Bài học Thực hành Tiếng Việt (Trang 113) thuộc sách Kết nối tri thức nhằm giúp các em học sinh lớp 6 rèn luyện và nâng cao kĩ năng nhận biết các biện pháp tu từ đã học. Chúc các em học tập thật tốt nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa
a. So sánh:
- Biện pháp tu từ so sánh là đối chiếu 2 hay nhiều sự vật, sự việc mà giữa chúng có những nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời văn. Ví dụ: Cô giáo em hiền như cô Tấm.
- Các kiểu so sánh:
+ Phân loại theo mức độ:
- So sánh ngang bằng
- So sánh không ngang bằng
+ Phân loại theo đối tượng:
- So sánh các đối tượng cùng loại
- So sánh khác loại
- So sánh cái cụ thể với cái trừu tượng và ngược lại.
b. Nhân hóa:
- Khái niệm: Nhân hóa là biện pháp tu từ gọi hoặc tả đồ vật, cây cối, con vật,… bằng những từ ngữ sử dụng cho con người như hành động, suy nghĩ, tính cách cho nó trở nên sinh động , gần gũi, hấp dẫn và có hồn hơn.
- Những hình thức nhân hóa thường gặp:
+ Gọi sự vật bằng những từ chỉ người.
+ Dùng từ tả hành động, tính chất của người để miêu tả sự vật.
+ Xưng hô với vật như với con người.
1.2. Biện pháp tu từ ẩn dụ, hoán dụ
a. Ẩn dụ:
- Khái niệm: Ẩn dụ là biện pháp tu từ mà người viết dùng tên của sự vật, hiện tượng này để gọi tên sự vật, hiện tượng khác. Giữa hai đối tượng có nét tương đồng về đặc điểm nào đó (tính chất, trạng thái, màu sắc...), nhằm làm tăng khả năng gợi cảm, gợi hình cho sự diễn đạt. Hoặc các bạn có thể hiểu khái quát rằng ẩn dụ là hình thức thay đổi tên gọi của sự vật hiện tượng có tên là A bằng sự vật hiện tượng có tên là B, trong đó A với B có nét tương đồng với nhau.
- Các kiểu ẩn dụ:
+ Ẩn dụ hình thức: Với phép ẩn dụ này hai sự vật, sự việc, hiện tượng trong phép ẩn dụ có nét tương đồng về hình thức.
+ Ẩn dụ cách thức: là phép ẩn dụ các sự vật, hiện tượng có tương đồng về cách thức.
+ Ẩn dụ phẩm chất: Các sự vật, hiện tượng có nét tương đồng về phẩm chất
+ Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: Hình thức ẩn dụ này là việc cảm nhận bằng một giác quan khác, chuyển đổi từ cảm giác này sang cảm giác khác.
b. Hoán dụ:
- Khái niệm: Hoán dụ là biện pháp tu từ dùng từ ngữ vốn chỉ sự vật, hiện tượng này để gọi tên sự vật, hiện tượng khác có mối quan hệ tương cận (gần nhau) nhằm tăng khả năng gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.
- Các kiểu hoán dụ:
+ Chỉ lấy một bộ phận để gọi toàn thể.
+ Lấy vật chứa đựng gọi vật bị chứa đựng.
+ Lấy dấu hiệu sự vật để gọi các sự vật.
+ Lấy những cái cụ thể để nói về cái trừu tượng.
Bài tập minh họa
Bài tập: Xác định biện pháp tu từ trong các câu:
a.
Kiến
Hành quân
Đầy đường
(Mưa, Trần Đăng Khoa)
b.
Ngôi nhà như trẻ nhỏ
Lớn lên với trời xanh.
(Đồng Xuân Lan)
c.
Từ giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng
(Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải)
d.
Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
(Tục ngữ)
Hướng dẫn giải:
- Xem lại lý thuyết các biện pháp tu từ: Nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ để giải bài tập này.
- Đọc kĩ những đoạn thơ đã cho và xác định đúng biện pháp tu từ được sử dụng.
Lời giải chi tiết:
a. Nhân hóa
b. So sánh
c. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác
d. Hoán dụ
Lời kết
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Nhận biết và phân tích được các phép tu từ đã học.
+ Trau dồi thêm kiến thức tiếng Việt cho bản thân.
Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Trang 113)
Bài học Thực hành Tiếng Việt (Trang 113) nhằm giúp các em dễ dàng hơn khi tiến hành phân tích và vận dụng biện pháp tu từ đã học trong một văn bản cụ thể. Các em có thể tham khảo thêm bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
Hỏi đáp bài Thực hành Tiếng Việt (Trang 113) Ngữ văn 6
Khi có vấn đề khó hiểu trong bài học này cần giải đáp, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247