Tài liệu Tổng hợp những đoạn văn về tác phẩm Góc nhìn dưới đây đã được Học247 biên soạn và tổng hợp nhằm giúp các em học sinh hiểu được thông điệp vô cùng ý nghĩa: Con người cần nhìn nhận một vấn đề từ nhiều góc độ, khía cạnh khác nhau. Từ đó mới có thể hiểu rõ vấn đề, đưa ra những kết luận đúng đắn nhất. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Góc nhìn.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Đoạn văn mẫu
2.1. Đoạn văn mẫu số 1
Đề bài: Việc nhìn nhận một vấn đề từ nhiều góc độ sẽ mang đến cho chúng ta những ích lợi gì? Em hãy viết đoạn văn khoảng 150 chữ có sử dụng ít nhất hai từ Hán Việt trình bày ý kiến của mình về vấn đề trên.
GỢI Ý LÀM BÀI
Việc nhìn nhận một vấn đề từ nhiều góc độ sẽ mang đến cho chúng ta sự hiểu biết, cái nhìn bao quát và đi đến những hành động đúng đắn trong cuộc sống. Con người có đôi mắt để nhìn đời phân biệt đục-trong, phải-trái, đúng-sai… Tuy nhiên, nếu chỉ đánh giá mọi việc bằng đôi mắt của mình, có khi chúng ta sẽ mắc phải những sai lầm. Suy nghĩ khác, góc nhìn khác giúp ta có cái nhìn toàn diện về sự vật, hiện tượng. Nó còn giúp ta tránh được lối suy nghĩ thiển cận, phiến diện và bồi dưỡng cho ta tri thức mới mẻ. Biết suy nghĩ khác biệt tạo nên tính năng động trong tư duy. Đó chính là cơ sở và động lực để con người sáng tạo và thành công. Steve Jobs đã không ngần ngại suy nghĩ về một sản phẩm khác biệt trong nhiều năm. Cuối cùng ông đã tạo ra được chiếc Iphone huyền thoại. Harland Sanders đến gần cuối cuộc đời mới nhận ra sự khác biệt của món gà rán do ông sáng tạo và gặt hái thành công lớn sau bao năm tháng vất vả. Tất cả là nhờ có điểm nhìn khác biệt, suy nghĩ khác biệt. Như vậy, để nhận định vấn đề một cách đúng đắn, chúng ta phải thay đổi góc nhìn, phải đặt mình vào vị trí của mọi người đến tìm hiểu mọi việc một cách toàn diện hơn. “Không có gì tầm thường trên thế giới. Tất cả đều phụ thuộc vào góc nhìn”.
2.2. Đoạn văn mẫu số 2
Đề bài: Viết đoạn văn nêu bài học rút ra được từ văn bản “Góc nhìn”.
GỢI Ý LÀM BÀI
Câu chuyện “Góc nhìn” đã đưa ra tình huống của nhà vua và gửi đến người đọc bài học trong cách nhìn nhận vấn đề. Trước "con đường gập ghềnh, sỏi đá", nhà vua đã đưa ra một cách giải quyết rất hao tốn ngân khố của nước nhà, vả lại còn bọc tất cả con đường phố đều bằng da của súc vật, điều này thực hiện được rất khó, xác suất thành công được là tỉ lệ rất thấp. Còn anh người hầu "khôn ngoan" đã phản bác lại, đưa ra một ý kiến : "Cắt những miếng da bò thật êm ái, phủ quanh đôi chân của mình. Như vậy không những chân không còn đau khi đi qua những con đường gập ghềnh sỏi đá nữa mà cả vương quốc cũng sẽ tiết kiệm được kim ngân, châu báu và của cải". Câu chuyện để lại nhiều điều đáng suy ngẫm. Khi gặp chuyện không như ý, điều bạn nghĩ đến đầu tiên là thay đổi người khác, thay đổi hoàn cảnh hay là thay đổi chính bản thân mình? Kỳ thực, thay đổi người khác rất khó, vì ai cũng có quan niệm cố hữu và tự tôn của bản thân. Thay đổi thế giới này lại càng khó hơn. Điều duy nhất mình có thể nắm chắc, đó chính là thay đổi bản thân mình. Đừng coi thường sức mạnh của bản thân. Chỉ một điều thiện ác của mình cũng có thể cảm ứng cả trời đất. Tiến sĩ Masaru Emoto, tác giả cuốn sách “Thông điệp của Nước”, đã tiến hành các thí nghiệm và quan sát được rằng: dưới tác dụng của các suy nghĩ tích cực (thiện niệm) của con người, nước hình thành các tinh thể vô cùng hài hoà đẹp đẽ, thậm chí nước bị ô nhiễm nghiêm trọng cũng được thanh lọc và trở nên thuần tịnh trở lại. Mỗi người là một phần tử quan trọng của xã hội và khi chúng ta có suy nghĩ tích cực, hiểu được phần hạn chế của bản thân để thay đổi mình là một điều quý giá. Câu chuyện trên, quả là một câu chuyện bổ ích! Nó giúp chúng ta thấu hiểu được mọi thứ, đặc biệt là chính mình…
2.3. Đoạn văn mẫu số 3
Đề bài: Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về văn bản “Góc nhìn”.
GỢI Ý LÀM BÀI
Trong văn bản “Góc nhìn”, tác giả đã đưa ra câu chuyện về bất lợi của nhà vua và cuộc đối thoại giữa nhà vua với anh người hầu. Từ đó cho thấy đôi khi, mỗi người trong cuộc sống cần đặt mình vào những góc nhìn khác nhau để cảm nhận mọi thứ một cách đầy đủ nhất. Sau khi lắng nghe lời khuyên của anh người hầu, nhà vua đã quyết định thay đổi bản thân và đưa ra quyết định sáng suốt. Các bạn thấy đấy! Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta không cần bắt cả thế giới phải thay đổi theo mình. Điều chúng ta cần đơn giản chỉ là thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ của bản thân mà thôi. Chúng ta có thể thay đổi chính cách ứng xử của mình, có thể học cách suy nghĩ trước khi hành động, học cách hành động bằng trái tim yêu thương thay vì phản ứng bằng thái độ tức giận hay tổn thương. Khi chúng ta ngừng chú tâm vào khó khăn, cách giải quyết sẽ xuất hiện. Để có một cuộc sống, một nơi chốn hạnh phúc để sống, sẽ tốt hơn nếu bạn thay đổi bản thân và suy nghĩ của bạn, chứ không phải bắt thế giới thay đổi bởi “Nếu bạn thay đổi, cả thế giới sẽ thay đổi”. Hãy thay đổi chính bạn, bạn sẽ thấy thế giới này đẹp hơn rất nhiều!
2.4. Đoạn văn mẫu số 4
Đề bài: Từ văn bản “Góc nhìn”, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết của việc “thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ của bản thân” để đạt đến thành công trong cuộc sống.
GỢI Ý LÀM BÀI
Cuộc sống muôn hình vạn trạng khiến chúng ta gặp vô vàn những vấn đề cần giải quyết trong cuộc sống. Ở nhiều khía cạnh, mỗi người cần phải thay đổi sự nhìn nhận của mình mới có thể đưa ra những quyết định đúng đắn. Có người đã từng cho rằng “thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ của bản thân” sẽ giúp chúng ta đạt đến thành công trong cuộc sống. Thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ của bản thân là thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về sự việc, con người của mỗi cá nhân trong những thời điểm khác nhau.Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta cần có tầm nhìn bao quát, nghĩ rộng hơn, suy nghĩ sâu hơn, luôn có thái độ tích cực, lạc quan để giải quyết mọi tình huống một cách thấu đáo. Đừng chỉ chìm đắm trong lối suy nghĩ tiêu cực, thất vọng vì những điều diễn ra không như mong muốn. Thay vào đó, hãy nhìn những trở ngại đó là thách thức cần phải vượt qua bằng mọi cách. Người có suy nghĩ tích cực thì cơ hội thành công trong cuộc sống sẽ cao hơn đồng nghĩa với việc tạo dựng được những thành quả từ chính sức lực, trí tuệ, lối sống của mình. Nhà vua trong văn bản “Góc nhìn” nhờ thay đổi tầm nhìn mà đã đưa ra quyết định đỡ tốn kém và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, cuộc sống vẫn tồn tại những người bảo thủ, không chịu thay đổi để thích nghi, dễ rơi vào những suy nghĩ tiêu cực và dẫn đến những hành động lệch lạc. Từ nhận thức sâu sắc về ý nghĩa to lớn của việc cần phải thay đổi tầm nhìn và cách suy nghĩ, mỗi người cần tích cực phấn đấu rèn luyện trong học tập, trong cuộc sống, bồi dưỡng lòng tự tin, ý thức tự chủ, cố gắng thay đổi chính mình trước khi nghĩ đến việc thay đổi người khác và thế giới.
2.5. Đoạn văn mẫu số 5
Đề bài: Tóm tắt tác phẩm Góc nhìn bằng một đoạn văn ngắn.
GỢI Ý LÀM BÀI
Ngày xưa, có một vị vua đi vi hành đến những vùng đất xa xôi của đất nước. Trong chuyến đi đó, ông đã đi qua nhiều con đường gập ghềnh sỏi đá nên khi về chân ông rất đau. Sau đó, nhà vua bực tức và ra lệnh cho tất cả các con đường phải được bao phủ bằng da súc vật. Thật may, một người hầu khôn ngoan đã dũng cảm đứng ra ngăn cản và thay đổi được cách nhìn của nhà vua. Kết quả là nhà vua đồng ý cắt những miếng da bò phủ quanh đôi chân của mình. Vậy là đôi giày đầu tiên trong lịch sử đã ra đời.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----