YOMEDIA
NONE

Soạn bài Ôn tập phần làm văn - Ngữ văn 10

Hướng dẫn soạn bài và luyện tập bài Ôn tập phần làm văn giúp các em học sinh hệ thống lại các kiến thức đã học về các kiểu loại văn bản và luyện tập câu 1 và câu 2 trong SGK Ngữ Văn 10.

 

1. Soạn bài Ôn tập phần làm văn

Câu 1: Nêu đặc điểm của các kiểu văn bản tự sự, thuyết minh, nghị luận và các yêu cầu kết hợp chúng trong thực thế viết văn bản. Cho biết vì sao cần kết hợp các kiểu văn bản đó với nhau?

a. Đặc điểm riêng

  • Tự sự: 
    • Trình bày các sự việc (sự kiện) có quan hệ nhân quả dẫn đến kết cục, biểu lộ ý nghĩa.
    • Mục đích: biểu hiện con người, quy luật đời sống, bày tỏ thái độ, tình cảm.
  • Thuyết minh: 
    • Trình bày thuộc tính, cấu tạo, nguyên nhân, kết quả ; tính có ích hoặc có hại của sự vật hiện tượng.
    • Mục đích: giúp người đọc có tri thức khách quan và có thái độ đúng đắn đối với chúng.
  • Nghị luận: 
    • Trình bày tư tưởng, quan điểm đối với tự nhiên, xã hội, con người và tác phẩm văn học bằng các luận điểm, luận cứ và cách lập luận.
    • Mục đích: thuyết phục mọi người tin theo cái đúng, cái tốt, từ bỏ cái sai, cái xấu.

b. Mối quan hệ

  • Tự sự: có sử dụng các yếu tố miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận ; ngoài ra, tự sự còn có thể kết hợp với miêu tả nội tâm, đối thoại và độc thoại nội tâm.
  • Thuyết minh: có sử dụng các yếu tố miêu tả và nghị luận.
  • Nghị luận: có sử dụng các yếu tố miêu tả, nghị luận, thuyết minh.

Câu 2: Sự việc và chi tiết tiêu biểu trong văn bản tự sự là gì? Cho biết cách chọn sự việc và chi tiết tiêu biểu khi viết kiểu văn bản này?

a. Sự việc và chi tiết tiêu biểu trong văn bản tự sự

  • Sự việc là cái xảy ra được nhận thức có ranh giới rõ ràng, phân biệt với những cái xảy ra khác. Sự việc tiêu biểu là những sự việc quan trọng góp phần làm nên cốt truyện.
  • Chi tiết là tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Chi tiết có thể là một lời nói, một cử chỉ và hành động của nhân vật hoặc một sự vật, một hình ảnh thiên nhiên, một nét chân dung… Những chi tiết đặc sắc tập trung thể hiện rõ nét sự việc tiêu biểu.

b. Cách chọn sự việc và chi tiết tiêu biểu

  • Sự việc và chi tiết tiêu biểu có vai trò dẫn dắt câu chuyện, tô đậm đặc điểm tính cách nhân vật, tạo sự hấp dẫn, nhấn mạnh ý nghĩa của văn bản. Vì vậy, lựa chọn được sự việc và chi tiết tiêu biểu là khâu quan trọng trong quá trình viết hoặc kể lại một câu chuyện.
  • Cách thức chung:
    • Bước 1: xác định đề tài, chủ đề của bài văn.
    • Bước 2: dự kiến cốt truyện (gồm nhiều sự việc nối tiếp nhau).
    • Bước 3: triển khai sự việc bằng một số chi tiết

Câu 3: Trình bày cách lập dàn ý, viết đoạn văn tự sự có sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm.

a. Cách lập dàn ý

  • Xác định đề tài : Kể về việc gì ? chuyện gì ?
  • Dự kiến cốt truyện : sự việc 1, 2, 3 …
  • Dàn ý:
    • Mở bài: Giới thiệu câu chuyện (hoàn cảnh, không gian, thời gian, nhân vật,…)
    • Thân bài:
      • Trình bày những sự việc, chi tiết chính theo diễn biến câu chuyện.
      • Trong khi kể, người kể cần kết hợp miêu tả sự việc, con người và thể hiện tình cảm cảm thái độ trước sự việc, con người.
    • Kết bài: Kết thúc câu chuyện (có thể nêu cảm nghĩ của nhân vật hoặc một chi tiết thật đặc sắc, ý nghĩa).
  • Tiến hành viết bài.
  • Kiểm tra và sửa chữa.

b. Nhận xét

  • Trong một văn bản, các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm luôn đan xen vào nhau, hỗ trợ nhau để tập trung làm rõ chủ đề của văn bản.
  • Tuy nhiên, khi tìm hiểu văn bản tự sự, phải tập trung vào các yếu tố tự sự và lướt qua các yếu tố miêu tả, biểu cảm; còn khi tìm hiểu văn bản miêu tả hoặc biểu cảm thì ngược lại.

Câu 4: Trình bày các phương pháp thuyết minh thường được sử dụng trong một bài văn thuyết minh.

  • Phương pháp thuyết minh là một hệ thống những cách thức được sử dụng nhằm đạt được mục đích đặt ra. Phương pháp thuyết minh rất quan trọng đối với bài văn thuyết minh. Nắm được phương pháp, người viết (người nói) mới truyền đạt đến người đọc (người nghe) những hiểu biết về sự vật, sự việc, hiện tượng một cách hiệu quả.
  • Các phương pháp thuyết minh phổ biến: định nghĩa, chú thích, phân tích, phân loại, liệt kê, giảng giải nguyên nhân – kết quả, nêu ví dụ, dùng số liệu, …

Câu 5: Làm thế nào để viết được một bài văn thuyết minh chuẩn xác và hấp dẫn?

  • Văn bản thuyết minh có mục đích cung cấp cho người nghe (người đọc) những tri thức về sự vật khách quan. Cho nên văn bản trước hết cần chuẩn xác. Văn thuyết minh còn có nhiệm vụ đặc trưng, đó là thuyết phục được người đọc (người nghe). Bài viết vì thế cần tạo được hấp dẫn.

a. Yêu cầu về tính chuẩn xác

  • Tìm hiểu thấu đáo trước khi viết.
  • Thu thập đầy đủ tài liệu tham khảo, tìm được tài liệu có giá trị của các chuyên gia, các nhà khoa học có tên tuổi, của các cơ quan có thẩm quyền… về vấn đền cần thuyết minh.
  • Chú ý đến thời điểm xuất bản của các tài liệu để có thể cập nhật những thông tin mới và những thay đổi thường có.

b. Yêu cầu về tính hấp dẫn

  • Đưa ra những chi tiết cụ thể, sinh động, những con số chính xác để bài văn không trừu tượng, mơ hồ.
  • So sánh để làm nổi bật sự khác biệt, khắc sâu vào trí nhớ người đọc, người nghe.
  • Kết hợp và sử dụng các kiểu câu làm cho bài văn thuyết minh biến hóa linh hoạt, không đơn điệu.
  • Khi cần, nên phối hợp nhiều loại kiến thức để đối tượng cần thuyết minh được soi rọi từ nhiều mặt.

Câu 6: Trình bày cách lập dàn ý và viết các đoạn văn thuyết minh.

a. Yêu cầu viết một đoạn văn thuyết minh

  • Xác định chủ đề của đoạn văn.
  • Sử dụng hợp lí các phương pháp thuyết minh.
  • Các câu trong đoạn văn phải đảm bảo tính liên kết về hình thức và nội dung.
  • Dùng từ ngữ, đặt câu trong sáng, đúng phong cách ngôn ngữ viết.

b. Yêu cầu lập dàn ý

  • Mở bài: Giới thiệu đối tượng thuyết minh
  • Thân bài: Cung cấp các đặc điểm, tính chất, số liệu, phẩm chất,…về đối tượng. Tùy theo từng đoạn văn cụ thể mà lựa chọn cách viết phù hợp.
    • Đoạn văn cung cấp tri thức (thông báo): Cần cung cấp những thông tin chính xác, cập nhật và phải phục vụ cho mục đích thuyết minh.
    • Đoạn văn lập luận: Dùng lí lẽ để phân tích thông tin, chỉ rõ ý nghĩa của các thông tin ấy có liên quan đến mục tiêu thuyết minh như thế nào.
    • Đoạn văn thuyết phục: Trực tiếp tác động đến cảm xúc, suy nghĩ của người nghe (người đọc). Tuỳ theo đối tượng người nghe (mgười đọc) để có những lời lẽ thuyết phục phù hợp.
  • Kết bài: Vai trò, ý nghĩa của đối tượng đối với đời sống con người.

Câu 7: Trình bày về cấu tạo của một lập luận, các thao tác nghị luận và cách lập dàn ý bài văn nghị luận.

  • Cấu tạo của lập luận
    • Luận điểm
    • Các luận cứ
    • Các phương pháp lập luận
  • Các thao tác lập luận: quy nạp, diễn dịch, phản đề, loại suy, ngụy biện, phân tích, so sánh…
  • Cách lập dàn ý bài văn nghị luận.
    • Xác định vấn đề nghị luận.
    • Tìm ý cho bài văn: Tìm ý chính là tìm ra các luận điểm, luận cứ, từ khái quát đến cụ thể, chi tiết.
    • Lập dàn ý theo bố cục 3 phần:
      • Mở bài.
        • Dẫn dắt, nêu và giới hạn vấn đề.
        • Có thể mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp.
        • Có thể khẳng định, nêu câu hỏi, đưa lời nhận định... để dẫn dắt vấn đề.
      • Thân bài.
        • Triển khai các luận điểm theo trình tự hợp lí và thuyết phục.
        • Cách sắp xếp luận điểm, luận cứ tùy thuộc vào vấn đề nghị luận và dụng ý của người viết.
        • Trước mỗi luận điểm cần sử dụng kí hiệu nổi bật hoặc màu mực khác để dễ dàng nhận biết, không bỏ sót. Các ý ngang nhau sử dụng kí hiệu giống nhau.
      • Kết bài.
        • Kết lại vấn đề, mở rộng ý nghĩa để người đọc suy ngẫm.

Câu 8: Trình bày yêu cầu và cách thức tóm tắt văn bản tự sự, văn bản thuyết minh.

a. Tóm tắt văn bản tự sự

  • Yêu cầu:
    • Tóm tắt được nội dung cơ bản của văn bản hoặc nhân vật chính.
    • Đáp ứng được yêu cần cơ bản của văn bản tự sự (trung thành với văn bản gốc).
  • Cách thức tóm tắt
    • Thường được tóm tắt theo 2 cách: tóm tắt theo cốt truyện và tóm tắt theo nhân vật chính.
    • Tóm tắt VBTS dựa theo nhân vật chính giúp ta nắm vững tính cách, số phận của nhân vật, góp phần tìm hiểu và đánh giá tác phẩm.
    • Để tóm tắt VBTS theo nhân vật chính, cần:
      • Xác định mục đích tóm tắt.
      • Đọc văn bản để xác định nhân vật chính, đặt nhân vật trong mối quan hệ với các nhân vật khác và diễn biến sự việc trong cốt truyện.
      • Viết văn bản tóm tắt bằng lời văn của mình để giới thiệu nhân vật, nêu rõ các hành động, lời nói, tâm trạng của nhân vật theo diễn biến cốt truyện.
      • Kiểm tra và sửa chữa VB tóm tắt cho phù hợp với mục đích và yêu cầu của việc tóm tắt.

b. Tóm tắt văn bản thuyết minh

  • Yêu cầu:
    • Nhằm hiểu và nắm được những nội dung chính của văn bản đó. Bản tóm tắt phải rõ ràng, chính xác so với nội dung của văn  bản gốc.
  • Cách thức tóm tắt
    • Muốn tóm tắt VBTM cần:
      • Xác định mục đích, yêu cầu tóm tắt.
      • Đọc kĩ văn bản gốc để nắm vững đối tượng thuyết minh.
      • Tìm bố cục của văn bản.
      • Viết bản tóm tắt bằng lời văn của mình.

Câu 9: Nêu đặc điểm và cách viết kế hoạch cá nhân, quảng cáo.

a. Lập kế hoạch cá nhân

  • Lập kế hoạch cá nhân giúp ta chủ động tiến hành công việc đạt kết quả.
  • Để lập kế hoạch cá nhân cần nắm được yêu cầu, nội dung công việc và quỹ thời gian hiện có.
  • Bản kế hoạch cần thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, cách thức và thời gian tiến hành để hoàn thành công việc.
  • Lời văn cần ngắn gọn, súc tích, thể hiện dưới dạng các đề mục lớn nhỏ khác nhau, cần thiết có thể kẻ bảng.

b. Quảng cáo

  • Quảng cáo là loại văn bản thông tin nhằm thuyết phục khách hàng về chất lượng, lợi ích, sự tiện dụng,…của sản phẩm, dịch vụ để kích thích nhu cầu mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ đó.
  • Văn bản quảng cáo cần ngắn gọn, súc tích, hấp dẫn, tạo ấn tượng; trung thực, tôn trọng pháp luật và thuần phong mĩ tục.
  • Để viết văn bản quảng cáo cần chọn được nội dung độc đáo, gây ấn tượng, thể hiện tính ưu việt của sản phẩm, dịch vụ rồi trình bày theo kiểu quy nạp hoặc so sánh và sử dụng những từ ngữ khẳng định tuyệt đối.

Câu 10: Nêu cách thức trình bày một vấn đề.

  • Là kĩ năng giao tiếp quan trọng và được thường xuyên sử dụng trong xã hội và nhà trường.
  • Trước khi trình bày cần tìm hiểu, suy nghĩ, nghiền ngẫm đối tượng, sau đó chuẩn bị đề tài, đề cương cho bài nói. Khi trình bày cần tuân thủ trình tự trước sau: khởi đầu, diễn biến, kết thúc.
  • Để trình bày đạt hiệu quả, cần đảm bảo các yêu cầu cảu giao tiếp khẩu ngữ về nội dung, âm thanh, lời nói, ngữ điệu, cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ, cảm xúc,… để lôi cuốn người nghe.

Ngoài ra, các em có thể tham khảo bài giảng Ôn tập phần làm văn để nắm vững những kiến thức cần nắm hơn.

2. Hướng dẫn luyện tập

Câu 1: Lập dàn ý, viết các kiểu đoạn văn trong văn tự sự, thuyết minh.

  • Các em xem lại các bài tập về lập dàn ý, viết các kiểu đoạn văn trong văn tự sự (xem bài Lập dàn ý trong văn tự sự - tuần 4; Luyện tập viết đoạn văn tự sự  - tuần 10).
  • Các em xem lại các bài tập về lập dàn ý, viết các kiểu đoạn văn trong văn thuyết minh (xem bài Lập dàn ý bài văn thuyết minh – tuần 18; Luyện tập viết đoạn văn thuyết minh – tuần 24).

Câu 2: Hãy tóm tắt nội dung các bài: Khái quát văn học dân gian Việt Nam (Ngữ văn 10, tập 1), Nguyễn Du và bài Văn bản văn học (Ngữ văn 10, tập 2).

Gợi ý làm bài:

a. Khái quát văn học dân gian Việt Nam (Ngữ văn 10, tập 1) - các nội dung chính:

  • Văn học dân gian là gì? (văn học truyền miệng, do nhân dân lao động sáng tác và lưu truyền, phục vụ các sinh hoạt khác nhau của cộng đồng).
  • Đặc trưng cơ bản của văn học dân gian (tính truyền miệng, tính tập thể, tính thực hành).
  • Các thể loại của văn học dân gian (12 thể loại chính: thần thoại, sử thi, truyền thuyết,…). Nêu ngắn gọn khái niệm về mỗi thể loại.
  • Những giá trị cơ bản của văn học dân gian:
    • Kho tri thức bách khoa của nhân dân các dân tộc
    • Giáo dục đạo lí làm người.
    • Giá trị nghệ thuật: văn học dân gian mang đậm bản sắc dân tộc.

b. Nguyễn Du (Ngữ văn 10, tập 2) – các nội dung chính:

  • Thân thế, sự nghiệp: Nguyễn Du xuất thân trong một gia đình đại quý tộc có nhiều đời và nhiều người làm quan to.
  • Cuộc đời Nguyễn Du trải qua nhiều thăng trầm trong một thời đại đầy biến động. Lên 10 tuổi, Nguyễn Du mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhà Lê sụp đổ (1789), Nguyễn Du sống cuộc đời phiêu dạt, chìm nổi long đong. Hơn 10 năm gió bụi, sống gần nhân dân, thấm thìa bao nỗi ấn lạnh kiếp người, Nguyễn Du đã khẳng định tư tưởng nhân đạo trong sáng tác của mình. Chính nỗi bất hạnh lớn đã làm nên một nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại.
  • ­ Làm quan cho nhà Nguyễn (1802) tới chức Học sĩ điện cần Chánh, được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc... Nhưng có những mâu thuẫn phức tạp của một thiên tài đứng giữa một giai đoạn lịch sử đầy bi kịch.
  • Các sáng tác chính: Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục (Chữ Hán), Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh (Chữ Nôm)...
  • Giá trị tư tưởng, nghệ thuật trong các sáng tác.
    • Giá trị tư tưởng:
    • Giá trị hiện thực (Phản ánh hiện thực xã hội với cái nhìn sâu sắc; tố cáo sự bất nhân của bọn quan lại và thế lực tác oai tác quái ghê gớm của đồng tiền...).
    • Giá trị nhân đạo (Niềm quan tâm sâu sắc đến thân phận con người; cảm hứng bao trùm là cảm hứng xót thương, đau đớn; ngợi ca vẻ đẹp con người, trân trọng những khát vọng của họ đặc biệt là khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, tình yêu, công lí,..,).
    • Giá trị nghệ thuật: thơ chữ Hán giản dị mà tinh luyện, tài hoa; thơ Nôm đạt tới đỉnh cao rực rỡ; đóng góp lớn cho sự phát triển tiếng Việt.
  • Đánh giá chung về thiên tài Nguyễn Du: một đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới. Thời đại, hoàn cảnh gia đình và năng khiếu bẩm sinh đã tạo nên thiên tài Nguyễn Du. Tư tưởng bao trùm là chủ nghĩa nhân đạo.Thơ ông kết tinh những thành  tựu văn hoá dân tộc. Truyện Kiều là một kiệt tác...

c. Tóm tắt bài Văn bản văn học (Ngữ văn 10, tập 2) – các nội dung chính:

  • Khi nào một văn bản được coi là văn bản văn học (Tiêu chí).
    • Phản ánh và khám phá cuộc sống, bồi dưỡng tư tưởng và tâm hồn, thoả mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người.
    • Ngôn từ trong văn bản có nhiều tìm tòi sáng tạo, có hình tượng mang hàm nghĩa sâu sắc, phong phú.
    • Thuộc một thể loại nhất định với những quy ước thẩm mĩ riêng...
  • Cấu trúc của văn bản văn học: 
    • Gồm nhiều tầng lớp: ngôn từ, hình tượng, hàm nghĩa.

3. Hỏi đáp về bài Ôn tập phần làm văn

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

NONE

Soạn văn liên quan

ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF