Tiếp tục chủ đề Em yêu thiên nhiên, hôm nay các em sẽ làm quen với các chủ điểm Thế giới loài chim. Chủ điểm này sẽ giúp các em mở rộng hiểu biết về các loài chim trong thế giới tự nhiên. Các em sẽ biết được tên nhiều loài chim, lợi ích của chúng, những niềm vui chúng mang đến cho con người để thêm yêu các loài chim và cách bảo vệ chúng chúng.
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Chia sẻ
Câu 1. Hãy gọi tên những loài chim có trong ảnh trang 38.
Hướng dẫn trả lời:
Tên những loài chim có trong ảnh: chim cánh cụt, chim gáy, chim rẻ quạt, chim gõ kiến, chim bói cá, chim sâu, quạ, chim cú mèo, chim vàng anh và chim bìm bịp.
Câu 2. Hãy sắp xếp tên các loài chim nói trên vào nhóm thích hợp:
a) Gọi tên theo hình dáng, màu sắc.
b) Gọi tên theo tiếng kêu.
c) Gọi tên theo cách kiếm ăn.
Hướng dẫn trả lời:
a) Gọi tên theo hình dáng, màu sắc: chim cánh cụt, chim cú mèo, chim vàng anh, chim rẻ quạt.
b) Gọi tên theo tiếng kêu: chim bìm bịp, chim gáy, quạ.
c) Gọi tên theo cách kiếm ăn: chim bói cá, chim gõ kiến, chim sâu.
1.2. Bài đọc 1
CHIM ÉN
Chim én bận đi đâu
Hôm nay về mở hội
Lượn bay như dẫn lối
Rủ mùa xuân cùng về.
Cỏ mọc xanh chân đê
Rau xum xuê nương bãi
Cây cam vàng thêm trái
Hoa khoe sắc nơi nơi.
Trời rắc bụi mưa rơi
Mầm non vươn đứng dậy
Én bay chao cánh vẫy
Mừng vui rồi lại đi.
Chim ơi, chim nói gì
Khi lớn thêm một tuổi?
Xuân Dục
Chú thích và giải nghĩa:
- Chim én: Loài chim nhỏ, cánh dài và nhọn, chân ngắn, bay nhanh, thường gặp nhiều vào mùa xuân.
1.2.1. Đọc hiểu
Câu 1. Em hiểu chim én "rủ mùa xuân cùng về" nghĩa là gì? Chọn ý đúng:
a) Chim én báo hiệu mùa xuân về.
b) Chim én dẫn đườngcho mùa xuân về.
c) Chim én về để mở hội xuân.
Hướng dẫn trả lời:
Câu trả lời đúng là a) chim én báo hiệu màu xuân về.
Câu 2. Tìm những câu thơ tả vẻ đẹp của cây cối khi xuân về.
Hướng dẫn trả lời:
Những câu thơ miêu tả vẻ đẹp của cây cối khi xuân về là:
"Cỏ mọc xanh chân đê
Rau xum xuê nương bãi
Cây cam vàng thêm trái
Hoa khoe sắc nơi nơi."
Câu 3. Em muốn chim én nói gì khi xuân về.
Hướng dẫn trả lời:
Khi xuân về, em muốn chim én nói rằng mùa xuân đã tới, mùa của cây cối đâm trồi nảy lộc, mùa của sắc xuân.
1.2.2. Luyện tập
Câu 1. Bộ phận nào trong mỗi câu sau trả lời cho câu hỏi Ở đâu?
a) Cỏ mọc xanh ở chân đê.
b) Rau xum xuê trên nương bãi.
c) Hoa khoe sắc khắp nơi.
Hướng dẫn trả lời:
Bộ phận trả lời cho câu hỏi Ở đâu? là:
a) Ở chân đê.
b)Trên nương bãi.
c) Khắp nơi.
Câu 2. Xếp các từ ngữ sau vào nhóm thích hợp:
chim én, mở hội, lượn bay, hoa, dẫn lối, rủ, chao, cánh, vẫy. mầm non
Hướng dẫn trả lời:
- Từ ngữ chỉ sự vật: chim én, hoa, cánh, mầm non.
- Từ chỉ hoạt động: mở hội, lượn bay, dẫn lối, rủ, chao, vẫy.
1.3. Bài viết 1
Câu 1. Nghe - viết: Chim én (2 khổ thư đầu)
Câu 2. Chọn chữ hoặc vần phù hợp với ô trống:
a) Chữ l hay n?
Khi phương đông vừa vẩn bụi hồng, họa mi lại hót vang ...ừng, chào ...ắng sớm. Hót xong, ...ó xù ...ông rũ hết những giọt sương rồi chuyển bụi cây, tìm sâu, ăn ...ót dạ, đoạn vỗ cánh bay đi.
Theo NGỌC GIAO
b) Vần ươc hay ươt?
Mưa đến rồi. Mọi người không tưởng đ... là mưa lại kéo đến chóng thế. Bao nhiêu n... tuôn rào rào. Lá đào, lá na, lá sói vẫy tai run rẩy. Con gà trống ... lướt th... ngật ngưỡng tìm chỗ trú.
Theo TÔ HOÀI
Hướng dẫn trả lời:
a) Chữ l hay n?
Khi phương đông vừa vẩn bụi hồng, họa mi lại hót vang lừng, chào nắng sớm. Hót xong, nó xù lông rũ hết những giọt sương rồi chuyển bụi cây, tìm sâu, ăn lót dạ, đoạn vỗ cánh bay đi.
Theo NGỌC GIAO
b) Vần ươc hay ươt?
Mưa đến rồi. Mọi người không tưởng được là mưa lại kéo đến chóng thế. Bao nhiêu nước tuôn rào rào. Lá đào, lá na, lá sói vẫy tai run rẩy. Con gà trống ướt lướt thướt ngật ngưỡng tìm chỗ trú.
Theo TÔ HOÀI
Câu 3.
a) Tìm và viết các tiếng bắt đầu bằng l hay n, có nghĩa như sau:
- Tiếng chim hót có nhiều âm thanh cao và trong ríu vào nhau nghe vui tai.
- Vật để thắp sáng, hình trụ, làm bằng sáp hoặc bơ, ở giữa có bấc.
- Ánh sáng trực tiếp từ mặt trời chiếu xuống.
- Có nhiệt độ thấp hơn nhiều so với mức nhiệt độ trung bình.
b) Tìm và viết:
- 2 tiếng có vần ươc. Mẫu: bước
- 2 tiếng có vần ươt. Mẫu: lượt
Hướng dẫn trả lời:
a) Tìm và viết các tiếng bắt đầu bằng l hay n, có nghĩa như sau:
- Tiếng chim hót có nhiều âm thanh cao và trong ríu vào nhau nghe vui tai: lảnh lót
- Vật để thắp sáng, hình trụ, làm bằng sáp hoặc bơ, ở giữa có bấc: nến
- Ánh sáng trực tiếp từ mặt trời chiếu xuống: nắng
- Có nhiệt độ thấp hơn nhiều so với mức nhiệt độ trung bình: lạnh
b) Tìm và viết:
- 2 tiếng có vần ươc. Mẫu: bước
- 2 tiếng có vần ươt. Mẫu: lượt
Câu 4. Tập viết
a) Tập viết chữ hoa:
Hướng dẫn trả lời:
- Cấu tạo: Nét viết chữ hoa T là kết hợp của 3 nét cơ bản. Bao gồm cong trái (nhỏ), lượn ngang (ngắn) và cong trái (to) nối liền nhau. Các nét tạo nên vòng xoắn nhỏ ở đầu chữ.
- Cách viết:
+ Đặt bút giữa đường kẻ 4 và đường kẻ 5. Viết nét cong trái (nhỏ) nối liền với nét lượn ngang từ trái sang phải.
+ Sau đó lượn trở lại viết tiếp nét cong trái (to). Cắt nét lượn ngang và cong trái (nhỏ), tạo vòng xoắn nhỏ ở đầu chữ.
+ Phần cuối nét cong lượn vào trong (giống ở chữ hoa C). Dừng bút trên đường kẻ 2.
*Chú ý: Nét cong trái (to) lượn đều và không cong quá nhiều về bên trái.
b) Viết ứng dụng: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
1.4. Bài đọc 2
CHIM RỪNG Ở TÂY NGUYÊN
1. Những cơn gió nhẹ làm mặt nước hồ Y-rơ-pao chao mình rung động. Bầu trời trong xanh soi bóng xuống đáy hồ, mặt hồ càng xanh thêm và như rộng ra mênh mông.
2. Nơi đây cất lên những tiếng chim ríu rít. Chim đại bàng chân vàng, mỏ đỏ đang chao lượn, bóng che rợp mặt đất. Mỗi lần đại bàng vỗ cánh lại phát ra những tiếng vi vu vi vút từ trên nền trời xanh thắm, giống như có hàng trăm chiếc đàn cùng hoà âm. Bầy thiên nga trắng muốt đang bơi lội. Những con chim kơ-púc mình đỏ chót và nhỏ như quả ớt cố rướn cặp mỏ thanh mảnh của mình hót lên lanh lảnh nghe như tiếng sáo.
3. Họ nhà chim đủ các loại, đủ các màu sắc ríu rít bay đến đậu ở những bụi cây quanh hồ, tiếng hót rộn vang cả mặt nước.
Theo Thiên Lương
Chú thích và giải nghĩa:
- Rợp: (bóng che) kín
- Hòa âm: phối hợp nhiều âm thanh với nhau cùng lúc.
- Thanh mảnh: thon thả, xinh xắn
1.4.1. Đọc hiểu
Câu 1. Tìm những từ ngữ tả vẻ đẹp của mặt hồ Y-rơ-pao.
Hướng dẫn trả lời:
Những từ ngữ miêu tả vẻ đẹp của mặt hồ Y-rơ-pao là: mặt hồ càng xanh và rộng ra mênh mông.
Câu 2. Quanh hồ Y-rơ-pao có những loài chim nào?
Hướng dẫn trả lời:
Quanh hồ Y-rơ-pao có những loài chim: chim đại bàng, thiên nga, chim kơ-púc.
Câu 3. Dựa theo bài đọc, hãy tả lại hình ảnh của một loài chim mà em thích.
Hướng dẫn trả lời:
Cách đây 1 tuần, em đã được ông dẫn đi mua chim bồ câu, ông em chọn được hai cặp bồ câu Nhật, lông trắng muốt, đuôi xoè rộng như đuôi công, trông rất dễ thương. Chiếc mỏ màu hồng nhạt cùng với đôi chân nhỏ xíu rất đáng yêu. Cặp mắt viền một vành lông xám, lúc nào cũng mở to. Ngày ngày, ông tự tay chăm sóc, nuôi dưỡng chúng. Nuôi chim bồ câu không tốn công nhiều mà lại rất sạch sẽ. Chim bồ câu rất hiền hậu, luôn sống hòa thuận với nhau. Vì vậy mà em rất yêu quý loài chim này.
1.4.2. Luyện tập
Câu 1. Bộ phận in đậm trong những câu sau trả lời cho câu hỏi nào?
a) Hồ Y-rơ-pao ở Tây Nguyên.
b) Những tiếng chim ríu rít cất lên quanh hồ.
c) Họ nhà chim ríu rít bay đến đậu ở những bụi cây quanh hồ.
Hướng dẫn trả lời:
Bộ phận in đậm trong câu sau trả lời cho câu hỏi:
a) Hồ Y-rơ-pao ở Tây Nguyên (ở đâu?)
b) Những tiếng chim ríu rít cất lên quanh hồ (ở đâu?)
c) Họ nhà chim ríu rít bay đến đậu ở những bụi cây quanh hồ (ở đâu?)
Câu 2. Tìm bộ phận trả lời cho câu hỏi Ở đâu?
a) Đại bàng chao lượn trên nền trời xanh thẳm.
b) Trên mặt hồ, bầy thiên nga trắng muốt đang bơi lội.
c) Ven hồ, những con chim kơ-púc hót lên lanh lảnh.
Hướng dẫn trả lời:
Bộ phận trả lời cho câu hỏi Ở đâu? (được gạch chân) là:
a) Đại bàng chao lượn trên nền trời xanh thẳm.
b) Trên mặt hồ, bầy thiên nga trắng muốt đang bơi lội.
c) Ven hồ, những con chim kơ-púc hót lên lanh lảnh.
1.5. Trao đồi
Câu 1: Cùng bạn thực hành nói và đáp lời đồng ý trong các tình huống sau:
a) Bạn muốn thăm góc học tập của em.
b) Em muốn giới thiệu với các bạn đồ chơi của mình.
c) Bạn muốn em hướng dẫn cách chơi một đồ chơi.
Hướng dẫn trả lời:
a) Gợi ý:
- Nói: Cậu có thể dẫn mình tham quan góc học tập của cậu được không?
- Đáp: Tất nhiên là được rồi. Cậu đi theo mình nào!
b) Gợi ý:
- Nói: Các cậu có muốn làm quen với mô hình chim đại bàng của mình không?
- Đáp: Có chứ, bọn mình rất mong chờ đó.
c) Gợi ý:
- Nói: Cậu chỉ mình cách chơi với chú vẹt đáng yêu này được không?
- Đáp: Được chứ, cậu nhìn theo mình này!
Câu 2: Quan sát:
a) Mang đến lớp đồ vật, đồ chơi hình một loài chim (hoặc tranh ảnh loài chim) em yêu thích.
b) Quan sát đồ vật, đồ chơi (tranh ảnh) và ghi lại kết quả quan sát.
c) Nói lại với các bạn kết quả quan sát.
Hướng dẫn trả lời:
Gợi ý:
- Tên đồ chơi: chim cánh cụt bông.
- Đặc điểm của đồ chơi:
+ Con chim có vỏ màu vàng, béo tròn, bụng trắng, lưng đen
+ Con chim được lắp pin, khi bật công tắc sẽ vừa đi vừa đập hai cánh
- Tình cảm của em đối với đồ chơi: đồ chơi làm bằng bông, rất mềm mại và có thể cử động nên em rất thích nó.
1.6. Bài viết 2
Dựa vào những điều đã quan sát và trao đổi với bạn ở tiế học trước, hãy viết 4-5 câu về đồ vật, đồ chơi hình một loài chim (hoặc tranh ảnh loài chim) em yêu thích.
Hướng dẫn trả lời:
Vào lần sinh nhật năm 6 tuổi, bố đã tặng em một bức ảnh chim bồ câu mà bố chụp được trong chuyến công tác tại Pháp. Đúng như cái tên, chú bồ câu trong bức ảnh khoác lên mình bộ lông trắng muốt, mềm mại như nhung khiến ai cũng muốn đến âu yếm vuốt ve. Cái đầu chú tròn tròn, xinh xinh như quả táo bé mà di chuyển rất linh hoạt. Đôi mắt bồ câu tròn xoe, đen láy, xung quanh là đường viền màu đỏ hồng. Xưa nay, người ta thường lấy mắt bồ câu làm chuẩn mực cho vẻ đẹp thanh cao, trong sáng, dịu dàng của người thiếu nữ. Cái mỏ nhọn cong cong màu vàng ngà nhô ra phía trước. Chiếc mỏ ấy khi thì mổ thóc, uống nước; khi lại rỉa lông, rỉa cánh. Hai chiếc chân chỉ to hơn que tăm một xíu, màu phớt hồng ấy vậy mà đi lại nhanh thoăn thoắt. Ôi, chúng thật đáng yêu!
Bài tập minh họa
Em hãy mang đến lớp quyển sách (tờ báo) viết về các loài chim. Giới thiệu sách (báo) với các bạn.
Luyện tập
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Đọc rõ ràng, rành mạch, lưu loát toàn bài Tập đọc.
+ Hiểu nội dung bài tập đọc Chim rừng ở Tây Nguyên, Chim én
+ Biết thể hiện sự quan tâm, chăm sóc cây cối