Trong tuần này các em sẽ những hình ảnh; đọc những bài thơ, bài văn, câu chuyện nói về những người lao động xung quanh em: những người trồng lúa, trồng hoa, dân chài, thợ đánh cá, thợ hàn, bác sĩ, chị lao công,…Những người lao động chăm chỉ, cần cù này đã góp phần làm nên cuộc sống tươi đẹp của chúng ta.
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Chia sẻ
Câu 1. Những người trong tranh trang 123 đang làm gì? Họ là ai?
Hướng dẫn trả lời:
1. Người công nhân đang hàn xì. Đây là công việc hàn xì.
2. Người lính đang canh gác bảo vệ Tổ Quốc. Đây là những chú bộ đội.
3. Người dân đang kéo lưới. Đây là nghề đánh bắt cá.
4. Người ta đang phẫu thuật. Đây là những bác sĩ tài ba.
1.2. Bài đọc 1
Con đường của bé
Đường của chủ phi công
Lẫn trong mây cao tít
Khắp những vùng trời xa
Những vì sao chi chít.
Đường của chú hải quân
Mênh mông trên biển cả
Tới những vùng đảo xa
Và những bờ bến lạ.
Con đường làm bằng sắt
Là của bác lái tàu
Chạy dài theo đất nước
Đi song hành bên nhau.
Bà bảo đường của bé
Chỉ đi tới trường thôi
Bé tìm mỗi sớm mai
Con đường trên trang sách.
Thanh Thảo
1.2.1. Đọc hiểu
Câu 1. Bài thơ nói về công việc của những ai?\
Hướng dẫn trả lời:
Bài thơ nói về công việc của: chú phi công, chú hải quân, bác lái tàu.
Câu 2. Công việc của mỗi người gắn với một con đường. Ghép đúng.
Hướng dẫn trả lời:
a- 3 b- 1 c- 2 d- 4
Câu 3. Em hiểu hai dòng cuối bài thơ như thế nào? Chọn ý đúng:
a) Bé tìm đường tới trường.
b) Bé tìm đường của các chú, các bác.
c) Bé tìm con đường tương lai trong các bài học.
Hướng dẫn trả lời:
Ý đúng là: Bé tìm con đường tương lai trong các bài học.
1.2.2. Luyện tập
Câu 1. Những người trong tranh trang 125 đang làm gì? Họ là ai?
Hướng dẫn trả lời:
1- Chú Lê xây nhà. Chú là thợ xây.
2- Cô Hoa đang chỉ đường. Cô là cảnh sát giao thông.
3- Bác Tâm đang gặt lúa. Bác là nông dân.
4- Chú Mạnh đang may. Chú là thợ may.
Câu 2. Kể thêm về một số nghề nghiệp mà em biết.
Hướng dẫn trả lời:
Một số nghề nghiệp khác như: ca sĩ, bác sĩ, kĩ sư, diễn viên, cô giáo,....
1.3. Bài viết 1
Câu 1. Nghe - viết: Con đường của bé (2 khổ thơ đầu).
Câu 2. Tìm chữ hoặc vần phù hợp với ô trống:
a) Chữ s hay x?
Đã ...ế trưa, máy cày của bác nông dân trong ...óm vẫn chạy giòn giã. Máy lật lên những hàng đất tơi ...ốp cho mùa tới, cây cối ...inh ...ôi.
b) Chữ i hay iê?
Thủy rất mê chuyện cổ tích. Cô bé luôn t... là sẽ có những cô t...n xinh đẹp, d... hiền xuất h...n đúng lúc khó khăn nhất để giúp con người.
c) Vần ao hay au?
S... mấy đợt rét đậm, mùa xuân đã về. Trên cây g... đầu làng, từng đàn s... chuyền cành lao xao như b... tin vui, giục người ta m... đón ch... xuân mới.
Hướng dẫn trả lời:
a) Đã xế trưa, máy cày của bác nông dân trong xóm vẫn chạy giòn giã. Máy lật lên những hàng đất tơi xốp cho mùa tới, cây cối sinh sôi.
b) Thủy rất mê chuyện cổ tích. Cô bé luôn tin là sẽ có những cô tiên xinh đẹp, dịu hiền xuất hiện đúng lúc khó khăn nhất để giúp con người.
c) Sau mấy đợt rét đậm, mùa xuân đã về. Trên cây gạo đầu làng, từng đàn sáo chuyền cành lao xao như báo tin vui, giục người ta mau đón chào xuân mới.
Câu 3. Tìm chữ hoặc vần phù hợp với ô trống:
a) Chữ s hay x?
Ngày ...ưa say ...ưa quả ...ung ...ung phong
b) Chữ i hay iê?
Kim t...m trái t...m buổi ch...u ch... khó
c) Vần ao hay au?
C... lớn trầu c.... thứ s.... chim s...
Hướng dẫn trả lời:
a) ngày xưa, say sưa, quả sung, xung phong.
b) kim tiêm, trái tim, buổi chiều, chịu khó.
c) cao lớn, trầu cau, thứ sáu, chim sáo.
Câu 4. Tập viết
a) Viết chữ hoa kiểu 2:
b) Viết ứng dụng: Việt Nam, quê hương yêu dấu.
1.4. Bài đọc 2
Người làm đồ chơi
1. Bác Nhân, hàng xóm nhà tôi, là một người làm đồ chơi bằng bột màu. Ở ngoài phố, cái sào nứa cắm đồ chơi của bác dựng chỗ nào là trẻ con xúm lại.
2. Dạo này, hàng của bác Nhân bỗng ế. Những đồ chơi mới bằng nhựa đã xuất hiện. Một hôm, bác Nhân bảo bác sắp về quê làm ruộng. Tôi suýt khóc, nhưng cố tỏ ra bình tĩnh:
- Bác ở đây làm đồ chơi cho chúng cháu. Cháu sẽ rủ các bạn cùng mua.
Bác cảm động ôm lấy tôi.
3. Hôm sau là buổi bán hàng cuối cùng của bác Nhân. Tôi đập con lợn đất, đếm được hơn mười nghìn đồng. Tôi chia nhỏ món tiền, nhờ mấy bạn trong lớp mua giúp đồ chơi của bác.
Gặp tôi chiều hôm ấy, bác rất vui. Bác bảo: “Thì ra, vẫn còn nhiều trẻ nhỏ thích đồ chơi của bác.”.
Bác còn bảo:
- Về quê, bác cũng sẽ nặn đồ chơi để bán. Trẻ ở nông thôn thích thứ này hơn trẻ thành phố.
Theo Xuân Quỳnh
Chú thích và giải nghĩa:
- Ế hàng: không bán được hàng.
1.4.1. Đọc hiểu
Câu 1. Bác Nhân trong câu chuyện làm nghề gì?
Hướng dẫn trả lời:
Bác Nhân là một người làm đồ chơi bằng bột.
Câu 2. Vì sao bác Nhân định chuyển về quê? Chọn ý đúng:
a) Vì bác không thích ở thành phố.
b) Vì dạo này bác không bán được hàng.
c) Vì bác không thích làm đồ chơi bằng bột.
Hướng dẫn trả lời:
Bác Nhân định chuyển về quê: b) Vì dạo này bác không bán được hàng
Câu 3. Khi biết bác Nhân địng bỏ về quê, thái độ của bạn nhỏ như thế nào?
Hướng dẫn trả lời:
Khi biết bác Nhân định bỏ về quê, bạn nhỏ suýt khóc nhưng cố tỏ ra bình tĩnh.
Câu 4. Bạn nhỏ đã làm gì để bác Nhân vui trong buổi bán hàng cuối cùng.
Hướng dẫn trả lời:
Bạn nhỏ đã đập con lợn đất, chia cho các bạn nhỏ trong lớp mua đồ chơi giúp bác trong buổi bán hàng cuối cùng.
1.4.2. Luyện tập
Câu 1. Sử dụng các câu hỏi Ở đâu?, Khi nào?, Vì sao? hỏi đáp với bạn về nội dung câu chuyện.
Hướng dẫn trả lời:
- Vì sao bạn nhỏ trong truyện muốn bác Nhân ở lại?
=> Bạn ấy muốn bác Nhân ở lại vì quý mến bác.
- Khi nào là buổi bán hàng cuối cùng của bác Nhân?
=> Hôm sau là buổi bán hàng của bác.
- Bác Nhân tiếp tục nặn đồ chơi để bán cho trẻ em ở đâu?
=> Về quê, bác tiếp tục nặn đồ chơi để bán cho trẻ ở nông thôn.
Câu 2. Em hãy thay bạn nhỏ trong truyện nói lời chào tạm biệt và lời chúc bác Nhân khi chia tay bác.
Hướng dẫn trả lời:
"Bác về quê nhớ giữ gìn sức khỏe, chúng cháu luôn nhớ bác. Chúc bác thượng lộ bình an."
1.5. Kể chuyện
Câu 1: Nghe và kể lại mẩu chuyện sau:
May áo
1. Ở khu rừng nọ có một chú thỏ rất tốt bụng. Ai cũng yêu mến chú. Một năm trời rét quá, thấy thỏ ăn mặc phong phanh, nhím muốn may tặng thỏ một chiếc áo ấm.
2. Nhưng nhím chỉ có kim. Muốn may áo, phải có vải. Nhím chợt nhớ ngoài bãi có chị tằm. Nó tìm đến chị tằm. Chị vui vẻ tặng cho nhím 1 tấm vải lớn.
3.Có vải rồi, nhím đi tìm người cắt. Đi một quãng, nhím gặp anh bọ ngựa có chiếc kéo rất sắc. Nhưng bọ ngựa bảo: “Tớ chỉ biết cắt. Phải tìm người đo vải rồi mới cắt được.”. Hai bạn bèn nhờ ông ốc sên đo vải. Ông ốc sên vui vẻ nhận lời.
4. Cuối cùng chiếc áo đã hoàn thành. Các bạn đem tặng thỏ. Thỏ bảo:
- Cảm ơn các bạn rất nhiều. Nhưng vẫn còn nhiều bạn chưa có áo ấm. Chúng ta hãy cùng lập một xưởng may để ai cũng có áo ấm đi.
Thế là một xưởng may ra đời giữa rừng. Mùa đông ấy, tất cả đều có áo ấm.
Truyện kể về lòng cao thượng
Gợi ý:
a) Vì sao nhím muốn may tặng thỏ một chiếc áo ấm?
b) Nhím đã có kim, nó tìm vải may áo ở đâu?
c) Ai giúp nhím cắt vải, đo vải?
d) Thỏ nghĩ ra sáng kiến gì khi được các bạn tặng áo?
Câu 2: Nói lời của em:
a) Khen nhím, thỏ và các con vật trong khu rừng.
b) Đồng tình với sáng kiến của thỏ.
Hướng dẫn trả lời:
a)
- HS1: Các bạn thật tuyệt.
- Nhím: Bọn mình cần quan tâm đến nhau mà.
b)
HS1: Thỏ à, tớ hoàn toàn đồng ý với sáng kiến của câu.
Thỏ: Cảm ơn cậu.
1.6. Bài viết 2
Câu 1. Nói về một người lao động ở trường em.
Hướng dẫn trả lời:
Gợi ý:
- Em nói về bác lao công.
- Bác đó làm công việc quét dọn, vệ sinh.
- Bác từng giúp em làm vệ sinh lớp học khi em bị ốm.
- Em rất muốn nói lời cảm ơn và luôn yêu quý bác.
Câu 2. Dựa vào những điều vừa nói, hãy viết 4 -5 câu về một người lao động ở trường em.
Hướng dẫn trả lời:
Bác Liên làm lao công ở trường em. Hằng ngày, bác quét dọn sân trường luôn sạch đẹp. Bác là người rất tốt bụng vì luôn giúp đỡ chúng em làm vệ sinh lớp học khi có bạn nào bị ốm. Chúng em đều rất yêu quý và biết ơn bác Liên.
Luyện tập
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Đọc rõ ràng, rành mạch, lưu loát toàn bài Tập đọc.
+ Hiểu nội dung bài tập đọc Con đường của bé, Người làm đồ chơi.
+ Biết thể hiện sự quan tâm, chăm sóc cây cối.