Mời các bạn cùng tham khảo:
Tài liệu Lý thuyết và bài tập trắc nghiệm ôn tập chuyên đề - Tập tính động vật Sinh học 11 do Hoc247 tổng hợp và biên soạn bao gồm 2 phần kiến thức cơ bản và 30 câu trắc nghiệm có đáp án và giải chi tiết sẽ giúp các em vừa ôn tập và rèn luyện các kỹ năng làm các bài tập liên quan đến tập tính động vật trong chương trình Sinh học 11.
LÝ THUYẾT VÀ BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM ÔN TẬP CHUYÊN ĐỀ TẬP TÍNH ĐỘNG VẬT SINH HỌC 11
A. KIẾN THỨC CẦN NẮM
1. Tập tính là gì?
Tập tính là một chuỗi những phản ứng của động vật trả lời kích thích từ môi trường (bên trong hoặc bên ngoài cơ thể), nhờ đó động vật thích nghi với môi trường sống và tồn tại.
2. Phân loại tập tính
2.1. Tập tính bẩm sinh: Tập tính bẩm sinh là những hoạt động cơ bản của cơ thể động vật mà ngay từ khi sinh ra đã có, không cần qua học hỏi, rèn luyện, mang tính bản năng, được di truyền từ bố mẹ, không thay đổi và không chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh và điều kiện sống, chúng được quyết định bởi yếu tố di truyền.
Ví dụ: ve sầu kêu vào mùa hè, ếch đực kêu vào mùa sinh sản.
2.2. Tập tính học được: Tập tính học được (thứ sinh) là loại tập tính được hình thành trong quá trình sống của cá thể. Ở những nhóm động vật càng cao, càng tiến hóa, loại tập tính học được càng nhiều càng phức tạp.
Ví dụ:
- Người đi đường thấy đèn đỏ thì dừng lại.
- Có một số tập tính vừa là học được vừa có nguồn gốc bẩm sinh.
Ví dụ: Khả năng bắt chuột của mèo vừa là bẩm sinh vừa là học được.
2.3. Cơ sở thần kinh của tập tính: là các phản xạ không điều kiện và phản xạ có điều kiện.
- Các tập tính bẩm sinh là chuỗi phản xạ không điều kiện được di truyền từ bố mẹ.
- Các tập tính học được chính là chuỗi phản xạ có điều kiện được hình thành trong đời sống cá thể, do học tập, rèn luyện mà có.
- Tập tính học được có thể thay đổi.
- Sự hình thành tập tính học được ở động vật phụ thuộc vào mức độ tiến hóa của hệ thần kinh và tuổi thọ.
- Tập tính sinh sản, ngủ đông là kết quả phối hợp hoạt động của hệ thần kinh và hệ nội tiết.
3. Một số hình thức học tập ở động vật.
3.1. Quen nhờn: nếu kích thích lặp đi lặp lại nhiều lần mà không gây ra nguy hiểm, kích thích sẽ trở nên quen nhờn.
- Ví dụ: Khi thấy bóng đen của diều hâu từ trên cao lao xuống thì gà con sẽ chạy trốn, nhưng nếu bóng đen cứ xuất hiện nhiều lần mà không thấy diều hâu lao xuống thì gà con sẽ không trốn nữa.
- Ví dụ: Ta đánh kẻng và cho cá ăn, nhiều lần sẽ tập được cho cá tập tính mỗi lần nghe kẻng sẽ ngoi lên chờ thức ăn. Nhưng nếu sau đó ta cứ đánh kẻng mà không cho ăn, dần dần nghe kẻng cá sẽ không ngoi lên nữa.
Như vậy, hiện tượng quen nhờn làm mất đi những tập tính học được trước đó.
3.2. In vết: Con non mới nở thường có “tính bám” theo các vật chuyển động mà chúng nhìn thấy trước tiên.
Ví dụ: Gà con mới nở đi theo đồ chơi hoặc vịt con mới nở đi theo gà mẹ.
3.3. Điều kiện hóa
3.3.1. Điều kiện hóa đáp ứng (kiểu Paplôp)
Ví dụ: Paplôp làm thí nghiệm vừa đánh chuông vừa cho con chó ăn. Sau vài chục lần phối hợp tiếng chuông và thức ăn, chỉ cần nghe tiếng chuông là chó đã tiết nước bọt. Sở dĩ như vậy là do trung ương thần kinh đã hình thành mối liên hệ thần kinh mới dưới tác động của 2 kích thích đồng thời.
3.3.2. Điều kiện hóa hành động (kiểu Skinnơ)
Ví dụ: B.F. Skinnơ thả chuột vào lồng thí nghiệm. Trong lồng có một cái bàn đạp gắn với thức ăn. Khi chuột chạy trong lồng và vô tình đạp phải bàn đạp thức ăn rơi ra. Sau một số lần ngẫu nhiên đạp phải bàn đạp và có thức ăn, mỗi khi đói bụng, chuột chủ động chạy tới nhấn bàn đạp để lấy thức ăn.
3.4. Học ngầm: là kiểu học không có ý thức, không biết rõ là mình đã học được.
Ví dụ: Chó hoặc trâu được nuôi ở nhà, khi dắt thả nó ở một nơi khác cách xa nhà nó vẫn có thể nhớ đường để quay về nhà.
3.5. Học khôn: là kiểu phối hợp các kinh nghiệm cũ để giải quyết những tình huống mới. Học khôn có ở động vật có hệ thần kinh rất phát triển.
Ví dụ: Tinh tinh biết cách chồng những chiếc thùng lên để đứng lên lấy thức ăn trên cao.
4. Một số dạng tập tính phổ biến ở động vật
4.1. Tập tính kiếm ăn
- Phần lớn là các tập tính học được.
- Đối với các động vật ăn thịt có tập tính rình mồi và vồ mồi hoặc rượt đuổi theo con mồi để tấn công.
- Đối với con mồi có tập tính lẩn trốn, bỏ chạy hoặc tự vệ.
4.2. Tập tính bảo vệ lãnh thổ
Ở nhiều động vật thuộc lớp Thú, chúng dùng các chất tiết từ tuyến thơm, nước tiểu,… để đánh dấu và xác định vùng lãnh thổ, chúng chiến đấu với những kẻ xâm phạm lãnh thổ để giữ gìn nguồn thức ăn và nơi ở.
4.3. Tập tính sinh sản
- Phần lớn là tập tính bẩm sinh, mang tính bản năng. Thường thể hiện dưới dạng một chuỗi các phản xạ.
- Phản xạ khởi đầu là do:
- Kích thích của môi trường bên ngoài: thời tiết ánh sáng, âm thanh,…tác động vào các giác quan.
- Tác động của các hoocmon sinh dục gây nên hiện tượng chín sinh dục và chuẩn bị cho sự sinh sản.
4.4. Tập tính di cư
Tập tính di cư là một tập tính rất phức tạp thể hiện trong hiện tượng di cư của một số loài chim, cá…
4.5. Tập tính xã hội
Là tập tính sống bầy đàn trong đó đáng chú ý là tập tính thứ bậc và tập tính hợp tác.
4.5.1. Tập tính thứ bậc
4.5.2. Tập tính vị tha
5. Ứng dụng những hiểu biết về tập tính vào đời sống
- Con người đã thuần hóa động vật hoang dã và sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau có lợi cho con người.
- Gây nuôi và phát triển nhiều nhóm côn trùng, sử dụng trong việc tiêu diệt nhóm sâu hại cây trồng.
- Dựa vào tập tính giao phối của nhiều côn trùng gây hại để tạo ra những cá thể đực bất thụ.
B. TRẮC NGHIỆM VẬN DỤNG TỪ CƠ BẢN ĐẾN NÂNG CAO
Câu 1: Người ta làm thí nghiệm nuôi các chim non trong một vùng rộng lớn mà không có chim bố mẹ. Đến khi trưởng thành, các chim con cũng tha rác và cỏ về một chỗ nhưng chúng không làm được tổ. Điều này chứng tỏ:
A. Sự chăm sóc của con người đã làm mất bản năng làm tổ ở chim.
B. Tập tính làm tổ được hình thành qua quá trình học tập.
C. Tập tính làm tổ vừa mang tính bẩm sinh, vừa phải học tập.
D. Chỉ những cá thể đã qua sinh sản mới biết làm tổ.
Câu 2: Khi nói đến tập tính động vật, phát biểu nào sau đây sai?
A. Phần lớn các tập tính ở động vật bậc thấp là tập tính bẩm sinh.
B. Số lượng các tập tính học được tỷ lệ thuận với sự tiến hóa của hệ thần kinh.
C. Các tập tính bẩm sinh phức tạp gọi là bản năng.
D. Tập tính học được không chịu ảnh hưởng của di truyền.
Câu 3: Khi nói đến tập tính động vật, phát biểu nào sau đây sai?
A. Tập tính càng phức tạp thì số lượng xináp trong cung phản xạ càng nhiều.
B. Cơ sở của tập tính là phản xạ nên không chịu ảnh hưởng của Hoocmôn.
C. Các tập tính bẩm sinh đã được chương trình hóa trong hệ gen nên rất bền vững.
D. Quá trình hình thành tập tính học được là quá trình hình thành các mối liên hệ mới giữa các nơron.
Câu 4: Vì sao các tập tính bẩm sinh thường rất bền vững, dù không được thường xuyên củng cố?
A. Nó mang tính chất sống còn của cơ thể.
B. Nó đảm bảo khả năng tồn tại của loài.
C. Được hình thành trong lịch sử tiến hóa và đã được mã hóa trong gen.
D. Phần lớn chúng đều là những tập tính bẩm sinh.
Câu 5: Các động vật bậc thấp có số lượng tập tính học được rất ít. Điều giải thích hợp lý nhất là gì?
A. Chúng có số lượng tế bào thần kinh ít nên không đủ cơ sở vật chất để học tập.
B. Chúng chưa có não nên không thể phối hợp hoạt động của nhiều cơ quan.
C. Chúng thường xuyên có tuổi thọ ngắn nên không đủ thời gian để học.
D. Hệ thần kinh của chúng cấu tạo quá đơn giản và tuổi thọ thấp nên khả năng học tập và rút kinh nghiệm kém.
Câu 6: Tập tính nào sau đây bao gồm tất cả các tập tính còn lại?
A. Tập tính ve vãn. B. Tập tính làm tổ để đẻ.
C. Tập tính sinh sản. D. Tập tính khoe mẽ.
Câu 7: Tập tính ở động vật là gì?
A. Thói quen hoạt động của quần thể động vật.
B. Cách cơ thể trả lời lại kích thích của môi trường.
C. Chuỗi phản ứng mà cơ thể trả lời lại các kích thích của môi trường giúp cơ thể tồn tại.
D. Những hoạt động cơ bản của động vật khi sinh ra đã có.
Câu 8: Cơ sở thần kinh của tập tính là gì?
A. Các phản xạ không điều kiện và có điều kiện.
B. Các phản xạ không điều kiện
C. Các phản xạ có điều kiện.
D. Không liên quan đến các phản xạ.
Câu 9: Ý nào sau đây là sai về sự khác nhau giữa tập tính bẩm sinh và tập tính học được?
A. Cơ sở thần kinh của tập tính bẩm sinh là chuỗi phản xạ không điều kiện, còn cơ sở thần kinh của tập tính học được là chuỗi phản xạ có điều kiện.
B. Tập tính bẩm sinh không di truyền, còn tập tính học được dễ mất đi.
C. Tập tính bẩm sinh mang tính đặc trưng cho loài, còn tập tính học được mang tính cá thể.
D. Tập tính bẩm sinh sinh ra đã có, tập tính học được hình thành trong quá trình sống.
Câu 10: Trong truyện “con quạ khôn ngoan”, quạ đã biết gắp những hòn sỏi bỏ vào một cái bình miệng nhỏ để nước trong bình dâng lên và nó có thể uống. Câu chuyện trên thể hiện tập tính gì?
A. Tập tính bắt chước.
B. Tập tính kiếm ăn.
C. Học khôn.
D. Học ngầm.
Đáp án từ câu 1-10 trắc nghiệm ôn tập chuyên đề:Tập tính động vật Sinh học 11
01. C |
02. D |
03. B |
04. C |
05. D |
06. C |
07. C |
08. A |
09. B |
10. C |
Hướng dẫn giải chi tiết từ câu 1-10 trắc nghiệm ôn tập chuyên đề:Tập tính động vật Sinh học 11
Câu 1: Chim con biết tha rác về làm tổ mà không cần phải học tập → đây là tập tính bẩm sinh. Nhưng chúng không biết cách tạo ra một cái tổ hoàn chỉnh vì chúng chưa nhìn thấy đồng loại làm như thế → đây là phản xạ học được. Vậy làm tổ là loại tập tính hỗn hợp. Chọn C.
Câu 2: Tập tính học được thực chất là các phản xạ có điều kiện, được hình thành do học tập. Nhưng khả năng học tập lại phụ thuộc vào hệ thần kinh, một yếu tố được di truyền. Chọn D.
Câu 3: Một số tập tính phức tạp như tập tính sinh sản ở côn trùng là kết quả phối hợp hoạt động của hệ thần kinh và hệ nội tiết. Chọn B.
Câu 4: Các tập tính bẩm sinh thường rất bền vì chúng đã được hình thành trong lịch sử tiến hóa của loài và được ghi dấu trong hệ gen. Chọn C.
Câu 5: Động vật bậc thấp hầu hết có hệ thần kinh đơn giản, mức độ tập trung thấp nên khả năng tiếp thu bài học kém. Hơn nữa chúng lại có tuổi thọ ngắn nên không đủ thời gian để ghi nhớ và rút kinh nghiệm. Chọn D.
Câu 6: Tập tính sinh sản bao gồm rất nhiều tập tính giúp cho quá trình sinh sản đạt được hiệu quả: ve vãn, tỏ tình, khoe mẽ, làm tổ, chăm sóc con, … Chọn C.
Câu 7: Tập tính là chuỗi phản ứng của động vật trả lời kích thích từ môi trường, nhờ đó động vật thích nghi với môi trường sống và tồn tại.
Ví dụ: Nhện giăng lưới bắt mồi, chim xây tổ, gà ấp trứng,…Chọn C
Câu 8: Cơ sở thần kinh của các tập tính là các phản xạ.
Kích thích → Thụ quan → Hệ thần kinh → Cơ quan thực hiện → Hành động ). Chọn A.
Câu 9:
* Tập tính bẩm sinh: Là loại tập tính sinh ra đã có, được di truyền từ bố mẹ, đặc trưng cho loài.
* Tập tính học được: Là loại tập tính được hình thành trong quá trình sống của cá thể, thông qua học tập và rút kinh nghiệm.
Chọn B.
Câu 10: Hành động này của con quạ thể hiện khả năng vận dụng những kinh nghiệm cũ để giải quyết tình huống mới nên thuộc kiểu học khôn. Chọn C.
{-- Nội dung đề, đáp án và lời giải chi tiết từ câu 11- 30 của tài liệu Lý thuyết và bài tập trắc nghiệm ôn tập chuyên đề: Tập tính động vật Sinh học 11 vui lòng xem ở phần xem online hoặc tải về --}
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:
Chúc các em học tập tốt !