Trong Bài 3: Cấu trúc của văn bản nghị luận, các em đã được học về đặc trưng của thể loại văn nghị luận, những lưu ý khi sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, cách làm bài văn nghị luật xã hội,... Nhằm giúp các em hệ thống hoá lại kiến thức đã học, HỌC247 đã biên soạn và tổng hợp nội dung bài giảng Củng cố, mở rộng Bài 3 dưới đây. Mời các em cùng tham khảo. Chúc các em học tốt!
Tóm tắt bài
1.1. Ôn lại đặc trưng của văn bản nghị luận
1.1.1. Cấu trúc của văn bản nghị luận
Một văn bản nghị luận bao gồm nhiều thành tố: luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng… Các thành tố đó được tổ chức thành một chỉnh thể, có quan hệ chặt chẽ với nhau, nhằm đạt hiệu quả thuyết phục cao nhất.
+ Luận đề là thành tố có tính chất bao trùm và có chức năng định hướng việc triển khai các luận điểm.
+ Luận điểm trong văn bản nghị luận, với sự thống nhất của lí lẽ và bằng chứng, có nhiệm vụ làm rõ từng khía cạnh và thể hiện tính nhất quán của luận đề.
+ Mối quan hệ có tính bản chất giữa các thành tố như vậy tạo nên cấu trúc đặc thù của văn bản nghị luận.
Xem chi tiết văn bản nghị luận:
- Chiếu cầu hiền - Ngô Thì Nhậm
- Tôi có một ước mơ - Mác-tin Lu-thơ Kinh
- Một thời đại trong thi ca - Hoài Thanh
1.1.2. Yếu tố bổ trợ trong văn bản nghị luận
Để tăng sức thuyết phục cho văn bản nghị luận, ngoài lí lẽ và bằng chứng, người viết còn có thể sử dụng một số yếu tố bổ trợ như: thuyết minh, miêu tả, tự sự, biểu cảm,…
- Thuyết minh trong văn bản nghị luận có tác dụng giải thích, cung cấp những thông tin cơ bản xung quanh một vấn đề, khái niệm, đối tượng nào đó, làm cho việc luận bàn trở nên xác thực.
- Miêu tả được dùng để tái hiện rõ nét, sinh động hơn những đối tượng có liên quan.
- Tự sự đảm nhiệm việc kể câu chuyện làm bằng chứng cho luận điểm mà người viết nêu lên.
- Biểu cảm giúp người viết bộc lộ cảm xúc, tình cảm làm cho văn bản có thêm sức lôi cuốn, thuyết phục.
1.2. Ôn lại đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
1.2.1. Những lưu ý trong việc sử dụng ngôn ngữ nói
- Tuỳ hoàn cảnh và mục đích giao tiếp, chúng ta có thể sử dụng ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ viết.
- Nếu đã sử dụng ngôn ngữ ở dạng nào thì cần đảm bảo sự nhất quán trong cách dùng từ ngữ, đặt câu phù hợp với dạng đó.
- Cần tránh tình trạng lạc phong cách (dùng các phương tiện đặc trưng của ngôn ngữ nói cho văn bản viết và ngược lại).
1.2.2. Sự cộng hưởng giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
- Trong tác phẩm truyện, sự mô phỏng, tái tạo ngôn ngữ nói bằng ngôn ngữ viết là một đối tượng khảo sát, nghiên cứu thú vị. Sự cộng hưởng giữa ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết trong văn bản nghệ thuật tạo ra một số hiện tượng đặc biệt về lời văn như:
+ Lời nửa trực tiếp (lời của người kể chuyện nhưng tái hiện ý thức, giọng điệu của nhân vật);
+ Lời độc thoại nội tâm (tái hiện tiếng nói bên trong các nhân vật)
+ Lời nhại (lời trần thuật mô phỏng quan điểm, ý thức của nhân vật với chủ ý mỉa mai hay bông đùa);...
- Khả năng miêu tả ngôn ngữ gắn liền với những đặc điểm cá thể của nhân vật (xuất thần, địa phương, môi trường sống, tầng lớp xã hội,…) là một bước tiến của tự sự hiện đại.
1.3. Ôn tập cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội
- Nêu được vấn đề giàu ý nghĩa, gợi mở cách nhìn nhận sâu hơn về mối quan hệ giữa con người với cuộc sống xung quanh.
- Thể hiện được quan điểm rõ ràng của người viết về vấn đề, thông qua hệ thống luận điểm chặt chẽ, các lí lẽ sắc bén và những bằng chứng phù hợp, sinh động.
- Dẫn được những ý kiến trái chiều có thể có về vấn đề được bàn luận để phản bác nhằm củng cố lập luận của bài viết.
- Rút ra được ý nghĩa của việc nhận thức đúng về vấn đề.
Bài tập minh họa
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội mà em quan tâm.
Hướng dẫn giải:
- Dựa vào kiến thức và kĩ năng vận dụng cách làm bài văn nghị luận xã hội.
- Vận dụng hiểu biết, đánh giá của bản thân về vấn đề nghị luận.
Lời giải chi tiết:
Xã hội ngày càng phức tạp, con người cũng vì thế mà càng trở lên phức tạp khiến chúng ta khó phân biệt ai đúng, ai sai, ai tốt, ai xấu. Một mối nguy hại về nhân cách con người đã và đang tồn tại trong xã hội và ngày càng phổ biến đó là “đạo đức giả”.
Vậy trước hết ta phải hiểu “đạo đức giả” là gì? “Đạo đức giả” là cách ứng xử giả tạo, đi ngược với những chuẩn mực đạo đức thông thường. Đáng sợ hơn là nó thường nấp sau dáng vẻ tử tế, hào nhoáng của con người khiến chúng ta khó phân biệt đươc. Những người như vậy họ thường dùng sự tử tế, sự tươi cười, vỗn vã với những người khác, che dấu đi bản chất, con người thật của họ một cách hoàn hảo nhất. Và chúng ta rất dễ bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài đó. Nó như trở thành một căn bệnh “chết người” ăn mòn nhân cách và đạo đức của con người.
Bởi vậy, đạo đức giả mang đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho con người và xã hội. Trước hết ở bản thân người đó, họ sống giả dối, đánh lừa mọi người xung quanh bằng vẻ ngoài hào nhoáng của mình và dần họ sẽ đánh mất chính mình. Niềm tin của họ với mọi người xung quanh cũng sẽ biến mất bởi thật khó để tin tưởng một người luôn lừa dối mình. Đối với xã hội, thói đạo đức giả sẽ làm lẫn lộn các giá trị đạo đức và làm xã hội trở lên phức tạp. Biết bao nhiêu người vì tin vào lòng tốt của người khác mà rước họa vào thân. Nó khiến cho xã hội trở lên không còn an toàn và con người cũng trở lên ngờ vực, khó tin tưởng nhau. Thật khó có thể tưởng tượng nổi sẽ thế nào nếu sống trong một xã hội con người luôn ngờ vực, lừa gạt nhau?
Vì vậy, để cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt đẹp, chúng ta – nhưng người sống trong xã hội phải luôn biết trau dồi nhân cách của bản thân, kiên quyết đấu tranh chống lại thói đạo đức giả, góp phần xậy dựng một xã hội trong sạch và đáng tin cậy hơn.
Lời kết
Học xong bài Củng cố, mở rộng Bài 3, các em cần:
- Nắm được khái niệm, đặc trưng thể loại văn nghị luận.
- Nắm những lưu ý khi sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết
- Nắm được cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội.
Soạn bài Củng cố, mở rộng Bài 3 Ngữ văn 11 tập 1 Kết Nối Tri Thức
Bài học Củng cố, mở rộng Bài 3 sẽ giúp các em ôn tập các kiến thức đã học trong Bài 3, bao gồm: đặc điểm của thể loại văn nghị luận, những lưu ý khi sử dụng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, cách viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:
- Soạn bài đầy đủ Củng cố, mở rộng Bài 3
- Soạn văn tóm tắt Củng cố, mở rộng Bài 3
Hỏi đáp bài Củng cố, mở rộng Bài 3 Ngữ văn 11 tập 2 Kết Nối Tri Thức
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 11 HỌC247