Bài học Thực hành Tiếng Việt (Bài 7) thuộc sách Cánh diều dưới đây nhằm giúp các em bước đầu biết cách nhận biết và phân tích được từ láy cùng biện pháp tu từ hoán dụ. Hy vọng bài học này sẽ hữu ích với các em. Chúc các em học tập thật tốt nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Khái quát về từ láy
a. Khái niệm:
- Từ láy được dùng để nhấn mạnh, miêu tả hình dạng, tâm trạng, tâm lý, tinh thần, tình trạng… của người, sự vật hiện tượng.
b. Phân loại từ láy:
Từ láy là các từ có thể giống nhau chỉ vần hoặc chỉ âm, hoặc có thể giống nhau hoàn toàn về âm và vần, chính vì vậy từ láy được chia làm 2 loại:
- Từ láy toàn bộ:
+ Là những từ có các tiếng lặp lại cả âm và vần. Ví dụ: ào ào, luôn luôn, xa xa, dành dành, xanh xanh, hằm hằm, khom khom…
+ Một số từ láy có tiếng thay đổi thanh điệu hoặc phụ âm cuối, để tạo sự hài hoà về âm thanh. Ví dụ: ngoan ngoãn, thoang thoảng, thăm thẳm, lanh lảnh, ngồn ngộn…
- Từ láy bộ phận:
+ Láy âm: là những từ có phần âm lặp lại nhau. Ví dụ: da dẻ, lấp lánh, thấp thỏm, xinh xắn, gầm gừ, kháu khỉnh, ngơ ngác…
+ Láy vần: là những từ có phần vần lặp lại nhau. Ví dụ: lờ đờ, chênh vênh, càu nhàu, liêu xiêu, bồi hồi, cheo leo, bứt rứt…
1.2. Biện pháp tu từ hoán dụ
a. Khái niệm:
- Hoán dụ là biện pháp tu từ gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm này bằng tên của một sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
b. Phân loại hoán dụ:
Có bốn kiểu hoán dụ thường gặp:
- Lấy một bộ phận để chỉ toàn thể. Ví dụ:
"Bàn tay ta làm nên tất cả,
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"
=> Bàn tay là một bộ phận của cơ thể, qua bàn tay để nói về sức lao động của con người. "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" ca ngợi sức mạnh của lao động, ở đây là sức lao động của nhà nông.
- Lấy vật chứa đựng chỉ vật bị chứa đựng. Ví dụ:
"Vì sao trái đất nặng ân tình,
Nhắc mãi tên người Hồ Chí Minh"
(Tố Hữu)
=> Trái đất là vật chứa đựng, bởi nó là từ chỉ ý nghĩa tổng quát, bao trùm lên tất cả. Nó biểu thị cho tất cả con người sống trên mặt đất là vật bị chứa đựng. Vì thế trái đất ở đây là hình ảnh hoán dụ.
- Lấy dấu hiệu của sự vật để chỉ sự vật. Ví dụ:
"Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay"
(Việt Bắc - Tố Hữu)
=> Ý nói chỉ người dân Việt Bắc vẫn mặc tấm áo chàm đơn sơ, bình dị. Màu áo chàm vừa mang vẻ đẹp mộc mạc, bền bỉ khó phai như tấm lòng người dân Việt Bắc chung thủy, sâu năng. Câu thơ ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn và tình cảm sâu sắc của người dân Việt Bắc dành cho cán bộ về xuôi.
- Lấy cái cụ thể để gọi cái trừu tượng. Ví dụ:
"Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao"
=> Lấy "Một cây" để nói toàn thể, ý nghĩa của phép hoán dụ trên nói lên sức mạnh sự đoàn kết của dân tộc, khuyên chúng ta nên đoàn kết để giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Bài tập minh họa
Bài tập 1: Chỉ ra các hình ảnh hoán dụ trong những câu sau và cho biết chúng thuộc kiểu hoán dụ nào?
(1) Họ là chục tay sào, tay chèo, làm ruộng cũng giỏi mà làm thuyền cũng giỏi.
(Nguyễn Tuân)
(2) Nhân danh ai. Bay chôn tuổi thanh xuân của chúng ta trong những quan tài.
(Tố Hữu)
a. Hướng dẫn giải:
- Xem lại lý thuyết về biện pháp tu từ hoán dụ để giải bài tập này.
- Liệt kê hình ảnh ẩn dụ và phân loại cụ thể.
b. Lời giải chi tiết:
(1)
- Hình ảnh hoán dụ: Tay sào, tay chèo để chỉ người chèo thuyền.
- Phép hoán dụ lấy bộ phận để chỉ toàn thể.
(2)
- Hình ảnh hoán dụ: Tuổi thanh xuân để chỉ tuổi trẻ.
- Hoán dụ lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật.
Bài tập 2: Chỉ ra các từ láy trong khổ thơ sau và nêu tác dụng của các từ láy đó:
"Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh"
(Tố Hữu)
a. Hướng dẫn giải:
- Xem lại lý thuyết về từ láy để giải bài tập này.
- Xác định đúng từ láy trong từng dòng thơ và nêu tác dụng cụ thể của những từ láy đó.
b. Lời giải chi tiết:
- Các từ láy trong khổ thơ trên là: loắt choắt, xinh xinh, thoăn thoắt, nghênh nghênh.
- Tác dụng: Các từ láy giúp em hình dung dáng hình của Lượm: nhỏ nhắn, tinh nghịch, hồn nhiên, nhanh nhẹn.
Lời kết
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Bước đầu nhận diện và phân tích được từ láy, biện pháp tu từ hoán dụ trong một văn bản cụ thể.
+ Trau dồi kiến thức tiếng Việt cho bản thân.
Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 7)
Bài học Thực hành Tiếng Việt (Bài 7) nhằm giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng nhận biết từ láy và biện pháp tu từ hoán dụ. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
Hỏi đáp bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 7) Ngữ văn 6
Các em học sinh thân mến khi gặp những vấn đề khó khăn trong việc tìm hiểu bài học này, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247