YOMEDIA
NONE

Phân tích truyện Buổi học cuối cùng

phân tích bài buổi học cuối cùng

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (2)

  • 1. Muốn hiểu sâu tác phẩm, cần xem lại hoàn cảnh ra đời của truyện. Tên gọi Buổi học cuối cùng có thể hiểu hai lớp nghĩa:
    -    Lớp nghĩa đen: Hôm nay là buổi cuối cùng thầy trò Ha-men được học tiếng Pháp.

     

     

     

     

    -    Lớp nghĩa bóng. Truyện nói đến một nỗi đau, từ ngày mai, lũ trẻ phải học tiếng của quân xâm lược. Bởi thế, đây là buổi học cuối cùng chúng được tắm trong tình yêu của tiếng mẹ đẻ, được sống trong môi trường văn hóa của dân tộc mình.
    2.    Thực ra, truyện có thể được cấu tạo bằng ba cách kể: người kể có thể là tác giả hoặc một ai đóng vai trò người chứng kiến từ bên ngoài, người kể là thầy giáo Ha-men, là cậu bé Phrăng. Trong tác phẩm này, A. Đô-đê để nhân vật Phrăng giữ vai trò người kể (phụ đề tác phẩm cũng nêu rõ: Chuyện của một em bé vùng An-dát).
    Nhà văn để cho nhân vật Phrăng kể chuyện vì hai lẽ: Thứ nhất, câu chuyện qua lời của một cậu bé đảm bảo được tính hồn nhiên, chân thực.
    Cậu không ngần ngại nói đến chuyện cậu định trốn học ra sao, rồi cậu định nhân lúc hỗn độn để trà trộn vào lớp với hi vọng thầy sẽ không nhận ra mình thế nào,... Chính những chi tiết này đã góp phần khắc sâu tư tưởng chủ đề của truyện ở phần sau. Thứ hai, nếu để cho thầy Ha-men kể thì có thể, lời kể sẽ không gợi cảm bằng lời của cậu bé học trò, tư tưởng tác phẩm dễ lộ, dễ biến truyện thành bài học khô khan về lòng yêu nước. Để Phrăng kể, hình ảnh người thầy trở nên đẹp đẽ hơn và lòng yêu nước cũng được bộc lộ sâu sắc hơn.

     

     

     

    3.    Nhân vật Phrăng là nhân vật được khắc họa khá thành công. Khi phân tích nhân vật này, cần chú ý mấy điểm sau:
    a)    Một cậu bé ham chơi, lười học. Vì không thuộc bài nên cậu định trốn học. Nhưng cậu đã cưỡng lại sức hút của tiếng chim, của những bãi cỏ xanh để ba chân bốn cẳng chạy đến lớp. Đã thế cậu định “nhất quỷ nhì ma”... lẻn vào lớp học lúc nhộn nhạo để thầy không nhìn thấy. Thực ra những chi tiết này về Phrăng nhằm hai mục đích: vừa nói được tính cách ham chơi của trẻ con, vừa có ý nghĩa làm nổi bật sự thay đổi trong nhận thức, tình cảm của Phrăng: từ chỗ lười học, không thuộc lấy một chữ, chưa biết coi trọng tiếng mẹ đẻ đến chỗ nhận thức được tiếng mẹ đẻ có tầm quan trọng thế nào.
    b)    Những thay đổi về tâm trạng và nhận thức của cậu bé
    -    Ngạc nhiên: Buổi học hôm nay thật khác thường và trang trọng (yên tĩnh như một ngày chủ nhật, trang nghiêm, thành phần tham dự có các cụ già và dân làng, thầy Ha-men cũng khác với mọi hôm về trang phục, về cách đối xử),...
    -    Choáng váng khi thấy thầy Ha-men cho biết đây là buổi học cuối cùng.
    -    Tiếc nuối, ân hận: Vậy là sẽ chẳng bao giờ được học nữa ư? [...] Giờ  đây tôi tự giận mình biết mấy về thời gian bỏ phí, về những buổi trốn học [...]. Những cuốn sách vừa nãy tôi còn thấy chán ngán đến thế [...] giờ đây dường như những người bạn cố tri mà tôi sẽ rất đau lòng phải giã từ...
    -    xấu hổ: Cậu bé xấu hổ vì trong buổi học cuối cùng này cậu không thuộc bài. Nhưng cậu xấu hổ hơn khi nghe thầy nói: Giờ đây những kẻ kia có quyền bảo chúng ta rằng: “Thế nào? Các ngươi tự nhận là dân Pháp, vậy mà các ngươi chẳng biết đọc, biết viết tiếng của các ngươi!...”.
    -    Kinh ngạc vì thấy sao mình hiểu đến thế (lưu ý, trước khi đến lớp, Phrăng thú nhận cậu chẳng thuộc lấy một chữ vì mải chơi).
    * Tự hào về người thầy và nhận thức một cách đầy đủ về vai trò của tiếng mẹ đẻ. Trong tâm trí cậu bé, hình ảnh thầy Ha-men hiện lên thật đẹp: Chưa bao giờ tôi thấy thầy lớn lao đến thế. Và cậu ý thức một cách thật rõ ràng: Yêu tiếng nói của dân tộc mình cũng chính là biểu hiện của tinh thần yêu nước.
    Nhân vật Phrăng có vị trí rất quan trọng trong truyện. Trước hết, đây là nhân vật giữ chức năng người kể chuyện, và câu chuyện diễn ra theo cái nhìn và thái độ của cậu. Thứ hai, thông qua cảm nhận của một cậu bé, tác giả đã làm nổi bật chủ đề tác phẩm: Biết yêu quý tiếng nói của dân tộc mình chính là biểu hiện cụ thể của lòng yêu nước sâu sắc. Thực ra, những tư tưởng ấy đã được thầy Ha-men trình bày, nhưng nó thấm sâu vào tâm hồn cậu bé, làm thay đổi nhận thức của cậu. Đó là sự thay đổi vừa tự nhiên vừa mang tính đột biến.
    4. Nhân vật thầy Ha-men
    -    Đó là người thầy đã có tới hơn bốn mươi năm gắn bó với nghề dạy học, người tâm huyết với tiếng nói của dân tộc mình. Nếu Phrăng thể hiện sự thức tỉnh tình yêu đối với ngôn ngữ dân tộc thì thầy Ha-men chính là người gieo lửa vì thầy ý thức được rõ ràng ý nghĩa to lớn của tiếng mẹ đẻ.
    -    Trong buổi học đặc biệt này, sự trang trọng của thầy Ha-men khiến Phrăng thấy lạ (chú ý các chi tiết về trang phục: áo rơ-đanh-gốt, mũ tròn bằng lụa đen,...).

     

     

     

    Thái độ của thầy cũng khác với mọi hôm: dịu dàng khi Phrăng đến muộn; ân cần tha thiết: Các con ơi, đây là lần cuối cùng thầy dạy các con [,..]. Thầy mong các con hết sức chú ý; nhiệt tình truyền giảng bằng tất cả tâm huyết của thầy: Tất cả những điều thầy nói, tôi thấy thật dễ dàng, dễ dàng[...] và cả thầy giáo nữa, chưa bao giờ thầy kiên nhẫn giảng giải đến thế... Trong lời nói của thầy, vị trí, vai trò và vẻ đẹp của tiếng Pháp được tôn vinh: Tiếng Pháp là ngôn ngữ hay nhất thế giới, vì thế, phải giữ lấy nó, không được quên lãng nó. Từ thái độ tôn vinh ấy thầy Ha-men nói đến sức sống, sức mạnh phi thường của tiếng mẹ đẻ (rộng ra là của văn hóa dân tộc): Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù. Có thể coi đây là câu nói quan trọng nhất làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Nó mang tầm vóc của mộí chân lí.
    -    Hình ảnh của thầy Ha-men cuối buổi học đọng lại trong tâm hồn cậu bé Phrăng thật đẹp, thật cảm động: Khi giờ học kết thúc cũng là khi nỗi đau của thầy lên tới cực điểm (người tái nhợt, nghẹn ngào, không nói được hết câu, dằn mạnh hết sức, thầy cô viết thật to: “NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!”, đầu dựa vào tường, chẳng nói, giơ tay ra hiệu). Những chi tiết này cho thấy thầy như kiệt sức trong buổi học cuối cùng. Nhưng thầy đã gieo vào những tâm hồn trẻ thơ như Phrăng tinh thần yêu nước. Thầy Ha-men thực sự là một nhân cách lớn, có sức cảm hóa mãnh liệt.
    Nhân vật thầy Ha-men, cùng với nhân vật Phrăng, đã giúp cho tư tưởng tác phẩm hiện lên trọn vẹn. Thầy Ha-men thực sự là một chiến sĩ, một nhân cách cao cả, một người yêu nước chân thành, sâu sắc, người thắp lên ngọn lửa tình yêu Tổ quốc thông qua tình yêu tiếng nói của dân tộc mình. Đây cũng chính là ý nghĩa nghệ thuật của hình tượng này.
    5. Truyện có những nét đặc sắc về nghệ thuật như sau:
    -    Lựa chọn nhân vật kể chuyện hợp lí: người kể (ở ngôi thứ nhất) là một cậu bé. Cách kể chân thực vì cậu là người trong cuộc, chứng kiến một cách đầy đủ buổi học cuối cùng.
    -    Nghệ thuật khắc họa chân dung nhân vật (cả ngoại hình lẫn nội tâm) đều chính xác, tinh tế.
    -    Giọng kể tự nhiên, linh hoạt, ngôn ngữ vừa chính xác vừa mang tính biểu cảm cao.

      bởi Eath Hour 15/11/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • Truyện Buổi học cuối cùng được An-phông-xơ Đô-đê, một nhà văn Pháp nổi tiếng (1840 – 1897) viết từ cuối thế kỉ XIX. Nội dung kể về buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp của lớp tiểu học ở một làng quê thuộc vùng An-dát, sau khi vùng này đã bị cắt về cho nước Phổ. (Vì nước Pháp thua trận trong cuộc chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870 – 1871). Truyện được kể qua lời của chú bé Phrăng – học sinh lớp thầy Ha-men phụ trách.

     

    Việc dạy và học bằng tiếng Pháp trong nhà trường ở Pháp vốn là việc hết sức bình thường, như việc dạy và học bằng tiếng mẹ đẻ ở bất cứ nước nào. Nhưng điều không bình thường lại nằm ở chỗ: đây là buổi học cuối cùng mà thầy trò được dạy và học bằng tiếng Pháp. Sau buổi học này, các trường đều phải dạy bằng tiếng Đức và đó là một điều nhục nhã đối với người dân trong vùng bị quân thù chiếm đóng.

     

    Từ thầy giáo đến học trò và cả những cụ già đến dự buổi học này đều cảm thấy ý nghĩa đặc biệt của nó. Họ thấm thía một điều hết sức quan trọng và thiêng liêng là phải biết yêu quý, trau dồi và giữ gìn tiếng Pháp, nhất là trong hoàn cảnh quê hương đang bị kẻ xâm lược cố tình đồng hóa, trước hết là bằng ngôn ngữ.

     

    Lòng yêu nước của mọi người đã được thể hiện qua thái độ quý trọng tiếng nói của dân tộc mình. Truyện nêu lên một chân lí qua lời thầy Ha- men: Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù.

     

    Sáng nay, Phrăng định trốn học phần vì đã trễ giờ, phần vì sợ thầy hỏi bài phân từ mà chú chưa thuộc chữ nào. Nhưng chú đã nghĩ lại và vội vã chạy đến trường. Trên đường đi, thấy có nhiều người đứng lố nhố trước bảng dán cáo thị của quân Phổ, chú băn khoăn nghĩ: Lại có chuyện gì nữa đây? Khi bác phó rèn Oát-stơ khuyên Phrăng chẳng cần vội vã đến trường làm gì thì chú bé lại tưởng là bác chế nhạo mình. Quang cảnh lớp học mọi khi ồn ào như chợ vỡ mà giờ đây bình lặng y như một buổi sáng chủ nhật khiến chú ngạc nhiên. Mặc dù vào lớp muộn nhưng Phrăng không bị thầy Ha-men quở trách như mọi lần mà thầy dịu dàng nói: Phrăng, vào chỗ nhanh lên con; lớp sắp bắt đầu học mà vắng mặt con. Tất cả những điều khác thường đó báo hiệu về một điều gì đó rất nghiêm trọng sắp xảy ra.

     

    Diễn biến của buổi học cuối cùng và hình ảnh thầy Ha-men đã tác động sâu sắc đến nhận thức, tình cảm của Phrăng.

     

    Khi nghe thầy Ha-men nói rằng đây là buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp, Phrăng thấy choáng váng, sững sờ và chú đã hiểu ra nguyên nhân của mọi sự khác lạ trong buổi sáng hôm nay. Từ cảnh nhốn nháo trước trụ sở xã đến không khí yên ắng nặng nề ở lớp học và ở cả bộ y phục trang trọng của thầy Ha-men.

     

    Phrăng tiếc nuối và ân hận về sự lười nhác, ham chơi của mình bấy lâu nay. Chú bé đau xót thú nhận:

     

    Bài học Pháp văn cuối cùng của tôi!…

     

    Mà tôi thì mới biết viết tập toạng! Vậy là sẽ chẳng bao giờ được học nữa ư, phải dừng ở đó ư!… Giờ đây tôi tự giận mình biết mấy về thời gian bỏ phí, về những buổi trốn học đi bắt tổ chim hoặc trượt trên hồ. Những cuốn sách vừa nãy tôi còn thấy chán ngán đến thế, mang nặng đến thế, quyển ngữ pháp, quyển thánh sử của tôi giờ đây dường như những người bạn cố tri mà tôi sẽ rất đau lòng phải giã từ.

     

    Khi thầy Ha-men gọi đọc bài, Phrăng không thuộc chút nào về quy tắc phân từ trong tiếng Pháp. Đến đây thì sự ân hận đã trở thành nỗi xấu hổ và tự giận mình. Điều kì lạ là trong tâm trạng day dứt ấy, khi nghe thầy Ha-men giảng ngữ pháp, Phrăng lại thấy thật rõ ràng và dễ hiểu: Tôi kinh ngạc thấy sao mình hiểu đến thế. Tất cả những điều thầy nói, tôi thấy thật dễ dàng… Tôi cũng cho là chưa bao giờ mình chăm chú nghe đến thế…

     

    Chứng kiến cảnh các cụ già trong làng đến dự buổi học cuối cùng và được nghe những lời nhắc nhở tha thiết của thầy Ha-men, nhận thức và tâm trạng của Phrăng đã có những biến đổi lớn lao. Chú đã nhận ra ý nghĩa thiêng liêng của việc học tiếng Pháp nhưng tiếc thay, chú không còn cơ hội để được tiếp tục học tiếng Pháp ở trường nữa.

     

    Hình ảnh thầy Ha-men trong buổi học cuối cùng được nhà văn miêu tả thật xúc động qua trang phục, thái độ đối với học sinh, qua lời nói và hành động của thầy lúc kết thúc buổi học.

     

    Thầy Ha-men mặc chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, diềm lỗ sen gấp nếp mịn và đội chiếc mũ tròn bằng lụa đen thêu mà thầy chỉ dùng vào những hôm có thanh tra hoặc phát phần thưởng. Với cách ăn mặc trang trọng như vậy, thầy Ha-men đã tôn vinh buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp.

     

    Thái độ của thầy đối với học sinh cũng khác hẳn ngày thường. Thầy chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng chứ không trách mắng Phrăng khi chú đến lớp muộn và cả khi chú không thuộc bài. Thầy nhiệt tình và kiên nhẫn giảng bài như muốn truyền hết hiểu biết của mình cho học sinh. Điều tâm niệm tha thiết nhất mà thầy Ha-men muốn nhắn nhủ với mọi người là hãy yêu quý, giữ gìn và trau dồi cho mình tiếng nói của dân tộc, vì đó là biểu hiện của tình yêu nước. Ngôn ngữ không chỉ là tài sản quý báu của một dân tộc mà còn là “chìa khóa” để mở cửa ngục tù khi dân tộc rơi vào vòng nô lệ. Thầy Ha-men khẳng định tiếng Pháp là thứ ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất… Đây là biểu hiện cụ thể lòng yêu nước chân thành và sâu đậm của thầy.

     

    Tiếng đồng hồ nhà thờ điểm mười hai giờ và tiếng kèn của bọn lính Phổ đi tập về vang lên ngoài cửa sổ như báo hiệu kết thúc buổi học, cũng là kết thúc việc dạy và học bằng tiếng Pháp ở cả vùng An-dát. Vào thời điểm ấy, nỗi đau đớn, sự xúc động trong lòng thầy Ha-men đã lên tới cực độ và bộc lộ ra trong cử chỉ, hành động: thầy đứng dậy trên bục, người tái nhợt, nghẹn ngào không nói được hết câu tạm biệt và thầy quay về phía bảng, cầm một hòn phấn và dằn mạnh hết sức, thầy cố viết thật to: “Nước Pháp muôn năm!" Rồi thầy đứng đó, đầu dựa vào tường và chẳng nói, giơ tay ra hiệu cho chúng tôi: “Kết thúc rồi… đi đi thôi!" Chính vào giây phút ấy, chú bé Phrăng cảm thấy thầy giáo của mình thật lớn lao.

    phat bieu cam nghi ve doan trich buoi hoc cuoi cung

    Các cụ già trong làng đến lớp và tập đánh vần theo học sinh không phải là do chưa biết chữ mà là để chứng kiến buổi học cuối cùng. Dường như đó cũng là một cách để tạ ơn thầy giáo chúng tôi về bốn mươi năm phụng sự hết lòng và để trọn đạo với Tổ quốc đang ra đi.. Cụ Hô-de (vốn là xã trưởng) và bác phát thư chắc chắn là đều biết đọc biết viết, nhưng cụ Hô-de vẫn đánh vần một cách chăm chú cùng với các học trò nhỏ. Cụ nâng cuốn sách vỡ lòng bằng hai tay và giọng cụ run run vì xúc động. Đây là hình ảnh hết sức cảm động, thể hiện tình cảm thiêng liêng và trân trọng của người dân đối với tiếng mẹ đẻ. Còn các học trò nhỏ cũng cặm cụi vạch những nét sổ với một tấm lòng, một ý thức, như thể cái đó cũng là tiếng Pháp.

     

    Câu nói của thầy Ha-men: “…Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù” đã nêu bật giá trị thiêng liêng và sức mạnh to lớn của tiếng nói dân tộc trong cuộc đấu tranh giành chủ quyền độc lập, tự do.

     

    Ý nghĩa sâu xa của truyện Buổi học cuối cùng là chúng ta phải biết yêu quý, giữ gìn và học tập để nắm vững tiếng nói của dân tộc mình, bởi nó không chỉ là tài sản tinh thần quý báu của ông cha mà còn là phương tiện quan trọng để đấu tranh giành lại chủ quyền độc lập, tự do cho đất nước.

     

    Tiếng nói của mỗi dân tộc được hình thành và vun đắp bằng sự sáng tạo của biết bao thế hệ qua hàng ngàn năm. Vì vậy, khi bị kẻ xâm lược đồng hóa về ngôn ngữ, nếu cam chịu để tiếng nói dân tộc bị mai một thì tất yếu đất nước sẽ rơi vào họa diệt vong.

     

    Tiếng nói Việt Nam qua bốn nghìn năm lịch sử biểu hiện sức sống bất diệt của dân tộc Việt Nam. Hơn một nghìn năm bị phong kiến phương Bắc thống trị nhưng tiếng Việt vẫn tồn tại và phát triển ngày càng phong phú thêm lên. Dưới thời Pháp thuộc, các trường học chủ yếu dạy bằng tiếng Pháp nhưng tiếng Việt vẫn là tiếng nói được sử dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày của nhân dân, vẫn được trân trọng giữ gìn để đến hôm nay, chúng ta có thể tự hào là tiếng Việt giàu và đẹp.

     

      bởi Quỳnh Trần 15/11/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON