YOMEDIA

Thuyết minh về con vịt

Tải về
 
NONE

Vịt là một loài vật nuôi quen thuộc đối với gia đình vùng nông thôn, hiện nay ngành chăn vịt cũng khá phổ biến và đem lại nhiều lợi nhuận cho người dân. Để giúp các em hiểu hơn về đặc điểm và tập tính loài vịt, đồng thời rèn luyện kĩ năng viết thuyết minh, HOC247 đã biên soạn và tổng hợp tư liêu văn mẫu Thuyết minh về con vịt dưới đây. Chúc các em học tập thật tốt!

ADSENSE

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

2.1. Mở bài:

- Vịt cũng là một loài vật nuôi vô cùng quen thuộc đối với con người, đặc biệt là đối với người nông dân.

- Ở Việt Nam, chăn nuôi vịt đã trở thành một ngành nghề riêng biệt đang rất phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cao, thịt vịt là loại thức ăn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và được rất nhiều người ưa thích.

2.2. Thân bài:

a. Nguồn gốc:

- Có nguồn gốc từ loài Vịt cổ xanh xuất hiện ở các nước Đông Nam Á cách đây vài ngàn năm, được xếp vào nhóm thủy cầm.

- Tên khoa học của vịt là Anas platyrhynchos domesticus thuộc họ Vịt (Anatidae), bộ Ngỗng (Anseriformes), ở Việt Nam, phổ biến nhất là giống vịt cỏ, hay còn gọi là vịt chạy đồng.

b. Đặc điểm:

- Vịt cỏ có nhiều màu lông khác nhau, điểm chung là loài vịt có một bộ lông mượt mà, dày và không thấm nước.

- Thân vịt nhỏ, ngực lép, cổ dài, mắt sáng linh động, chân cao, giữa các ngón có màng bơi, di chuyển khá nhanh và bơi khỏe, kiếm mồi cũng rất giỏi.

- Đặc điểm nổi bật nhất của vịt, cũng như toàn Bộ Ngỗng (Anseriformes) là chiếc mỏ dẹt, dài và khỏe, phần lớn chúng có màu vàng hơi cam, thuận tiện cho vịt xúc, rẽ nước tìm mồi.

- Con trống trưởng thành nặng 1,7kg, con mái nhẹ hơn khoảng vào 1,5kg

c. Sinh sản và phân bố:

- Vịt đẻ trứng quanh năm, con mái trưởng thành có thể đẻ từ 150-200 quả trứng mỗi năm, tỉ lệ thụ tinh của vịt rất cao tầm 94,3%, tỉ lệ trứng ấp nở thành con là 81,2%

- Thông thường, một con vịt nuôi từ 65-70 ngày là mọc đủ lông, 70-80 ngày là có thể giết thịt.

- Được nuôi nhiều ở các vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long.

d. Vai trò:

- Vịt cung cấp lông, thịt, trứng cho con người.

- Trong Đông y, là thức ăn bổ dưỡng dùng tư âm, dưỡng vị.

2.3. Kết bài:

- Vịt nhà là giống gia cầm quen thuộc, dường như đã trở thành một biểu tượng cho làng quê Việt Nam, đặc biệt là ở những vùng sông nước.

- Vịt không chỉ mang lại giá trị kinh tế nâng cao thu nhập cho người nông dân mà không phải tốn quá nhiều kỹ thuật chăn nuôi, mà còn đem lại những món ăn ngon, giúp mâm cơm Việt thêm đậm đà bản sắc.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Thuyết minh về con vịt

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

Vịt là loài gia cầm được người nông dân chăn nuôi từ lâu đời bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích. Hình ảnh từng đàn vịt khoảng vài chục con thong dong bơi lội trên mặt ao, mặt đầm hay hàng ngàn con sục sạo kiếm mồi, kêu ồn ã cả một quãng đồng là hình ảnh quen thuộc ở làng quê.

Các giống vịt chủ yếu của nước ta gồm vịt đàn hay còn gọi là vịt tàu, vịt cỏ. Loài này thân nhỏ, đầu và mỏ thanh tú, lông có nhiều màu: Đen, nâu, xám, xanh đen pha trắng trọng lượng chỉ độ 1kg đến 1,5 kg. Vịt đàn thường được nuôi thành từng đàn lớn, hàng trăm hay hàng ngàn con. Chúng có sức chịu đựng kham khổ và ít mắc bệnh, kiếm mồi rất giỏi trên đồng ruộng. Vịt đàn đẻ nhiều, trứng nhỏ nhưng ngon. Thịt vịt đàn được nhiều người ưa thích vì có vị ngọt đậm và thơm. Nông dân ở các vùng đồng bằng miền Bắc, miền Nam thường nuôi vịt đàn theo lối chăn thả tự nhiên từ trước đến nay.

Bên cạnh giống vịt đàn còn có giống vịt bầu. Vịt bầu lớn con hơn vịt đàn, cổ ngắn, chân thấp, lông nhiều màu, dáng đi lạch bạch. Thịt vịt bầu cũng mềm và ngọt nhưng nhiều mỡ hơn vịt đàn. Các gia đình nuôi vịt bầu vừa phục vụ cho nhu cầu sử dụng ngày giỗ, ngày Tết, vừa bán để tạo nguồn thu nhập quanh năm. Đồng bào miền Nam trước đây nuôi rất nhiều giống vịt cổ lùn, có những đặc điểm tương tự như vịt bầu ngoài Bắc, để tận dụng nguồn thức ăn phong phú từ kênh rạch và đồng ruộng.

Hiện nay, các trại chăn nuôi quốc doanh và tư nhân đầu tư khá lớn về mặt vật chất để nuôi giống vịt nhập từ nước ngoài vào, gọi là vịt siêu thịt. Vịt siêu thịt được nuôi theo kiểu công nghiệp trong chuồng trại, ăn cám hỗn hợp, được theo dõi và tiêm chủng thường xuyên. Trọng lượng của giống vịt này khá lớn, sau 3 tháng có thể đạt tới trên 3kg một con. Đặc điểm vượt trội của nó là chất lượng thịt đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, chế biến thành nhiều món ăn cao cấp.

Để việc chăn nuôi vịt ngày càng phát triển, đem lại hiệu quả cao, người nông dân phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc, từ khâu chọn giống đến chế độ dinh dưỡng, chuồng trại, vệ sinh phòng bệnh. Vịt là loài thủy cầm ăn tạp. Thức ăn của chúng gồm nhiều loại. Loại cung cấp nhiều protein có thóc, ngô, khoai, sắn, cám. Loại cung cấp chất khoáng có bột vỏ sò, bột xương. Thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cho vịt khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh, đẻ nhiều và chất lượng thịt cao.

Trong giai đoạn hiện nay, ngành chăn nuôi trong đó có chăn nuôi vịt đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Vịt là loài gia cầm đem lại nhiều lợi ích cho đời sống của con người, là nguồn thu nhập thường xuyên của nông dân.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Cũng như các động vật khác thì vịt cũng là một vật nuôi vô cùng quen thuộc đối với con người, đặc biệt là đối với người nông dân. Ở Việt Nam, chăn nuôi vịt đã trở thành một ngành nghề riêng biệt đang rất phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cao, thịt vịt là loại thức ăn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và được rất nhiều người ưa thích. Tuy nhiên không phải ai cũng có những hiểu biết căn bản về vịt.

Vịt nhà có nguồn gốc từ loài Vịt cổ xanh (tổ tiên của tất cả các giống vịt nhà), chúng xuất hiện các vùng ao đầm, phá của Châu Á, và xuất hiện ở các nước Đông Nam Á cách đây vài ngàn năm, được con người nuôi thả để cung cấp thức ăn và lông. Cũng giống như những họ hàng của chúng là thiên nga, ngỗng, ngan thì vịt được xếp vào nhóm thủy cầm (loài gia cầm sống, kiếm ăn dưới nước), phân biệt với các loài gia cầm khác là chim và gà. Chúng thuộc họ Vịt (Anatidae), bộ Ngỗng (Anseriformes), ở Việt Nam, phổ biến nhất là giống vịt cỏ, hay còn gọi là vịt chạy đồng.

Vịt cỏ có nhiều màu lông khác nhau, có con là trắng thuần, có con nâu pha xám, cũng có con màu đen nhạt, một số con khác còn có màu lông như màu cà cuống xem những đốm đen nhỏ. Nguyên nhân vịt nhà có nhiều màu lông như vậy là do quá trình nuôi thả, chúng bị lai tạp giữa nhiều giống khác nhau, nhưng có một điểm chung là loài vịt có một bộ lông mượt mà, dày và không thấm nước, giúp chúng nổi và không bị lạnh khi ở dưới nước lâu. Thân vịt nhỏ, ngực lép, cổ dài, mắt sáng linh động, chân cao, giữa các ngón có màng bơi, giúp vịt di chuyển dưới nước dễ dàng. Dáng đi của vịt lạch bạch, nhìn khá hài hước, nhưng chúng di chuyển khá nhanh và bơi khỏe, kiếm mồi cũng rất giỏi. Ngoài ra vịt cũng là một trong số ít các loài vừa có thể di chuyển trên cạn, bơi được dưới nước và còn biết bay bởi đôi cánh to khỏe, dù không bay được xa do thân nặng. Đặc điểm nổi bật nhất của vịt, cũng như toàn Bộ Ngỗng (Anseriformes) là chiếc mỏ dẹt, dài và khỏe, phần lớn chúng có màu vàng hơi cam, thuận tiện cho vịt xúc, rẽ nước tìm mồi. Về cân nặng, thông thường con trống trưởng thành nặng 1,7kg, con mái nhẹ hơn khoảng vào 1,5kg.

Vịt đẻ trứng quanh năm, con mái trưởng thành có thể đẻ từ 150 - 200 quả trứng mỗi năm, tỷ lệ thụ tinh của vịt rất cao tầm 94,3%, tỉ lệ trứng ấp nở thành con là 81,2%, với tỉ lệ như vậy vịt được xem là loài duy trì giống nòi tốt. Thông thường, một con vịt nuôi từ 65 - 70 ngày là mọc đủ lông, 70 - 80 ngày là có thể giết thịt. Trong những năm gần đây, vịt được nuôi nhiều ở các vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, nơi có nhiều các đầm, phá, sông, đặc biệt nơi đây là vựa lúa lớn nhất, nhì cả nước thế nên sau vụ thu hoạch, vịt nuôi thả có thể kiếm được nhiều thức ăn từ phần lúa gặt còn sót lại.

Về giá trị kinh tế, vịt cỏ những năm gần đây ngày càng chiếm sản lượng lớn trong tổng sản lượng gia cầm cung cấp thực phẩm cho cả nước và xuất khẩu. Thịt vịt có hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu protein, sắt, phốt pho, canxi cùng nhiều loại vitamin khác, khi ăn có vị ngọt, dai và thơm, có thể chế biến nhiều món ăn từ dân dã đến cao cấp. Trong Đông y thịt vịt có vị ngọt, tính hàn dùng để bổ âm, dưỡng vị, có tác dụng bổ dưỡng, hợp với người mắc chứng âm hư nội nhiệt, mắc chứng nhiệt lâu ngày. Không chỉ thịt có giá trị, trứng vịt cũng là một loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày, ngoài ra trứng còn được dùng trong việc tạo ra các loại bánh.

Vịt nhà là giống gia cầm quen thuộc, dường như đã trở thành một biểu tượng cho làng quê Việt Nam, đặc biệt là ở những vùng sông nước. Vịt không chỉ mang lại giá trị kinh tế nâng cao thu nhập cho người nông dân mà không phải tốn quá nhiều kỹ thuật chăn nuôi, mà còn đem lại những món ăn ngon, giúp mâm cơm Việt thêm đậm đà bản sắc. Về vùng sông nước không một lần nếm món vịt luộc chấm mắm gừng quả là đáng tiếc.

----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF