YOMEDIA
NONE

Nghị luận lòng yêu nước trong Câu cá mùa thu - Nguyễn Khuyến

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Nguyễn Khuyến sinh ra và lớn lên ở một vùng quê yên ả. Phần lớn cuộc đời nhà thơ gắn bó với mảnh đất Yên Đổ, mà hình ảnh của nó đã in đậm lên từng trang thơ với những nét hết sức tiêu biểu. Thông qua các tác phẩm của ông, ta cảm nhận được ở đó tấm chân tình với quê hương, đất nước mình của một người được mệnh danh là “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam” (Xuân Diệu).

    Cả bài thơ là một bức tranh làng quê Bắc Bộ thu nhỏ với những nét thật đặc trưng và ấn tượng:

    “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

    ...

    Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

    Bức tranh mùa thu được mở rộng theo nhiều chiều kích mà mỗi chiều kích lại có những khoảnh khắc gieo vào lòng người rất nhiều ấn tượng. Người câu cá thực ra lại là người ngoạn cảnh, người suy tư và cũng nhờ đó mà ta hiểu được phần nào tâm sự của vị “Tam nguyên Yên Đổ” nổi tiếng.

    Bức tranh thiên nhiên mở đầu với hình ảnh của ao thu.

    “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

    Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”

    Những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu một buổi đi câu là ao thu và thuyền câu. Ta bắt gặp một hình ảnh quen thuộc thường gặp ở vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ: những chiếc ao nhỏ nhắn, tĩnh lặng đến độ làm cho “nước trong veo”. Ao thu lạnh, ao thu nhỏ và ao thu trong và có lẽ vì thế mà chiếc thuyền câu cũng phải trở nên “bé tẻo teo” cho hợp cảnh. Chiếc thuyền được đặt trong một không gian tĩnh lặng, dường như ngay từ đầu đã nằm trong chủ ý của tác giả, chỉ là một phần trong đó chứ không làm khuấy động bầu không khí vốn có của cảnh. Bức tranh ngay từ đầu đã hiện lên với những đường nét thật hài hòa.

    Từ viễn cảnh, nhìn bao quát toàn bộ cảnh ao thu, bức tranh thu về cận cảnh với hình ảnh của sóng. Chỉ là “sóng biếc theo làn hơi gợn tí”, nghĩa là chỉ là những gợn lăn tăn, rất nhẹ. Câu thơ tả nhưng có sức gợi. Nhìn sóng người ta còn như cảm nhận được làn gió cũng đang mơn man rất nhẹ trong không gian, trên mặt hồ. Mơn man nhẹ đủ để sóng nước chỉ gợn lên đôi chút. Lại thêm một nét nữa của mùa thu không muộn là mất đi bầu không khí mùa thu tĩnh lặng đang bao trùm lên không gian. Trong tất cả những sự chuyển động chậm rãi ấy, chiếc lá xuất hiện đột ngột nhưng chỉ làm bức tranh lại có thêm một nét chấm phá thật nhẹ:

    “Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

    Đọc câu thơ người ta còn nhận ra nhịp chuyển động trước khi tiếp đất (mà cũng có thể là tiếp mặt nước - và đặt trong không gian đó hình ảnh chiếc lá “khẽ đưa vèo” càng trở nên đẹp hơn). Phải là người có tâm hồn tinh tế nhạy cảm lại đang chìm đắm, say sưa trong cảnh vật mới có thể nắm bắt được nét vẽ rất động nhưng cũng rất nhẹ ấy của bức tranh thiên nhiên. Từ xa tới gần, bức tranh lại tiếp tục được mở rộng lên cao, ra xa:

    “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

    Ngõ trúc quanh co khách vắng teo"

    Không biết tại khí thu vốn mang trong nó vị buồn hay lòng người sẵn mối suy tư mà vô hình chung, tất cả cảnh vật hiện lên trong bức tranh đều có một cái gì đó lạnh lẽo, lẻ loi, vắng vẻ. Tất cả đều đượm buồn. Chắc cũng vẫn là cái màu da trời xanh ngắt trong “Thu ẩm”, màu xanh rất đặc trưng của khí thu vùng nhiệt đới, khí thu vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng ở đây nó không trở nên “gắt” như trong câu hỏi “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt” mà hài hoà hơn cùng với tầng mây trôi lơ lửng. Không gian vắng, lạnh nhưng rất sáng.

    Một lần nữa, góc nhìn của nhân vật trữ tình lại có sự thay đổi khi nhìn ra xa, tới những ngõ trúc quanh co uốn lượn, vẫn không có sự xuất hiện của con người. Chỉ là “khách vắng teo” dường như để tạo nên sự tĩnh lặng đến tuyệt đối, chỉ có tác giả - người câu cá - đối mặt với cả một bầu không gian mùa thu buồn. Không biết bởi lòng người mang sẵn nhiều tâm sự nên mang điều ấy, mang cái nhìn ấy gieo vào cảnh vật hay cảnh vật dường như cũng đồng cảm với tâm sự của con người mà thay đổi theo mà giữa con người và cảnh vật có một sự hài hoà cao độ. Người ta thấy bức tranh mùa thu trở nên hoàn toàn tĩnh lặng đến độ:

    “Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

    Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

    Bài thơ mang tựa đề là “Thu điếu” (Câu cá mùa thu) mà đến tận cuối bài thơ, hình ảnh người đi câu và công việc đi câu mới được nhắc tới. Nhưng ngay cả lúc này, cũng vẫn là hình ảnh một người đi câu trầm lặng ngồi “tựa gối ôm cần”. Tư thế ấy giống như bức tượng “Người suy tư” nổi tiếng của Auguster Rodin, tạc khắc một dáng ngồi bất động vào không gian. Đi câu cá, “tựa gối ôm cần” tưởng chừng như để chờ cá cắn câu nhưng thực ra lại không phải như vậy. Người đi câu đang chìm đắm trong suy tư của riêng mình đến nỗi dường như không còn quan tâm đến việc có câu được cá hay không nữa.

    Mải mê suy nghĩ đến mức chỉ một tiếng “cá đâu đớp động dưới chân bèo” cũng đủ để khiến người trong cuộc nghe thấy và sực tỉnh. Chỉ là tiếng cá đớp động, nghĩa là những âm thanh vô cùng nhỏ nhưng cũng đủ khiến người đi câu giật mình trở về với thực tại. Đi câu chỉ là một cái cớ để tác giả suy ngẫm về cuộc đời, về mình chính, là một cái cớ để “câu” sự thanh tĩnh, câu cái bình yên trong tâm hồn mình mà thôi. Con người ấy, hồn thơ ấy phải đi tìm những phút giây tĩnh lặng này bởi trong lòng ông đang nổi sóng.

    Qua ngòi bút miêu tả tinh tế của Nguyễn Khuyến, bức tranh thiên nhiên mùa thu hiện lên thật buồn nhưng cũng thật đẹp. Buồn, đó là khí thu đặc trưng nhưng đó cũng là bởi người ngoạn cảnh cũng đang mang rất nhiều tâm trạng. Bài thơ cho ta cảm nhận về một tâm hồn thơ nhạy cảm yêu thiên nhiên đất nước. Sự gắn bó và tình yêu thương trìu mến đặc biệt với vùng đồng bằng chiêm trũng, với những ao chuôm nhỏ nhắn, với thuyền câu, lá vàng, ngõ trúc quanh co... đã giúp cho nhà thơ có được những cảm nhận tinh tế về thiên nhiên cũng như giành cho nó tình cảm ưu ái đặc biệt. Bài thơ còn là sự gửi gắm những tâm sự thầm kín của một người luôn nặng trĩu suy tư về quê hương, đất nước, về trách nhiệm của bản thân đối với quê hương đất nước mình. Là một trí thức yêu nước, ông không thể làm ngơ trước nỗi nhục, nỗi đau vong quốc mà ở đó:

    “Vua chèo còn chẳng ra gì

    Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”

    Chính nỗi “non nước” khôn nguôi này làm ông tủi hổ, làm như lỗi tại mình nên mượn thơ mà cả thẹn:

    “Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già

    Xuân về ngày loạn càng lơ láo”

    Mượn tiếng cuốc kêu mà thổ lộ tâm sự:

    “Có phải tiếc xuân mà đứng gọi

    Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ”

    Có thể nói Nguyễn Khuyến đã nén cả một nhân cách lớn, một hồn thơ lớn một nỗi đau lớn vào tiếng cuốc nhớ nước thảm thiết làm chảy máu cả tâm can người đọc hôm nay.

    Nằm trong chùm ba bài thơ thu nổi tiếng, “Thu điếu” là một trong những bài thơ không chỉ góp phần đưa Nguyễn Khuyến trở thành “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam” mà còn làm nên một nhân cách lớn Nguyễn Khuyến còn lại mãi trong lòng người.

      bởi Nguyễn Thị Thanh 09/06/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON