YOMEDIA

Thuyết minh về cây hoa mai

Tải về
 
NONE

Mỗi dịp Tết đến xuân về, trăm hoa đua sắc, trong đó phải nhắc đến hoa mai, loài hoa không thể thiếu trong Tết cổ truyền ở Việt Nam. Người ta yêu quý không chỉ vì nó đẹp mà nó còn mang nhiều ý nghĩa văn hoá. Mời các em cùng tham khảo tài liệu văn mẫu Thuyết minh về cây hoa mai dưới đây để có thêm kiến thức về cây hoa mai. Chúc các em học tập thật tốt!

ADSENSE

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

1. Mở bài

●      Mở bài giới thiệu hoa mai: Miền Bắc có hoa đào thì miền Nam có hoa mai, mỗi loại hoa có những vẻ đẹp riêng mà không có gì có thể so sánh.

2. Thân bài

a. Nguồn gốc cây hoa mai, các loại hoa mai

●      Mai vàng: cuống dài treo lơ lửng mọc trên cành, cánh hoa mỏng, màu vàng.

●      Mai tứ quý: mai nở hoa quanh năm.

●      Mai trắng: hoa mai mới nở màu hồng nhạt, khi nở hoa có mùi thơm.

●      Mai ghép: ghép từ nhiều loại khác nhau.

b. Cách chăm sóc cây mai

●      Cây mai là loại cây ưa ánh nắng, đất khi trồng luôn ẩm.

●      Từ 15 tháng chạp người trồng phải tuốt lá cho mai, chăm bón và tưới nước để hoa mai nở đúng dịp tết nguyên đán.

c. Ý nghĩa trong ngày tết

●      Các nhà vườn trong dịp tết đều bán hoa mai làm đẹp cho những ngày tết.

●      Hoa mai chơi trong nhà vừa làm đẹp vừa mang lại may mắn cả năm.

3. Kết bài

●      Hoa mai nở là hình ảnh đẹp trong những ngày tết nguyên đán. Hoa mai tô điểm thêm sắc đẹp trong ngày tết đồng thời mang đến một mùa xuân an lành, may mắn

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Thuyết minh về cây hoa mai

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

Hoa mai vốn sinh trưởng ở núi rừng, nó mang cái vẻ đẹp của núi rừng hoang sơ độc đáo. Mãi cho đến sau này, trải qua sự thẩm định vẻ đẹp với thời gian nó được con người phát hiện ra và trân trọng nó như người bạn thân thiết.

Mai có nhiều loại khác nhau nhưng nổi bật nhất là mai vàng và bạch mai. Bởi được sinh ra từ núi rừng nên mai rất dễ trồng và phát triển cũng nhanh.

Tuy thể lực cường tráng là vậy nhưng thân hình của cây mai lại rất mỏng manh, đơn sơ nên được người ta xếp vào loại cây cảnh quý. Cây cảnh quý thường được trồng trong vườn nhà, như thể hiện sự nâng niu với cái đẹp.

Mỗi năm hoa mai chỉ nở đúng một lần, nó và hoa đào đều nở cùng vào dịp Tết nguyên đán của dân tộc, vốn cái dáng vẻ đã chứa nhiều ý nghĩa nay thêm việc nở hoa duy nhất vào dịp Tết đến, hoa mai và hoa đào lại càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Xuân đến Tết về, năm nào cũng như năm nào trong mỗi gia đình miền Nam đều cố gắng sắm sửa cho mình một cây mai đặt trong nhà, mai màu vàng đặt trong nhà vào ngày Tết như thể hiện sự may mắn cho một năm mới của gia chủ. Ngoài chuyện hoa mai như tô điểm thêm cho Tết một màu sắc đặc biệt, một không khí ấm áp, thấm đẫm tình yêu thương giữa người với người, thì hoa mai còn được dùng để làm thuốc trong y học giống như hoa đào. Ta thấy được nét chung cho hai loài hoa đặc trưng của dân tộc đó là vừa mang lại giá trị về tinh thần vừa mang đến giá trị vật chất hiện hữu, mang nét đặc sắc riêng nhưng không hề rời xa thực tại.

Đông tàn, xuân đến cho loài hoa đâm chồi nảy lộc. Xuân đến mang theo những bông hoa mai nở rộ vươn lên từ đất mẹ, mang trong mình tất cả những gì trong trắng, duyên dáng, hồn nhiên nhất, cho dù là bây giờ hay mãi mãi về sau này.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Bàn về nét văn hóa Việt Nam không thể quên ngày Tết. Tết được coi là ngày lễ quan trọng nhất trong một năm của người Việt. Ngày Tết là dịp để cả gia đình quần tụ, sum vầy, đón chào những thời khắc thiêng liêng của thời gian. Không khí ngày Tết không thể thiếu được mùi vị của bánh chưng và màu sắc của những cành mai đối với Nam Bộ và cành đào đối với miền Bắc.

Sở dĩ mai là biểu trưng ngày Tết của miền Nam là bởi khí hậu miền Bắc Việt Nam rất khác so với vùng này. Do chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa Đông Bắc nên những ngày Tết ở miền Bắc thường lạnh, vì thế mà không có hoa mai. Cây hoa mai từ lâu đã trở thành biểu tượng không thể thiếu của mỗi gia đình mỗi dịp Tết đến xuân về. Hoa mai có rất nhiều loại. Có mai vàng, mai tứ quý, mai trắng, mai chiếu thủy, mai ghép...

Mai vàng là loại phổ biến nhất, đẹp nhất. Đúng như tên gọi của nó, mai vàng có nụ nở thành từng chùm, có cuống dài treo lơ lửng mọc trên cành, cánh hoa mỏng, màu vàng tươi, có mùi thơm kín đáo. Mai tứ quý thì lại khác. Mai tứ quý là loại mai nở quanh năm, sau khi cánh hoa tàn và rụng hết, còn lại hai đến ba hạt nhỏ dẹt đen bóng. Lá nhỏ lăn tăn là mai chiếu thủy. Loại này có mùi thơm ngát về đêm. Mai chiếu thủy rất được ưa chuộng trồng ở những nơi ẩm như hòn non bộ.

Cách chăm sóc hoa mai không quá phức tạp. Hoa mai ưa ánh nắng, độ ẩm vừa phải. Vì thế mà hoa mai thường được trồng ở những nơi đón nắng nhiều nhất. Cũng vì lí do này mà khí hậu miền Bắc không thích hợp cho mai phát triển. Mai có thể được trồng trong chậu hoặc tại vườn đều được. Điểm chú ý khi chăm sóc mai đó là mai không cần đất quá ẩm.

Mặc dù yêu ánh nắng, nhưng mai không thích đất khô hoặc úng nước. Nên, người trồng thường xuyên phải để ý kiểm tra độ ẩm của đất để cung cấp nước cho phù hợp. Đặc biệt, để hoa nở đúng vào những ngày Tết hoặc thời điểm mà người trồng mong muốn, trước đó họ phải tuốt hết lá trên cây mai để nụ hoa đâm ra nhanh chóng nở khoe sắc. Thường là trước thời điểm nở khoảng 2 tuần.

Sau khi tuốt lá, người trồng phải đặc biệt chú ý chăm sóc mai cẩn thận để mai có thể ra hoa đúng như kế hoạch. Cần chú ý cả lượng nước lẫn ánh nắng chiếu vào. Mai là loài cây sống mạnh, được coi là giống cây dễ trồng nhất. Cây mai không kén đất trồng, bất cứ loại đất nào mai cũng có thể sinh sôi nảy nở được, trừ đất nghèo không thể trồng được loài cây nào mà thôi.

Mai sinh trưởng tốt nhất ở đất thịt nhẹ nhiều chất hữu cơ, không bị nhiễm mặn, chua, nhiễm phèn hoặc hóa chất độc hại. Chỉ duy nhất một điều cần chú ý đó là mai rất sợ úng nước. Mai bị ngập nước quá lâu sẽ héo dần rồi chết. Thân cây mai sần sùi khá giống các loại cây cổ thụ. Không giống cây đào thân mảnh và mỏng, thân cây mai chắc chắn và dày hơn. Lá mai tròn nhỏ, không dài như lá cây đào.

Mai sống tốt và thích hợp nhất ở khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ khoảng 27 đến 32 độ C. Xuất xứ từ loài cây hoang dại, mai có khả năng thích ứng tốt với khí hậu nhiệt đới đặc biệt là khí hậu có hai mùa mưa – nắng rõ rệt như ở miền Nam. Cây mai có tuổi thọ cao, được chăm sóc tốt sẽ sinh trưởng nhanh và ra hoa sớm. Cây mai rụng lá mỗi năm một lần, nở hoa vào mùa xuân khoảng tháng 2 dương lịch. Riêng hoa mai tứ quý thì nở quanh năm.

Hoa mai đứng đầu trong bộ tứ bình, là sức sống, là cái hồn của mùa xuân Việt Nam. Đến cận kề ngày xuân, ra phố nhìn thấy cánh mai vàng, sắc vàng của hoa mai là không khí Tết đã rộn ràng lan tỏa đến mọi nhà. Từng chùm, từng chùm mai mọc quấn quýt lấy nhau tạo một tổng thể trang nhã, rực rỡ. Màu vàng hoàng tộc của hoa mai đã khiến cho nó mang một vẻ đẹp quyền quý cao sang.

Hoa mai có hương thơm thoang thoảng, nhẹ nhàng, kín đáo, xoa dịu lòng người. Vì thế mà không chỉ có tác dụng trang trí trong nhà đặc biệt là các dịp lễ tết, hoa mai còn là một món quà vô cùng ý nghĩa tặng người thân, bạn bè nhân dịp đầu năm mới. Ngày xuân sum họp, mọi người quây quần bên nhau, con cháu xa quê về thăm ông bà cha mẹ không quên mang một cành mai về làm quà cho gia đình.

Những lời chúc tốt đẹp cho năm mới sẽ ý nghĩa hơn, trọn vẹn hơn khi có bóng dáng hoa mai làm điểm nhấn. Hoa mai không chỉ có giá trị thẩm mỹ cao mà còn mang giá trị tinh thần sâu sắc của người Việt. Nguyễn Du đã lấy hình ảnh cây mai làm thước đo của sắc đẹp khi miêu tả vẻ đẹp cả hai chị em Thúy Vân Thúy Kiều: "Mai cốt cách tuyết tinh thần". Mang vẻ đẹp thanh khiết và tao nhã, mai đã trở thành biểu tượng đẹp trong mắt con người. Sắc mai vàng rực rỡ đón nắng luôn là hình ảnh khó phai trong lòng mỗi người dân đất Việt.

Hoa mai là biểu tượng của ngày Tết, là thước đo sắc đẹp, là niềm tự hào của người dân Việt đặc biệt là người dân xứ Sài Gòn. Không ai có thể phủ nhận vẻ đẹp của mai cũng như quên được màu sắc hoàng gia của nó. Ngày nay, người miền Bắc cũng rất thích để cây mai trong nhà vào dịp Tết, mặc dù không hợp khí hậu nhưng ai cũng muốn trong nhà mình có hình ảnh của cây mai, cành mai, hoa mai. Bởi vậy mới nói, hoa mai là niềm tự hào của người dân Việt.

3.3. Bài văn mẫu số 3

Mỗi dịp xuân về, ngàn hoa lại khoe sắc. Trong muôn ngàn loài hoa rực rỡ sắc hương ấy có một loài hoa rất đỗi quen thuộc với người Việt Nam: hoa mai vàng.

Mai vàng thuộc họ hàng mai, vốn là một loài cây hoang dã, mọc nơi núi rừng với dáng vẻ tự nhiên mà quyến rũ. Trải qua thời gian cùng với nhu cầu thưởng ngoạn, trao gửi tâm linh, con người đã phát hiện, thuần dưỡng và xem mai như một người bạn thân thiết, tao nhã.

Mai có dáng vẻ thanh cao. Thân cây mềm mại, lá xanh biếc, dịu dàng, hoa tươi, rực rỡ. Cây mai thường trút lá vào mùa đông và ra hoa vào mùa xuân. Hoa nở thành từng chùm, có cuốn dài treo lơ lửng trên cành, thoảng mùi thơm e ấp, kín đáo. Mỗi nụ hoa thường có năm cánh. Cá biệt có hoa tới những chín, mười cánh. Dân gian vẫn tin rằng năm mới nhà nào có cành mai như vậy là dấu hiệu của điềm lành, của một năm thịnh vượng, an khang.

Mai thuộc loại dễ trồng và cũng dễ chăm sóc. Người ta thường trồng mai bằng cách chọn những hạt mai nhín mẩy, phơi khô rồi đem gieo vào đất ẩm, có thể gieo trong chậu hoặc ngoài vườn. Nó ưa đất ẩm và ánh sáng nhưng không chịu được úng. Vì vậy cần trồng cây mai nơi cao ráo và phải thường xuyên tưới nước cho cây. Nếu trồng trong chậu thì cần chú ý bón phân và thay đất hàng năm. Nếu chăm sóc tốt thì khoảng 5 - 7 năm mai có thể cho hoa. Để có một chậu hoa đẹp thường chú ý cắt nhánh, uốn cành, tạo thế để có được những chậu mai có hình dạng độc đáo, mang ý nghĩa sâu sắc, đậm chất triết lí Á Đông. Để mai ra hoa đúng vào ba ngày Tết, người trồng mai thường phải chú ý trút lá và canh thời tiết. Năm nào thời tiết nắng ấm thì trút lá trước Tết khoảng hai mươi lăm ngày. Năm nào rét đậm thì phải trút lá sớm hơn.

Từ lâu cây mai đã đi vào đời sống tinh thần của người Việt Nam. Tương truyền rằng chúa Nguyễn Hoàng lúc di dân vào miền Nam lòng vẫn không nguôi nỗi nhớ thương cành đào xứ Bắc nên mỗi độ xuân về lại dùng cành mai thay thế. Có lẽ thú chơi mai ngày Tết của người Việt ra đời từ đó. Đối với người Việt Nam, nhất là người miền Trung và miền Nam, mai thường là một thứ hoa thường không thể thiếu trong ngày Tết. Ba ngày xuân, ai cũng muốn có một cành mai đẹp trong nhà, vừa để tô điểm sắc xuân, vừa để cầu mong những điều tốt đẹp. Cùng với hoa đào miền Bắc, hoa mai trở thành hiện thân của mùa xuân phương Nam. Mai, trúc, cúc, tùng là biểu tượng của bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du đã viết: “Nghêu ngao vui thú yên hà/Mai là bạn cũ, hạc là người quen”. Mai là biểu tượng của người quân tử, là bạn tâm giao của những người thanh lịch, tao nhã.

Mai là một cây quý của người Việt Nam. Hiểu biết về cây mai sẽ giúp chúng ta khám phá ra bao điều thú vị để từ đó càng thêm yêu quý, nâng niu trân trọng và biết cách làm tôn vinh giá trị của mai, góp phần làm cho ngàn hoa của xứ sở luôn rực rỡ sắc hương.

----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------

 

ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF