Trong nền văn học cổ Việt Nam, tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí được coi là một cuốn tiểu thuyết tiêu biểu viết bằng chữ Hán của Ngô gia văn phái. Qua nội dung bài giảng Hoàng Lê Nhất thống chí thuộc sách Chân trời sáng tạo do HỌC247 biên soạn và tổng hợp dưới đây sẽ giúp em hiểu được bức tranh hiện thực rộng lớn về xã hội phong kiến Việt Nam khoảng 30 năm cuối thế kỉ XVIII và mấy năm đầu thế kỉ XIX. Mời các em cùng tham khảo
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu chung
1.1.1. Tác giả
- Ngô gia văn phái là một nhóm tác giả Việt Nam thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội).
- Ngô Chi Thất và Ngô Trân là người đề xướng và dựng nên Văn phái, về sau được mệnh danh là Ngô gia văn phái.
- Ngô gia văn phái gồm 20 tác giả thuộc 9 thế hệ trong đó hai tác giả chính là Ngô Thì Chí (1753 – 1788) làm quan thời Lê Chiêu Thống và Ngô Thì Du (1772-1840), làm quan dưới triều nhà Nguyễn.
- Là một nhóm các nhà văn Việt Nam thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ngô Chi Thất và Ngô Trân là người đề xướng và dựng nên Văn phái, về sau được mệnh danh là Ngô gia văn phái, gồm 20 tác giả thuộc 9 thế hệ, trên dưới 200 năm, từ đầu thế kỷ thứ XVII đến đầu thế kỷ thứ XX.
1.1.2. Tác phẩm
a. Thể loại:
Tác phẩm Hoàng Lê Nhất thống chí thuộc thể loại truyện lịch sử.
b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác:
- Hoàng Lê Nhất thống chí là một tác phẩm viết bằng chữ Hán ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê vào thời điểm Tây Sơn diệt Trịnh, trả lại Bắc Hà cho vua Lê.
- Đoạn trích Hoàng Lê Nhất thống chí phần lớn hồi mười bốn, viết về sự kiện vua Quang Trung đại phá quân Thanh.
Hoàng Lê nhất thống chí - Tiểu thuyết của Ngô Thì Chí và Ngô Thì Du
c. Bố cục văn bản:
- Phần 1: (từ đầu đến “...hôm ấy nhằm vào ngày 25 tháng cháp năm Mậu Thân 1788”): được tin báo quân Thanh chiếm Thăng Long, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế và thân chinh cầm quân dẹp giặc.
- Phần 2: (tiếp theo đến “… vua Quang Trung tiến binh đến Thăng Long, rồi kéo vào thành”): Cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng lẫy lừng của vua Quang Trung.
- Phần 3: (còn lại): Sự đại bại của quân tướng nhà Thanh và tình trạng thảm bại của vua tôi Lê Chiêu Thống.
d. Tóm tắt tác phẩm:
Hồi thứ mười bốn Hoàng Lê nhất thống chí tái hiện lại chiến thắng thần tốc đại phá quân Thanh của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, khiến quân tướng nhà Thanh thua thảm hại, vua tôi Lê Chiêu Thống phải bỏ thành Thăng Long, trốn ra ngoài. Được tin báo quân thanh vào thăng Long, Bắc Bình Vương rất giận, liền họp các tướng sĩ rồi tế cáo trời đất, lên ngôi Hoàng đế, hạ lệnh xuất quân ra bắc, thân chinh cầm quân, vừa đi vừa tuyển quân lính. ngày ba mươi tháng chạp, đến núi Tam Điệp, vua mở tiệc khao quân, hẹn mùng bảy năm mới vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Bằng tài chỉ huy thao lược của Quang Trung, đạo quân của Tây Sơn tiến lên như vũ bão, quân giặc thua chạy tán loạn. Tôn Sĩ Nghị sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp, chuồn thẳng về biên giới phía bắc, khiến tên vua bù nhìn Lê Chiêu Thống cũng phải chạy tháo thân.
1.2. Đọc hiểu văn bản
1.2.1. Cốt truyện, các tuyến sự kiện
- Mối liên hệ giữa hai đoạn trích: Hai hồi là hai tuyến truyện có tính độc lập nhất định nhưng liên quan mật thiết với nhau.
+ (1) Tuyến thứ nhất là chuỗi sự kiện diễn ra nơi phủ chúa – cung vua (trong đoạn trích tập trung vào chuỗi sự kiện kiêu binh nổi loạn giết Quận Huy, truất ngôi Trịnh Cán, đưa Trịnh Tông lên ngôi);
+ (2) Tuyến thứ hai là chuỗi sự kiện về cuộc xâm lược nước ta của nhà Thanh; Vua Quang Trung đại phá quân Thanh; sự thảm bại và cuộc trốn chạy của đội quân xâm lược nhà Thanh và vua tôi Lê Chiêu Thống (trong đoạn trích tập trung vào cuộc đại phá quân Thanh của Vua Quang Trung).
Đánh Ngọc Hồi, quân Thanh bị thua trận Bỏ Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài
=> Nhận xét: giữa các sự kiện trong Hồi thứ hai và Hồi thứ mười bốn có mối quan hệ nhân quả.
- Cốt truyện:
+ Sự lục đục trong phủ chúa: xung đột quyền lợi giữa phủ chúa – cung vua và nỗi sợ hãi trước sức mạnh của Vua Quang Trung, nhà Tây Sơn (nguyên nhân) dẫn đến sự cầu viện nhà Thanh của Vua Lê Chiêu Thống (kết quả).
+ Cuộc xâm lược của đội quân nhà Thanh: cùng sự bạc nhược, phản trắc của vua tôi Lê Chiêu Thống (nguyên nhân) dẫn đến việc Quang Trung lên ngôi vua, tiến quân ra Bắc, đại phá quân Thanh (kết quả).
1.2.2. Nhân vật Vua Quang Trung, nghệ thuật kể chuyện, tình cảm của tác giả
a. Nhân vật vua Quang Trung:
- Nhà cầm quân tài ba, mưu lược.
- Nhà chỉ huy quân sự tự tin, quyết đoán.
- Vị hoàng đế/ anh hùng “trăm trận trăm thắng”.
b. Nghệ thuật kể chuyện:
- Sử dụng ngôi kể thứ ba kết hợp với lời kể của các nhân vật để cho ta thấy được câu chuyện đa chiều và tường minh hơn.
- Không gian câu chuyện cũng được mở rộng ra, thông qua lời từng nhân vật ta thấy được tính cách và con người con của vua Quang Trung toàn diện hơn, đặc sắc hơn.
c. Tình cảm của tác giả:
- Với Vua Quang Trung – nghĩa quân Tây Sơn:
+ Thái độ của tác giả: nể trọng, ngợi ca.
+ Thể hiện trong truyện: Cách tường thuật, miêu tả tính kỉ luật, dũng mãnh, cách thể hiện chân dung Hoàng đế Quang Trung như một anh hùng chiến trận, một vị vua mưu lược, bách chiến bách thắng…
- Với anh em Trịnh Tông – đám kiêu binh:
+ Thái độ của tác giả: phê phán.
+ Thể hiện trong truyện: Cách tường thuật, miêu tả cảnh kiêu binh phò Trịnh Tông lên ngôi như một trò hề khôi hài, chưa từng thấy trong các nghi lễ đăng quang của hoàng đế…
- Với Tôn Sĩ Nghị và đội quân xâm lược nhà Thanh:
+ Thái độ của tác giả: phê phán, chế giễu
+ Thể hiện trong truyện: Cách tường thuật, miêu tả các cảnh thua trận, đặc biệt là cảnh chạy trốn nhục nhã của chúng.
=> Nhận xét: Cách thể hiện thái độ phù hợp với truyện lịch sử.
1.3. Tổng kết
1.3.1. Về nội dung
Văn bản “Hoàng Lê nhất thống chí” đã ghi lại lịch sử hào hùng của dân tộc ta, tái hiện chân thực hình ảnh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua chiến công thần tốc đại phá quân Thanh, sự thảm hại của quân tướng nhà Thanh và số phận bi đát của vua tôi Lê Chiêu Thống.
1.3.2. Về nghệ thuật
- Kể chuyện xen kẽ miêu tả một cách sinh động cụ thể, gây được ấn tượng.
- Khắc họa hình tượng Nguyễn Huệ một cách rõ nét, mang đậm màu sắc sử thi.
- Kể lại các sự kiện một cách rành mạch, chân thực, khách quan, kết hợp yếu tố miêu tả với biện pháp nghệ thuật so sánh, đối lập.
- Miêu tả hành động, lời nói của nhân vật, từng trận đánh và những mưu lược tính toán, thế đối lập giữa hai đội quân một cách cụ thể.
Bài tập minh họa
Qua văn bản, em hiểu thêm điều gì về Vua Quang Trung và cuộc kháng chiến chống quân Thanh của nhân dân ta.
Lời giải chi tiết:
- Về Vua Quang Trung: nhà vua hiện lên là người anh hùng dân tộc đã lập nên kì tích xưa nay chưa từng có: với nghệ thuật dùng binh, tài thao lược, chỉ trong năm ngày đã đập tan đội quân xâm lược nhà Thanh, đuổi chúng về nước...
- Về cuộc kháng chiến chống quân Thanh của nhân dân ta: Quân dân ta thời ấy đã nêu cao tinh thần yêu nước, ý chỉ độc lập tự cường và truyền thống đấu tranh bất khuất dưới sự lãnh đạo của Vua Quang Trung.
Lời kết
Học xong bài Hoàng Lê Nhất thống chí, các em cần:
- Nhận biết được một số yếu tố của truyện lịch sử như: cốt truyện, bối cảnh, nhân vật, ngôn ngữ.
- Nhận biết và phân tích được cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến.
- Nêu được nội dung bao quát của văn bản.
- Nhận biết được các chi tiết tiêu biểu, đề tài, câu chuyện, nhân vật trong tính chỉnh thể của tác phẩm.
Soạn bài Hoàng Lê Nhất thống chí - Ngữ văn 8 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo
Tác phẩm Hoàng Lê Nhất thống chí thể hiện cảm nhận về vẻ đẹp hào hùng của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ trong chiến công đại phá quân Thanh, sự thảm bại của bọn xâm lược và số phận bi thảm của lũ vua quan phản nước hại dân. Để nắm được nội dung và ý nghĩa của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:
- Soạn văn đầy đủ Hoàng Lê Nhất thống chí
- Soạn văn tóm tắt Hoàng Lê Nhất thống chí
Hỏi đáp bài Hoàng Lê Nhất thống chí - Ngữ văn 8 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số bài văn mẫu về văn bản Hoàng Lê Nhất thống chí
Qua đoạn trích Hoàng Lê nhất thống chí, tác giả đã mang đến cho người đọc cảm nhận vẻ đẹp hào hùng của người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ trong chiến công đại phá quân Thanh, sự thảm bại của bọn xâm lược và số phận bi thảm của lũ vua quan phản nước hại dân. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 8 HỌC247