỡ dập hoa tàn tả tơi
455. Dây đồng đứt hẳn làm đôi
Cánh bèo theo ngọn nước trôi cũng rầu!
Nàng càng tầm tã tuôn châu
Ngán nhân tình khéo ra màu thắm phai
Rằng: “Thôi, tôi đã quá lời
460. Xui lòng nghĩ lại một hai kẻo mà...”
Sinh đang vui chén la đà
Vẩn vơ tính quỉ hồn ma biết gì
Nói thôi, nói cũng chi chi
Nghe ra tiếng nặng như chì, giọng say!
465. Nàng rằng: “Duyên nợ bấy nay
Thương ôi nước đổ bốc đầy được đâu
Tiếc cho nỗi vợ chồng Ngâu
Doành thu nên để bắc cầu mấy phen!
Sá chi nữa, cái hoa hèn
470. Nghĩ làm chi nữa cái duyên cũ càng
Đã lòng rẽ thúy chia hương
Đành lòng rẫy ngọc, ruồng vàng thì vâng
Thôi thôi, thôi cũng cầm bằng
Tơ hồng phó trả bà trăng cho rồi”
475. Lạy rồi, đứng lại sân ngoài
Bên bàn say tỉnh mặc người ngồi trơ.

(Theo Bích Câu kì ngộ, do Thi Nham Đinh Gia Thuyết đính chính, NXB Tân Việt, 1964)

Câu 1. Văn bản trên được thuật kể bằng lời của ai?

A. Tú Uyên

B. Giáng Hương

C. Người nhà

D. Người kể chuyện

Câu 2. Dòng nào nói đúng về các nhân vật trong văn bản đọc?

A. Tú Uyên, Giáng Hương

B. Tú Uyên, Giáng Hương, thầy bói

C. Giáng Hương, người bán tranh

D. Tú Uyên, người bán tranh

Câu 3. Dòng nào nói lên cảm xúc chủ đạo của văn bản đọc

A. Mỉa mai, châm biếm

B. Trân trọng, thương cảm

C. Thương cảm, phê phán

D. Khinh bỉ, đau xót

Câu 4. Đoạn sau là lời nói của ai, nói với ai về điều gì?

Ngán thay khuyên nhủ đến lời
Nước kia dội đá có mùi gì đâu

A. Lời của Giáng Hương, khuyên Tú Uyên đừng uống rượu

B. Lời của người kể chuyện: nói về tâm trạng của Giáng Hương

C. Lời của Tú Uyên: ngán lời Giáng Hương

D. Lời của Giáng ương diễn tả tâm trạng chán ngán của mình

Câu 5. “Nước kia dội đá có mùi gì đâu” được hiểu như thế nào?

A. Nước dội vào đá mất hết mùi vị

B. Tú Uyên là đá nên Giáng Hương không nên khuyên nhủ

C. Lời khuyên của Giáng hương không có tác dụng đối với Tú Uyên

D. Lời nói của Giáng Hương lạnh lẽo vô tình

Câu 6. Hai dòng thơ sau gợi tả cảnh tượng nào trong gia đình Tú Uyên?

Ma men quanh quẩn bên mình
Cho đàn trễ phím, cho bình nhạt hương

A. Cảnh nồng nàn với rượu đàn, hương

B. Người chìm đắm trong rượu khiến nghĩa tình nhạt phai

C. Mải rượu nên không thiết gì đàn, hương

D. Say men rượu lười đánh đàn

Câu 7. Những từ ngữ nào gợi hình ảnh Giáng Hương kiên trì khuyên bảo chồng?

A. Khuyên nhủ, van lơn

B. Ngày trọn, lại đêm thâu

C. Tiếc cho nỗi vợ chồng

D. Đành lòng

Câu 8. Nhân vật Giáng Hương trong văn bản trên là người như thế nào?

A. Là người cam chịu, nhu nhược. Khắc họa qua lời nói, tâm trạng

B. Là người bị đọa đày. Khắc họa qua lời nói, tâm trạng

C. Là người nhân hậu. Khắc họa qua đối thoại

D. Là người đa sầu. Khắc họa qua độc thoại nội tâm

Câu 9 (1,0 điểm) Anh/ chị có đồng tình với cách ứng xử của Tú Uyên không? Vì sao?

Câu 10 (1,0 điểm) Phân tích thái độ, tình cảm tác giả dành cho Tú Uyên và Giáng Hương.

Phần II. Viết (4,0 điểm)

Anh/ chị hãy viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề sống có trách nhiệm trong cuộc sống.

---------------- HẾT ---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 1

CÂU

NỘI DUNG

Câu 1

D. Người kể chuyện

Câu 2

A. Tú Uyên, Giáng Hương

Câu 3

B. Trân trọng, thương cảm

Câu 4

C. Lời của Tú Uyên: ngán lời Giáng Hương

Câu 5

C. Lời khuyên của Giáng hương không có tác dụng đối với Tú Uyên

Câu 6

B. Người chìm đắm trong rượu khiến nghĩa tình nhạt phai

Câu 7

B. Ngày trọn, lại đêm thâu

Câu 8

B. Là người bị đọa đày. Khắc họa qua lời nói, tâm trạng

Câu 9

- HS tự trả lời

- Gợi ý: căn cứ vào việc làm, lời nói của Tú Uyên; nỗi đau của Tú Uyên gây ra cho Giáng Hương… để đánh giá con người Tú Uyên (xây dựng bởi cảm hứng phê phán).

Câu 10

- Phê phán, lên án hành động vũ phu, sự thay đổi của Tú Uyên.

- Xót thương, cảm thông cho cảnh ngộ của Giáng Hương.

(Chú ý phân tích sắc thái biểu cảm trong từ ngữ miêu tả từng đối tượng)

Phần II. Viết (4,0 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Đảm bảo cấu trúc ba phần: Mở - Thân – Kết.

b. Xác định đúng yêu cầu của đề: Viết văn bản nghị luận về vấn đề sống có trách nhiệm trong cuộc sống

c. Bài viết có thể triển khai theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo các ý sau:

* Mở bài: Giới thiệu vấn đề cần nghị luận

* Thân bài:

- Thế nào là tinh thần trách nhiệm?

+ Hoàn thành công việc được giao và đảm nhận

+ Là giữ lời hứa

+ Chịu trách nhiệm với những gì mình làm

- Biểu hiện của tinh thần trách nhiệm:

+ Đối với học sinh: trách nhiệm của chúng ta là học tập thực tốt, nghiêm chỉnh thực hiện các quy định của nhà trường, có tính thần yêu nước, chăm lo học tập,….

+ Có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, những người xung quanh

+ Đối với một người công chức: thực hiện đúng nhiệm vụ của Đảng và nhà nước giao cho, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho

+ Đối với công dân: thực hiện tốt quy định của nhà nước, của pháp luật, có trách nhiệm với gia đình và mọi người xung quanh

- Ý nghĩa của tinh thần trách nhiệm:

+ Hoàn thành tốt công việc và nhiệm vụ

+ Được mọi người xung quanh quý mến và yêu quý

+ Được lòng tin của mọi người

+ Thành công trong công việc và cuộc sống

* Kết bài:

- Khái quát vấn đề

- Liên hệ bản thân

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Diễn đạt sáng tạo, sinh động, giàu hình ảnh, có giọng điệu riêng.

Lưu ý: Chỉ ghi điểm tối đa khi thí sinh đáp ứng đủ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng

 

Đề thi số 2

I. ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Hôm mai trong chốn thâm khuê,
Kẻ đường kim chỉ, người nghề bút nghiên.
Canh khuya bạn với sách đèn,
Mỏi lưng chàng mới tựa bên cạnh nàng.
Phải khi liếc mắt trông chàng,
Thấy râu mọc ngược ở ngang dưới cằm.
Vô tâm xui bỗng gia tâm,
Dao con sẵn đấy, mới cầm lên tay.
Vừa giơ sắp tiễn cho tày,
Giật mình chàng đã tỉnh ngay bấy giờ.
Ngán thay sửa dép ruộng dưa,
Dẫu ngay cho chết, cũng ngờ rằng gian.
Thất thần nào kịp hỏi han,
Một lời la lối rằng toan giết người,
Song thân nghe tiếng rụng rời,
Rằng: "Sao khuya khoắt mà lời gớm thay?"
Thưa rằng: "Giấc bướm vừa say,
"Dao con nàng bỗng cầm tay kề gần.
"Hai vai hộ có quỷ thần,
"Thực hư đôi lẽ xin phân cho tường."
Nàng vâng thưa hết mọi đường,
Rằng: "Từ gảy khúc loan hoàng đến nay
Án kia nâng để ngang mày,
Sạch trong một tiết, thảo ngay một bề.
Bởi chàng đèn sách mỏi mê,
Gối Ôn Công thủa giấc hòe thiu thiu.
Thấy râu mọc chút chẳng đều,
Cầm dao tiễn để một chiều như nhau.
Há rằng có phụ tình đâu
Muôn trông xét đến tình đầu kẻo oan.
Thác đi phỏng lại sinh hoàn,
"Thì đem lá phổi buồng gan giãi bày".
Cô, công rằng: "Bảo cho hay,
Trộm hương, cắp phấn cũng đầy chan chan.
Mấy người một ngựa một an,
Nay Trương, mai Lý thế gian hiếm gì?
Ấy may mà tỉnh ngay đi,
Đỉnh-đình-đinh nữa có khi còn đời.
Sự này chớ lấy làm chơi",
Sai người tức khắc đến mời Mãng Ông.
Trách rằng: "Sự mới lạ lùng,
Sinh con ai dễ sinh lòng ấy đâu?
Sắt cầm bỗng dở dang nhau,
Say đâu với đứa trong dâu hẹn hò.
Sông kia còn có kẻ dò,
Lòng người ai dễ mà đo cho cùng.”

(Trích Quan Âm Thị Kính, in trong Tổng tập Văn học Việt Nam, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Nxb Khoa học Xã hội, H.2000)

Lựa chọn đáp án đúng:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là? (0,5 điểm)

A. Tự sự

B. Thuyết minh

C. Nghị luận

D. Miêu tả

Câu 2. Thể thơ được sử dụng trong đoạn trích là: (0,5 điểm)

A. Tự do

B. Lục bát

C. Song thất lục bát

D. Thất ngôn tứ tuyệt

Câu 3. Đoạn trích trên sử dụng điểm nhìn trần thuật ở ngôi thứ mấy? (0,5 điểm)

A. Ngôi thứ nhất

B. Ngôi thứ hai

C. Ngôi thứ ba

D. Cả B và C

Câu 4. Hành động nào của Thị Kính dẫn đến việc nàng bị nghi oan tội giết chồng? (0,5 điểm)

A. Quạt cho chồng ngủ

B. Thức khuya cùng chồng

C. Dệt cửi đợi chồng

D. Cắt râu cho chồng

Câu 5. Dòng thơ nào sau đây nói về nhân cách của Thị Kính? (0,5 điểm)

A. Kẻ đường kim chỉ, người nghề bút nghiên.

B. Muôn trông xét đến tình đầu kẻo oan.

C. Sạch trong một tiết, thảo ngay một bề.

D. Trộm hương, cắp phấn cũng đầy chan chan.

Câu 6. Phát biểu nào sau đây nói lên nội dung tóm tắt của đoạn trích? (0,5 điểm)

A. Thị Kính hết lòng hết dạ nuôi chồng ăn học

B. Cha mẹ chồng vu oan Thị Kính có ý định giết chồng

C. Người chồng vu oan Thị Kính Có ý định giết mình

D. Thị Kính cắt râu cho chồng và bị vu cho tội muốn giết chồng

Câu 7. Qua đoạn trích, tác giả dân gian gián tiếp bày tỏ thái độ gì đối với Thị Kính? (0,5 điểm)

A. Lên án, tố cáo

B. Đồng cảm, xót thương

C. Mỉa mai, chế giễu

D. Không bày tỏ thái độ

Trả lời câu hỏi/ Thực hiện các yêu cầu:

Câu 8. Bạn hiểu như thế nào về thành ngữ “sửa dép ruộng dưa” được sử dụng trong đoạn trích (0,5 điểm)

Câu 9. Qua những lời thoại của người chồng của Thị Kính, bạn có nhận xét gì về tính cách của nhân vật này? (1,0 điểm)

Câu 10. Hãy bày tỏ cảm xúc của bạn trước nỗi oan mà Thị Kính phải gánh chịu. (Viết khoảng 5 – 7 dòng) (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (4,0 điểm)

Bạn hãy viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của đoạn trích đã cho ở phần Đọc hiểu.

---------------- HẾT ---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

Phần

Câu

Nội dung

I

 

ĐỌC HIỂU

 

1

A

2

B

3

C

4

D

5

C

6

D

7

B

8

Nghĩa của thành ngữ “sửa dép ruộng dưa”:

- Nghĩa tả thực: quả dưa vốn mọc ra và nằm trên đất, khi đi qua ruộng dưa mà cúi xuống sửa dép, sẽ bị nghi ngờ là đang hái trộm dưa.

- Nghĩa hàm ẩn: muốn nói về những hành động vốn nhằm mục đích này lại bị nghi oan là nhằm mục đích khác.

9

Nhận xét về tính cách của nhân vật chồng Thị Kính:

- Sống với vợ nhưng không thấu hiểu phẩm chất của vợ

- Bản tính tiểu nhân, nghĩ xấu cho người khác: la lên khi thấy vợ cầm dao ở cạnh mình

- Nhu nhược, nghe theo lời cha mẹ, nghi oan cho vợ

10

Bày tỏ cảm xúc của bạn trước nỗi oan mà Thị Kính phải gánh chịu:

Thị Kính là một người phụ nữ có phẩm chất tốt đẹp, chỉ vì có ý tốt mà bị vu oan. Ta cảm thấy xót thương cho nàng, đồng cảm với nỗi oan mà nàng mắc phải. Đồng thời ta cũng cảm thấy căm phẫn tính cách hèn mọn, nhu nhược của người chồng và sự điêu ngoa, ác độc của cha mẹ chồng; qua đó cũng căm phẫn cho xã hội trọng nam khinh nữ.

---(Để xem tiếp đáp án Đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

Đề thi số 3

I. PHẦN ĐỌC (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

MÙI RƠM RẠ QUÊ MÌNH…

Ngọc Bích

(1) Tôi sinh ra từ một vùng sâu vùng xa ở bưng biền Đồng Tháp, lớn lên giữa hương đồng cỏ nội. Nơi tôi sống ruộng lúa không hẳn là thẳng cánh cò bay mà đủ ngan ngát mùi rơm rạ sau mỗi mùa gặt.

(2) Đối với những người sinh ra và lớn lên ở thôn quê thì dường như cánh đồng đã trở thành một phần ký ức chẳng thể nào quên, bởi nó gắn liền với tuổi thơ – phần thời gian trong trẻo nhất của một đời người.

(3) Trong ký ức của tôi, bức tranh đồng quê sống động một cách kỳ lạ. Đó là những sân phơi trải đầy lúa vàng, tụi con nít vẫn hay đi tới đi lui trên những thảm lúa ngoài sân để lúa mau khô, những bước chân nhỏ xinh in ngang dọc trên đệm lúa vàng. Chúng bước nhanh thật nhanh để tránh cái nắng trên đầu và cái nóng hừng hực dưới chân. Ngày mùa trong tôi còn là những ụ rơm, nhánh rạ trơ ra sau vụ gặt. Đâu đâu cũng thấy rơm rạ ngút ngàn, vàng những lối đi.

(4) Tôi thương cái mùi rơm rạ quê mình. Nó cứ thoang thoảng rồi loang dần, quấn chặt vào sống mũi. Mùi rơm rạ là mùi của đồng ruộng, mùi của mồ hôi ba ngày vác cuốc ra đồng, mùi của niềm vui mùa lúa trúng, mùi nỗi buồn nơi khoé mắt mẹ sau mỗi vụ thất thu.

(5) Nồi cơm mới thơm lừng, không những thơm bởi hạt gạo mà còn vì được đun bằng bếp rơm, lửa cháy bùng, cơm sôi ùng ục. Đó là cái mùi cứ phảng phất theo tôi, để rồi những tháng năm sau đóm tôi đi khắp mọi miền, đi qua những đồng lúa xanh tít mắt bất chợt nhớ đến mùi thơm ấy, mùi hương của rơm rạ và mùi của chén gạo thơm hương lúa mới. Cái mùi ấy ngan ngát trong lồng ngực không dễ quên của biết bao con người lớn lên từ ruộng đồng như tôi.

(6) […] Tôi lớn lên giữa mùi rơm rạ quê hương, mấy đứa bạn tôi giờ mỗi đứa một nơi. Có đứa qua xứ Tây Đô lập nghiệp, có đứa đi làm dâu tận vùng miệt thứ Cà Mau. Còn tôi… sống và làm việc ở phố thị xa hoa, đêm đêm nhớ nhà, nhớ mùi rơm rạ mà bật khóc. Chao ôi, cái mùi rạ nồng nồng khó tả.

(7) Mỗi lần về nhà đúng mùa gặt lúa, tôi hít lấy một hơi thật sâu như muốn nuốt hết cái không khí ấy, nhớ về mình còn là đứa trẻ của những tháng năm xưa. Những tháng năm đầu trần ngồi máy kéo ra đồng nghịch rơm, những tháng năm còn được nằm trọn trong vòng tay của ba mẹ.

(8) Có sợi rơm nào bay theo gió vương qua cành lá non, phảng phất hương vị của mùa mới, mùa của yêu thương, ước vọng và hy vọng. Tôi mang theo những khát khao, những ước mơ của mình gửi vào hương vị đó để thấy ấm áp, góp nhặt yêu thương cho riêng mình.

(9) Những kí ức tuổi thơ gắn liền với mùi rơm rạ quê hương bỗng chốc ùa về làm cho con đường đến sân bay trở nên ngắn ngủi. Tôi và anh tài xế công nghệ kia tạm gác lại những ký ức miền Tây thân thương của mình để hoà vào nhịp sống hối hả. Tôi tin là nó chỉ tạm lắng lại trong tâm thức mỗi người rồi đến khi gặp người “rà đúng tần số” hoặc đôi khi chỉ cần nhắc về hai tiếng miền Tây thì những ký ức thân thương ấy lại ào ạt ùa về. Đã là tuổi thơ, là quê hương thì làm sao mà quên cho được.

(Nhiều tác giả, Nghĩa tình miền Tây, NXB Hồng Đức, 2022, tr. 41-44)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Chỉ ra yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình trong văn bản. (0,5 điểm) Phân tích tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố đó trong các đoạn (3), (4), (5) của văn bản. (0,5 điểm)

Câu 2. Xác định cách giải thích nghĩa của từ “ngan ngát” trong văn bản. (1,0 điểm)

Câu 3. Phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ được dùng trong đoạn (4). (1,0 điểm)

Câu 4. Xác định chủ đề của văn bản. (0,5 điểm) Em nhận xét như thế nào về chủ đề ấy? (0.5 điểm)

Câu 5. Em có đồng ý với quan điểm của tác giả rằng: những ký ức “chỉ tạm lắng lại trong tâm thức mỗi người” bởi “đã là tuổi thơ, là quê hương thì làm sao mà quên cho được”? Vì sao? (1,0 điểm)

Câu 6. Trong văn bản, tác giả đã đã gửi vào ký ức tuổi thơ “những khát khao, những ước mơ” để “thấy ấm áp, góp nhặt yêu thương cho riêng mình”. Còn với em, kí ức tuổi thơ có ý nghĩa gì trong cuộc sống con người? Hãy viết câu trả lời từ 8 – 10 dòng. (1,0 điểm)

II. PHẦN VIẾT (4,0 điểm)

Tình huống: Em tham gia vào chiến dịch Hoa phượng đỏ trong đội hình “Truyền thông 4.0”. Trong buổi ra mắt của đội, mỗi thành viên phải trình bày quan điểm của mình về “Trách nhiệm của giới trẻ trong thời đại 4.0”.

Nhiệm vụ: Hãy viết một bài văn nghị luận về một trách nhiệm mà em cho là quan trọng nhất đối với người trẻ trong thời đại 4.0.

---------------- HẾT ---------------

ĐÁP ÁN ĐỀ THI SỐ 3

I. PHẦN ĐỌC

Câu

Nội dung

Điểm

1

Học sinh chỉ ra được ít nhất 01 yếu tố tự sự và 01 yếu tố trữ tình. Chẳng hạn:

+ Yếu tố tự sự: “Đó là những sân phơi trải đầy lúa vàng, tụi con nít vẫn hay đi tới đi lui trên những thảm lúa ngoài sân để lúa mau khô, những bước chân nhỏ xinh in ngang dọc trên đệm lúa vàng. Chúng bước nhanh thật nhanh để tránh cái nắng trên đầu và cái nóng hừng hực dưới chân.”

+ Yếu tố trữ tình: “Tôi thương cái mùi rơm rạ quê mình. Nó cứ thoang thoảng rồi loang dần, quấn chặt vào sống mũi.”

Tác dụng của việc kết hợp hai yếu tố đó:

+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt;

Vừa giúp tái hiện những kí ức tuổi thơ gắn với cánh đồng quê, vừa bộc lộ trực tiếp tâm tư, tình cảm của tác giả.

Lưu ý: Học sinh có thể diễn đạt khác, miễn hợp lí, thuyết phục.

0.25

0.25

0.25

0.25

2

- Học sinh chỉ ra nghĩa của từ “ngan ngát” được giải thích trong tác phẩm: Ngan ngát: (mùi thơm) dễ chịu và lan toả ra xa.

- Học sinh xác định cách giải thích nghĩa của từ: phân tích nội dung nghĩa của từ.

0.5

0.5

3

- Học sinh chỉ ra biện pháp tu từ: biện pháp liệt kê (đồng ruộng, mồ hôi ba, niềm vui mùa lúa trúng, nỗi buồn nơi khoé mắt mẹ), điệp từ “mùi”.

- Tác dụng: Tuỳ theo từng biện pháp tu từ, học sinh trình bày tác dụng khác nhau, song cần đáp ứng được các ý sau:

Giúp tăng sức gợi hình, gợi cảm cho văn bản; tạo nên giọng điệu tha thiết, nhớ thương.

+ Nhấn mạnh ý mà tác giả muốn biểu đạt: những kỉ niệm thân thương gắn với mùi rơm rạ, mùi hương rơm rạ bao hàm tất cả những mùi hương khác của quê hương, gia đình; nhấn mạnh sự khắc sâu, không phai mờ của mùi rơm rạ trong tâm trí tác giả.

0.25

0.25

0.75

4

- Chủ đề của văn bản: Từ việc tái hiện những kí ức thân thương với cánh đồng, mùi rơm rạ quê hương; tác giả bộc lộ tình yêu thương, nỗi nhớ mong kỉ niệm xưa, đồng thời gián tiếp bộc lộ tình yêu quê hương, đất nước.

- Học sinh nhận xét về chủ đề. Chẳng hạn: Việc chọn lựa một mùi hương thân thuộc mà bình dị của đồng quê như mùa rơm rạ làm trung tâm của bài viết thay vì những gì cao cả, lớn lao là một cách độc đáo để thể hiện tình yêu quê hương. Qua những sự vật gần gũi, nhỏ bé, ta càng thấy được người viết gắn bó với quê hương sâu sắc, yêu quê hương từ những gì bình dị nhất.

0.5

0.5

5

- Học sinh trả lời đồng ý hay không.

- Học sinh lí giải lựa chọn của bản thân. Có thể lí giải theo nhiều cách, miễn hợp lí, thuyết phục.

0.25

0.75

6

- Học sinh nêu được ý nghĩa của kí ức tuổi thơ với cuộc sống con người.

- Học sinh phân tích, lí giải được các ý nghĩa ấy. (Vì sao kí ức tuổi thơ lại mang đến những ý nghĩa đó?)

- Diễn đạt rõ ràng, mạch lạc; không mắc lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp.

0.25

0.5

0.25

---(Để xem tiếp đáp án Đề thi số 3 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---

 

Trên đây là trích dẫn một phần nội dung Bộ 3 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 CTST năm 2023-2024 có đáp án trường THPT Nguyễn Trãi. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Mời các em tham khảo các tài liệu có liên quan:

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.

Chúc các em học tập tốt !

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON