Dưới đây là nội dung bài giảng Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu - Trần Tế Xương thuộc sách Kết Nối Tri Thức do HỌC247 biên soạn và tổng hợp nhằm giúp các em tìm hiểu về đặc trưng cơ bản của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật và hiện thực của nước ta ở buổi đầu xã hội thực dân nửa phong kiến. Mời các em cùng tham khảo. Chúc các em có nhiều kiến thức bổ ích!
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu chung
1.1.1. Tác giả Trần Tế Xương
a. Tiểu sử:
- Trần Tế Xương (1870 - 1907) thường gọi là Tú Xương.
- Quê quán: làng Vị Xuyên - huyện Mĩ Lộc - tỉnh Nam Định (nay thuộc phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định).
- Cuộc đời ngắn ngủi, nhiều gian truân:
+ Cuộc đời ông chỉ gắn liền với thi cử, tính ra có tất cả tám lần. Đó là các khoa: Bính Tuất (1886); Mậu Tý (1888); Tân Mão (1891); Giáp Ngọ (1894); Đinh Dậu (1897); Canh Tý (1900); Quý Mão (1903) và Bính Ngọ (1906).
+ Sau 3 lần hỏng thi mãi đến lần thứ tư khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài, nhưng cũng chỉ là tú tài thiên thủ (lấy thêm).
+ Sau đó không sao lên nổi cử nhân, mặc dù đã khá kiên trì theo đuổi. Khoa Quý Mão (1903) Trần Tế Xương đổi tên thành Trần Cao Xương tưởng rằng bớt đen đủi, nhưng rồi hỏng vẫn hoàn hỏng.
b. Sự nghiệp sáng tác
- Đặc điểm sáng tác:
+ Thơ của Tế Xương có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình trong đó trữ tình là gốc.
+ Bức tranh hiện thực trong thơ Tế Xương là một bức tranh xám xịt, dường như chỉ có rác rưởi, đau buồn, vì hiện thực thối nát của xã hội thực dân - nửa phong kiến.
+ Với giọng văn châm biếm sâu cay, thơ văn của ông đã đả kích bọn thực dân phong kiến, bọn quan lại làm tay sai cho giặc, bọn bán rẻ lương tâm chạy theo tiền bạc, bọn rởm đời lố lăng trong buổi giao thời.
- Tác phẩm tiêu biểu:
+ Với khoảng trên 100 bài, chủ yếu là thơ Nôm, gồm nhiều thể thơ (thất ngôn bát cú, thất ngôn tứ tuyệt, lục bát) và một số bài văn tế, phú, câu đối,...
+ Một số tác phẩm như: Vịnh khoa thi Hương, Giễu người thi đỗ, Ông cò, Phường nhơ, Thương vợ, Văn tế sống vợ,...
Tú Xương toàn tập
1.1.2. Tác phẩm
a. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:
- Sau khi Pháp tiến hành cuộc xâm lược, văn hóa phương Tây tràn nhanh qua Việt Nam, Hán học đến thời kì suy tàn, các nho sĩ thi nhau đem vứt bút lông chuyển sang dùng bút sắt. Chính vì vậy, các kì thi truyền thống không còn giữ được sự nghiêm túc, khắt khe như trước, thay vào đó là sự bát nháo, hỗn độn.
- Vào khoa thi năm 1897 (năm Đinh Dậu), kì thi Hương ba năm diễn ra một lần vốn từ xưa đều được tổ chức ở Hà Nội, nay bị Pháp bãi bỏ và tổ chức chung cho thí sinh ở trường Nam Định thi cùng với thí sinh trường Hà Nội. Chứng kiến hiện thực đầy bát nháo, đau xót đó, Tú Xương đã sáng tác bài thơ này.
b. Thể loại:
- Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu thuộc thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.
- Thất ngôn bát cú là thể thơ có từ thời nhà Đường, bài thơ có 8 câu, mỗi câu 7 chữ, gieo vần ở chữ cuối trong các câu 1,2,4,6,8. Thể thơ có luật rất chặt chẽ.
c. Bố cục văn bản:
- Phần 1: (Hai câu thơ đầu) Giới thiệu về khoa thi năm Đinh Dậu.
- Phần 2: (Bốn câu thơ tiếp theo) Cảnh trường thi trong thực tế.
- Phần 3: (Hai câu thơ còn lại) Thái độ, tâm trạng của nhà thơ.
d. Tóm tắt tác phẩm:
Bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu vừa ghi lại cảnh “nhập trường” vừa ghi lại cảnh lễ xướng danh qua đó nói lên tâm trạng đau đớn, chua xót của nhà thơ trước hiện thực mất nước, giao thời nhốn nháo, nhố nhăng.
Lễ xướng danh khoa thi Hương năm Đinh Dậu tại Nam Định ngày 27-12-1897
1.2. Đọc hiểu văn bản
1.2.1. Hai câu đề
- Hai câu đề giới thiệu một nét mới của khoa thi Đinh Dậu:
Nhà nước ba năm mở một khoa
Trường Nam thi lẫn với trường Hà
- Thời gian mở khoa thi: Ba năm mở một khoa.
- Hình thức thi: Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
- Sự lộn xộn, láo nháo, lôi thôi, thiếu nề nếp, quy củ của cuộc thi.
=> Sự lộn, nhốn nháo, thấy được tình cảnh của đất nước, sự áp đảo của ngoại bang.
1.2.2. Hai câu thực
- Hai câu thực miêu tả cảnh nhập trường và xướng danh bằng hai nét vẽ rất đặc sắc:
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm ọe quan trường miệng thét loa
- Sĩ tử:
+ Vai đeo lọ ra dáng dấp luộm thuộm
+ Lôi thôi sĩ tử: đảo ngữ nhấn mạnh vẻ nhếch nhác, không gọn gàng của những sĩ tử.
=> Câu thơ vẽ nên viễn cảnh hài hước, chua chát. Họ không có tư thế của những sĩ tử đi thi, của người làm chủ kiến thức trong kì thi.
- Quan trường: dáng vẻ ra oai, nạt nộ
+ Ậm ọe quan trường: đảo ngữ à làm nổi bật đối tượng người coi thi nói năng ậm ọe, ấp úng, ra oai, gượng gạo.
+ Miệng thét loa: sự nhốn nháo, quá lộn xộn của cảnh trường thi.
-> Trường thi không còn là chốn tôn nghiêm, nề nếp nữa, quá lộn xộn, quá ồn ào, khác nào cảnh họp chợ, nên quan trường mới ậm ọe và thét loa như thế.
=> Tú Xương đối rất chỉnh làm hiện lên hai hình ảnh trung tâm của trường thi. Sĩ tử thì lôi thôi nhếch nhác, mất di cái vẻ nho nhã thư sinh. Quan trường, giám thị cũng chẳng còn cáu phong thái nghiêm trang, trịnh trọng vốn có.
1.2.3. Hai câu luận
- Hai câu luận tô đậm bức tranh Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu bằng hai bức biếm họa về ông Tây và mụ đầm:
Cờ kéo rợp trời, quan sứ đến
Váy lê quét đất, mụ đầm ra
- Quan sứ, mụ đầm ra làm tăng sự lố bịch của cuộc thi.
- Cờ kéo rợp trời: đón tiếp trang nghiêm, linh đình.
- Váy lê quét đất: cách ăn mặc lòe loẹt, lố lăng.
=> Sự phô trường về hình thức, nhố nhăng, lôi thôi.
- Phép đối:
+ Quan sứ >< bà đầm
+ Cờ kéo >< váy lê
-> Bức tranh biếm họa về trường thi đầy rẫy những đối lập, ngược đời, trớ trêu.
=> Nghệ thuật trào phúng độc đáo trong phép đối của Tú Xương thể hiện nỗi đau, nỗi nhục mất nước được cực tả một cách cay đắng, lạnh lùng qua cặp câu luận này.
1.2.4. Hai câu kết
- Hai câu kết là tâm trạng của tác giả trước cảnh tượng trường thi. Nguồn mạch trữ tình như được chiết xuất ra từ những điều mắt thấy, tai nghe, từ những nhố nhăng, lôi thôi, lộn xộn trong ngoài, trên dưới nơi trường năm Đinh Dậu:
Nhân tài đất Bắc nào ai đó
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà
- Câu hỏi: Nhân tài đất Bắc nào ai đó à lời kêu gọi những người có lòng tự tôn dân tộc hãy thức tỉnh để trông cảnh nước nhà.
- Ngoảnh cổ: thái độ, tâm thế không cam tâm sống mãi trong cảnh đời nô lệ.
- Cảnh nước nhà: hiện trạng đất nước và nỗi nhục mất nước.
=> Tú Xương là một trong hàng vạn sĩ tử dự khoa thi Hương năm Đinh Dậu. Ông là người tham dự, là người chứng kiến,… Từ nỗi đau của người hỏng thi mà ông ngẫm về cái nhục của sĩ tử, của trí thức, của nhân tài đất Bắc. Thể hiện tấm lòng yêu nước, căm ghét bọn thực dân xâm lược, thức tỉnh lòng tự tôn dân tộc.
1.3. Tổng kết
1.3.1. Về nội dung
- Vịnh khoa thi hương là bài thơ thuộc đề tài thi cử – một đề tài khá đậm nét trong sáng tác của Tú Xương. Qua việc tái hiện hình ảnh thảm hại của kì thi năm Đinh Dậu (1897) tại trường Hà Nam, nhà thơ bày tỏ sự xót xa, đau đớn của con người trước tình cảnh thảm hại của các nhà Nho vào thời kì mạt vận của Nho học.
- Một phần hiện thực nhốn nháo, ô hợp của xã hội thực dân nửa phong kiến buổi đầu đã được tái hiện lại đồng thời nói lên tâm sự của mình trước tình cảnh đất nước.
1.3.2. Về nghệ thuật
- Nghệ thuật đối, đảo ngữ.
- Ngôn ngữ có tính chất khẩu ngữ, trong sáng, giản dị nhưng giàu sức biểu cảm.
Bài tập minh họa
Chọn ra chi tiết trào phúng mà em ấn tượng nhất trong bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu của Trần Tế Xương và viết đoạn văn phân tích.
Lời giải chi tiết:
Hai câu luận tô đậm bức tranh “Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu” bằng hai bức biếm hoạ về ông Tây và mụ đầm. Tài liệu cũ cho biết, năm đó Toàn quyền Pôn Đu-me và vợ chồng tên Công sứ Nam Định Lơ Noóc-măng đã đến dự. Các ông cử tân khoa, các ông tú mền, tú kép... phải cúi rạp mình xuống mà lạy ông Tây, lạy mụ đầm “váy lê quét đất”, “trên ghế... ngoi đít vịt”. Cái nhục của hàng vạn sĩ tử Bắc Hà không thể nào kể hết:
Lọng cắm rợp trời, quan sứ đến,
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.
Tây thực dân đang đè đầu cưỡi cổ dân ta. Hình ảnh “Lọng cắm rợp trời” gợi tả cảnh đón tiếp dành cho “quan sứ”, lũ ăn cướp đất nước ta, một nghi lễ cực kỳ long trọng. Đó là nỗi đau mất nước. Từ xưa tới năm ấy (1897) chốn trường thi là nơi tôn nghiêm, lễ giáo phong kiến vốn trọng nam khinh nữ, đàn bà đâu được bén mảng đến nơi kén chọn nhân tài. Thế mà bây giờ, không chỉ “mụ đầm ra” mụ đầm đến với “váy lê quét đất” mà còn bày ra giữa thanh thiên bạch nhật một nghịch cảnh vô cùng nhục nhã.
Lời kết
Học xong bài Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu - Trần Tế Xương, các em cần nắm:
- Nhận biết được một số yếu tố thi luật của thơ thất ngôn bát cú tuyệt Đường luật như: bố cục, niềm, luật, vẫn, nhịp, đối.
- Nhận biết và phân tích được tác dụng của một số thủ pháp nghệ thuật chính của thơ trào phúng.
Soạn bài Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu - Trần Tế Xương Ngữ văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức
Bài thơ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu miêu tả lễ xướng danh khoa thi Hương tại trường Nam năm 1897, qua đó nói lên nỗi nhục mất nước và niềm chua xót của kẻ sĩ đương thời. Để nắm được nội dung và ý nghĩa của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:
- Soạn bài đầy đủ Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu - Trần Tế Xương
- Soạn bài tóm tắt Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu - Trần Tế Xương
Hỏi đáp bài Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu - Trần Tế Xương Ngữ văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số bài văn mẫu về văn bản Lễ xướng danh khoa Đinh Dậu - Trần Tế Xương
Lễ xướng danh khoa thi Đinh Dậu của Trần Tế Xương là “sử thi” về đời sống nhà nho lúc Tây sang. Đạo học suy đồi, thi cử bát nháo hố lốn, sĩ tử mất hết nhuệ khí, quan trường mất hết nhân cách. Chính nỗi đau của nhà thơ đã làm thức tỉnh tầng lớp trí thức đương thời. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 8 HỌC247