Dạng đề thuyết minh về một loại cây thường được sử dụng trong các đề thi và đề kiểm tra lớp 8. Để giúp các em rèn luyện viết loại văn thuyết minh này đồng thời có thêm tư liệu ôn tập, HOC247 đã biên soạn và tổng hợp tư liêu văn mẫu Thuyết minh về cây cao su dưới đây. Chúc các em học tập vui vẻ!
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài:
- Dẫn dắt và giới thiệu về đối tượng cần thuyết minh: cây cao su
2.2. Thân bài:
* Nguồn gốc cây cao su:
+Xuất hiện ở khu vực rừng Amazon.
* Đặc điểm hình dáng cây cao su:
+ Thân: cao thẳng, thân gỗ tròn cao từ 15 đến 20 mét.
+ Lá: xanh đậm, tán lá rộng.
+ Rễ cọc , ăn sâu vào lòng đất.
* Đặc điểm thích nghi:
+ Môi trường rừng nhiệt đới ẩm.
+ Nhiệt độ thấp , mưa nhiều.
+ Sự phân bố: Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, trung tâm phía Bắc, duyên hải miền Trung…
* Cách trồng và chăm sóc:
+ Trồng phù hợp với đặc điểm của cây.
+ Chăm sóc hợp lý để cây có thể phát triển tốt.
+ Khoét thân lấy nhựa cây.
* Vai trò:
+ Loại cây công nghiệp lâu năm.
+ Lợi ích lợi nhuận mang lại cao.
+ Cải thiện nâng cao đời sống con người.
+ Phát triển kinh tế quốc dân.
+ Bảo đảm an ninh quốc phòng….
2.3. Kết bài:
- Khẳng định lại một lần nữa vai trò của cây cao su đối với con người.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Thuyết minh về cây cao su
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Cuộc sống là một dòng chảy với những tiến bộ, những đổi mới không ngừng với những sáng tạo, phát minh giúp ích cho con người trong mọi công việc. Với cuộc sống hiện đại, vật dụng làm từ cao su chẳng còn quá xa lạ nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu rõ về cây cao su, nguyên liệu tạo ra những sản phẩm ấy. Liệu chăng các bạn đã thực sự hiểu rõ về loài cây này? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Cây cao su được biết đến là một loài cây thân gỗ thuộc họ Đại kích. Cao su đem lại nguồn lợi nhuận kinh tế lớn, phần nhiều là do nhựa cây, hay còn được gọi là mủ cao su. Một cây cao su trưởng thành có thể cao tới 30 mét. Chỉ khi mới đạt đến độ tuổi 5,6 năm, cây cao su đã được người ta khai thác để lấy mủ. Nếu như các mạch nhựa mủ ở vỏ cây thường tạo thành một vòng xoắn ốc thì khi khai thác, người ta rạch những vết cắt vuông góc với mạch nhựa mủ với một độ sâu hợp lí để vừa làm nhựa mủ chảy ra nhưng đồng thời không gây tổn hại đến sự phát triển của cây. Hoạt động khai thác này nhiều khi được gọi là cạo mủ cao su. Dựa vào giống, địa điểm trồng, cách chăm sóc và khai thác, ta có thể nhận biết được lượng mủ cao su khai thác được. Một cây cao su trung bình có chu kỳ khai thác kéo dài từ 20 đến 25 năm.
Tìm hiểu về đặc tính của cây cao su, ta cũng bắt gặp rất nhiều thông tin thú vị. Ngoại trừ ba tháng cây thay lá, khoảng thời gian còn lại trong năm ta đều có thể thu hoạch được nhựa mủ cao su. Vốn dĩ thời gian cây thay lá có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến sinh lý cây cũng như năng suất, nên cây thường được người ta khai thác từ tháng ba năm trước và kết thúc vào tháng một năm sau. Cây cao su mang bộ rễ cọc cắm sâu vào lòng đất để chống sự khô hạn, giữ vững thân cây và hấp thụ dinh dưỡng từ đất. Vỏ cây nhẵn, có màu nâu nhạt. Lá cao su thuộc loại lá kép, mỗi năm thay lá một lần nhưng lại có hoa đơn. Vùng nhiệt đới ẩm với nhiệt độ trung bình cao, mưa nhiều chính là nơi phù hợp nhất cho loài cây này phát triển. Trước đây, cây cao su thường được trồng và sinh trưởng tự nhiên bằng hạt nhưng do yêu cầu về chuyên canh, nhiều cây cao su hiện nay được nhân bản vô tính bằng phương pháp ghép mắt trên gốc cây sinh trưởng bằng hạt tự nhiên.
Một điểm đặc biệt cần lưu ý về cao su là đây là một loài cây độc. Ban ngày hay ban đêm, việc trao đổi khí đều đem lại nguy hiểm cao nên mọi người thường tránh xây dựng, sinh hoạt trong rừng hoặc những khu gần rừng trồng cao su bởi vì cây hấp thụ oxi cao, dễ gây hiện tượng hiếm khí. Bên cạnh đó, mủ của cây cao su cũng là một chất lỏng rất độc có thể gây hại với môi trường, đặc biệt là nguồn nước tại những nơi khai thác hoặc gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bất cứ những ai tham gia khai thác lấy mủ cao su.
Cây cao su cũng khá phổ biến ở Việt Nam, cây được trồng nhiều nhất tại vùng Tây Nguyên với khí hậu, đất đai phù hợp. Cây cao su là mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, đem lại những giá trị kinh tế cao. Hiện nay, những sản phẩm làm từ cao su rất phổ biến và mủ cao su là nguyên liệu chủ lực để sản xuất nên cao su tự nhiên. Găng tay, lốp xe, đồ chơi…đó đều là những mặt hàng được làm rất nhiều từ cao su, đem lại lợi ích kinh tế cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho con người. Cho dù cây cao su có một vài những điểm trừ có thể gây hại cho con người, song sản phẩm làm từ nguyên liệu này vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống con người, đồng thời góp phần vào quá trình phủ xanh đất trống đồi trọc không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều vùng khác trên thế giới.
Cao su là một loài cây quen thuộc đem lại nhiều giá trị kinh tế cao. Thực trạng lâm tặc khai thác rầm rộ hiện nay yêu cầu một giải pháp kịp thời để có thể bảo vệ loài cây này. Trồng, chăm sóc và khai thác hợp lí cũng là cách hữu hiệu mà mỗi chúng ta cần cân nhắc và kiên trì thực hiện.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Trong những cây công nghiệp có giá trị kinh tê cao của nước ta, cây cao su chiếm vị thế vô cùng quan trọng.
Cây cao su bắt nguồn từ loài cây ở vùng lưu vực sông Amazon, đến năm 1878,những cây cao su đầu tiên được du nhập vào Việt Nam dưới sự vận chuyển của thực dân Pháp và được ươm trồng ở một vườn ươm riêng, nay được gọi là Thảo Cầm Viên. Đến nay, cây cao su là loài cây được trồng phổ biến ở khắp mọi tỉnh thành trên cả nước, từ vùng duyên hải miền Trung đến vùng núi phía Bắc. Diện tích trồng cao su của nước ta tính đến năm 2017 đã đứng thứ 3 trên toàn thế giới với tổng diện tích là 969.000 ha. Cây cao su thuộc họ Thầu Dầu, thích hợp với môi trường sống ở các vùng khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa nhiều. Thân cao thẳng với chiều dài thân từ 15 đến 30 mét, to khoảng 0,5 đến 1 mét. Cao su là loài cây rễ cọc, rễ cắm sâu vào lòng đất để dễ hút nước và chất dinh dưỡng cung cấp cho các bộ phận của cây. Lá cây cao su là lá kép, màu xanh thẫm, cứ đến tháng 12 hàng năm cây sẽ thay lá một lần. Cây cao su là loài cây ra hoa. Hoa cao su không mọc thành khóm hay chùm mà mọc riêng lẻ. Sau khi hoa rụng sẽ kết quả. Quả cao su hình bầu dục hoặc hình cầu, màu xanh nhạt hơn lá một chút.
Hiện nay, người ta nhân giống vô tính cây cao su bằng cách ghép mắt chồi và trồng như một giống phổ biến khắp cả nước. Tùy vào khả năng chăm bón và điều kiện khí hậu, một cây cao su có thể mất 5 đến 6 năm để trưởng thành đến giai đoạn lấy mủ. Tuy thế, thời gian khai thác mủ của một cây cao su kéo dài rất lâu, từ 20 đến 25 năm. Sau khi khai thác triệt để mủ cao su, người ta có thể đem thân cây dùng như gỗ gia dụng hàng ngày. Có nghĩa là, suốt một vòng đời khoảng 30 năm của mình, cây cao su được tận dụng triệt để những công dụng của nó. Dù vẫn có thể được sử dụng với mục đích lấy gỗ với nhu cầu thị trường đang ngày một cao lên, nhưng mủ cao su mới là trọng tâm trong giá trị kinh tế của cây cao su. Mủ cao su được lấy bằng cách cắt nghiêng 32 độ trên vỏ cây, sản phẩm mủ sẽ được chuyển đến các nhà máy và được chế biến thành thành phẩm. Có rất nhiều mặt hàng được làm từ mủ cao su, từ găng tay y tế, băng chuyền đến lốp xe các loại… Chính bởi giá trị kinh tế cao của nó , cao su là loại cây được trồng rất nhiều trên diện tích lớn ở vùng núi nhằm xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng sâu vùng xa nước ta. Bên cạnh lợi ích to lớn về kinh tế, việc khai thác cây cao su nói chung và khai thác mủ cao su nói riêng gây ra những ảnh hướng xấu vô cùng đến môi trường. Chất thải, khí thải trong quá trình khai thác và chế biến mủ cao su tác động xấu đến không khí và tầng ozone, thậm chí là chính sức khỏe của những người dân lao động kiếm sống nhờ loài cây này. Chính vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải tìm ra giải pháp thích hợp để bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân lao động.
Cùng với tiềm năng kinh tế to lớn cần được khai thác của cây cao su, ta cần tìm ra những giải pháp khắc phục những mặt xấu trong quá trình chế biến chúng, chỉ có thế ta mới có thể biến cây cao su trở thành cây hoàn toàn có ích, không gây hại đến bất cứ phương diện nào của cuộc sống.
----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------