Qua bài giảng Kể chuyện: Một nhà thơ chân chính, giúp các em rèn luyện kĩ năng kể chuyện một cách tự nhiên, phối hợp với nét mặt, cử chỉ, điệu bộ. Hiểu được ý nghĩa của truyện. Đồng thời, biết đánh giá, nhận xét bạn kể chuyện.
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Hướng dẫn kể chuyện
- Chú ý giọng kể thong thả, rõ ràng.
- Nhấn giọng những từ ngữ miêu tả sự bạo ngược của nhà vua, nỗi thống khổ của nhân dân, khí phách của nhà thơ dũng cảm, không chịu khuất phục sự bạo tàn.
- Đoạn cuối kể với giọng hào hùng, nhịp nhanh.
- Vừa kể, vừa chỉ vào tranh minh họa trong SGK.
- Chú ý một số từ khó:
- Tấu: Đọc theo lời biểu diễn nghệ thuật
- Giàn hỏa thiêu: Giàn thiêu người. Một hình thức trừng phạt dã man các tội phạmthời trung cổ ở các nước phương Tây.
1.2. Hướng dẫn trả lời câu hỏi
Câu 1. Dựa vào câu chuyện đã được nghe cô giáo (thầy giáo) kể, trả lời câu hỏi:
a) Trước sự bạo ngược của nhà vua, dân chúng phản ứng bằng cách nào?
b) Nhà vua làm gì khi biết dân chúng truyền tụng bài ca lên án mình?
c) Trước sự đe dọa của nhà vua, thái độ của mọi người thế nào?
d) Vì sao nhà vua phải thay đổi thái độ?
Gợi ý trả lời
a) Trước sự bạo ngược của nhà vua, dân chúng phản ứng bằng cách truyền đi một bài hát thống thiết, lên án thói bạo tàn của nhà vua và phơi bày nỗi thống khổ của nhân dân.
b) Nhà vua đã ra sức lùng bắt kì được kẻ sáng tác bài ca ấy nhưng không tài nào bắt được. Cuối cùng nhà vua hạ lệnh tống giam tất cả các nhà thơ và nghệ nhân hát rong.
c) Trước sự đe dọa của nhà vua, thái độ của mọi người hát lên những bài ca tụng nhà vua. Duy chỉ có ba nhà thơ im lặng.
d) Nhà vua phải thay đổi thái độ vì nhà vua nhận ra nhà thơ chân chính độc nhất của dân tộc.
Câu 2 (trang 40 sgk Tiếng Việt 4): Kể lại toàn bộ câu chuyện
Gợi ý trả lời
- Đoạn 1.
- Ngày xưa ở vương quốc Đa-ghét-xtan có một ông vua nổi tiếng bạo ngược, cuộc sống của nhân dân hết sức lầm than.
- Trước thảm cảnh ấy, dân chúng đã phản ứng bằng cách truyền đi một bài hát thống thiết, lên án thói bạo tàn của nhà vua và phơi bày nỗi thống khổ của nhân dân.
- Bài hát lọt đến tai vua. Ngài ra sức lùng bắt kì được kẻ sáng tác bài ca ấy nhưng không tài nào bắt được.
- Cuối cùng nhà vua hạ lệnh tống giam tất cả các nhà thơ và nghệ nhân hát rong.
- Đoạn 2.
- Ba hôm sau, nhà vua bắt mỗi người phải hát cho vua nghe một bài hát do chính mình sáng tác. Ai cũng hát lên những bài ca tụng nhà vua. Duy chỉ có ba nhà thơ im lặng. Vua lệnh thả tất cả những người đã hát còn tống giam vào ngục tối ba nhà thơ kia.
- Ba tháng sau ngài cho giải họ tới và phán "Giờ thì các ngươi sẽ hát cho trẫm nghe chứ !" Một trong ba người, lập tức cất cao lời ca ca tụng nhà vua. Nhà thơ ấy được thả ra ngay. Còn hai người kia đưa đến giàn thiêu. Vị vua phán "Đây là cơ hội cuối cùng để cứu sống các ngươi. Hãy hát lên" . Một trong hai người vội cất tiếng hát ca ngợi nhà vua, và người ấy được tha ngay. Còn người cuối cùng vẫn im lặng. Nhà vua tức giận hét lên "Trói hắn lại ! Nổi lửa lên!"
- Đoạn 3.
- Mặc dù bị trói chặt vào giàn hỏa thiêu nhưng tiếng hát của nhà thơ vẫn cất lên vang vọng khắp nói vạch trần tội ác của nhà vua. Đó chính là bài ca được lưu truyền khắp đất nước.
- Ngọn lửa bùng cháy dữ dội. Nhà vua bất ngờ thét to: "Dập tắt lửa đi! Cởi trói cho ông ta. Trẫm không thể mất nhà thơ chân chính độc nhất của dân tộc này!"
Câu 3. Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện.
- Ca ngợi nhà thơ chân chính của vương quốc Đa-ghét-xtan sẵn sàng chết chứ nhất định không nói sai sự thật.
- Chính hành động và khí phách ấy đã khiến một vị vua nổi tiếng tàn bạo phải khâm phục kính trọng và thay đổi thái độ.
- Thông qua bài giảng Kể chuyện: Một nhà thơ chân chính, các em cần nắm và rèn luyện được những nội dung kiến thức, kĩ năng, thái độ sống và học tập sau:
- Kiến thức
- Hiểu được ý nghĩa của truyện: Ca ngợi nhà thơ chân chính, có khí phách cao đẹp, thà chết trên giàn lửa thiêu, không chịu khuất phục cường quyền.
- Kĩ năng
- Rèn kĩ năng nói
- Dựa vào lời kể của giáo viên và tranh minh họa trong SGK, trả lời được các câu hỏi về nội dung.
- Kể lại được toàn bộ câu chuyện một cách tự nhiên, phối hợp với nét mặt, cử chỉ, điệu bộ.
- Rèn kĩ năng nghe
- Chăm chú nghe cô và các bạn kể chuyện, nhớ chuyện
- Theo dõi bạn kể chuyện, nhận xét đúng lời kể của bạn, kể tiếp được lời bạn.
- Rèn kĩ năng nói
- Thái độ
- Giáo dục các em tính trung thực, lòng thật thà trong học tập.
- Rèn luyện đạo đức, tác phong.
- Kiến thức
- Ngoài ra, các em có thể xem thêm bài giảng Tập đọc: Tre Việt Nam để có bước chuẩn bị thật tốt cho tiết học tiếp theo.