Qua bài giảng Luyện từ và câu Mở rộng vốn từ: Sức khỏe, giúp các em mở rộng vốn từ cũng như hiểu được nghĩa của các từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ về sức khỏe.
Tóm tắt lý thuyết
Câu 1 (SGK trang 19, Tiếng Việt 4): Tìm các từ ngữ:
a. Chỉ những hoạt động có lợi cho sức khỏe
M: tập luyện
b. Chỉ những đặc điểm của một cơ thể khỏe mạnh
M: vạm vỡ
Gợi ý:
a) Chỉ những hoạt động có lợi cho sức khỏe: tập luyện, tập thể dục, đi bộ, chạy nhảy, chơi bóng, đá cầu, nhảy dây, đi xe đạp,...
b) Chỉ những đặc điểm của một cơ thể khỏe mạnh: vạm vỡ, cường tráng, rắn rỏi, lực lưỡng, to khỏe, nở nang,...
Câu 2 (SGK trang 19, Tiếng Việt 4): Kể tên các môn thể thao mà em biết:
Gợi ý:
- Bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, chạy, nhảy xa, nhảy cao, bơi, đua thuyền, đua xe đạp, xà đơn, xà lệch, đánh cầu lông, đấu vật,...
Câu 3 (SGK trang 19, Tiếng Việt 4):
Tìm các từ ngữ thích hợp với mỗi chỗ trống để hoàn thành các thành ngữ sau:
a. Khỏe như ......... M: Khỏe như voi
b. Nhanh như ......... M: Nhanh như cắt
Gợi ý:
a) Khỏe như voi; khỏe như hổ; khỏe như gấu.
b) Nhanh như cắt; nhanh như sóc; nhanh như gió.
Câu 4 (SGK trang 19, Tiếng Việt 4): Câu tục ngữ sau nói lên điều gì?
Ăn được ngủ được là tiên
Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo.
Gợi ý:
- Câu tục ngữ trên có ý nói:
- Một người khỏe mạnh, không vướng vào sự lo nghĩ gì, luôn ăn khỏe, ngủ ngon là thật sự có hạnh phúc ở trên đời.
- Ngược lại vì buồn phiền hay vì bệnh tật mà không ăn không ngủ được thì chỉ thấy lo ngại, tốn tiền thuốc men, cuộc sống kém vui đi.
- Thông qua bài giảng Luyện từ và câu Mở rộng vốn từ: Sức khỏe, các em cần nắm được những nội dung kiến thức cơ bản và trọng tâm nhất như:
- Mở rộng vốn từ ngữ theo chủ điểm: Sức khỏe.
- Rèn luyện để sử dụng tốt hơn vốn từ ngữ trên.
- Hiểu được ý nghĩa của một số câu thành ngữ, tục ngữ thuộc chủ điểm: Sức khỏe.
- Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tập làm văn: Luyện tập giới thiệu địa phương để có bước chuẩn bị thật tốt cho tiết học tiếp theo.