YOMEDIA

Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật Sọ Dừa

Tải về
 
NONE

Xin giới thiệu đến các em học sinh lớp 6 bài văn mẫu Phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật Sọ Dừa dưới đây. Với bài văn mẫu này sẽ giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn phát biểu cảm nghĩ về một nhân vật trong truyện mà em yêu thích. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Kể lại truyện Sọ Dừa bằng lời văn của em.

ATNETWORK

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam, truyện cổ tích chiếm một số lượng khá lớn.

- Truyện cổ tích gắn liền với tuổi thơ của mỗi người qua lời bà, lời mẹ kể. Nội dung của truyện rất đời thường và các yếu tố thần kì trong truyện làm cho nội dung câu chuyện thêm lí thú và hấp dẫn.

- Sọ Dừa là một trong những truyện cồ tích hay nhất, có sức sống lâu bền trong lòng mỗi người dân đất Việt, nhất là trong lòng tuổi thơ.

b. Thân bài:

* Cảm nghĩ về nội dung của truyện Sọ Dừa:

- Sọ Dừa là truyện cổ tích về người mang lốt vật, kiểu nhân vật khá phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới. Nhân vật chính có hình hài dị dạng bị mọi người xem thường nhưng lại có vẻ đẹp tuyệt vời về tài năng lẫn phẩm chất.

- Sọ Dừa có ngoại hình thật xấu xí. Sọ Dừa là “đứa bé không chân không tay, tròn như một quả dừa”. “Lớn lên, Sọ Dừa vẫn cứ lăn lông lốc, chẳng làm được việc gì”. Rõ ràng hình hài của Sọ Dừa dị dạng, không giống với hình hài của bất cứ đứa trẻ bình thường khác. Phải chăng, tác giả dân gian đã cho Sợ Dừa mang một hình hài dị dạng, xấu xí để rồi làm nổi bật lên phẩm chất bên trong tốt đẹp của chàng trai này.

- Đối lập với ngoại hình xấu xí, dị dạng là một tâm hồn cao đẹp, một tài năng và sự thông minh của Sọ Dừa. Chính những lần thử thách là những tình huống cho Sọ Dừa bộc lộ tài năng và sự thông minh đến bất ngờ

+ Sọ Dừa đi chăn bò cho nhà phú ông. Chàng chăn bò rất giỏi “hàng ngày, Sọ Dừa lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò về chuồng. Ngày nắng củng như ngày mưa, bò con nào con nấy bụng no căng”. Chàng trút hết Sọ Dừa biến thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú. Chàng đi chăn bò mà như đang đi ngoạn cảnh. Chàng ngồi trên võng thổi sáo. Tiếng sáo du dương. Còn đàn bò thì thủng thẳng gặm cỏ.

+ Sọ Dừa thật có tài biến hóa. Chàng giục mẹ đến hỏi con gái phú ông làm vợ. Phú ông thách cưới thật ngoài sức tưởng tượng của người mẹ nghèo: “Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây”. Thực sự, phú ông đâu muốn gả con gái cho một người có hình hài dị dạng như Sọ Dừa nên đã thách cưới như vậy. Nào ngờ, đúng ngày hẹn, Sọ Dừa đã chuẩn bị đầy đủ những lễ vật mà phú ông yêu cầu cho mẹ đem sang nhà phú ông. Lễ cưới được tổ chức linh đình trước sự ngạc nhiên của mọi người. Sọ Dừa trút lốt và biến thành một chàng trai tuyệt vời sánh vai bên người vợ hiền, tốt bụng.

- Sự tài giỏi và thông minh của Sọ Dừa được thể hiện qua việc Sọ Dừa thi đỗ trạng nguyên và việc Sọ Dừa chuẩn bị những vật dụng cần thiết để cho vợ phòng thân khi chàng đi sứ xa nhà:

+ “Sọ Dừa ngày đêm miệt mài đèn sách, chờ khoa thi. Năm ấy, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên.

+ Khi đi sứ, lúc chia tay “quan trạng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà, dặn phải giắt luôn trong người phòng khi dùng đến”.

- Các chi tiết trên khẳng định một điều: Sợ Dừa rất thông minh và tài giỏi.

- Tình thương dành cho người bất hạnh được thể hiện rất rõ qua nhân vật cô con gái út của phú ông. Cô út hiền lành, hay thương người. Cô đối đãi với Sợ Dừa rất tử tế. Ngay cả khi chưa phát hiện Sọ Dừa là một chàng trai khôi ngô tuấn tú thì cô cũng là người thường đem cơm cho Sọ Dừa ăn. Cô trân trọng chàng trai có hình hài dị dạng chứ không kiêu kì, hắt hủi Sọ Dừa như hai cô chị. Khi đã phát hiện Sọ Dừa không phải là người phàm trần, cô đem lòng yêu, có của ngon, vật lạ đều đem giấu cho chàng. Nhờ tình yêu chân thành, cô út đã nhìn rõ phấm chất, đức độ của Sọ Dừa.

- Sự phát hiện của cô út về vẻ đẹp bên ngoài lẫn tâm hồn của Sọ Dừa cũng chính là sự nhìn nhận sâu sắc của nhân dân ta về những con người bất hạnh. Sọ Dừa từ một con người hình hài xấu xí, dị dạng, từ thân phận thấp hèn đã trở thành một chàng trai tuấn tú, thông minh, tài giỏi. Điều đó thể hiện niềm khát khao của nhân dân ta về sự công bằng trong xã hội: người hiền lành, tài năng phải được hưởng hạnh phúc.

* Cảm nghĩ về nghệ thuật của truyện Sọ Dừa:

- Yếu tố thần kì là một trong những nguyên nhân tạo nên sức hấp dẫn của truyện cổ tích Sọ Dừa

+ Người mẹ nghèo thụ thai là do uống nước mưa đựng trong một cái sọ dừa bên gốc cây to. Ngay đầu truyện, các tác giả dân gian đã đưa ra một yếu tố kì ảo. Điều đó vừa báo hiệu một sự khác thường tiếp theo vừa có sức hấp dẫn thu hút người nghe.

+ Đứa bé được sinh ra không như những đứa trẻ bình thường khác. Bé không chân, không tay, tròn như một quả dừa. Hình hài của đứa bé thật là dị dạng. Phải chăng, hình hài dị dạng, xấu xí ấy đang ẩn chứa một điều kì thú, phi thường nào đó.

+ Sọ Dừa biến thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú ngồi thổi sáo trên võng trong lúc chăn bò. Sự lột xác của Sọ Dừa càng làm cho ta say sưa theo dõi xem điều gì khác lạ có thế tiếp tục xảy ra. Thì ra, hình hài tròn như Sọ Dừa ấy chi là cái vỏ bọc xấu xí bên ngoài. Con trong cái vỏ bọc mới là điều quan trọng.

+ Đến ngày hẹn mang những lễ vật mà phú ông đã yêu cầu, Sợ Dừa chuẩn bị chẳng thiếu một thứ gì. Điều đó chứng tỏ Sọ Dừa có một sức mạnh tiềm tàng mà nó chỉ thể hiện trong những tình huống cần thiết.

+ Sọ Dừa trở thành chàng trai khôi ngô sánh vai bên người vợ hiền lành tốt bụng trong ngày cưới cũng là một điều thần kì thấm đẫm giá trị nhân văn. Những người có thân phận thấp kém, có ngoại hình dị dạng, xấu xí như Sọ Dừa, những người hiền lành tốt bụng như cô gái út của phú ông là những người rất xứng đáng được hưởng hạnh phúc...

- Những hình ảnh xuất hiện trong tác phẩm dân gian Sọ Dừa là những hình ảnh thân quen gần gũi với cuộc sống của người lao động. Đó là hình ảnh đàn bò, hòn đá lửa, quả trứng gà, con dao, cái võng, bụi cày,...

c. Kết bài:

Truyện cổ tích Sọ Dừa đã cho em những bài học đáng quý:

- Khi quan sát, nhận xét về một con người, ta không nên chỉ nhìn bề ngoài mà đánh giá. Từ xa xưa, cha ông ta đã nhắc nhở chúng ta bằng những câu tục ngữ chí lí: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.

- Truyện đề cao lòng nhân ái đối với những con người bất hạnh. Lòng nhân ái sẽ giúp cho những người bất hạnh có được hạnh phúc và chính người giàu lòng nhân ái cũng rất hạnh phúc khi được giúp đỡ người khác.

- Truyện Sọ Dừa còn thế hiện được niềm tin và niềm lạc quan của người lao động. Sống là phải có niềm hi vọng, niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của sự công bằng rằng lẽ phải, cái đúng, cái thiện bao giờ cũng chiến thắng cái sai, cái độc ác…

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết một bài văn ngắn phát biểu cảm nghĩ của em về nhân vật Sọ Dừa.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Sọ Dừa là truyện cổ về người mang lốt vật, được truyền tụng lâu đời trong dân gian. Truyện thể hiện ước mơ đổi đời, mong muốn những điều tốt đẹp, hạnh phúc sẽ đến với người hiền lành, lương thiện và khát vọng công lí của người xưa. Truyện còn đặt ra bài học về cách đánh giá con người: Đừng nhìn hình thức bên ngoài mà vội nhận xét bản chất bên trong. Bài học ấy được gửi gắm qua hình ảnh chàng Sọ Dừa dị dạng mà tài đức vẹn toàn.

Sự ra đời của Sọ Dừa có nhiều nét khác thường. Bà mẹ đi rừng khát nước, uống nước trong một cái sọ dừa rồi có thai sinh ra đứa con chỉ có cái đầu tròn lông lốc, thân mình, chân tay chẳng có. Bà mẹ chỉ vì thương con nên giữ lại nuôi và đặt tên là Sọ Dừa.

Các tình tiết li kì về sự ra đời và hình dạng khác thường của Sọ Dừa thể hiện sự quan tâm của nhân dân đến một loại người đau khổ nhất, số phận thấp hèn nhất trong xã hội. Đau khổ, thấp hèn từ dáng vẻ bề ngoài, lại bị coi là “vô tích sự”. Hình ảnh cái đầu tròn lông lốc gợi sự thương cảm sâu xa của mọi người đối với nhân vật này.

Sọ Dừa dù lớn cũng không khác gì lúc nhỏ, lúc nào cũng lăn lông lốc trong nhà, không làm được việc gì, khiến cho bà mẹ phải lên tiếng than phiền “Con nhà người ta bảy, tám tuổi đã đi ở chăn bò. Còn mày chẳng được tích sự gì”. Tuy nhiên, Sọ Dừa không phải là người “không được tích sự” gì như bà mẹ cũng như mọi người suy nghĩ. Ở Sọ Dừa luôn có sự trưởng thành hơn những đứa trẻ cùng trang lứa, thể hiện ngay trong lời nói và hành động của chàng “Gì chứ chăn bò thì con cũng chăn được. Mẹ cứ nói với phú ông cho con đến ở chăn bò”. Ý kiến này của chàng không chỉ khiến cho người mẹ bất ngờ mà còn khiến cho phú ông hoài nghi, thậm chí coi thường “..cả đàn bò giao cho thằng bé người không ra người, ngợm không ra ngợm ấy, chăn dắt làm sao?”.

Nhưng trái lại với sự coi thường, dè bỉu của phú ông, Sọ Dừa chăn bò rất giỏi, hàng ngày Sọ Dừa thả bò ra đồng, tối lại dắt về, không thiếu một con “…bò con nào con nấy bụng no căng”. Theo thời gian, Sọ Dừa cũng trưởng thành, chàng cũng có những mong muốn như bao chàng trai bình thường nào khác, đó chính là khát khao về tình yêu, về hạnh phúc. Cô con gái út của phú ông là người hiền lành, tốt bụng nhất trong ba chị em con phú ông, cô không dè bỉu, coi thường, cũng là người duy nhất tình nguyện mang cơm cho Sọ Dừa, trong một lần mang cơm, cô đã nghe thấy tiếng sáo véo von, khi đến gần thì thấy một chàng trai khôi ngô đang ngồi thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ.

Đây cũng là lần đầu tiên, con người thật của Sọ Dừa được khám phá, không phải với lốt vật như mọi người vẫn thấy. Từ đó mà cô út đem lòng yêu mến Sọ Dừa. Biết được tấm chân tình của cô gái mà Sọ Dừa về giục mẹ đến hỏi con gái phú ông về làm vợ. Ý muốn này thật khó thực hiện, làm cho bà mẹ không khỏi sửng sốt. Vì nếu Sọ Dừa có hình hài như một người bình thường, nhưng với một gia cảnh nghèo khó đã không thể lấy vợ, bởi quan niệm “môn đăng hậu đối” trong xã hội xưa rất khắt khe, hơn nữa đây còn là con gái của phú ông, mà Sọ Dừa cũng đâu phải người bình thường, hình hài của chàng luôn nhận sự coi thường, dè bỉu, đặc biệt là từ phú ông.

Sọ Dừa vốn không phải người bình thường, vốn ẩn giấu những điều kỳ lạ, sức mạnh kì lạ, vì vậy mà những sính lễ mà phú ông đưa ra, gồm “ …một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm” thì cũng không làm khó được Sọ Dừa. Khi chàng mang sính lễ sang bên nhà phú ông, lão đã rất bất ngờ, bị cho những sính lễ ấy làm cho hoa mắt. Lão hỏi con gái xem ai chịu lấy Sọ Dừa, như tính cách kiêu kì vốn có, ác nghiệt vốn có thì cô cả và cô hai không ai chịu lấy Sọ Dừa, chỉ có cô út đồng ý. Đám cưới của Sọ Dừa và cô út cũng vô cùng linh đình, gia nhân chạy ra vào tấp nập, vì vậy mà những người chị độc ác vô cùng ghen tức, có phần tiếc nuối vì khi ấy không chịu lấy Sọ Dừa.

Người xưa đã thành công khi miêu tả hình dạng bên ngoài và phẩm chất bên trong của nhân vật Sọ Dừa có sự đối lập đến mức kỳ lạ. Dưới cái lốt kì quái, Sọ Dừa có đủ vẻ đẹp cả về hình dáng lẫn tài năng, phẩm chất tuyệt vời. Sự đối lập ấy khẳng định cái đáng quý là phẩm chất bên trong và đề cao giá trị của con người chân chính.

Trong xã hội phong kiến trọng người giàu sang, khinh kẻ nghèo hèn, người lao động khó lòng vượt qua số phận tăm tối của mình. Cho nên sự biến đổi kỳ diệu của Sọ Dừa chính là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú, thể hiện sức sống và tinh thần lạc quan mãnh liệt của nhân dân lao động. Còn sống là còn hy vọng, còn mơ ước, còn tin tưởng vào chiến thắng tất yếu của lòng tốt và sự công bằng trước sự độc ác, bất công của cuộc đời.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Truyện cổ tích là một trong các thể loại văn chương dân gian kể về cuộc đời của một số mẫu nhân vật thuộc các loài động vật, thực vật, những người dị dạng kì tài, những kẻ bất hạnh, những người khờ khạo nhằm giải thích tên, đặc tính sinh hoạt, hoặc để khuyên bảo con người hướng thiện. Sọ Dừa thuộc loại mẫu nhân vật dị hình dị dạng nhưng có kì tài. Thông qua cuộc đời của Sọ Dừa, người ta nhận ra quan niệm ở hiền gặp lành, ác giả ác báo của ba cô gái con của phú ông, nhân vật ông chủ giàu có của Sọ Dừa.

Phần đầu câu chuyện, tác giả dân gian giới thiệu tính tình và gia cảnh của cha mẹ Sọ Dừa. Họ là đôi vợ chồng tuổi ngoài năm mươi nghèo, tính tình hiền hậu, đi ở cho một nhà phú ông. Một hôm người vợ vào rừng đống củi, khát nước nhưng không tìm thấy suối, lại thấy sọ dừa đầy nước nằm bên gốc cây nên bà bưng lên uống và rồi có mang. Chuyện mang thai của bà thật kì lạ. Đây là kiểu nhân vật thường xuất hiện trong các nhân vật thần thánh, kì tài làm cả người lớn và con trẻ đều muốn nghe, đều tò mò muốn đọc những trang sách tiếp theo.

Chẳng bao lâu, chồng bà mất. Bà sinh ra một đứa bé không chân không tay, người tròn như một quả dừa, bà buồn lắm toan vứt đi thì đứa bé bảo: "Mẹ ơi, con là người đấy. Mẹ đừng vứt con đi mà tội nghiệp". Lại một chi tiết đặc biệt cậu bé sinh ra không giống người bình thường. Chính chi tiết này đã giải thích tại sao cậu lại mang tên Sọ Dừa. Người mẹ nào không buồn khi đứa con sinh ra mang thân hình dị dạng? Chính bởi vậy, bà muốn vứt bỏ đi cũng là lẽ thường tình. Thế nhưng cậu bé đã van xin mẹ, lời cầu xin chính là mong muốn sự từ tâm, từ đức của người mẹ. Nhờ thế cậu được mẹ nuôi.

Phú ông có ba người con gái thì hai cô chị cũng không biết, chỉ cô em út biết mà thôi. Vì thế mà hai cô chị đối với chàng tỏ ra khinh thường, còn cô em út thì đem lòng yêu mến, bằng lòng lấy Sọ Dừa khi Sọ Dừa cầu hôn. Phú ông tưởng cứ thách cưới cho to là mẹ con Sọ Dừa, nhà nghèo lấy đâu ra mà sửa sang đô sính lễ! Chẳng ngờ, Sọ Dừa đưa đầy đủ những gì phú ông thách cưới. Lúc này Sọ Dừa mới biến thành một chàng trai tuấn tú. Rồi chàng dùi mài kinh sử, gặp khoa thi, đỗ Trạng nguyên, được bổ làm quan.

Bấy giờ hai cô chị vốn ác nghiệt, chua ngoa với Sọ Dừa rắp tâm hại em để cướp chồng em, thay em làm bà Trạng! Nhân khi quan Trạng đi sứ, ở nhà hai cô chị lập mưu xô em xuống sông, giữa dòng nước xoáy. Nhưng trời không để nàng chết. Nàng trôi dạt vào một đảo hoang. Đến khi thuyền quan Trạng đi sứ trở về qua thì hai vợ chồng lại gặp nhau. Tất nhiên, hai cô chị xấu hổ, bỏ trốn đi biệt xứ.

Truyện có nhiều tình tiết hoang đường như Sọ Dừa lúc sinh ra chỉ là một cục thịt, không có tay chân, nhưng biết nói, biết chăn bò, vv... Hoặc như quan trạng biết trước vợ sẽ gặp tai nạn nên lúc ra đi, đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà. Nhờ có những thứ ấy mà cá kình nuốt vào bụng, nàng không chết, lại lấy dao mổ bụng cá chui ra, vv... Nhưng ý nghĩa truyện thì rõ ràng: "Người chăm chỉ lao động sẽ được đền bù; người hiền hậu sẽ được hưởng hạnh phúc. Chỉ có kẻ ác độc mới phải chịu số phận hẩm hiu".

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON