Nhằm giúp các em học sinh có thêm tư liệu tham khảo để chuẩn bị bài học trước khi đến lớp thật tốt, Học247 mời các em cùng tham khảo bài học Ôn tập (Bài 5) dưới đây. Đồng thời, bài học này còn giúp các em củng cố lại kiến thức đã học trong Bài 5: Trò chuyện cùng thiên nhiên. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Ôn lại nội dung chính những văn bản đã học
- Đánh thức trầu: Qua bài thơ Đánh thức trầu, Trần Đăng Khoa đã khắc họa cảnh em bé trò chuyện với trầu như một người bạn, mong được hái trầu cho bà và mẹ cũng như mong trầu sống mãi. Qua đó thể hiện tình yêu bà, yêu mẹ và yêu thiên nhiên, trân trọng thiên nhiên.
- Thương nhớ bầy ong: Thương nhớ bầy ong là hồi ức của nhân vật tôi về những bầy ong mà nhân vật tôi đã từng được nhìn thấy, cảm nhận, mê đắm ngày nhỏ. Kèm theo những hồi ức tươi đẹp ấy là nỗi buồn không dứt, buồn đến phát khóc khi chúng rời xa. Từ đó nêu lên triết lí, những vật nhỏ bé, vô tri vô giác đều gây vương vấn, ám ảnh vào tâm hồn, ảnh hưởng đến thơ ca, nghệ thuật của mỗi người.
- Lao xao ngày hè: Đặc điểm một số loài chim ở làng quê và mối quan tâm của con người với loài vật. Qua đó cho thấy tình cảm yêu quí các loài vật và tình yêu làng quê đất nước.
- Một năm ở Tiểu học: Một năm ở tiểu học thay vì kể về chuyện học hành thì nhân vật tôi hồi tưởng lại thuở vui chơi trong tuổi ấu thơ của mình. Mặc dù có thể điều đó khiến việc học đã bỏ phí nhiều nhưng với nhân vật tôi nó cũng có những lợi ích nhất định về thể chất và tính tình.
1.2. Lưu ý khi viết bài văn tả về cảnh sinh hoạt
a. Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết:
* Xác định đề tài, ví dụ:
- Cảnh sum họp của gia đình em trong ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ, tết.
- Cảnh thu hoạch ngày mùa.
- Cảnh mua bán trong một siêu thị.
- Cảnh sân trường trong giờ ra chơi.
* Thu thập tư liệu: Tư liệu liên quan đến cảnh sinh hoạt mà em miêu tả có thể thu thập từ những nguồn khác nhau, bao gồm tài liệu thực tế và tài liệu lưu trữ.
b. Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý:
* Tìm ý:
- Xác định một số định hướng chung như: quan sát đối tượng miêu tả từ khoảng cách gần hay xa; nên miêu tả theo trình tự nào, cần tập trung khắc họa các hình ảnh nào,...
- Ghi lại bất cứ ý tưởng nào nảy sinh trong quá trình thu thập tài liệu và tìm ý cho bài viết.
- Quan sát lại không gian nơi diễn ra cảnh sinh hoạt mà em sẽ miêu tả, nếu có điều kiện.
- Đọc lại Lao xao ngày hè, Thương nhớ bầy ong,... và bài văn ở mục Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản để tham khảo cách quan sát, tả cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt.
* Lập dàn ý:
- Mở bài: Giới thiệu cảnh sinh hoạt được tả.
- Thân bài:
+ Tả cảnh sinh hoạt chung bằng một cái nhìn bao quát.
+ Tả một số hình ảnh cụ thể, nổi bật ở cự li gần.
+ Tả sự thay đổi của sự vật của bức tranh sinh hoạt trong thời gian, không gian.
- Kết bài: Phát biểu cảm nghĩ hoặc nêu ấn tượng chung về cảnh sinh hoạt.
c. Bước 3: Viết bài:
- Lần lượt viết mở bài, thân bài, kết bài. Riêng thân bài nên viết hai đến ba đoạn. Giữa các đoạn nên dùng các từ chuyển tiếp phù hợp để thể hiện được sự thay đổi của cảnh sinh hoạt theo thời gian hoặc theo vị trí, góc độ quan sát. Trong khi tả cảnh, có thể kết hợp thể hiện cảm nhận của bản thân.
d. Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm:
* Xem lại và chỉnh sửa:
- Tự kiểm tra, xem xét và điều chỉnh những chi tiết liên quan đến nội dung và cấu trúc của bài viết.
- Tiếp theo, hãy đọc chậm bài viết của mình một lần nữa, bổ sung những nội dung còn thiếu và sửa các lỗi chính tả, dùng từ ngữ, viết câu.
* Rút kinh nghiệm:
- Việc viết bài văn này giúp em có thêm kinh nghiệm gì trong cách quan sát cảm nhận cuộc sống con người và cảnh vật?
- Nếu được thực hiện lại bài viết này, em sẽ điều chỉnh thế nào để bài viết tốt hơn?
Bài tập minh họa
Bài tập 1: Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về một văn bản đã học mà em ấn tượng nhất.
a. Hướng dẫn giải:
- Chọn văn bản mà em nắm rõ nội dung nhất.
- Cảm nhận của em có thể là: Thán phục, yêu mến, tự hào,...
b. Lời giải chi tiết:
Chọn bài Đánh thức trầu:
Trong những văn bản em đã được học, em thích nhất văn bản Đánh thức trầu của tác giả Trần Đăng Khoa, đây là văn bản đem đến cho người đọc những bài học đầy ý nghĩa trong cuộc sống, với quan niệm hồn nhiên của con trẻ, lại từng thuộc làu làu câu hát của bà khi muốn hái trầu đêm, Trần Đăng Khoa đã đánh thức trầu bằng một lối riêng - lối của những chú bé bạn bè đồng trang đồng lứa. Câu hát của bà em là câu hát để hái trầu đêm của người lớn. Câu hát của bà như là chiếc cầu nối quá khứ vào hiện tại, làm rõ thêm mối quan hệ mới hồn nhiên và thật sự bình đẳng, mến thân của Trần Đăng Khoa với bạn Trầu. Muốn xin mấy lá trầu thì không thể không nói chuyện với chủ nhân. Có lẽ Trầu ngủ say quá, chú bé Trần Đăng Khoa lại phải gọi và nhắc lại yêu cầu: Trầu ơi hãy tỉnh lại/ Mở mắt xanh ra nào/ Lá nào muốn cho tao/ Thì mày chìa ra nhé. Kèm theo đó là một lời hứa: Tay tao hái rất nhẹ /Không làm mày đau đâu. Đó là giọng điệu chân thành và bàn tay nhẹ nhàng đầy thương yêu của trẻ nhỏ. Đừng lụi đi trầu ơi là mong ước, là nguyện cầu của Trần Đăng Khoa đối với trầu. Có thể thấy, bài thơ không những đem đến cho chúng ta bức tranh mát lành của thôn quê mà còn gửi đến bạn đọc tình yêu thương, nâng niu, trân trọng những điều nhỏ bé trong cuộc đời. Bài thơ một lần nữa cho thấy tâm hồn trắng trong như lụa của tuổi thơ trong tình bạn - dù là bạn với cỏ cây.
Bài tập 2: Em hãy viết một bài văn ngắn tả về một cảnh sinh hoạt mà em đã từng chứng kiến.
a. Hướng dẫn giải:
- Bài văn cần có có bố cục 3 phần đầy đủ: Mở bài, thân bài và kết bài.
- Cảnh sinh hoạt có thể là: Họp lớp, lao động, vui chơi,...
b. Lời giải chi tiết:
Một tuần học tập của chúng em lại sắp trôi qua, thời gian trôi thật nhanh mới thứ hai đầu tuần ngồi chào cờ dưới sân trường hôm nay đã là thứ bảy và chúng em lại có buổi sinh hoạt tổng kết. Giờ sinh hoạt cuối tuần cũng là giờ được chờ mong nhất vì có những trò chơi và luôn ngập tràn tiếng cười.
Buổi sinh hoạt vào tiết cuối của thứ bảy, sau 4 tiết học tập căng thẳng, tiết sinh hoạt là tiết để chúng em thư giãn, tổng kết lại các hoạt động nề nếp, học tập, rèn luyện của cả lớp sau một tuần. Đầu tiên cô giáo chủ nhiệm sẽ lên lớp rồi yêu cầu các bạn tổ trưởng báo cáo tình hình nề nếp, học tập của các thành viên trong tổ. Bạn nào đi học muộn, không quàng khăn đỏ hoặc nói chuyện trong giờ học hay tất cả các hành vi vi phạm nội quy của trường, lớp đều được ghi lại, bên cạnh đó bạn nào đạt thành tích tốt, điểm cao, giúp đỡ bạn bè hay làm việc tốt lại được tuyên dương trước lớp. Nhờ bản báo cáo của tổ trưởng cô giáo sẽ nắm sát được tình hình của từng học sinh trong lớp. Lớp trưởng là người tổng kết mọi hoạt động của lớp, báo cáo thi đua và đưa ra phương hướng cho tuần tới. Sau cùng cô giáo chủ nhiệm sẽ đưa ra quyết định thưởng - phạt cho từng bạn, những lỗi nhẹ cô sẽ phạt lên hát hoặc múa một bài, và khi đó là lúc lớp em vui nhộn nhất.
Cũng nhờ những buổi sinh hoạt mà lớp chúng em thêm đoàn kết, gắn bó, thấu hiểu nhau hơn, giúp đỡ nhau nhiều hơn và cùng nhau cố gắng học tập. Hơn thế còn tìm ra được những tài năng như hát hay, nhảy đẹp, múa dẻo, đối với em giờ sinh hoạt lớp thật ý nghĩa.
(Sưu tầm)
Lời kết
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Củng cố lại nội dung những văn bản đã học.
+ Nắm được cách viết bài bài văn trình bày một cảnh sinh hoạt.
Soạn bài Ôn tập (Bài 5)
Bài học Ôn tập (Bài 5) dưới đây nhằm giúp các em dễ dàng hơn khi tiến hành ôn lại những kiến thức đã học trong Bài 5: Trò chuyện cùng thiên nhiên. Để nắm rõ hơn về những kiến thức này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
Hỏi đáp bài Ôn tập (Bài 5) Ngữ văn 6
Trong quá trình tìm hiểu bài học này, nếu có bất cứ khó khăn gì các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247