YOMEDIA

Phân tích vẻ đẹp Cô Tô qua văn bản Cô Tô của Nguyễn Tuân

Tải về
 
NONE

Bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp Cô Tô qua văn bản Cô Tô của Nguyễn Tuân dưới đây đã được Học247 biên soạn và tổng hợp nhằm giúp các em học sinh lớp 6 cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên và con người lao động được thể hiện trong tác phẩm của Nguyễn Tuân. Chúc các em sẽ có được những bài văn thật hay nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Cô Tô.

ADSENSE

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu sơ lược về tác giả, tác phẩm

+ Nguyễn Tuân là nhà văn nổi tiếng, có sở trường về thể tùy bút và kí với những tác phẩm thể hiện phong cách độc đáo, tài hoa, sự hiểu biết phong phú về nhiều mặt và vốn ngôn ngữ giàu có, điêu luyện.

+ Đoạn trích “Cô Tô” là phần cuối của bài kí Cô Tô ghi lại những ấn tượng về thiên nhiên, con người lao động ở vùng đảo Cô Tô mà tác giả thu nhận được trong chuyến ra thăm đảo.

- Khái quát vẻ đẹp của Cô Tô được miêu tả trong đoạn trích: Cảnh thiên nhiên và sinh hoạt của con người trên vùng đảo Cô Tô hiện lên thật trong sáng và tươi đẹp.

b. Thân bài:

* Vẻ đẹp trong sáng, rạng rỡ của cảnh vật sau cơn bão

- Cảnh vật sau cơn bão:

+ Một ngày trong trẻo, sáng sủa

+ Cây trên núi đảo lại thêm xanh mượt

+ Nước biển lam biếc đậm đà hơn

+ Cát lại vàng giòn hơn

+ Lưới nặng mẻ cá giã đôi

-> Các hình ảnh chọn lọc, tiêu biểu, đặc sắc, dùng hàng loạt tính từ chỉ màu sắc, ánh sáng để gợi tả, làm nổi bật vẻ đẹp tươi sáng của cảnh vật, diễn tả tinh tế các trạng thái của sự vật.

=> Cảnh vật Cô Tô hiện lên trong trẻo, tinh khiết, tràn đầy sức sống sau cơn bão.

=> Tác giả cảm nhận vẻ đẹp Cô Tô sau ngày bão hoàn toàn tinh khiết, lắng đọng

* Cảnh mặt trời lên trên đảo Cô Tô

- Cảnh được miêu tả theo trình tự thời gian từ lúc mặt trời mọc và trên nền cảnh không gian rộng lớn của bầu trời, mặt biển.

- Điểm nhìn: từ những hòn đá đầu sư, sát mép nước

- Miêu tả cảnh mặt trời mọc:

+ Chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây bụi

+ Mặt trời nhú lên dần dần

+ Tròn trĩnh, phúc hậu như một quả trứng thiên nhiên đầy đặn

+ Quả trứng hồng hào... nước biển ửng hồng

+ Y như một mâm lễ phẩm

-> Nghệ thuật so sánh kép với hình ảnh so sánh vừa gần gũi, quen thuộc, dễ hình dung; sử dụng từ ngữ chính xác, tinh tế, độc đáo; sử dụng nhiều từ ngữ miêu tả giàu tính tạo hình và sắc thái biểu cảm, in đậm dấu ấn sáng tạo của tác giả.

=> Hình ảnh mặt trời trên biển huy hoàng, rực rỡ với tài quan sát tinh tế, cảnh mặt trời mọc ở Cô Tô được thể hiện trong sự giao thoa hân hoan giữa con người với thế giới.

* Cảnh sinh hoạt buổi sáng trên đảo Cô Tô

- Quanh giếng nước ngọt: vui nhộn như một cái bến và đông đúc như một cái chợ, gợi ra cảm giác đậm đà, mát mẻ.

-> Đó là cái đậm đà của cuộc sống thanh bình giữa đảo khơi, cái mát mẻ của dòng nước ngọt và của không khí buổi sáng mai trên vùng biển, khác với cái tấp nập, ồn ào, có khi ngột ngạt của những cái chợ trong đất liền.

- Chỗ bãi đá: bao nhiêu là thuyền của hợp tác xã đang mở nắp sạp...

- Thùng và cong và gánh nối tiếp đi đi về về.

-> Cảnh lao động của người dân trên đảo khẩn trương, tấp nập.

- Đó là cuộc sống thanh bình: Trông chị Châu Hòa Mãn địu con... lũ con hiền lành.

=> Tác giả thể hiện sự đan quyện cảm xúc giữa người và cảnh, đồng thời thể hiện tình yêu Cô Tô của riêng Nguyễn Tuân.

c. Kết bài:

- Khái quát vẻ đẹp của Cô Tô thông qua bài văn: Cảnh thiên nhiên và sinh hoạt của con người trên vùng đảo Cô Tô hiện lên thật trong sáng và tươi đẹp.

- Cảm nhận của em: Bài văn cho ta hiểu biết và yêu mến một vùng đất của Tổ quốc - quần đảo Cô Tô.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy phân tích vẻ đẹp đảo Cô Tô qua tác phẩm Cô Tô của Nguyễn Tuân.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Nguyễn Tuân là một trong những tác giả lớn của văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông luôn thể hiện một cái nhìn mới mẻ, độc đáo về con người và thiên nhiên đặc biệt là trong các bài kí. Bài kí Cô Tô là một trong những tác phẩm viết về vẻ đẹp kì thú của một huyện đảo thuộc vịnh Bắc Bộ - huyện đảo Cô Tô. Đoạn trích Cô Tô trong sách giáo khoa đã cho thấy cái nhìn tinh tế, nhạy cảm của Nguyễn Tuân về con người và thiên nhiên nơi đây.

Đoạn trích ghi lại những khoảnh khắc của Cô Tô ở ba khung cảnh khác nhau: Cô Tô sau cơn bão, cảnh mặt trời mọc và khung cảnh sinh hoạt trên đảo. Ở mỗi lớp cảnh, Nguyễn Tuân lại cho thấy cách quan sát tinh tế, tài hoa và nghệ thuật điều khiển từ ngữ tài ba của mình.

Mở đầu là khung cảnh Cô Tô sau cơn bão, Nguyễn Tuân bắt đầu điểm nhìn của mình từ bầu trời, đó là một ngày “trong trẻo, sáng sủa” khi mây đen và bụi bẩn đã bị xua tan hết. Điểm nhìn tiếp tục di chuyển xuống hàng cây, mặt nước và xa hơn là cả trong lòng biển mênh mông, rộng lớn: “Cây trên núi đảo lại thêm xanh mượt”, “nước biển lại lam biếc đậm đà hơn”, “cát lại vàng giòn hơn nữa”. Chỉ trong một câu văn ngắn Nguyễn Tuân đã sử dụng hàng loạt các tính từ chỉ màu sắc (xanh, lam, vàng), cùng với nghệ thuật chuyển đổi cảm giác (cát vàng giòn) cho ta thấy thiên nhiên đẹp đẽ, tinh khôi, trong trẻo và giàu sức sống.

Cô Tô có cái màu xanh lam biếc của biển buổi chiều, lại có cái màu đỏ rực rỡ của mặt trời buổi sớm nhô lên biển lúc hừng đông. Nguyễn Tuân đã thức dậy từ canh tư ra mãi thấu đầu mũi đảo để ngồi rình mặt trời lên. Đoạn văn này, Nguyễn Tuân đã thực sự mang đến cho người đọc những dòng viết tài hoa về cảnh tượng vô cùng độc đáo. Sau trận bão, chân trời, ngấn bể "sạch như tấm kính lau hết mây bụi". Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào, thăm thẳm và đứng bệ đặt lên một mâm bạc, đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng.

Những so sánh thật bất ngờ, những liên tưởng thật thú vị. Nhưng đến liên tưởng tiếp theo thì mới thực sự tài hoa, mới in đậm phong cách Nguyễn Tuân: Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông. Màu sắc hài hoà rực đỏ, hồng, bạc, ngọc trai, chi tiết tạo hình rất độc đáo quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên mâm bạc khổng lồ; hình ảnh từ ngữ sang trọng: Mâm lễ phẩm, bạc nén, trường thọ. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp vừa hùng vĩ đường bệ, vừa phồn thịnh và bất diệt, lại rực rỡ, tráng lệ làm lên một ấn tượng riêng đặc sắc về trời biển Cô Tô.

Có thể nói, đây thực sự là một đoạn văn kiểu mẫu về bút pháp miêu tả của Nguyễn Tuân. Ở đó người ta thấy có sự hòa hợp giữa cảnh và tình, thiên nhiên kì ảo như lộng lẫy, mĩ lệ hơn trong cái nhìn của nhà văn.

Mọi người gánh và múc nước nhộn nhịp để chuẩn bị cho cuộc sống, cho những chuyến ra khơi mới. Nhịp sống rộn ràng của gia đình anh chị Châu Hòa Mãn vô cùng ấm áp, bình dị. Hình ảnh chị Châu Hòa Mãn địu con khiến nhà văn bỗng liên tưởng chị như người mẹ hiền mớm cá cho lũ con lành, sự liên tưởng đó thật bất ngờ và thi vị. Cuộc sống sinh hoạt trên biển vừa sôi động, mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng nhẹ nhàng, đời thường.

Đoạn trích "Cô Tô" đã cho ta thấy những nét đặc sắc nghệ thuật của ngòi bút Nguyễn Tuân. Những trường liên tưởng độc đáo, bất ngờ kết hợp với việc sử dụng đa dạng các biện pháp so sánh, ẩn dụ,… ngôn từ miêu tả điêu luyện và con mắt quan sát tinh tường đã góp phần làm nổi bật vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Cô Tô.

Ba khung cảnh, ba bức tranh được Nguyễn Tuân vẽ nên thật đẹp đẽ, tài tình. Tất cả đều cho thấy nét tài hoa trong việc xử lí ngôn ngữ của ông. Qua bức tranh đó, Nguyễn Tuân vừa ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, con người nơi Cô Tô vừa ngợi ca vẻ đẹp của đất nước, dân tộc Việt Nam.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Bài kí Cô Tô của Nguyễn Tuân là một tác phẩm đặc sắc mà ở đó đoạn tả mặt trời mọc trên biển đã để lại cho người đọc sự thích thú, ham mê và trí tưởng tượng sâu sắc nhất.

Cảnh mặt trời mọc trên biển là một bức tranh rất đẹp và đầy chất thơ. Đây là đoạn văn miêu tả đẹp nhất của bài kí. Như một “sản phẩm quí”, vẻ đẹp của thiên nhiên như dâng sẵn, đón chờ, nhưng không phải ai cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp ấy một cách đầy đủ và tinh tế. Chính vì thế mà ngắm nhìn bình minh Cô Tô đối với Nguyễn Tuân không phải là một thú vui hưởng thụ, dễ dãi, thụ động mà là cả một cuộc đi tìm cái đẹp một cách công phu, đầy sự khám phá, sáng tạo. Như một nghệ sĩ đi săn lùng cái đẹp, Nguyễn Tuân đã dậy từ canh tư, lúc còn tối đất, cố đi mãi trên đá đầu sư, ra thấu đầu mủi đảo. Và ngồi đó rình mặt trời lên. Người đọc cảm mến tác giả vì lòng yêu quí, tôn thờ “cái đẹp” và cảm phục, thích thú vì công phu tìm kiếm cái đẹp của người nghệ sĩ, hồi hộp cùng tác giả chờ đón cái “đẹp” xuất hiện.

Rạng đông được tác giả miêu tả trong một câu rất súc tích và giàu sức gợi cảm. Chân trời, ngấn bể "sạch như một tấm kính lau hết mây, hết bụi" - cảnh rất thực mà đẹp thần tiên, trong trẻo, tinh khiết. Nguyễn Tuân đã khéo léo, tinh tế tạo ra cái “phông”, cái nền cho vầng dương hiện trên mặt biển: Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh và phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Hình ảnh so sánh mà tác giả đã dùng ở đây thật là đặc sắc, vừa rất thực mà cũng rất mơ, rất kì ảo. “Thực” là vì qua làn hơi nước của mặt biển, mắt thường có thể nhìn rõ hình dáng “tròn trĩnh” của vầng thái dương. Mặt trời lúc ấy dịu êm, chưa chói lóa, chưa làm nhức mắt, khiến cho người ta có thể ngắm nhìn và có cảm giác vầng mặt trời hiền hòa phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn.

Cả một đoạn văn dài tác giả sử dụng phép so sánh, ví chân trời như cái “mâm bạc”. Đặt trên cái mâm bạc ấy là mặt trời “tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng”. Tất cả “y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông”. Một so sánh trang trọng, rực rỡ và tráng lệ khiến người đọc choáng ngợp trước vẻ đẹp kì vĩ của cảnh mặt trời mọc ở đảo sau ngày bão dông. Đấy là quà tặng của nhà văn cho cả thiên nhiên lẫn con người vùng đảo hòa hợp và kiên cường qua tài dùng từ gợi hình để so sánh.

Ba đoạn văn ở phần cuối tác giả miêu tả cảnh sinh hoạt của người dân trên đảo khi mặt trời đã lên cao chung quanh “Cái giếng nước ngọt ở ria một hòn đảo giữa bể, cái sinh hoạt của nó vui như một cái bến và đậm đà mát nhẹ hơn mọi cái chợ trong đất liền”. Cùng với lối viết so sánh để nhấn mạnh về lối sống thân tình của người dân vùng bốn bề đều là biển mặn. Ở một vùng đất như thế thì cái giếng nước ngọt là điểm tập trung quý vô cùng. Người ở đảo gặp nhau lúc ra giếng tắm, lúc đến múc và gánh nước về nhà để dùng, kể cả “bao nhiêu là thuyền của hợp tác xã đang mở nắp sạp đổ nước ngọt vào”. Sinh hoạt của người dân ở giếng nước ngọt là như thế.

Nhà văn cũng không quên đề cập đến một gia đình mà cả chồng lẫn vợ đều có mặt ở giếng nước ngọt sáng hôm ấy: gia đình anh hùng Châu Hòa Mẫn. Anh thì quẩy mười lăm gánh nước cho thuyền của mình. Buổi sáng hôm ấy hợp tác xã Bắc Loan Đầu của anh cho mười tám thuyền lớn nhỏ cùng ra khơi. Và như anh cho biết: “Đi ra khơi, xa lắm mà có khi mười ngày mới về. Nước ngọt cho vào sạp, chỉ để uống. Vo gạo thổi cơm cũng không được lấy nước ngọt. Vo gạo bằng nước bể thôi”.

Bức tranh bình minh trên biển Cô Tô sẽ giảm đi rất nhiều vẻ đẹp nếu như nhà văn không điểm vào đó mấy cánh chim không khi nào thiếu vắng trên biển. Vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại trên mâm bể sáng dần lên cái chất bạc nén. Một con Hải âu bay ngang là là nhịp cánh. Đôi nét chấm phá cuối cùng đã hoàn tất bức tranh, làm cho bức tranh sống động, đầy chất thơ. Đây là những cánh chim xưa thường chấp chới, sáng lên trong những áng thơ cổ điển. Trong đoạn văn này, những cánh chim biển nhỏ nhoi có tác dụng rất lớn: nó thổi hồn thơ vào văn xuôi. Phải chăng đó là nét tài hoa của ngòi bút văn chương Nguyễn Tuân.

Đoạn kí của Nguyễn Tuân đã giúp em chiêm ngưỡng, thưởng thức vẻ đẹp lộng lẫy, tráng lệ và kì diệu của mặt trời mọc trên biển Cô Tô. Cảm ơn nhà văn với trí sáng tạo đã khám phá, đã “vẽ” lên trong văn chương vẻ đẹp của Cô Tô, giúp ta thêm yêu vùng đảo xa xôi này. Cảm ơn Nguyễn Tuân đã dạy ta cả cách đến với “Cái đẹp”.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF