Bài văn mẫu Tưởng tượng cuộc gặp gỡ với chú bé Lượm trong một lần đi liên lạc dưới đây sẽ giúp các em biết cách viết bài văn kể chuyện tưởng tượng đầy đủ bố cục ba phần: Mở bài, thân bài và kết bài. Đồng thời bài văn mẫu này còn giúp các em trau dồi thêm kĩ năng viết văn của mình. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Lượm.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu bối cảnh cuộc gặp gỡ: Trong giấc ngủ.
b. Thân bài:
- Em đang chơi thả diều cùng đám bạn ở cánh đồng.
- Gặp chú bé khác lạ: trang phục và thần khí khác với những đứa trẻ em chơi cùng.
- Em và các bạn bắt chuyện với chú bé.
- Em ngạc nhiên khi biết mình đang gặp chú bé Lượm trong bài thơ.
- Lượm chỉ nói đôi lời rồi tiếp tục đi liên lạc.
- Em chứng kiến cảnh Lượm bị trúng đạn của giặc, em cố gắng tới để cứu Lượm nhưng không thể chạm đến.
c. Kết bài:
- Em tỉnh giấc và suy nghĩ về giấc mơ kì lạ đó.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Em hãy tưởng tượng cuộc gặp gỡ với chú bé Lượm và kể lại cuộc gặp gỡ ấy dưới dạng một bài văn ngắn.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
"Bỗng lòe chớp đỏ,
Thôi rồi, Lượm ơi!
Chú đồng chí nhỏ,
Một dòng máu tươi!"
Giọng đọc của cô sáng nay cứ vang vọng bên tai tôi, đưa tôi chìm vào giấc ngủ...
Tôi đang ở giữa cánh đồng cùng lũ trẻ con gần nhà bà ngoại. Trên tay chúng tôi là những chiếc diều với hình thù ngộ nghĩnh. Bây giờ đang là buổi sáng. Bầu trời hôm nay không xanh trong như mấy hôm trước mà pha chút sắc trắng của những chòm mây bồng bềnh. Nắng rải đầy khắp cánh đồng. Màu nắng với màu lúa chín quyện vào nhau tạo nên sắc vàng rực rỡ của ngày mùa. Đang mải miết chạy theo những cánh diều trên con đường nhỏ hẹp ven ruộng, tôi thấy một chú bé chạc tuổi chúng tôi đang tung tăng trên đường, ngược hướng với chúng tôi. Chú không đi chơi thả diều như chúng tôi. Tôi cũng không thấy chú giống vẻ đi chơi. Chú ta mặc một bộ quần áo như các chiến sĩ vệ quốc tôi từng thấy trong tranh ảnh, đầu đội chiếc mũ ca lô hơi chếch về một bên. Tới gần, tôi mới để ý vẻ mặt vui tươi, hồn nhiên của người bạn đặc biệt này. Một đứa trong nhóm tụi tôi cất tiếng:
- Cậu đi đâu đó?
Cậu bạn dừng chân đáp lời:
- Tớ đi công việc. Còn các cậu?
Tôi bèn nói:
- Nhìn thế này còn hỏi? Bọn tớ đang chơi thả diều.
Chú bé gương mặt nghĩ ngợi rồi mỉm cười:
- Thế à? Vui thế nhỉ?
- Tớ thấy cậu quen lắm! - Tôi liền nói khi trong đầu cứ mang mang mình từng gặp người này ở đâu đó.
- Tớ là Lượm. Tớ thường đi qua cánh đồng này. - Cậu bạn đáp.
"Lượm? Chú bé Lượm mà tôi đã học trên lớp ư? Thật diệu kỳ!" - Tôi ngạc nhiên nghĩ.
- Thôi! Các cậu chơi vui nhé! Tớ phải đi rồi! - Cậu bạn vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi.
Tôi dõi theo bóng dáng chú Lượm. Đúng là Lượm rồi! Đôi chân chú thoăn thoắt, vừa đi vừa huýt sáo vang. Bóng chiếc mũ ca lo của cậu dần khuất sau đám lúa vàng. Tôi vẫn ngẩn người nhìn theo. Bỗng trên vòm trời xanh xen trắng kia xuất hiện những chiếc máy bay khổng lồ. Như biết trước chuyện gì sẽ xảy đến, tôi chạy lao về phía Lượm, gọi theo mãi nhưng chẳng thấy cậu dừng. Từ trên cao, chiếc máy bay thả bom xuống cánh đồng. Một tiếng nổ dữ dội vang lên. Chiếc mũ ca lô của chú bé Lượm tinh nghịch ban nãy biến mất. Tôi chỉ thấy trên cánh đồng là hình ảnh Lượm đang nằm. Những giọt máu đỏ tươi khẽ chảy trên những lá lúa vàng. Miệng chú vẫn vẻ vui tươi. Tôi cố chạy thật nhanh đến bên cậu. Nhưng chạy mãi, chạy mãi vẫn không tới.
"Ai xôi lạc, bánh khúc đi..." - Tiếng rao lớn dưới lòng đường làm tôi chợt tỉnh giấc. Dưới ánh mờ của chiếc đèn ngủ, tôi liếc nhìn chiếc đồng hồ. 11 giờ đêm! Thì ra tôi vừa nằm mơ. Một giấc mơ diệu kỳ! Một cuộc gặp thoáng qua nhưng đầy ấn tượng. Hình ảnh Lượm trong bài giảng của cô quả thực ấn tượng mạnh với tôi.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Chiều qua lớp tôi tổ chức giờ ngoại khóa môn Lịch sử. Cô giáo cho chúng tôi xem một cuốn băng về các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm ở Việt Nam. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến những hình ảnh thật nhất về các cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của chúng ta. Tôi thật xúc động trước sự hy sinh dũng cảm của những bạn nhỏ còn chưa đủ tuổi bước vào đời như Lượm hay Lê Văn Tám…
Tối về, cứ thế tôi miên man theo những hình ảnh ban chiều. Tôi không tài nào học được. Mệt và mỏi, tôi gục xuống bàn học từ lúc nào.
Bạn gì ơi! Bạn gì ơi!
Tôi giật mình quay lại, nơi đây không biết là đâu mà hoang tàn, đổ nát thế này. Sao thỉnh thoảng tôi lại nghe có tiếng gì như súng nổ, tôi nhìn cả cánh đồng, có rất nhiều ruộng lúa đang xanh mà bị cái gì đó đốt trụi, đường quốc lộ thì toàn hầm hố với ổ gà, chưa hết giật mình tôi đã thấy cậu bé ban nãy tiến lại gần tới tôi. Đoán cậu ta chạc tuổi mình, tôi liền hỏi.
Bạn là ai? Và bạn có biết tôi đang ở đâu không?
Tôi là Lượm và bạn đang đứng ở Thừa Thiên Huế quê tôi, người bạn trả lời.
À! Tôi nhớ ra rồi, bạn Lượm, người thiếu niên anh hùng trong một bài thơ của Tố Hữu đây mà!
Thế bạn là ai mà ngơ ngác đứng ở đây? Lượm hỏi.
Tôi là Cường.
À chắc gia đình bạn đang tản cư, bạn bị lạc đường. Thế này nhé! Bạn ra hỏi chú cảnh vệ ở đằng kia. Lượm vừa nói vừa chỉ tay, chú ấy sẽ chỉ đường cho, còn mình thì đang vội lắm.
Thế bây giờ cậu đi đâu vậy? Tôi tò mò. Mình đi làm việc như mọi ngày thôi, đưa thư từ nhà lên tỉnh và lại nhận công văn của tỉnh mang về cho các bác, các chú trong làng, trong xã.
Thế cậu có sợ không?
Sợ chứ! Nhưng đất nước có chiến tranh ai cũng phải góp sức mình cho tổ quốc. Ai cũng muốn có thật nhiều những ước mơ nhưng muốn ước mơ thành sự thật thì phải đánh đuổi thằng Pháp, thằng Mỹ trước đã. Thôi chào bạn nhé, mình đi đây.
Chưa kịp nghe tôi chào, Lượm đã lên đường. Nhìn từ xa, tôi chỉ thấy một hình dáng nhỏ nhắn nhưng lanh lẹ. Đôi chân của cậu đi thoăn thoắt như con chim nhảy nhót trên đường vàng. Vẳng từ xa lại, tôi còn nghe thấy tiếng cậu huýt sáo trong veo. Bỗng. Đoàng! Đoàng! Đoàng.
Tiếng súng nổ làm tôi giật bắn mình! Tôi ngơ ngác thấy mình đang ngồi trong phòng học. Ồ! hóa ra mình đang mơ, tôi chạy thẳng ra phòng khách reo lên. Bố mẹ ơi! Con đã gặp được Lượm rồi! Con đã gặp bạn Lượm rồi! Bằng tuổi con mà sao có người anh hùng như thế.
Cả nhà chẳng hiểu điều gì nhưng tất cả đều cười vang, không khí rộn ràng khắp phòng.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----