YOMEDIA
NONE

Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội - Ngữ văn 10 Tập 1 Kết nối tri thức

Với hi vọng giúp các em tìm hiểu đặc điểm kiểu bài và yêu cầu khi viết văn nghị luận về vấn đề xã hội, HOC247 đã biên soạn chi tiết bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội​. Ngoài ra, để hiểu hơn về lý thuyết bài học, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội - KNTT. Chúc các em học tập thật tốt!

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Kiểu bài

- Bàn luận về các vấn đề xã hội đã trở thành một nhu cầu phổ biến, tất yếu của con người hiện đại.

- Khi bàn luận, chúng ta không chỉ thể hiện ý kiến cá nhân mà còn muốn thuyết phục người khác đồng tình với quan điểm của mình.

- Qua đó, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

1.2. Các yêu cầu khi viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội

- Giới thiệu được vấn đề xã hội cần bàn luận.

- Nêu rõ lí do lựa chọn và quan điểm cá nhân về vấn đề xã hội cần bàn luận.

- Chứng minh quan điểm của mình bằng hệ thống luận điểm chặt chẽ, hợp lý, sử dụng các lí lẽ thuyết phục và bằng chứng chính xác, đầy đủ.

- Biết sử dụng yếu tố biểu cảm để tăng sức thuyết phục của văn bản.

- Khẳng định ý nghĩa của vấn đề cần bàn luận.

2. Soạn bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Ngữ văn 10 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Câu 1: Nhận xét về cách đặt nhan đề bài viết.

Trả lời:

- Nhan đề bài viết “Sống đơn giản – xu thế của thế kỉ XXI”, nhan đề hết sức ngắn gọn nhưng đã nói được bao quát nội dung của cả bài. Nhan đề này cũng không gây cảm giác nhàm chán, khó chịu cho người đọc vì tính ngắn gọn của mình.

Câu 2: Vấn đề đã được người viết triển khai bằng những luận điểm nào?

Trả lời:

Vấn đề được người viết triển khai bằng những luận điểm:

- Khái niệm về sống đơn giản.

- Quan điểm về cách để sống đơn giản trong cuộc sống hiện tại.

- Ý nghĩa của việc sống đơn giản.

- Đề xuất giải pháp sống đơn giản trong cuộc sống hiện nay.

Câu 3: Chỉ ra các yếu tố làm nên sức thuyết phục của văn bản.

Trả lời:

Yếu tố để làm nên sức thuyết phục của văn bản:

- Luận điểm rõ ràng, lí lẽ dẫn chứng thuyết phục.

- Tư tưởng quan điểm trong bài văn hướng tới giải quyết vấn đề mà đề bài đưa ra.

- Sử dụng kết hợp các yếu tố tự sự, biểu cảm để tăng sức biểu đạt cho bài văn.

Để có thêm nhiều kiến thức về bài soạn trên, mời các em cùng tham khảo:

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Nghị luận về vấn đề Tinh thần dân tộc trong đại dịch Covid-19.

Trả lời:

1. Chuẩn bị viết

- Lựa chọn những vấn đề mang tính thời sự đang được nhiều người bàn luận: Tinh thần dân tộc trong đại dịch Covid-19.

2. Tìm ý, lập dàn ý

a. Tìm ý:

- Vì sao bạn lại muốn bàn luận vấn đề này? Vấn đề đó có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân và cộng đồng?

→ Vì đại dịch Covid 19 là vấn đề mang tính chất thời sự đang được nhiều người quan tâm, bàn luận. Vấn đề này có ảnh hưởng và tác động rất lớn đến đời sống cá nhân và cộng đồng.

→ Tinh thần dân tộc trong đại dịch Covid 19 đã giúp Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh, thể thể hiện truyền thống đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau của người Việt.

- Bạn có quan điểm như thế nào về vấn đề (đồng tình hay phản đối; muốn khẳng định hay bác bỏ; hoặc vừa có quan điểm đồng tình vừa có điểm muốn được trao đổi, bổ sung, phản biện)

→ Ảnh đưởng của đại dịch Covid 19 rất lớn, nó tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội và gây ra rất nhiều khó khăn, tổn thất nặng nề.

→ Đảng và Nhà nước đã thực hiện hiện nhiều chính sách để phòng chống dịch, thông qua đó tinh thần dân tộc của người Việt lại một lần nữa được phát huy rõ nét. Toàn Đảng, toàn dân cùng đồng lòng, chung sức để đẩy lùi dịch bệnh.

- Đưa ra lí lẽ, dẫn chứng gì để chứng minh quan điểm của mình là đúng đắn và thuyết phục người khác đồng tình với mình.

→ Dẫn chứng, chứng minh hành động cụ thể.

b. Lập dàn ý:

Sử dụng kết quả của phần tìm ý, tổ chức sắp xếp các ý theo trật tự hợp lí. Dàn ý cần thể hiện được những nội dung cơ bản mà bài viết phải triển khai.

- Mở bài: Có thể theo lối trực tiếp hoặc theo lối gián tiếp nhưng phải giới thiệu về vấn đề xã hội cần bàn luận và gây được ấn tượng với người đọc.

- Thân bài:

+ Nêu ý nghĩa của vấn đề đối với đời sống xã hội.

+ Trình bày quan điểm cá nhân: Bạn lựa chọn góc nhìn nào? Cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề của bạn là gì? Vấn đề xã hội tác động như thế nào đối với cá nhân và cộng đồng?

+ Trình bày những cơ sở về nhận thức và thực tiễn cho phép người viết đề xuất quan điểm nhìn nhận, đánh giá về vấn đề xã hội như vậy.

+ Nêu lí lẽ, phân tích bằng chứng để chứng minh quan điểm của bạn và thuyết phục người đọc, người nghe đồng tình.

- Kết bài:

+ Khẳng định ý nghĩa của vấn đề xã hội cần bàn luận.

+ Nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm cá nhân, cộng đồng trong việc giải quyết vấn đề đó.

Dàn ý tham khảo nghị luận: Tinh thần đoàn kết dân tộc trong đại dịch Covid-19.

* Mở bài:

- Giới thiệu vấn đề cần bàn luận: Tinh thần đoàn kết dân tộc trong đại dịch Covid-19.

* Thân bài:

- Luận điểm 1: Giải thích về tinh thần đoàn kết dân tộc.

+ Tinh thần đoàn kết chính là tình yêu thương giữa người với người, sống có trách nhiệm với cộng đồng, sẵn sàng giúp đỡ, ra tay cứu người trong lúc hoạn nạn.

- Luận điểm 2: Vai trò, sức mạnh, ý nghĩa của tinh thần đoàn kết dân tộc.

+ Đoàn kết dân tộc tạo nên sức mạnh to lớn đối với thời cuộc đất nước, là việc nên làm, giúp gắn kết con người với con người trong một xã hội.

+ Tinh thần đoàn kết dân tộc khiến con người biết bao dung, biết cách cho, nhường nhịn và sẻ chia.

+ Tinh thần đoàn kết giúp đem lại cuộc sống hòa bình, tốt đẹp. Mỗi người biết cách nhìn cuộc sống một cách tích cực hơn. Chúng ta có thể nhìn thấy truyền thống dân tộc ấy được phát huy trong tình hình chống “giặc” COVID-19.

- Luận điểm 3: Dẫn chứng, chứng minh hành động cụ thể.

+ Dịch bệnh COVID-19 đã càn quét, gây ảnh hưởng về Sức Khỏe, kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Là một nước nằm trong vùng ảnh hưởng của dịch bệnh, Việt Nam đã có những cách xử lý tuyệt vời, làm thế giới thán phục. Có thể nói, chính nhờ sức mạnh của tinh thần đoàn kết đã giúp đất nước ta bước đầu chiến thắng trên mặt trận chống virus SARS-CoV2.

+ Ngay từ lúc dịch bệnh bùng phát, giữa bối cảnh nhiều quốc gia hoang mang lo lắng, chính phủ nước ta đã có động thái quyết tâm, thể hiện trách nhiệm bảo vệ, giúp đỡ công dân, tạo điều kiện đón họ trở về từ vùng dịch. Phương ngôn của Thủ tướng chính phủ lúc đó chính là “Việt Nam quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau, trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19”.

+ Các hoạt động thiện nguyện, “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.

+ Cây ATM phát gạo miễn phí. Các thành phố lớn, quy tụ đông đảo những người lao động nhập cư tổng đại dịch bị thất nghiệp đã được các bạn trẻ, mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ. Trong thời gian cách lý, nhiều nhóm thiện nguyện đã tổ chức địa điểm phát đồ ăn, nước uống. Hay ở Sài Gòn, những tiệm kinh doanh ăn uống tự nguyện đóng cửa, tập trung phục vụ nấu cơm chay ngày 2 bữa, phát cho dân nghèo…

+ Sự hi sinh của các bác sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19.

+ Học sinh, sinh viên các trường đại học phát khẩu trang, nước rửa tay cho người dân.

+ Phong trào giải cứu dưa hấu, giải cứu tôm hùm,… khắp các tỉnh thành.

- Luận điểm 4: Bàn luận   

+ Phê phán những hành động xấu: Bên cạnh những việc làm tốt đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết đó, có không ít trường hợp ích kỉ, lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi cá nhân.

+ Nâng mức giá khẩu trang, dung dịch rửa tay lên cao để kiếm chác lợi nhuận.

+ Tệ hại hơn nữa là kinh doanh khẩu trang giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

+ Tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh, gây hoang mang dư luận…

+ Phát huy tinh thần đoàn kết: Qua những hành động tốt đẹp, ý nghĩa đó giúp ta thêm yêu, tự hào về dân tộc hơn. Là người con của Việt Nam, chúng ta cần nhắc nhở bản thân phải giữ gìn và nhân rộng tinh thần ấy.

* Kết bài:

- Khẳng định, đúc kết lại vấn đề.

3. Viết

- Viết bài theo dàn ý đã lập. 

 Bài viết tham khảo

Tinh thần dân tộc là ý thức dân tộc đã được hình thành trong suốt quá trình lịch sử và được biểu hiện ở các giá trị trong truyền thống văn hóa của người Việt, là sự kết tinh và thăng hoa của các giá trị truyền thống dân tộc, trong đó tinh thần yêu nước và tinh thần đoàn kết độc lập dân tộc là hai giá trị truyền thống chủ đạo. Trong đại dịch Corona hiện nay, một lần nữa, tinh thần đoàn kết dân tộc lại trỗi dậy mạnh mẽ, tạo thành một trận tuyến chống dịch hùng mạnh, ngăn chặn bước tiến và sự xâm nhập của đại dịch vào trong cộng đồng.

Vậy tinh thần đoàn kết  dân tộc là gì?  Đó là tình yêu thương giữa người với người, sống có trách nhiệm với cộng đồng, sẵn sàng giúp đỡ, ra tay cứu người trong lúc hoạn nạn. Đoàn kết dân tộc tạo nên sức mạnh to lớn đối với thời cuộc, đất nước, giúp gắn kết con người với con người trong một xã hội. Tinh thần đoàn kết dân tộc khiến con người biết bao dung, biết cách cho, nhường nhịn và sẻ chia. Tinh thần đoàn kết giúp đem lại cuộc sống hòa bình, tốt đẹp. Năm 2020 vừa qua, Việt Nam và thế giới đã phải trải qua những ngày tháng khó khăn khi phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Khi nhiều nước lựa chọn kinh tế, thay vì an nguy của người dân mà không có những biện pháp kiên quyết chống lại đại dịch. Thì chúng ta cảm thấy thật tự hào khi Việt Nam là một đất nước dám đặt sự an toàn của nhân dân lên trên lợi ích kinh tế. Nhưng điều khiến chúng ta cảm thấy trân trọng và tự hào hơn cả đó là tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam.

Đất nước ta vốn là một dân tộc có truyền thống đoàn kết. Trong quá khứ, nhân dân ta đã từng đoàn kết chống lại biết bao nhiêu kẻ thù xâm lược để giành lại nền hòa bình. Đến hôm nay, tinh thần đoàn kết ấy lại một lần nữa chứng tỏ sức mạnh to lớn của nó để giúp Việt Nam chiến thắng đại dịch Covid-19. Ngay từ khi nước ta có ca nhiễm đầu tiên cho đến thời điểm số người nhiễm bệnh lên tới hàng chục, hàng trăm người. Từ các cấp chính quyền đến người dân đều thể hiện được tinh thần đoàn kết một lòng. Những quy định nghiêm ngặt của Nhà nước về việc phòng chống dịch bệnh lập tức được ban hành. Nhận thức mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch, toàn dân tộc đồng tâm, nhất trí, trên dưới một lòng thực hiện theo chỉ đạo của chính phủ, chấn chỉnh các hoạt động, thực hiện công tác vệ sinh, đảm bảo an ninh trật tự cộng đồng. Những người dân từ người già đến trẻ nhỏ đều nghiêm chỉnh chấp hành các quy định: như đeo khẩu trang khi đi đến nơi công cộng, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn, hạn chế đi ra nơi đông người… Đặc biệt, trong thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội, toàn dân đều nghiêm chỉnh chấp hành. Nhiều bác sĩ dù còn trẻ hay đã về hưu đều sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu chống dịch, thậm chí còn có cả những sinh viên của ngành y cũng sẵn sàng giúp sức. Những cây ATM gạo, ATM khẩu trang hay địa điểm phát thực phẩm miễn phí… được tạo ra không chỉ chứng tỏ tấm lòng tương thân tương ái mà còn là sự đoàn kết của toàn dân quyết đẩy lùi đại dịch.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có một bộ phận không nhỏ thiếu đi tinh thần trách nhiệm. Thật đáng buồn về trường hợp của cô gái trốn cách ly vẫn ngang nhiên quay video đăng lên mạng để khoe khoang việc làm của mình, những người chỉ vì lợi ích cá nhân mà sẵn sàng dẫn người nhập cảnh trái phép vào nước ta để lại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Cũng có không ít trường hợp ích kỉ, lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi cá nhân, nâng mức giá khẩu trang, dung dịch rửa tay lên cao để kiếm chác lợi nhuận. Tệ hại hơn nữa là kinh doanh khẩu trang giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tung tin đồn thất thiệt về dịch bệnh, gây hoang mang dư luận…Những hành vi này đều đáng lên án, vì nó có thể phá hoại công sức của cả một tập thể. Chính vì vậy, mỗi người dân Việt Nam hãy luôn ý thức được trách nhiệm của cá nhân trong công cuộc phòng chống dịch bệnh.

Tôi đã từng đọc được ở đâu đó câu nói: “Giữa một thế giới bất an, chúng ta vẫn có quyền tin tưởng vào tương lai tươi sáng”. Trong giai đoạn hiện nay, số người mắc bệnh ở nước ta đang có chiều hướng bùng phát trở lại nhưng về cơ bản, bệnh dịch vẫn đang được kiểm soát tốt. Nhìn vào thành quả đó, ta nhận thấy, chính phủ đã có đánh giá đúng đắn về dịch bệnh và nhanh chóng đưa ra những quyết định kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo toàn dân chống dịch. Đó là kết quả của tinh thần dân tộc, là ý chí đoàn kết, là sức mạnh tương trợ và niềm tin tưởng vững chắc của toàn dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng và của chính phủ. Là một học sinh, khi được sống trong những ngày cả đất nước đồng lòng chống lại đại dịch, tôi mới cảm thấy trách nhiệm của một công dân. Tôi tự hứa sẽ thực hiện tốt những biện pháp phòng dịch, giữ một tâm lý thoải mái để học tập thật tốt, chuẩn bị cho kì thi quan trọng sắp tới. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch, còn tôi cũng sẽ chiến thắng được kì thi sắp tới.

Đại dịch đã giúp chúng ta cũng nhận ra được những tình cảm thật tốt đẹp. “Không ai bị bỏ lại phía sau” – đó là câu khẩu hiệu mà mọi người dân Việt Nam đều biết đến.Qua những hành động tốt đẹp, ý nghĩa đó giúp ta thêm yêu, tự hào về dân tộc hơn. Là người con của Việt Nam, chúng ta cần nhắc nhở bản thân phải giữ gìn và nhân rộng tinh thần ấy.

4. Chỉnh sửa, hoàn thiện

Đọc lại bài viết, đối chiếu với các yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để phát hiện các nội dung cần bổ sung, các lỗi cần chỉnh sửa nhằm hoàn thiện bài viết.

- Vấn đề cần bàn luận đã được triển khai thành các luận điểm rành mạch, thể hiện rõ quan điểm cá nhân của người viết.

- Các luận điểm đã được sắp xếp hợp lí, các lí lẽ bằng chứng đã được sử dụng một cách hiệu quả.

- Văn phong, giọng điệu được lựa chọn phù hợp với mục đích viết và đối tượng cần thuyết phục.

- Bài viết đảm bảo tuân thủ các quy định về chính tả, không mắc lỗi dùng từ và đặt câu.

4. Hỏi đáp về bài Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội Ngữ văn 10 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Khi có vấn đề khó hiểu về bài soạn này cần giải đáp, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
NONE
ON