Mở đầu chủ điểm Em yêu quê hương, các em sẽ được học bài thơ Về quê. Bài thơ nói về cảm nghĩ của một bạn nhỏ những ngày nghỉ hè ở quê. Chắc ở lớp chúng ta, cũng có nhiều em có quê ở nông thôn. Các em đã được về quê chơi nhiều chưa? Các em hay đọc bài thơ Về quê để xem bạn nhỏ trong bài thơ có cảm nhận giống như em khi được về quê chơi không nhé.
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Chia sẻ
1. Thi hát và đọc thơ về quê hương.
2. Bình chọn nhóm thực hiện tốt nhất.
Gợi ý các bài hát hay về quê hương:
- Quê tôi
- Quê hương là chùm khế ngọt
1.2. Bài đọc 1
Về quê
Theo ông, cháu được về quê
Đồng xanh tít tắp, mùa hè thênh thang
Về quê được tắm giếng làng
Bắc thang bẻ ổi chín vàng trên cây
Trời cho lồng lộng gió mây
Tre đu kẽo kẹt, nắng đầy sân phơi
Chó mèo cứ quẩn chân người
Vịt bầu từng nhóm thảnh thơi bơi thuyền
Vườn sau, gà bới giun lên
Lũ con chiêm chiếp theo liền đằng sau
Buổi trưa cháu mải đi câu
Chiều về mấy đứa tranh nhau thả diều.
Ở quê, ngày ngắn tí teo
Kì nghỉ một tháng trôi vèo như không.
Vũ Xuân Quản
Chú thích và giải nghĩa:
- Tít tắp: rất xa, rất dài, đến hết tầm nhìn của mắt
- Thênh thang: rất rộng rãi, thoải mái
- Lồng lộng: (gió thổi) rất mạnh ở nơi trống trải
1.2.1. Đọc hiểu
Câu 1. Bài thơ là lời của ai?
Hướng dẫn trả lời:
Bài thơ là lời của người cháu.
Câu 2. Bạn nhỏ thích những cảnh vật nào ở quê?
Hướng dẫn trả lời:
Bạn nhỏ thích những cảnh vật ở quê là: đồng xanh tít tắp, những quả ổi chín vàng, trời lộng gió, chó mèo, vịt bầu, gà con.
Câu 3. Bạn nhỏ được làm những gì khi về quê nghỉ hè
Hướng dẫn trả lời:
Khi về quê bạn nhỏ thích được tắm giếng làng, bắc thanh lên bẻ ổi, thả diều.
Câu 4. Em hiểu hai dòng cuối bài thơ như thế nào? Chọn ý đúng:
a) Ngày ở quê ngắn hơn ở thành phố.
b) Nghỉ hè ở quê rất vui nên thấy thời gian trôi nhanh.
c) Kì nghỉ hè chỉ có một tháng nên rất ngắn.
Hướng dẫn trả lời:
c) Kì nghỉ hè chỉ có một tháng nên rất ngắn.
1.2.2. Luyện tập
Câu 1. Xếp các từ ngữ dưới đây vào nhóm thích hợp:
quê, tít tắp, tắm, giếng, bẻ, ổi, xanh, thênh thang, tre, bơi, câu cá, ngắn
Hướng dẫn trả lời:
- Từ ngữ chỉ sự vật: quê, giếng, ổi, tre, cá.
- Từ ngữ chỉ đặc điểm: tít tắp, xanh, thênh thang, ngắn.
- Từ ngữ chỉ hoạt động: tắm, bẻ, bơi, câu.
Câu 2. Nói 1-2 câu thể hiện sự ngạc nhiên hoặc thích thú trong các tình huống sau:
a) Ông cho em cùng đi thả diều.
b) Ông cho em cùng đi câu.
Hướng dẫn trả lời:
a) Thích quá, ông cho cháu cùng đi thả diều nhé!
b) Ông cho cháu đi câu cá cùng ông sao?
1.3. Bài viết 1
Câu 1. Nghe - viết:
QUÊ NGOẠI
Nắng chiều ở quê ngoại
Óng ả vùng ngọn chanh
Lích chích trên cành khế
Tiếng chim trong lá xanh.
Những ngày ở quê ngoại
Tắm mát trên dòng sông
Rất nhiều hoa cỏ lạ
Thoang thoảng hương trên đồng.
Phạm Thanh Chương
Câu 2. Chọn chữ hoặc vần phù hợp vào ô trống:
a) Chữ s hay x?
Cây sấu là cây âm nhạc với cái thân to và tán lá ...anh tròn. Mỗi quả sấu là một nốt nhạc. Còn nhạc ...ĩ là những chú ve ...ầu râm ran trong tán lá ...anh ...uốt cả mùa hè.
Theo BĂNG SƠN
b) Vần in hay inh?
Mắt trong kẽ lá
T... nghịch nh... em
X... đừng xấu hổ
Cây hãy làm quen.
Vì hay nhút nhát
Cây đứng một m...
Vì hay xấu hổ
Suốt đời lặng th... .
THÁI THĂNG LONG
Hướng dẫn trả lời:
a) Cây sấu là cây âm nhạc với cái thân to và tán lá xanh tròn. Mỗi quả sấu là một nốt nhạc. Còn nhạc sĩ là những chú ve sầu râm ran trong tán lá xanh suốt cả mùa hè.
b)
Mắt trong kẽ lá
Tinh nghịch nhìn em
Xin đừng xấu hổ
Cây hãy làm quen.
Vì hay nhút nhát
Cây đứng một mình
Vì hay xấu hổ
Suốt đời lặng thinh.
Câu 3. Tìm tiếng:
a) Bắt đầu bằng chữ s hay x có nghĩa như sau:
- Mùa đầu tiên trong năm.
- Trái ngược với đúng.
- Trái ngược với đẹp.
b) Có vần in hay inh có nghĩa như sau:
- Số tiếp theo số 8.
- Cùng nghĩa với đẹp.
- Thực hiện các phép cộng, trừ, nhân, chia...
Hướng dẫn trả lời:
a) - Mùa đầu tiên trong năm: xuân.
- Trái ngược với đúng: sai.
- Trái ngược với đẹp: xấu.
b) - Số tiếp theo số 8: chín.
- Cùng nghĩa với đẹp: xinh.
- Thực hiện các phép cộng, trừ, nhân, chia...: tính.
Câu 4. Tập viết.
a) Viết chữ hoa (kiểu 2):
b) Viết ứng dụng: Nhiều sao thì nắng, vắng sao thì mưa.
1.4. Bài đọc 2
Con kênh xanh xanh
1. Nhà Đôi và nhà Thu cách nhau một con lạch nhỏ. Trước kia, đó chỉ là đường dẫn nước vào vườn cây. Cách đây mấy năm, nước lớn, hai bờ bị lở, rộng ra. Hai nhà cùng nhau nạo đáy, tạo thành con lạch chung. Có con lạch, nước ra vô mạnh theo thuỷ triều, nên không đục bùn như những đường dẫn nước khác. Hai nhà đều treo sẵn vài cái võng lên những cây dừa bên bờ lạch để nằm chơi, hưởng gió mát.
2. Hè đến, Đôi và Thu thường nằm trên võng ôn bài, đố vui. Có lần, Thu ví con lạch này là con kênh xanh xanh của hai nhà. Cái tên “con kênh xanh xanh” giống hệt tên một bài mà Đôi biết:
“Con kênh xanh xanh những chiều êm ả nước trôi…”
Thuyền ai lướt qua hàng chuối với bờ kênh.
Thuyền ai lướt qua bông lúa thướt tha…”
Theo Kim Hài
Chú thích và giải nghĩa:
- Kênh: công trình dẫn nước tương đối lớn, thuyền bè có thể đi lại được.
- Lạch: đường dẫn nước hẹp, nông, ít dốc
- Ra vô: ra vào
- Thủy triều: hiện tượng nước biển dâng lên, rút xuống hai lần trong ngày
1.4.1. Đọc hiểu
Câu 1. Con lạch chung của nhà Đôi với nhà Thu được tạo ra như thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
Con lạch chung của nhà Đôi và nhà Thu trước kia là đường dẫn nước vào vườn cây. Sau nước lớn, hai bờ bị lở rộng ra. Hai nhà đã cùng nhau nạo đáy thành con lạch chung giữa hai nhà.
Câu 2. Mùa hè, Đôi và Thu thường làm gì bên con lạch?
Hướng dẫn trả lời:
Mùa hè, Đôi và Thu thường nằm trên võng ôn bài, đố vui.
Câu 3. Cái tên "con kênh xanh xanh" mà hai bạn đặt cho con lạch thể hiện tình cảm với con lạch như thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
Cái tên "con kênh xanh xanh" mà hai bạn đặt cho con lạch thể hiện sự thích thú và yêu mến của hai bạn đối với con lạch.
1.4.2. Luyện tập
Câu 1. Nói lời đồng ý của Thu khi Đôi rủ Thu cùng ra ôn bài.
Hướng dẫn trả lời:
Nói lời đồng ý của Thu khi Đôi rủ Thu cùng ra ôn bài:
" Được, chúng mình cùng ôn bài nhé!"
Câu 2. Nói lời khen của các bạn khi đến thăm con lạch của hai nhà.
Hướng dẫn trả lời:
Nói lời khen của các bạn khi đến thăm con lạch của hai nhà:
" Con lạch nhà bạn thật đẹp và tươi mát!"
1.5. Kể chuyện
Chọn 1 trong 2 đề sau:
1) Kể lại một làn em theo bố mẹ hoặc ông bà về quê chơi.
Gợi ý:
- Quê em ở đâu?
- Ở quê có những gì làm em thích thú hoặc nhớ nhất?
- Cảm nghĩ của em về lần đi chơi đó.
Hướng dẫn trả lời:
- Quê em là một ngôi làng ven biển.
- Ở quê, em thích thú nhất là bãi biển rộng lớn, có bãi cát mịn, nước biển mát mẻ, trong xanh và hàng dừa cao vút…
- Cảm nghĩ của em mỗi lần về quê: cảm thấy hạnh phúc, sung sướng khi được về thăm quê, và tự hào vì vẻ đẹp của quê hương mình.
2) Kể lại một lần em được đi chơi ở một nơi có cảnh đẹp.
Gợi ý:
- Em được đi đâu?
- Ở nơi em đến có những gì làm em thích thú hoặc nhớ mãi?
- Cảm nghĩ của em về lần đi chơi đó.
Hướng dẫn trả lời:
- Em được đi thăm Động Phong Nha - Kẻ Bàng
- Em thích nhất là những khối đá nhũ với nhiều hình dáng kì lạ, thú vị trong hang động
- Em cảm thấy rất vui vẻ, phấn khích và thích thú đến quên cả mệt mỏi
1.6. Bài viết 2
Câu 1. Viết 4-5 câu giới thiệu về quê hương em hoặc nơi em ở (kèm theo tranh ảnh em đã sưu tầm hoặc tự vẽ).
Hướng dẫn trả lời:
Em sinh ra và lớn lên ở thủ đô Hà Nội. Nơi đây rất nhộn nhịp và đông đúc. Các tòa nhà cao tầng chọc trời ngày càng nhiều, đường phố lúc nào xe cộ cũng chật như nêm. Nhưng ở Hà Nội có rất nhiều cảnh đẹp như hồ Hoàn Kiếm, lăng Bác, văn miếu, chùa Một Cột,... Em rất tự hào và yêu Hà Nội rất nhiều.
Bài tập minh họa
Câu 1:
a) Trưng bày, giới thiệu các đoạn viết về quê hương kèm theo tranh, ảnh học sinh sưu tầm hoặc tự vẽ.
Hướng dẫn trả lời:
b) Giới thiệu trò chơi dân gian. Mời các bạn cùng tham gia trò chơi.
Hướng dẫn trả lời:
c) Giới thiệu món ăn quê hương.
Hướng dẫn trả lời:
Luyện tập
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Đọc rõ ràng, rành mạch, lưu loát toàn bài Tập đọc.
+ Hiểu nội dung bài tập đọc Con kênh xanh xanh, Về quê.
+ Biết thể hiện sự quan tâm, chăm sóc cây cối.