Bài giảng Tập đọc: Thư gửi bà sẽ giúp các em bước đầu biết đọc lưu loát một bức thư có nội dung: Thể hiện tình cảm gắn bó với bà, yêu quý bà của bạn Đức. Mong rằng bài học sẽ mang đến cho các em nhiều kiến thức hay và thú vị. Chúc các em có thêm bài học hay.
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Hướng dẫn đọc Thư gửi bà
- Biết ngắt nghỉ hơi đúng sau các dấu câu. Đọc đúng ở những câu văn dài
- Chú ý một số từ ngữ: vẫn nhớ, đêm đêm, chăm ngoan, vẫn nhớ, ánh trăng, kính yêu.
- Bức thư chia làm 3 đoạn:
- Đoạn 1: Mở đầu thư (Từ "Hải phòng" … "cháu nhớ bà lắm.")
- Đoạn 2: Nội dung chính bức thư ("Dạo này" … "dưới ánh trăng".)
- Đoạn 3: Kết thúc thư ("cháu hứa với bà" … đến hết.)
- Nội dung: Bức thư thể hiện tình cảm gắn bó với bà, yêu quý bà của bạn Đức.
1.2. Hướng dẫn trả lời câu hỏi Thư gửi bà
Câu 1 (SGK trang 82): Đức viết thư cho ai? Dòng đầu bức thư, bạn ghi thế nào?
Gợi ý:
- Đức viết thư cho bà ở quê. Dòng đầu bạn ấy ghi rõ nơi gửi và ngày gửi thư: Hải Phòng, ngày 6 tháng 11 năm 2003.
Câu 2 (SGK trang 82): Đức hỏi thăm bà điều gì? Đức kể với bà những gì?
Gợi ý:
- Đức hỏi thăm sức khỏe của bà và kể cho bà nghe tình hình gia đình vẫn bình thường, Đức học lớp 3, được nhiều điểm 10, ngày nghỉ thường được bố mẹ cho đi chơi. Đức còn kể lại những kỉ niệm ngày thăm quê năm ngoái: thả diều cùng anh Tuấn, đêm đêm nghe bà kể chuyện cổ tích.
Câu 3 (SGK trang 82): Đoạn cuối bức thư cho thấy tình cảm của Đức với bà thế nào?
Gợi ý:
- Đoạn cuối thư cho thấy Đức rất yêu mến, kính trọng bà: hứa sẽ học giỏi, chăm ngoan để bà vui, mong bà luôn khỏe mạnh và chóng được về thăm bà.
- Học xong bài này, các em cần nắm:
- Đọc trôi chảy, lưu loát và diễn cảm một lá thư.
- Nắm được nội dung: Bức thư thể hiện tình cảm gắn bó với bà, yêu quý bà của bạn Đức.
- Các em có thể tham khảo thêm bài học Chính tả: Nghe - viết: Quê hương để chuẩn bị cho bài học tiếp theo được tốt hơn.