1. Tóm tắt nội dung bài học
- Các vấn đề xoay quanh văn học dân gian như:
- Đặc trưng văn học dân gian
- Thể loại văn học dân gian
- Giá trị nội dung và nghệ thuật của các tác phẩm văn học dân gian đã học
2. Soạn bài Ôn tập văn học dân gian Việt Nam chương trình chuẩn
Câu 1 : SGK trang 101
- Nhận xét về hai đoạn miêu tả cảnh Đăm Săn múa khiên và đoạn cuối tả hình ảnh và sức khoẻ của chàng trong đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây
Gợi ý:
- Trong ba đoạn văn này, nét nổi bật trong nghệ thuật miêu tả nhân vật anh hùng nằm ở các thủ pháp sau:
- Thủ pháp so sánh: Với những câu văn như “chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc”, “Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực…”.
- Thủ pháp phóng đại: “Một lần xốc tới, chàng vợt một đồi tranh”, “khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung”…
- Thủ pháp trùng điệp: Nằm ở nội dung của các câu văn và ở cả cách thức thể hiện. Các hành động, cũng như đặc điểm của Đam Săn đều được luyến láy nhiều lần nhằm tạo nên sự kì vĩ, lớn lao: “Chàng chạy vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây”, “Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang… Đam Săn vốn ngang tàng từ trong bụng mẹ”,…
⇒ Sự kết hợp linh hoạt của các biện pháp nghệ thuật này cùng với trí tưởng tượng hết sức phong phú của tác giả, dân gian đã góp phần tôn lên vẻ đẹp của người anh hùng sử thi – một vẻ đẹp kì vĩ lớn lao trong một khung cảnh cũng rất hoành tráng và dữ dội.
Câu 2: SGK trang 101
Tấn bi kịch của Mị Châu – Trọng Thủy trong chuỗi truyền thuyết An Dương Vương
- Mị Châu – Trọng Thủy
Cái cốt lõi sự thật lịch sử | Hư cấu thành bi kịch gì? |
Với những chi tiết hoang đường kì ảo nào? |
Tính chất của bi kịch |
Kết quả của bi kịch |
Bài học rút ra |
Cuộc xung đột giữa An Dương Vương và Triệu Đà thời kì Âu Lạc (theo lịch sử nước ta) | Bi kịch tình yêu (lồng vào bi kịch gia đình, quốc gia) | Thần Kim Quy, lẫy nỏ thần, Ngọc Trai – giếng nước, Rùa vàng rẽ nước dẫn An Dương Vương xuống biển | Dữ dội, quyết liệt và toàn diện |
Mất tất cả: Tình yêu, gia đình và đất nước |
Cảnh giác giữ nước, không ỷ thế chủ quan như An Dương Vương, không nhẹ dạ cả tin như Mị Châu |
Câu 3: SGK trang 101
- Đặc sắc nghệ thuật của truyện Tấm Cám:
- Khắc họa được hình tượng Tấm có sự phát triển về tính cách. Theo dõi câu chuyện, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy điều này :
- Ở giai đoạn đầu, khi gặp những sự đè nén hay những khó khăn, Tấm rất thụ động, yếu đuối, thường chỉ khóc không biết làm gì (lúc mất giỏ cá, lúc mất con bống, lúc bị bắt ngồi nhặt thóc…). Ở giai đoạn này, Tấm chỉ biết trông đợi vào sự giúp đỡ của bên ngoài (ông Bụt).
- Nhưng đến giai đoạn sau, Tấm đã kiên quyết đấu tranh để giành lại cuộc sống, giành lại hạnh phúc (chim vàng anh, chiếc khung cửi đều lên tiếng dọa Cám và kết thúc truyện, Tấm đã buộc mẹ con Cám phải nhận một kết cục xứng đáng với tội ác của mình). Ở giai đoạn này, tuy Tấm nhiều lần hóa thân nhưng nhân vật Bụt đã không còn xuất hiện. Thay vào đó, Tấm đã chủ động hơn trong những hành động của mình.
- Có thể nói, sở dĩ có sự phát triển về tính cách như vậy là vì ban đầu, Tấm chưa ý thức được thân phận của mình, những mâu thuẫn thì chưa tới mức căng thẳng và quyết liệt. Hơn nữa, Tấm lại có sự giúp đỡ của nhân vật thần kì nên Tấm còn thụ động. Ở giai đoạn sau, mâu thuẫn bắt đầu quyết liệt đẩy Tấm vào thế phải đấu tranh để giành lại cuộc sống và hạnh phúc của mình. Sự phát triển tính cách của nhân vật Tấm cũng cho thấy sức sống bất diệt của con người trước sự vùi dập của các thế lực thù địch. Nó là sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác trong cuộc sống.
Câu 4: SGK trang 102
Bảng phân tích truyện cười
Truyện | Đối tượng cười (Cười ai?) | Nội dung cười (Cười cái gì? | Tình huống gây cười | Cao trào để tiếng cười òa ra |
Tam đại con gà | Anh học trò “dốt hay nói chữ” | Tật “giấu dốt” của con người | Luống cuống khi không biết chữ “kê” | Khi anh học trò nói: “Dủ dỉ là chị con công…” |
Nhưng nó phải bằng hai mày | Thầy lí Cải và Ngô | Tấm bi hài kịch của việc hối lộ và ăn hối lộ | Đã đút lót tiền hối lộ mà vẫn bị đánh (Cải) | Khi thầy lí nói: “… Nhưng nó lại phải… bằng hai mày!” |
Câu 5: SGK trang 102
- Các bài ca dao với motif tiêu biểu
a. Mở đầu bằng Thân em
Thân em như đóa hoa rơi,
Phải chăng chàng thật là người yêu hoa ?!
Thân em như trái mảng cầu,
Để trên bàn Phật lâu lâu lại nhìn.
Thân em như hạt mưa rào ,
Mưa trên hàng dậu mưa vào nhà anh.
Thân em như chẽn lúa đòng đòng
Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.
Thân em như con cá rô thia
Ra sông mắc lưới vào đìa mắc câu
Thân em làm lẽ chẳng nề
Có như chính thất mà lê giữa gường
Tối tối chị giữ mất buồng
Cho em manh chiếu nằm suông chuồng bò
Mong chồng chồng chẳng xuống cho
Đến khi chồng xuống gà o o gáy dồn
Chém cha con gà kia, sao mày vội gáy dồn
Mày làm cho ta mất vía kinh hồn về nỗi chồng con
Thân em như hoa gạo trên cây
Chúng anh như đám cỏ may giữa đường.
Thân em như cái sập vàng
Chúng anh như manh chiếu rách giữa đàng bỏ quên.
b. Mở đầu bằng Chiều chiều…
Chiều chiều xách giỏ hái rau
Ngó lên mả mẹ ruột đau như dần
Chiều chiểu dẫn vợ ra rừng,
Bẻ roi đánh vợ, biểu đừng có ghen.
Ghen sao ghen lạ ghen lùng,
Cá rộn trong thùng cục kịch cũng ghen.
Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chú Liá bị vây trong thành.
Chiều chiều ra chợ Đông Ba,
Ngó về làng bột ,trông ra hàng đường.
Nhìn mai,ngắm liễu,xem hường,
Cô nào đẹp nhất xin nhường cho tôi.
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ cha, nhớ mẹ chín chiều ruột đau
Chiều chiều ra đứng bờ sông
Muốn về với mẹ mà không có đò.
Chiều chiều chim rét kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau
Chiều chiều ai đứng hàng ba
Quần đen áo trắng nết na dịu dàng.
Chiều chiều bắt bướm đang bay
Bâng khuâng nhớ bạn, bạn rày nhớ ta.
Chiều chiều bắt nhâm cầm câu
Nhái kêu cái cọ thảm sầu nhái ơi.
Chiều chiều bước xuống ghe buôn
Sóng bao nhiêu gợn em buồn bấy nhiêu.
⇒ Cách mở đầu những bài ca dao bằng mô thức lặp như thế này có tác dụng rất nhiều trong việc tạo ấn tượng thẩm mĩ và xúc cảm cho người đọc. Mô típ “thân em như…” thường gợi ra thân phận chua xót, ngậm ngùi. Còn mô típ “chiều chiều…” gợi đến một khoảng thời gian “nhạy cảm” – khoảng thời gian của nỗi nhớ nhung.
c. Tìm một số bài ca dao nói về
- Chiếc khăn, chiếc áo:
Trông em đã mấy thu tròn
Khăn lau nước mắt muốn mòn con ngươi.
Em về, anh mượn khăn tay
Gói câu tình nghĩa, lâu ngày sợ quên.
Khăn vuông bốn chéo cột giùm
Miệng cười người nghĩa hò giùm ít câu.
Qua cầu ghé nón thăm đồng
Đồng bao nhiêu lúa thương chồng bấy nhiêu
Tay nâng khăn gói sang sông
Mồ hôi ướt đẫm, thương chồng phải theo.
Tay mang khăn gói sang sông
Mẹ gọi mặc mẹ theo chồng cứ theo
Thuyền đồng trở lái về đông
Con đi theo chồng để mẹ cho ai.
Khăn đào vắt ngọn cành mai
Mình xuôi đàng ấy, bao giờ mình lên
Em xuôi em lại ngược ngay
Sầu riêng em để trên này cho anh
Ước gì anh hóa ra hoa
Để em nâng lấy rồi mà cài khăn
Ước gỉ anh hóa ra chăn
Để cho em dắp, em lăn, em nằm
Ước gi anh hóa ra gương
Để cho em cứ ngày thường em soi
Ước gì anh hóa ra cơi
Để cho em đựng cau tươi trầu vàng
-
Nỗi nhớ đôi lứa
Đêm qua mới gọi là đêm
Ruột xót như muối, da mềm như dưa
Trăm năm ghi tạc chữ đồng
Dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai
Ai về đường ấy hôm mai
Gởi dặm điều nhớ, gửi vài điểu thương
Gởi cho đến chiếu, đến giường
Gởi cho đến chốn buồng hương em nằm
Rủ nhau xuống biển mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi, chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau
Nhớ ai em những khóc thầm
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa
Nhớ ai ngơ ngẩn, ngẩn ngơ
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống rơm
-
Biểu tượng cây đa, bến nước - con thuyền, gừng cay - muối mặn
Biểu tượng cây đa, bến nước - con thuyền
Anh về đợ ruộng cây đa
Đợ đồng nước ngọt sang qua cưới nàng
Cây tùng cây bá anh chê,
Cây đa, cây dứa sum suê anh dùng.
Cây đa bậc cũ lỡ rồi
Đò đưa bến khác, bạn ngồi chờ ai?
Cây đa bến cũ đò đưa
Người thương có nghĩa nắng mưa vẫn chờ
Cây đa cũ, con yến rũ, cây đa tàn
Bao nhiêu lá rụng thương nàng bấy nhiêu
Cây đa giếng nước quê nhà
Mái đình còn đó người xa chưa về
Người ơi, người có nhớ quê
Giò Chèm, nem Vẽ, quạt lá đề như xưa.
Cây đa trốc gốc cái miễu còn ngồi
Người thương đâu mất chỗ ngồi còn đây
Cây đa trốc gốc lâu rồi
Đò đưa bến khác, anh ngồi chờ ai?
Cây đa trốc gốc, thợ mộc đang cưa
Gặp em từ lúc ban trưa
Trách trời vội tối, phân chưa hết lời
Chim xanh ăn trái xoài xanh
Ăn no tắm mát đậu cành cây đa
Cực lòng em phải nói ra
Chờ trăng, trăng xế, chờ hoa, hoa tàn
Có chả anh tính phụ xôi
Có cam phụ quít, có người phụ ta
Có quán đình, phụ cây đa
Ba năm quán đổ cây đa vẫn còn
Có mực thì anh phụ son
Có kẻ đẹp giòn tình phụ nhân duyên
Có bạc anh tính phụ tiền
Có nhân nghĩa mới quên tình người xưa
Đầu làng cây ruối, cuối làng cây đa
Cây ruối anh để làm nhà
Cây đa hóng mát, nàng ra anh chào
Đôi tay bâng cái khăn đào
Bằng khi hội hát anh trao cho nàng
Túi anh những bạc cùng vàng
Để anh kéo nhẫn cho nàng đeo tay
Dù ai bấu chí nàng bay
Thì nàng phải giữ nhẫn này cho anh
Dù ai bẻ lá vin cành
Thì nàng phải nhớ lời anh dặn dò
Biểu tượng gừng cay - muối mặn
Tay bưng dĩa muối chấm gừng,
Gừng cay muối mặn xin đừng đổi thay.
Gừng cay sáu tháng còn cay.
Đèn treo dưới gió, ngọn đèn lay,
Đố anh có biết duyên này về đâu?
Tay bưng dĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau
d. Một số câu ca dao hài ước có tính chất giải trí, mua vui :
Bà Bảy đã tám mươi tư
Ngồi trông cửa sổ gửi thư kén chồng.
Chồng người đánh giặc sông Lô
Chồng em ngồi bếp rang ngô cháy quần
Chồng người đi ngược về xuôi
Chồng em ngồi bếp cầm muôi đánh ruồi.
Học hành ba chữ lem nhem
Thấy gái thì thèm như chửa thèm chua
Hai tay cầm hai quả hồng,
Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai.
Đêm nằm vuốt bụng thở dài,
Thương chồng thì ít, thương trai thì nhiều.
Hoài hơi mà đấm bị bông
Đấm được bên nọ, nó phồng bên kia.
Nhà cô có con chó đen
Người lạ nó cắn, người quen nó mừng
Một hôm uống rượu lâng lâng
Người quen nó cắn, nó vồ gãy tay
Buồn buồn ngồi đốt đống rơm
Khói bay nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói bay lên tận thiên tào
Ngọc Hoàng phán hỏi: thằng nào đốt rơm
Còn duyên anh cưới con heo
Hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi.
Chiều chiều lửa cháy cơm sôi
Heo la, con khóc, chồng người nhậu say.
Chiều chiều mang giỏ hái dâu
Hái dâu không hái nhớ câu ân tình.
Chiều chiều mây phủ Hải Vân
Chim kêu ghềnh đá gẫm thân em buồn
Buồn riêng rồi lại tủi thầm
Hai tay áo vải ướt đầm cả hai.
Chiều chiều lo bảy lo ba
Lo cha mẹ già đầu bạc tuổi cao.
Chiều chiều mú lụa mười ba
Cắt áo cổ giữa tra ba nút vàng.
Chiều chiều ngư phủ đi câu
Sấm bắt ngư phủ biết đâu mà tìm.
Chiều chiều ông Lữ thả câu
Sấu ăn ông Lữ chúi đầu xuống sông.
Câu 6: SGK trang 102
- Một số câu thơ (bài thơ) của các nhà thơ trung đại hoặc hiện đại có sử dụng văn học dân gian làm chất liệu sáng tác:
- Nổi bật nhất là nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Nguyễn Khoa Điềm, Hồ Xuân Hương...
- Những vầng trăng, những câu thề nguyền, hò hẹn…đi vào truyện Kiều từ miền ca dao cũ . Vầng trăng trong Kiều:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường
Được học từ vầng trăng trong ca dao một thuở:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Đường trần ai vẽ ngược xuôi hỡi chàng.
- Nhà thơ Tố Hữu cũng sử dụng thể thơ lục bát và đem vào thơ kết cấu mình- ta, mượn cách tỏ tình đôi lứa trong ca dao để diễn đạt những tình cảm lớn lao đối với đất nước, dân tộc:
Mình về mình có nhớ ta,
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng…
- Nguuyễn Khoa Điềm trong trường ca"Mặt đường khát vọng" cũng tìm về ca dao để cắt nghĩa, lý giải sự sinh thành, phát triển của đất nước ở bề sâu văn hoá:
Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái ngày xửa, ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất nước bắt đầu với những miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn…
- Còn có thể tìm thấy ở nhiều tác giả khác những sáng tác liên quan ít nhiều đến văn học. Điều đó chứng tỏ văn học dân gian có một sức sống trường tồn và không những thế nó còn có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển văn học viết.
Câu 7. (bài tập phần các hình thức hoạt động ngoài giờ học) SGK trang 103
- Dưới đây là gợi ý:Tác phẩm Văn học dân gian ở địa phương (sưu tầm)
- Câu đố xứ Nghệ
Có một anh học trò tên Bạch ở trọ cùng năm bạn học trong thôn. Một hôm anh Bạch sang nhà láng giềng chơi, vô tình trộm thấy cô Hồng đang thay áo. Về phòng trọ anh ta ra vế đối:
Cô Hồng cởi áo là cô Hồng trần
Và anh ta kêu những người bạn của mình đối lại. Năm anh bạn học liền lấy tên anh Bạch Và anh đề nghị các bạn học đối lại. Năm anh bạn học liền lấy tên anh Bạch để điền vế đối, nhưng kết quả ra năm câu khác nhau:
Anh thứ nhất:
Anh Bạch mặc quần là anh Bạch diện
Anh thứ hai:
Anh Bạch vạch quần là anh Bạch đái
Anh thứ ba:
Anh Bạch nhăn răng là anh Bạch xỉ
Anh thứ tư:
Anh Bạch ra tay là anh Bạch chỉ
Anh thứ năm:
Anh Bạch bạc đầu là anh Bạch phát
Các em có thể tham khảo thêm bài giảng Ôn tập văn học dân gian Việt Nam để nắm vững hơn các kiến thức trọng tâm của bài học trước khi đến lớp.
3. Soạn bài Ôn tập văn học dân gian Việt Nam chương trình Nâng cao
Mod Ngữ văn sẽ cập nhật bài soạn trong thời gian sớm nhất!
4. Hỏi đáp về Ôn tập văn học dân gian Việt Nam
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.