Qua bài giảng Tập làm văn: Luyện tập xây dựng mở bài trong bài văn miêu tả đồ vật, giúp các em viết được một đoạn mở bài cho bài văn miêu tả đồ vật.
Tóm tắt lý thuyết
Câu 1 (SGK trang 10, Tiếng Việt 4): Dưới đây là một số đoạn mở bài cho bài văn miêu tả cái cặp sách. Các đoạn ấy có gì giống nhau và có gì khác nhau?
a. Vào ngày khai trường, bố mẹ mua cho em một chiếc cặp sách rất đẹp.
b. Ai là học sinh mà chẳng có cặp sách! Thế mà suốt mấy năm nay em chỉ có một chiếc túi vải đơn sơ mang tới trường.
c. Chủ nhật vừa qua mưa nặng hạt, em không đi thăm bà ngoại được, ba bảo em giúp ba sắp xếp lại cái tủ ở trong buồng. Giữa đống đồ đạc cũ ba dỡ từ trên nóc tủ xuống, chợt em gặp lại chiếc cặp nhỏ đã theo em đi học suốt hai năm lớp 1, lớp 2.
Gợi ý:
a) Đây là cách mở bài trực tiếp, đi ngay vào sự vật cần miêu tả.
b) Đây là cách mở bài trực tiếp bằng cách nêu lên một hiện tượng trái lẽ thông thường. Nhưng còn phải viết thêm một câu nữa thì mới có thể dễ dàng chuyển sang phần thân bài là miêu tả cái cặp.
c) Đây là cách mở bài gián tiếp. Từ một sự việc khác dẫn tới sự vật cần miêu tả.
Câu 2 (SGK trang 10, Tiếng Việt 4): Viết một đoạn mở bài cho bài văn miẽu tả cái bàn học của em.
- Theo cách mở bài trực tiếp.
- Theo cách mở bài gián tiếp.
Gợi ý:
- Cách mở bài trực tiếp: Trong góc phòng ngủ của em có một bàn gỗ nhỏ. Đó là chiếc bàn học của em.
- Cách mở bài gián tiếp: Xung quanh em, mọi vật dụng, mọi đồ dùng đều có ích. Chiếc đồng hồ tích tắc báo thức, tờ lịch treo tường lặng lẽ đếm tháng ngày, chiếc giá sách chứa đựng cho em nhiều nguồn tri thức, chiếc chăn bông mang đến cho em những giấc ngủ ấm êm. Còn chiếc bàn gỗ là nơi để em ngồi học tập. Chiếc bàn gỗ ấy gắn bó với em suốt bốn năm rồi.
- Thông qua bài giảng Tập làm văn: Luyện tập xây dựng mở bài trong bài văn miêu tả đồ vật, các em cần nắm được những nội dung kiến thức, kĩ năng trọng tâm và cần thiết như:
- Viết được đoạn mở bài cho bài văn miêu tả đồ vật.
- Biết viết cách mở bài trực tiếp và gián tiếp.
- Ngoài ra, các em có thể xem thêm bài giảng Luyện từ và câu Mở rộng vốn từ: Tài năng cho tiết học tiếp theo.