YOMEDIA
NONE

Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 7) - Ngữ văn 6 Tập 2 Cánh diều

Bài soạn Thực hành Tiếng Việt (Bài 7) thuộc sách Cánh diều dưới đây nhằm giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng nhận biết từ láy và biện pháp tu từ hoán dụ. Hy vọng rằng bài soạn này sẽ hữu ích với các em. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để nắm vững hơn nội dung bài học, các em có thể tham khảo thêm Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 7) tóm tắt.

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Khái quát về từ láy

- Từ láy được dùng để nhấn mạnh, miêu tả hình dạng, tâm trạng, tâm lý, tinh thần, tình trạng… của người, sự vật hiện tượng.

- Từ láy là các từ có thể giống nhau chỉ vần hoặc chỉ âm, hoặc có thể giống nhau hoàn toàn về âm và vần, chính vì vậy từ láy được chia làm 2 loại:

+ Từ láy toàn bộ.

+ Từ láy bộ phận.

1.2. Biện pháp tu từ hoán dụ

- Hoán dụ là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

- Có bốn kiểu hoán dụ thường gặp:

+ Lấy một bộ phận để chỉ toàn thể.

+ Lấy vật chứa đựng chỉ vật bị chứa đựng.

+ Lấy dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật.

+ Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng.

2. Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 7)

Câu 1. Tìm các từ được viết hoa trong hai bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ và Lượm của Tổ Hữu. Xếp các từ được viết hoa vào hai nhóm:

a. Việt hoa tên riêng.

b. Viết hoa tu từ (viết hoa để thế hiện sự kính trọng).

Trả lời:

a. Viết hoa tên riêng: Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội, Hàng Bè, Mang Cá.

b. Viết hoa tu từ (viết hoa để thế hiện sự kính trọng): Bác, người Cha, Lượm.

Câu 2. Tìm các từ láy trong bài thơ Đêm nay Bác không ngủ. Phân tích tác dụng miêu tả hoặc biểu cảm của một từ láy trong đó.

Trả lời:

- Các từ láy: trầm ngâm, lâm thâm, xơ xác, nhẹ nhàng, mơ màng, lồng lộng, thổn thức, bồn chồn, bề bộn, đinh ninh, phăng phắc, nằng nặc, mênh mông, mau mau.

- Phân tích tác dụng từ "bề bộn" → Thể hiện sự ngổn ngang, lo lắng không yên cho sức khỏe của Bác.

Câu 3. Các từ láy trong khổ thơ sau giúp em hình dung chú bé Lượm như thế nào?

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh.

(Tố Hữu)

Trả lời:

- Một loạt từ láy “loắt choắt”, “xinh xinh”, ”thoăn thoắt”, “nghênh nghênh” tạo nên bức chân dung nhỏ nhắn mà nhanh nhẹn, hoạt bát rất đáng yêu của người liên lạc nhỏ.

Câu 4. Trong những câu thơ dưới đây, các từ ngữ in đậm chỉ ai, chỉ cái gì, việc gì? Giữa sự vật, sự việc mà các từ ngữ ấy biểu thị với sự vật, sự việc mà các từ ngữ ấy hàm ý có mỗi liên hệ như thế nào? Cách diễn đạt này có tác dụng gì?

a.

Bàn tay mẹ chắn mưa sa

Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng

Bàn tay mẹ thức một đời

À ơi này cái Mặt Trời bé con

(Bình Nguyên)

b.

Huế đổ máu

Chú Hà Nội về

Tình cờ chú, cháu

Gặp nhau Hàng Bè

(Tố Hữu)

c.

Vì lợi ích mười năm phải trồng cây

Vì lợi ích trăm năm phải trồng người

Trả lời:

a. Bàn tay là bộ phận của cơ thế người dùng để cầm nắm, tượng trưng cho sức lao động.

=> Bàn tay mẹ chỉ người mẹ.

b. Đổ máu: Là thương tích mất mát hi sinh, ở đây nhắc đến sự kiện khởi nghĩa tháng 8/1945 ở thành phố Huế.

c. Mối quan hệ:

- Mười năm: gọi cái cụ thể,

- Trăm năm thay cho cái trừu tượng, không rõ ràng.

=> Những cách diễn đạt này làm tăng sức gợi hình, gợi cảm giúp cho sự diễn đạt có tính hiệu quả cao, tăng ý nghĩa giá trị cho câu văn.

Câu 5. Ghép thành ngữ ở cột bên trái với nghĩa tương ứng ở cột bên phải. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ hoán dụ ở các thành ngữ này.

Thành ngữ Nghĩa
1) Buôn thúng bán mẹt. a) Giúp nhau lúc khó khăn, thiếu thốn.
2) Chân lấm tay bùn. b) Làm lụng vất vả, dãi dầu sương nắng.
3) Gạo chợ nước sông. c) Buôn bán vặt ở đầu đường, góc chợ.
4) Một nắng hai sương. d) Cuộc sống bấp bênh, phụ thuộc.
5) Nhường cơm sẻ áo. e) Sự lam lũ, cực nhọc của việc đồng áng.

Trả lời:

Đáp án: 1 - c; 2 - e; 3 - d; 4 - b; 5 - a.

Câu 6. Viết một đoạn văn (khoảng 5-7 dòng), trong đó sử dụng ít nhất một thành ngữ trong bài 5.

Trả lời:

Trong những cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, nhân dân ta luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ nhau. Họ không chỉ cùng nhau kiên cường, bất khuất đấu giặc ngoại xâm mà còn nhường cơm sẻ áo để cùng nhau chống giặc đói. Không chỉ vậy, nhân dân ta luôn được chính quyền vận động, dạy học để đẩy lùi giặc dốt. Bằng sự cố gắng nỗ lực cùng đường lối đúng đắn của Đảng, dân tộc ta đã hoàn thành nhiệm vụ chống 3 loại giặc: giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt.

Để củng cố kiến thức bài một cách tốt hơn, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Thực hành Tiếng Việt (Bài 7)

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Em hãy viết một đoạn văn có sử dụng từ láy.

Trả lời:

Biển trông mơ màng trong làn sương sớm vẫn chưa tan hết. Từng cơn gió nhè nhẹ thổi vào đất liền mang theo cái vị mặn đặc trưng của biển. Đứng trước biển ta cảm nhận được cái vì cái nồng nồng khó tả phả vào người. Trên không trung, những con hải âu trắng chao nghiêng đôi cánh, mải miết bay về phía chân trời xa thẳm, nơi bình minh hồng tươi đang hắt những tia nắng hình dẻ quạt xuống mặt nước. Từng đợt sóng nhè nhẹ vỗ vào bờ, nước biển trong xanh, bờ cát trắng trải dài tít phía xa. Tôi thử bước đi với đôi chân trần trên cát, cảm giác mát dịu xuyên thấu vào da thịt. Một cảm giác lạ đang lan tỏa khắp cơ thể. Từng hạt cát mịn màng, mát rượi lùi lại dưới đôi chân của tôi. Tôi tìm, nhặt nhạnh từng chiếc vỏ ốc lăn lóc trên cát. Mỗi cái vỏ là nơi chứa đựng những kỉ niệm của quê hương.

4. Hỏi đáp về bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 7) Ngữ văn 6

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON