Chúng ta cần làm việc chăm chỉ để không lãng phí thời gian. Các em đã làm được và chưa làm được của ngày hôm qua? Như bạn nhỏ trong bài thơ dưới đây đã hỏi bố một câu hỏi rất ngộ nghĩnh: Ngày hôm qua đâu rồi?
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Hoạt động khởi động
1. Đọc các nội dung trên tờ lịch
2. Trao đổi với bạn: Chúng ta cần lịch để làm gì?
1. Đọc nội dung trên tờ lịch: Tháng chín, năm 2021, ngày 24, thứ bảy, ngày 18 tháng tám (Âm lịch)
2. Chúng ta cần lịch để xác định rõ ngày, tháng, năm và chủ động sắp xếp công việc.
1.2. Khám phá và luyện tập
1.2.1. Đọc
Ngày hôm qua đâu rồi?
Em cầm tờ lịch cũ :
- Ngày hôm qua đâu rồi?
Ra ngoài sân hỏi bố
Xoa đầu em, bố cười .
- Ngày hôm qua ở lại
Trên cành hoa trong vườn
Nụ hồng lớn lên mãi
Đợi đến ngày tỏa hương.
- Ngày hôm qua ở lại
Trong hạt lúa mẹ trồng
Cánh đồng chờ gặt hái
Chín vàng màu ước mong.
- Ngày hôm qua ở lại
Trong vở hồng của con
Con học hành chăm chỉ
Là ngày qua vẫn còn.
BẾ KIẾN QUỐC
a) Cùng tìm hiểu
Câu 1: Bạn nhỏ hỏi bố điều gì?
Bạn nhỏ hỏi bố rằng: “Ngày hôm qua đâu rồi?”
Câu 2: Theo bố, ngày hôm qua ở lại những nơi nào?
Theo bố, ngày hôm qua ở lại:
- Trên cành hoa trong vườn.
- Trong hạt lúa mẹ trồng
- Trong vở hồng của con
Câu 3: Ngày hôm qua của em ở lại những đâu?
Ngày hôm qua của em ở lại trong trang vở, trang sách em học mỗi ngày.
b) Cùng sáng tạo
Tìm trong bài thơ từ ngữ chỉ:
- Đồ vật: tờ lịch, vở hồng
- Cây cối: cây hoa hồng, cây lúa
- Hoạt động: cầm, ra, hỏi, xoa đầu, cười, lớn lên, đợi, tỏa hương, trồng, chờ, gặt hái, học hành
1.2.2. Viết
a) Viết chữ hoa Ă
- Cấu tạo: gồm nét móc ngược trái, nét móc ngược phải, nét lượn và dấu mũ ngược.
- Cách viết:
+ Bước 1: Viết như chữ A
+ Bước 2: Lia bút đến ĐK ngang 4, viết nét lượn võng và dừng bút bên phải DK dọc 3.
b) Viết chữ hoa Â
- Cấu tạo: gồm nét móc ngược trái, nét móc ngược phải, nét lượn và dấu mũ
- Cách viết:
+ Bước 1: Viết như chữ A
+ Bước 2: Lia bút đến ĐK ngang 4, viết nét xiên phải, không nhấc bút viết liền mạch nét xiên trái và dừng bút dưới DK ngang 4, bên phải DK dọc 3.
c) Viết ứng dụng: Ăn chậm nhai kĩ
1.2.3. Luyện từ
Tìm từ chỉ sự vật (người, đồ vật, con vật cây cối,…) phù hợp với từng tranh.
M: cô giáo
- Người: cô giáo, học sinh
- Đồ vật: Sách Tiếng Việt 2, bút mực
- Con vật: con mèo, con trâu
- Cây cối: cây dừa, cây táo
1.2.4. Luyện câu
Thực hiện các yêu cầu dưới đây:
a. Câu nào dưới đây dùng để giới thiệu?
- Em là học sinh lớp Hai
- Em rất thích học bơi
- Em đăng tập thể dục
b. Đặt câu giới thiệu một bạn cùng lớp (theo mẫu)
Ai (cái gì, con gì) | là gì? |
Bạn Ánh | là tổ trưởng tổ em |
a. Câu dùng để giới thiệu đó là: Em là học sinh lớp Hai
b. Gợi ý:
- Bạn Ngọc là lớp trưởng lớp em.
- Bạn Quỳnh là cây văn nghệ của lớp em.
- Bạn Tuấn là bạn thân của em.
- Bạn Thắng là tay chơi cờ tướng siêu đẳng.
Bài tập minh họa
Trao đổi những việc em cần làm để không lãng phí thời gian cuối tuần
- Buổi sáng: Đi học đàn
- Buổi chiều: Đi thăm ông bà nội
- Buổi tối: Xem lại bài vở chuẩn bị cho thứ 2 đi học.
Luyện tập
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Đọc rõ ràng, rành mạch, lưu loát toàn bài Tập đọc.
+ Hiểu nội dung bài tập đọc đó là quý trọng thời gian
+ Biết được từ chỉ sự vật là gì?
+ Đặt được câu giới thiệu