Dưới đây là tài liệu văn mẫu Phân tích bài thơ Chuyện cổ nước mình - Lâm Thị Mỹ Dạ được HOC247 biên soạn và tổng hợp nhằm giúp các em học sinh lớp 6 có thêm tư liệu ôn tập, đồng thời hiểu thêm những giá trị nhân văn trong truyện cổ tích Việt Nam. Thông qua truyện tác giả muốn gửi gắm những bài học về đạo lí Ở hiền gặp lành và răn dạy con người không nên làm việc xấu. Mời các em cùng tham khảo!
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
-Giới thiệu Lâm Thị Vỹ Dạ và bài thơ Chuyện cổ nước mình.
2.2. Thân bài
a. Những bài học được ông cha gửi gắm trong chuyện cổ
- Xuất hiện các ý thơ nêu tên các câu chuyện cổ:
+ Truyện Tấm Cám "Thị thơm thì giấu người thơm/ Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà".
+ Truyện Đẽo cày giữa đường "Đẽo cày theo ý người ta/ Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì".
+ Tích Trầu cau "Đậm đà cái tích trầu cau/ Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người".
- Bài học được gửi gắm qua chuyện cổ:
+ Nhân hậu, tình người.
+ Tình yêu không quản ngại khoảng cách.
+ Ở hiền gặp lành.
+ Công bằng, thông minh, độ lượng, đa tình.
b. Ý nghĩa những câu chuyện cổ với đời con cháu
- Cảm xúc của nhân vật "tôi": Yêu chuyện cổ nước tôi.
- Chuyện cổ là hành trang cuộc sống "Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa/ Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi".
- Chuyện cổ là cuộc đối thoại giữa hai thế hệ "Chỉ còn chuyện cổ thiết tha/ Cho tôi nhận mặt ông cha của mình".
- Chuyện cổ cũng thể hiện sự lo nghĩ cho đời sau của ông cha "Tôi nghe chuyện cổ thầm thì/ Lời cha ông dạy cũng vì đời sau".
- Chuyện cổ còn mãi, có ý nghĩa muôn đời "Nhưng bao chuyện cổ trên đời/ Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm".
c. Đặc sắc nghệ thuật
- Thể thơ lục bát nhịp nhàng, uyển chuyển.
- So sánh: "Như con sông với chân trời đã xa".
- Điệp từ, câu trúc: ".....thì....", "....cơn...", "rất...", "Vừa....lại....".
- Từ láy: xa xôi, thiết tha, thầm thì...
2.3. Kết bài
- Khái quát lại giá trị của bài thơ.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Phân tích bài thơ Chuyện cổ nước mình
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Lâm Thị Mỹ Dạ là nhà thơ nữ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam. Bài thơ “Chuyện cổ nước mình” đã giúp người đọc hiểu rõ hơn về những câu chuyện cổ.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã bộc lộ tình yêu với chuyện cổ của đất nước. Đó là những câu chuyện giàu giàu giá trị nhân văn cao đẹp. Những câu chuyện cổ thể hiện tình người rộng lớn. Đặc biệt là triết lý sống “ở hiền gặp lành” là điều khiến cho nhà thơ phải “yêu” và quý trọng:
“Tôi yêu chuyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật tiên độ trì”
Những câu chuyện cổ còn là sợi dây gắn kết giữa thế hệ trước và thế hệ sau:
“Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi
Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời đã xa
Chỉ còn truyện cổ thiết tha
Cho tôi nhận mặt ông cha của mình”
Nhân vật trữ tình trong bài thơ lớn lên từ những câu chuyện cổ qua lời kể của bà, của mẹ. Trên hành trình vô tận của cuộc sống, “tôi” có được những câu chuyện cổ là hành trang để khám phá cuộc sống. Không chỉ vậy, những nét phong tục tập quán, phẩm chất đạo đức của ông cha còn được gửi gắm trong mỗi câu chuyện. Để rồi, “tôi” như hiểu thêm về con người, quê hương và đất nước trong quá khứ. Thời gian qua có thể trải qua hàng thế kỉ, nhưng những câu chuyện cổ thì vẫn còn được kể lại từ đời này qua đời khác. Và đó chính là sợi dây kết nối giữa ông cha với con cháu.
Nhưng không chỉ vậy, những câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ còn gợi nhắc về hình ảnh những nhân vật trong truyện cổ tích:
“Rất công bằng, rất thông minh
Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang.
Thị thơm thì giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà
Đẽo cày theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì”
Đó là anh chàng hiền lành được ông bụt giúp đỡ với câu thần chú: “Khắc nhập! Khắc xuất” để có được vợ đẹp trong Cây tre trăm đốt. Người em cần cù, trung hậu được con chim đền đáp để có được cuộc sống hạnh phúc hay người anh tham lam mà chết chìm xuống đáy biển trong truyện “Cây khế”. Còn cả chàng Thạch Sanh được thần tiên phù trợ mà trở nên võ nghệ cao cường, giết chết chằn tinh, bắn đại bàng và có đàn thần để lùi giặc; ngược lại Lí Thống độc ác, gian xảo đã bị trừng trong truyện Thạch Sanh. Câu chuyện cô Tấm trải qua biết bao nhiêu lần hóa kiếp, cuối cùng từ quả thị bước ra trở lại làm người… Tất cả đã chứng minh cho triết lí sống “ở hiền gặp lành”.
Những câu chuyện cổ đã giúp cho “tôi” hiểu rõ về những lời dạy dỗ của ông cha:
“Tôi nghe truyện cổ thầm thì
Lời cha ông dạy cũng vì đời sau.
Đậm đà cái tích trầu cau
Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người.
Sẽ đi qua cuộc đời tôi
Bấy nhiêu thời nữa chuyển dời xa xôi.
Nhưng bao chuyện cổ trên đời
Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm”
Chuyện cổ nước mình đã trở thành hành trang tinh thần, đem đến cho nhà thơ nhiều sức mạnh để vượt qua mọi thử thách “nắng mưa”trong cuộc đời, để đi tới mọi miền quê, mọi chân trời xa xôi đẹp đẽ.
Khi đọc thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, chúng ta mới hiểu rõ vì sao nhân dân ta từ người trẻ đến người già, ai cũng yêu thích chuyện cổ nước mình.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Một trong những bài thơ đặc sắc của Lâm Thị Mỹ Dạ là “Chuyện cổ nước mình”.
Bài thơ mở đầu bằng lời bộc lộ tình yêu với chuyện cổ của đất nước. Những câu chuyện cổ thể hiện tình người rộng lớn với triết lí sống “ở hiền gặp lành” là điều khiến cho nhà thơ phải “yêu” và quý trọng:
“Tôi yêu chuyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật tiên độ trì”
“Chuyện cổ” là sợi dây gắn kết của thế hệ hôm nay và mai sau. Và trong hành trình của mình, “tôi” có được những câu chuyện cổ là hành trang để khám phá cuộc sống. Những nét phong tục tập quán, phẩm chất đạo đức của ông cha còn được gửi gắm trong mỗi câu chuyện. “Tôi” như hiểu thêm về con người, quê hương và đất nước trong quá khứ. Thời gian qua có thể trải qua hàng thế kỉ, nhưng những câu chuyện cổ thì vẫn còn được kể lại từ đời này qua đời khác. Và đó chính là sợi dây kết nối giữa ông cha với con cháu.
Những câu thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ còn gợi nhắc về hình ảnh những nhân vật trong truyện cổ tích:
“Rất công bằng, rất thông minh
Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang.
Thị thơm thì giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà
Đẽo cày theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì”
Câu chuyện về anh chàng hiền lành được ông bụt giúp đỡ với câu thần chú: “Khắc nhập! Khắc xuất” để có được vợ đẹp trong Cây tre trăm đốt. Người em cần cù, trung hậu được con chim đền đáp để có được cuộc sống hạnh phúc hay người anh tham lam mà chết chìm xuống đáy biển trong truyện “Cây khế”. Còn cả chàng Thạch Sanh được thần tiên phù trợ mà trở nên võ nghệ cao cường, giết chết chằn tinh, bắn đại bàng và có đàn thần để lùi giặc; ngược lại Lí Thống độc ác, gian xảo đã bị trừng trong truyện Thạch Sanh. Câu chuyện cô Tấm trải qua biết bao nhiêu lần hóa kiếp, cuối cùng từ quả thị bước ra trở lại làm người… Tất cả đã chứng minh cho triết lí sống “ở hiền gặp lành”.
“Tôi” nhờ có “chuyện cổ” mà thêm hiểu rõ về những lời dạy dỗ của ông cha:
“Tôi nghe truyện cổ thầm thì
Lời cha ông dạy cũng vì đời sau.
Đậm đà cái tích trầu cau
Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người.
Sẽ đi qua cuộc đời tôi
Bấy nhiêu thời nữa chuyển dời xa xôi.
Nhưng bao chuyện cổ trên đời
Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm”
Và “chuyện cổ” nước mình đã trở thành hành trang tinh thần, đem đến cho nhà thơ nhiều sức mạnh để vượt qua mọi thử thách “nắng mưa”trong cuộc đời, để đi tới mọi miền quê, mọi chân trời xa xôi đẹp đẽ.
Thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ nhẹ nhàng mà sâu lắng. Những câu thơ giàu ý nghĩa đem lại những bài học bổ ích.
----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------