YOMEDIA
NONE

Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Trang 113) - Ngữ Văn 6 Tập 1 Kết nối tri thức

Mời các em học sinh cùng tham khảo bài soạn nằm trong chương trình mới - Kết nối tri thức bài: Thực hành Tiếng Việt (Trang 113) nhằm giúp các em dễ dàng hơn khi tiến hành phân tích và vận dụng biện pháp tu từ đã học trong một văn bản cụ thể. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, để nắm vững hơn nội dung bài học, các em có thể tham khảo thêm Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Trang 113) tóm tắt.

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa

- Biện pháp tu từ so sánh là đối chiếu 2 hay nhiều sự vật, sự việc mà giữa chúng có những nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời văn. Ví dụ: Cô giáo em hiền như cô Tấm. Các kiểu so sánh:

+ Phân loại theo mức độ.

+ Phân loại theo đối tượng.

- Nhân hóa là biện pháp tu từ gọi hoặc tả đồ vật, cây cối, con vật,… bằng những từ ngữ sử dụng cho con người như hành động, suy nghĩ, tính cách cho nó trở nên sinh động , gần gũi, hấp dẫn và có hồn hơn. Những hình thức nhân hóa thường gặp:

+ Gọi sự vật bằng những từ chỉ người.

+ Dùng từ tả hành động, tính chất của người để miêu tả sự vật.

+ Xưng hô với vật như với con người.

1.2. Biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ

- Ẩn dụ là biện pháp tu từ mà người viết dùng tên của sự vật, hiện tượng này để gọi tên sự vật, hiện tượng khác. Giữa hai đối tượng có nét tương đồng về đặc điểm nào đó (tính chất, trạng thái, màu sắc...), nhằm làm tăng khả năng gợi cảm, gợi hình cho sự diễn đạt. Hoặc các bạn có thể hiểu khái quát rằng ẩn dụ là hình thức thay đổi tên gọi của sự vật hiện tượng có tên là A bằng sự vật hiện tượng có tên là B, trong đó A với B có nét tương đồng với nhau. Các kiểu ẩn dụ:

+ Ẩn dụ hình thức

+ Ẩn dụ cách thức

+ Ẩn dụ phẩm chất

+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.

- Hoán dụ là biện pháp tu từ dùng từ ngữ vốn chỉ sự vật, hiện tượng này để gọi tên sự vật, hiện tượng khác có mối quan hệ tương cận (gần nhau) nhằm tăng khả năng gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt. Các kiểu hoán dụ:

+ Chỉ lấy một bộ phận để gọi toàn thể.

+ Lấy vật chứa đựng gọi vật bị chứa đựng.

+ Lấy dấu hiệu sự vật để gọi các sự vật.

+ Lấy những cái cụ thể để nói về cái trừu tượng.

2. Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Trang 113)

Câu 1. Đọc các câu sau và trả lời câu hỏi: 

- Quả trứng hồng hào thăm thẳm, và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả cái chân trời màu ngọc trai nước biển ửng hồng. 

- Vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại trên mâm bể sáng dần lên cái chất bạc nén.

a. Những từ ngữ in đậm trên các câu trên nhằm chỉ những sự vật nào?

b. Trong những câu trên tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của việc sử dụng biện pháp tu từ đó.

Trả lời:

a. Những từ ngữ in đậm trong các câu trên để diễn tả:

- Quả trứng hồng hào thăm thẳm, và đường bệ: mặt trời.

- Mâm bạc: bầu trời.

- Mâm bể: mặt biển.

- Chất bạc nén: bình minh dần tỏa sáng cho cảnh vật.

b.

- Biện pháp tu từ:

+ So sánh: đường kính mâm rộng bằng cả cái chân trời.

+ Ẩn dụ: “quả trứng hồng hào” ẩn dụ cho mặt trời, “mâm bạc” ẩn dụ cho bầu trời, mâm bể ẩn dụ cho biển cả, “chất bạc nén” ẩn dụ cho bình minh đang dần lên tỏa sáng cảnh vật.

- Tác dụng:

+ Tăng giá trị gợi hình, gợi cảm cho câu văn.

+ Sử dụng những từ đặc tả đó, tác giả đã khiến cho cảnh tượng mặt trời mọc trên đảo Cô Tô thật sự rực rỡ, tráng lệ. Đây là một bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc kỳ ảo nhưng lại chân thực và sống động. 

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của những biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong những câu sau:

a. Mỗi viên cát bắn vào má vào gáy lúc này buốt như một viên đạn mũi kim.

b. Hình như gió bão chờ chúng tôi lọt hết vào trận địa cánh cung bãi cát, rồi mới tăng thêm hỏa lực của gió. 

Trả lời:

a. Biện pháp tu từ so sánh: Tác giả so sánh mỗi viên cát bắn vào như một viên đạn.

=> Hình ảnh trở nên đặc sắc, thể hiện sự khốc liệt, mạnh mẽ, giống như cảnh tượng của một cuộc chiến trường.

b. Biện pháp tu từ nhân hóa: Gió giống như con người, bài binh bố trận một trận địa vô cùng khốc liệt. 

=> Làm cho thiên nhiên hiện lên sinh động, có hơi thở, linh hồn như một con người. Qua đó cũng giúp văn bản trở nên sinh động, hấp dẫn và nhấn mạnh sự khốc liệt của cơn bão.

Câu 3. Trong Cô Tô, Nguyễn Tuân sử dụng nhiều hình ảnh so sánh sinh động. Hãy tìm những câu văn sử dụng biện pháp tu từ so sánh trong văn bản này và nêu tác dụng trong từng trường hợp.

Trả lời:

- Các câu dùng thủ pháp so sánh:

+ Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi.

+ Tròn trĩnh như một quả trứng thiên nhiên đầy đặn.

+ Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông.

- Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh: Làm cho cảnh tượng Cô Tô thêm sinh động, gợi hình gợi cảm, nhấn mạnh sức mạnh của Cô Tô sau trận bão. 

Câu 4. Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) về một cảnh đẹp thiên nhiên trong đó có sử dụng biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ.

Trả lời:

Tiếng gà gáy đã đánh thức vạn vật. Ở phía đằng đông, ông mặt trời từ từ nhô lên khỏi chân trời. Ông đang phô bày vẻ ngoài to lớn, đỏ hừng hực của mình. Ông tưới lên những cành cây, những nẻo đường, những mái nhà thứ ánh sáng đỏ hồng xinh đẹp. Bầu trời như tấm vải đang phai dần màu đen, để lộ lớp vải màu hồng cam rực rỡ ở bên trong. Những cơn gió mang theo hơi sương lạnh, vẫn nghịch ngợm mà chạy trốn khắp khu vườn làm bầy lá phải xôn xao. Tiếng chim tràn khắp mọi nơi. Chẳng mấy chốc, ông mặt trời đã lên cao. Ánh sáng dịu dàng ấy đánh thức và đưa những tấm màn sương đã được dệt trong cả đêm qua đi về nhà. Thế là một buổi sáng tuyệt vời nữa lại bắt đầu.

  • So sánh: Bầu trời như tấm vải đang phai dần màu đen, để lộ lớp vải màu hồng cam rực rỡ ở bên trong.
  • Ẩn dụ: Tiếng chim tràn khắp mọi nơi.

Các em có thể tham khảo bài giảng Thực hành Tiếng Việt (Trang 113) để củng cố hơn nội dung bài học.

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Em hãy viết đoạn văn với chủ đề tự chọn có sử biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa.

Trả lời:

Mới hôm nào cả cánh đồng còn xanh mướt, vậy mà hôm nay đã chín vàng. Đó là một màu vàng ươm, bóng sáng như ánh nắng mặt trời mùa hạ. Toàn cây lúa, từ thân, lá đến hạt thóc đều chín vàng ươm. Những hạt thóc béo mập, tròn trĩnh kết thành chùm, khiến thân lúa trĩu xuống như người mẹ đang cõng con của mình. Thỉnh thoảng, lại có vài cậu chim cu gáy sà xuống, tò mò nhìn ngắm những bông lúa rung rinh theo gió. Nhưng rồi chúng lại vội bay đi như đang bận rộn một điều gì đó. Lác đác giữa các thửa ruộng chín thơm, là những người nông dân đang dạo quanh để ngắm nhìn thành quả của mình sau bao tháng ngày vất vả,

- So sánh:

  • Vàng ươm, bóng sáng như ánh nắng mặt trời mùa hạ
  • Thân lúa trĩu xuống như người mẹ đang cõng con của mình

- Nhân hóa: Cậu chim cu gáy sà xuống, tò mò nhìn ngắm những bông lúa rung rinh theo gió.

4. Hỏi đáp về bài Thực hành Tiếng Việt (Trang 113) Ngữ văn 6

Khi có vấn đề khó hiểu về bài soạn này cần giải đáp, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF