YOMEDIA
NONE

Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 1) - Ngữ văn 6 Tập 1 Chân trời sáng tạo

Mời các em học sinh cùng tham khảo bài soạn Thực hành Tiếng Việt (Bài 1) dưới đây. Với bài soạn này, các em sẽ bước đầu biết nhận diện và phân biệt được từ đơn, từ phức. Bên cạnh đó, bài soạn này còn giúp các em giải thích được nghĩa của một thành ngữ cụ thể. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 1) tóm tắt.

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Từ đơn và từ phức

- Từ đơn là từ gồm có một tiếng. Từ phức là từ gồm hai tiếng trở lên.

1.2. Khái quát về thành ngữ

- Thành ngữ là một tập hợp từ cố định, quen dùng. 

- Đặc điểm: Nghĩa của thành ngữ không phải là phép cộng đơn giản nghĩa của các từ cấu tạo nên nó mà là nghĩa của cả tập hợp từ, thường có tính hình tượng và biểu cảm.

2. Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 1)

Câu 1: Tìm từ đơn, từ phức trong đoạn văn sau:

Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cẩm roi, nhảy lên mình ngựa. 

(Thánh Gióng)

Trả lời:

- Từ đơn: vùng, dậy, một, cái, bỗng, biến, thành, một, mình, cao, hơn, trượng, bước, lên, vỗ, vào, ngựa, hí, dài, mấy, tiếng, mặc, cầm, roi, nhảy, lên, mình, ngựa.

- Từ phức: chú bé, tráng sĩ, oai phong, lẫm liệt, vang dội, áo giáp.

Câu 2: Tìm từ ghép, từ láy trong đoạn văn sau:

Trong khi đó, người trong nhóm dự thi nhanh tay giã thóc, giần sàng thành gạo, lấy nước và bắt đầu thổi cơm. Những nồi cơm nho nhỏ treo dưới những cành cong hình cánh cung được cắm rất khéo léo từ dây lưng uốn về trước mặt. 

(Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân)

Trả lời:

- Từ ghép: giã thóc, giần sàng, bắt đầu, dự thi, nồi cơm, cánh cung, dây lưng.

- Từ láy: nho nhỏ, khéo léo.

Câu 3: Tạo ra từ ghép từ các tiếng dưới đây:

a. Ngựa

b. Sắt

c. Thi

d. Áo

Trả lời:

a. Ngựa: con ngựa, ngựa đực.

b. Sắt: ngựa sắt, sắt thép.

c. Thi: kì thi, thi đua.

d. Áo: áo quần, áo giáp, áo dài.

Câu 4: Tạo ra từ láy từ các tiếng dưới đây:

a. Nhỏ

b. Khoẻ

c. Óng

d. Dẻo

Trả lời:

a. Nhỏ: nho nhỏ, nhỏ nhắn.

b. Khoẻ: khoẻ khoắn.

c. Óng: óng ánh.

d. Dẻo: dẻo dai.

Câu 5: Trong câu văn “Khi tiếng trống hiệu vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội thoăn thoắt leo lên thân cây chuối rất trơn vì đã bôi mỡ." Nếu thay từ “thoăn thoắt” bằng từ “nhanh chóng” thì có giúp người đọc hình dung động tác của người dự thi rõ hơn không? Vì sao? 

Trả lời:

- Nếu thay từ “thoăn thoắt” bằng từ “nhanh chóng” thì chỉ giúp người đọc hình dung được mức độ tham gia hoạt động (ngay lập tức tham gia) của người dự thi, không hình dung được động tác của người dự thi (nhanh nhẹn và dứt khoát).

Câu 6: Trong câu văn “Những nồi cơm nho nhỏ treo dưới những cành cong hình cánh cung được cắm rất khéo léo từ dây lưng uốn về trước mặt”, nếu dùng từ “khéo” thay cho từ “khéo léo” thì độ “khéo” của người dự thi sẽ giữ nguyên, tăng lên hay giảm xuống? Vì sao?

Trả lời:

- Nếu dùng từ “khéo” thay cho từ “khéo léo” trong câu văn trên thì độ “khéo” sẽ giảm xuống vì từ láy “khéo léo” giúp ta hình dung được sự việc một cách rõ ràng hơn, cho thấy kinh nghiệm và tài năng của các đội thi khi treo những niêu cơm để dự thi.

Câu 7: Tìm và ghép thành ngữ (cột A) với nghĩa của thành ngữ (cột B) trong bảng dưới đây sao cho phù hợp.

A. Thành ngữ

B. Nghĩa của thành ngữ

1. Chết như rạ

a) Nhận xét ai làm gì rất nhanh.

2. Mẹ tròn con vuông

b) Lòng oán giận và hận thù với ai đó rất sâu nặng.

3. Cầu được ước thấy

c) chết rất nhiều.

4. Oán nặng thù sâu

d) Điều mong ước trở thành hiện thực.

5. Nhanh như cắt

đ) Việc sinh nở thuận lợi, tốt đẹp

 

e) Chỉ những người có hiểu biết hạn hẹp nhưng lại cho mình thông minh, tài giỏi.

Trả lời:

1c, 2đ, 3d, 4b, 5a.

Câu 8: Đặt một câu miêu tả khí thế chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn có dùng thành ngữ chết như rạ.

Trả lời:

- Nghĩa quân Lam Sơn tiến nhanh về phía quân địch, tiêu diệt hết lớp này đến lớp khác, khiến cho chúng chết như rạ.

Câu 9: Tìm thành ngữ có chứa các từ dưới đây:

a. Nước

b. Mật

c. Ngựa

d. Nhạt

Trả lời:

a. Nước: nước chảy đá mòn, nước mặn đồng chua.

b. Mật: nằm gai nếm mật, mật ngọt chết ruồi.

c. Ngựa: ngựa quen đường cũ, ngựa non háu đá.

d. Nhạt: nhạt như nước ốc.

Các em có thể tham khảo bài giảng Thực hành Tiếng Việt (Bài 1) để củng cố hơn nội dung bài học.

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Viết một đoạn văn (khoảng 150 đến 200 chữ) có sử dụng thành ngữ thể hiện cảm nhận của em về lịch sử đất nước sau khi đọc xong các văn bản Thánh Gióng, Sự tích Hồ Gươm.

Trả lời:

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, đã có bao kẻ thù nhăm nhe xâm chiếm bờ cõi. Chúng áp bức đô hộ, khiến cuộc sống của nhân dân ta lầm than khổ cực. Thế nhưng, dân tộc ta chưa bao giờ chịu khuất phục. Những người anh hùng như Thánh Gióng luôn sẵn sàng ra trận để chiến đấu chống lại kẻ thù. Những người chủ tướng như Lê Lợi dù trải qua nhiều thất bại nhưng vẫn quyết tâm, giữ vững ý chí chiến đấu vì độc lập của dân tộc. Không những vậy, cha ông ta đã nằm gai nếm mật, vượt qua mọi gian khổ, cùng nhau đoàn kết, kiên cường chống lại kẻ thù. Điều đó được chứng minh qua chiều dài lịch sử dân tộc, là công sức của cả dân làng góp gạo thổi cơm nuôi Gióng để người anh hùng đủ sức ra trận hay dân quân cùng vượt qua mọi thất bại, cùng chung sức chung lòng chống lại giặc Minh tàn ác. Những vất vả, hi sinh xương máu của thế hệ cha anh để đến ngày nay đất nước ta được độc lập, non sông gấm vóc khiến chúng ta càng thêm trân trọng và tự hào. Vì vậy, thế hệ trẻ hôm nay cần ra sức học tập và phấn đấu để xứng đáng với bề dày truyền thống lịch sử hơn bốn nghìn năm của dân tộc Việt Nam.

4. Hỏi đáp bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 1) Ngữ văn 6

Trong quá trình tìm hiểu bài soạn này, nếu có bất cứ khó khăn gì các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

NONE
ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF