YOMEDIA
NONE

Viết bài văn nghị luận xã hội về tình đồng chí đồng đội và tinh thần sôi nổi của thế hệ trẻ.

nlxh về tình đong chi dong doi va tinh than lac quan soi noi
Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Bao năm tháng đã đi qua, cuộc chiến đã khép lại, song những âm vang vẫn lắng đọng mãi trong lòng người về một thời để nhớ, một thời không thể nào quên. Đó là những năm tháng chiến tranh khói lửa, những chàng trai, cô gái lên đường xung trận theo tiếng gọi của quê hương với tất cả lòng nhiệt huyết, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam thân yêu” đã đọng lại trong hồn thơ Phạm Tiến Duật hình tượng những chiếc xe không có kính vẫn băng ra chiến trường. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một bài thơ độc đáo, hừng hực hơi thở của cuộc chiến đấu mà vẫn trữ tình, giàu chất thơ. Bài thơ đã khắc tạc hình tượng người chiến sĩ lái xe dũng cảm. Đặc biệt bốn khổ thơ cuối của bài thơ đã cho ta thấy được những cảm xúc chân thật của nhà thơ, sự tươi trẻ pha lẫn ngang tàng và một chút “bụi bặm” của những người lính Trường Sơn.

    Dãy Trường Sơn hùng vĩ là cầu nối hai miền Nam Bắc, là hình tượng một vẻ đẹp thời đại. Với những ai đã từng một lần vượt dãy Trường Sơn bằng đôi chân đất, bằng gậy Trường Sơn hay bằng cả những chiếc xe không kính sẽ mãi không quên:

    Trường Sơn đông nắng tây mưa

    Ai chưa qua đó như chưa hiểu mình.”

    (Tố Hữu)

    Những hiểm nguy của cuộc chiến, những khó khăn của mưa nắng vẫn cứ đổ dồn vào dãy Trường Sơn. Với những người đã từng “vào sinh ra tử” với cuộc chiến đấu, với Trường Sơn hùng vĩ chắc sẽ không bao giờ quên được hình ảnh: “Bụi Trường Sơn nhòe trong trời lửa” (Nguyễn Đình Thi). Bụi Trường Sơn thật khốc liệt, mưa Trường Sơn thật dữ dội, thế nhưng những chiếc xe không có kính vẫn tiếp tục băng qua chiến trường:

    Không có kính, ừ thì ướt áo

    Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời

    Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa

    Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi.”

    Lời thơ gần với văn xuôi nhưng vẫn đậm đà chất thơ. Không có kính chắn gió nhưng những chiếc xe vẫn chạy và người lính chấp nhận. Trong chiến đấu bao khó khăn của núi rừng Trường Sơn, bao cơn mưa, gió bụi chỉ là những điều bình thường, không có gì đáng lưu tâm. Từ “ừ thì” vừa thể hiện thái độ bình thản, ngang tàng, bất chấp. Mặc cho “mưa tuôn, mưa xối”, thái độ của những người lính vẫn tự tin, ung dung tay lái. Trong một bài thơ của Phạm Tiến Duật cũng đã được phổ nhạc: “…Trường Sơn Tây anh đi thương em… thương em bên ấy mưa nhiều…”, dù mưa có “tuôn”, có “xối”, có nhiều đi chăng nữa thì những chiếc xe vẫn tiếp tục lăn bánh vì nhiệm vụ cấp bách phía trước. Chuyện mưa ướt áo rồi gió lùa làm khô áo đó là một việc hết sức bình thường. Cấu trúc khổ 4 lặp lại cấu trúc khổ 3 đã tạo nét hài hoà, nhịp nhàng cho câu thơ. Điệp ngữ “chưa cần rửa”, “chưa cần thay”, “ừ thì” đã thể hiện thái độ người lính bất chấp gian khó, hồn nhiên, tươi trẻ trước cuộc chiến tranh khốc liệt. Những gian khổ, ác liệt của cuộc chiến dưới ngòi bút của Phạm Tiến Duật, dưới lời nói của những người lính Trường Sơn sao mà nhẹ nhàng đến thế! Có phải chăng vì cuộc chiến tranh không đủ ác liệt; mưa bụi Trường Sơn không đủ dữ dội? Không, đó là vì trong mỗi tâm hồn của người lính dũng cảm đã đi đôi với sự lạc quan, hồn nhiên. Lòng dũng cảm đã trở thành cốt lõi, tinh thần lạc quan đã hoá thành bản chất. Sang khổ thơ thứ năm, mưa bụi qua đi… nhịp thơ hơi lắng đọng lại nhường chỗ cho tình đồng chí, đồng đội nồng ấm:

    Những chiếc xe từ trong bom rơi

    Đã về đây họp thành tiểu đội

    Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

    Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

    Từ trong làn mưa bom bão đạn, những chiếc xe cùng chung đặc điểm “không có kính”, cùng được điều khiển bởi những con người yêu nước nồng nàn đã họp lại thành những tiểu đội, san sẻ cho nhau tình đồng chí, đồng đội gắn bó. Vẫn giọng thơ thật tự nhiên, gần với văn xuôi, Phạm Tiến Duật đã khắc hoạ tình cảm cao đẹp của người lính, của tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt tình lãng mạn. Nét duyên dáng của bài thơ là ở chỗ xe không có kính gặp nhiều khó khăn song đôi khi lại trở nên tiện lợi. Gặp bè bạn trên đường chiến đấu chỉ cần đưa tay qua cửa kính là có thể nắm được tay của đồng đội. “Từ trong bom rơi”, từ trong ác liệt mà có thể nắm được tay của đồng đội – điều đó quả thật đầy ý nghĩa. Chính những ô cửa kính vỡ ấy đã khiến cho họ thấy gần nhau hơn, khiến cái bắt tay ấy càng thêm chặt hơn và khi ấy tình đồng đội lại càng thắm thiết hơn. Cái bắt tay qua ô cửa kính vỡ như sự chia sẻ, như trao nhau niềm tin chiến thắng của những người lính Trường Sơn. Phạm Tiến Duật đã xây dựng một tứ thơ thật độc đáo. Chiếc kính vỡ là tượng trưng cho cuộc chiến tranh khốc liệt, là gian khó, thử thách. Thế nhưng vượt qua những khó khăn đó, cái bắt tay siết chặt như trao nhau niềm tin tất thắng. Đó là một vẻ đẹp đầy chất lãng mạn của chủ nghĩa anh hùng ca cách mạng. Nếu như trong bài thơ “Đồng chí”, Chính Hữu đã từng viết: “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” để nói về sự cảm thông, san sẻ của những người cùng chung hoàn cảnh xuất thân, cùng chung mục đích, lý tưởng thì ở “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, Phạm Tiến Duật đã xây dựng một cái bắt tay với tất cả lòng nhiệt huyết của những người lính thời chống Mỹ – những người đã giác ngộ lý tưởng cộng sản. Với tuổi trẻ ngang tàng, sôi nổi, đầy nhiệt tình mà không kém phần kiêu hùng, họ đã trao cho nhau tất cả niềm tin… rằng một ngày mai bình minh sẽ ló dạng ở miền Nam, rằng một ngày mai nước nhà sẽ Bắc Nam sum họp… Những người chiến sĩ lái xe dũng cảm vẫn làm tròn nhiệm vụ của mình với tinh thần vì miền Nam ruột thịt. Giọng thơ trẻ trung pha lẫn chút ngang tàng của người lính. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

    Mưa bom bão đạn, lòng thanh thản

    Nhạt muối với cơm, miệng vẫn cười.”

    Xe dừng lại trong chốc lát để một bữa cơm của gia đình người lính diễn ra trong cánh rừng, giữa trời xanh.

    Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

    Chung bát đũa nghĩa là gia đình đây

    Võng mắc chông chênh đường xe chạy

    Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

    Bếp Hoàng Cầm là loại bếp dã chiến, khi nấu khói lan trên mặt đất nên kẻ thù không thể phát hiện ra được. Hình ảnh “dựng giữa trời” như một sự thách thức đầy trí tuệ. Trong chiến tranh giặc Mỹ đã dùng đủ mọi phương tiện hiện đại để tiêu diệt sự sống của bộ đội. Có thể chỉ từ một đám lửa nhỏ, một vệt khói cũng đủ để giặc oanh kích dữ dội. Nhưng chiếc bếp Hoàng Cầm vẫn dựng lên hiên ngang giữa trời. Đó là sự hiên ngang, kiêu hãnh về trí tuệ của bộ đội ta với bọn giặc xâm lược. Vẫn nét bút tinh nghịch, tươi trẻ, hồn nhiên, những người lính cùng chung bát đũa để thắt thêm tình đồng chí gắn bó khăng khít. Họ nghỉ ngơi trong chốc lát trên chiếc võng mắc chông chênh. Từ láy “chông chênh” gợi hình gợi cả tính cách trẻ trung, ngang tàng của người lính. Sinh hoạt của người lính với cái ăn, cái ngủ được nhà thơ Phạm Tiến Duật miêu tả qua hai hình ảnh “bếp Hoàng Cầm” và “võng mắc chông chênh” thật độc đáo. Phải sống trong hiện thực cuộc chiến đấu đó, Phạm Tiến Duật mới có thể viết được những vần thơ đẹp đến thế. Thật khó khăn, gian khổ nhưng những người lính nghĩ về nó thật cảm động: “nghĩa là gia đình đấy”. Một khái niệm mới, dù xa nhà đi vào cuộc chiến đấu tử sinh, nhưng người lính vẫn ấm áp mái ấm gia đình, đó là tình đồng đội. Giọng điệu thơ dung dị, thanh thản mà  mạnh mẽ như tính cách ngang tàng, ngạo nghễ bất chấp hiểm nguy của chiến tranh. Ngồi bên nhau trong phút chốc, họ lại tiếp tục lên đường theo tiếng gọi của quê hương, của miền Nam thân yêu:

    Lại đi, lại đi trời xanh thêm.”

    Trời xanh thêm vì lòng người đang xanh màu xanh hi vọng về bốn chữ “độc lập, tự do”. Điệp ngữ “lại đi” vừa tạo nhạc điệu cho câu thơ vừa nhấn mạnh mệnh lệnh thôi thúc với nhiệm vụ đang chờ phía trước. Nhịp thơ 2/2/3 kết hợp điệp ngữ tạo âm điệu câu thơ như tiếng kèn xung trận vì miền Nam thân yêu:

    Hãy kiêu hãnh trên tuyến đầu chống Mỹ

    Có miền Nam anh dũng tuyệt vời.”

                                  (Tố Hữu)

    Với nghệ thuật ẩn dụ “trời xanh thêm” nói về ngày chiến thắng đã gần kề thôi thúc mọi người tiếp bước lên đường. Xuyên suốt toàn bộ bài thơ là hình ảnh những chiếc xe không có kính vẫn băng ra chiến trường và đằng sau tay lái là hình ảnh người chiến sĩ lái xe ung dung, bất chấp, lạc quan. Đến khổ cuối của bài thơ, những khó khăn ngày càng chồng chất:

    Không có kính rồi xe không có đèn

    Không có mui xe, thùng xe có xước.”

    Bằng nghệ thuật liệt kê, những khó khăn ngày càng chồng chất, chiến trường ngày càng khốc liệt. Xe không những không có kính mà còn không có đèn, không có mui và thùng xe thì toàn những vệt xước. Vẫn giọng thơ gần với văn xuôi mà giàu nhạc điệu, với cảm hứng vừa bay bổng vừa sâu sắc, bài thơ đã miêu tả một cách hoàn thiện bức chân dùng của người lính Trường Sơn. Dù cuộc chiến bao khó khăn, nguy hiểm nhưng họ vẫn tin tưởng, lạc quan về một ngày đại thắng. Câu thơ dồn dập những khó khăn, mất mát do quân địch gieo rắc. Điệp ngữ “không có” nhấn mạnh những khó khăn, thử thách khốc liệt thì hai câu cuối kết thúc bài thơ một cách thật bất ngờ:

    Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

    Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

    Đối lập với hai câu đầu, vượt qua làn mưa bom bão đạn, những đoàn xe chạy ra tiền tuyến với đầy lòng quyết tâm, với tất cả những tình cảm thiêng liêng, cao quý dành cho miền Nam ruột thịt. Tỏa sáng ở cả đoạn thơ là hình ảnh “một trái tim” là cội nguồn của sức mạnh, của sự tự tin vững bước bắt nguồn từ trái tim nồng nàn yêu nước. Phải chăng chính trái tim con người đã cầm lái? Tình yêu quê hương, tiếng gọi của non sông, Tổ quốc đã khích lệ những bước chân của họ. Vượt qua những cái “không có”, Phạm Tiến Duật đã khẳng định một cái “” rất quan trọng, rất cần thiết cho cuộc chiến. Đó là “một trái tim”. Với nghệ thuật hoán dụ đã tạo cho ý thơ sinh động, biểu cảm. Nhà thơ đã khẳng định với trái tim nồng nàn yêu nước, thế hệ tuổi trẻ đã lên đường chiến đấu trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Chính yếu tố con người đã quyết định thắng lợi trong cuộc chiến tranh không cân sức. Dù phương tiện của kẻ thù có hiện đại tới đâu cũng không có thể ngăn chặn được “những trái tim như ngọc sáng ngời” (Tố Hữu). Chính họ đã vượt qua tất cả để làm nên đại thắng mùa xuân 1975, để “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân – Lê Anh Xuân”. Ngoài ra, câu thơ còn nhấn mạnh một chân lý thời đại: sức mạnh để quyết định chiến thắng không phải là vũ khí tối tân mà chính là con người. Hình ảnh “những trái tim” đã làm sáng lên toàn bộ bài thơ, sáng chủ đề và sáng cả hồn thơ Phạm Tiến Duật, sáng trong hồn người lính Trường Sơn để hôm nay hay mãi mãi về sau vẫn còn nhớ mãi.

    Tháng năm rồi vẫn cứ thế… cứ lặng lẽ trôi qua… nhưng những âm hưởng hào hùng của cuộc chiến tranh vẫn còn đó, đọng lại trong lòng người biết bao kỉ niệm, bao cảm xúc. Với những ai đã từng một lần lăn lộn với núi rừng Trường Sơn, sống chết với cuộc chiến đấu sẽ mãi không quên những kí ức chiến tranh và vẫn còn đó tâm trí mỗi người lính năm xưa hình ảnh những chiếc xe không có kính. “Bài thơ về tiều đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật lấy hiện thực từ cuộc chiến tranh khốc liệt, với hình tượng thơ độc đáo, lời thơ gần với văn xuôi nhưng vẫn đậm đà chất thơ đã phản ánh được phần nào cuộc chiến tranh khốc liệt, đề cao hình ảnh người lính Trường Sơn với trái tim nồng nàn yêu nước. Giọng thơ rất trẻ, rất lính. Bài thơ đã từng làm rung động lòng người bởi giá trị hiện thực, nó giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc sống, tình cảm của những người lính trong chiến trường năm xưa.

    Gần ba mươi năm đã đi qua, kể từ ngày nước nhà độc lập… giờ đây không còn nữa những chiếc xe không có kính năm nào vượt dãy Trường Sơn nhưng hôm nay và mãi mãi về sau nó vẫn chạy, chạy thẳng vào lòng của dân tộc.

      bởi Nguyễn Anh Hùng 20/03/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON