Bài soạn Phong cách ngôn ngữ chính luận tóm tắt dưới đây nhằm giúp các em học sinh biết cách nhận diện và phân tích phong cách ngôn ngữ chính luận trong một văn bản cụ thể. Hy vọng rằng bài soạn này sẽ hữu ích với các em. Mời các em cùng tham khảo nhé!
1. Bố cục bài học
- Văn bản chính luận và ngôn ngữ chính luận
- Các phương tiện diễn đạt và đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận
2. Hướng dẫn soạn văn bài Phong cách ngôn ngữ chính luận
Câu 1. Tìm hiểu văn bản chính luận
Văn bản chính luận thời xưa viết theo các thể hịch, cáo, thư, sách, chiếu, biểu,… chủ yếu bằng chữ Hán. Sách giáo khoa Ngữ văn 11 chỉ xem xét văn bản chính luận hiện đại. Văn bản chính luận hiện đại bao gồm: các cương lĩnh; tuyên bố; tuyên ngôn, lời kêu gọi, hiệu triệu; các bài chính luận, xã luận; các báo cáo, tham luận, phát biểu trong các hội thảo, hội nghị chính trị,…
Đọc các đoạn trích trong các văn bản chính luận sau và tìm hiểu về:
- Thể loại của văn bản
- Mục đích viết văn bản
- Thái độ, quan điểm của người viết đối với những vấn đề được đề cập đến.
a. Tuyên ngôn
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hành phúc."
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mĩ. Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:
"Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi."
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
[…]
(Hồ Chí Minh)
b. Bình luận thời sự
CAO TRÀO CHỐNG NHẬT, CỨU NƯỚC
Ngày 9 – 3 – 1945, ở Đông Dương, phát xít Nhật quật thực dân Pháp xuống chân đài chính trị. Không đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ, trong các thành phố lớn, thực dân Pháp đều hạ súng xin hàng. Nhiều đội quân của Pháp nhằm biên giới cắm đầu chạy. Riêng ở Cao Bằng và Bắc Cạn, một vài đội quân của Pháp định thống nhất hành động với Quân Giải Phóng Việt Nam chống Nhật. Ở Bắc Can, họ đã cùng ta tổ chức "Ủy ban Pháp - Việt chống Nhật”. Nhưng không bao lâu họ cũng bỏ ta chạy sang Trung Quốc. Có thể nói là quân Pháp ở Đông Dương đã không kháng chiến và công cuộc kháng chiến ở Đông Dương là công cuộc duy nhẩt của nhân dân ta. […]
c. Xã luận
VIỆT NAM ĐI TỚI
Khắp non sông Việt Nam đang bừng dậy một sinh khí mới. Sinh khí ấy đang biểu hiện trên khuôn mặt từng người dân, trong từng thôn bản, ngõ phố, trên những cánh đồng, công trường, trong từng viện nghiên cứu, trên các chốt tiền tiêu đầu sóng ngọn gió,…
Rạo rực đất trời, rạo rực lòng người! […]
Đất nước đang căng tràn sức xuân trong ý chí và khát vọng vươn tới của 80 triệu người con đất Việt. Nguồn sinh lực được kết tụ và nhân lên trong xuân Giáp Thân đang hứa hẹn tạo ra một sức băng lướt mới trên con đường dài xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Xuân mới, thế và lực mới, chúng ta tự tin đi tới!
Gợi ý:
a. Tuyên ngôn độc lập
- Thể loại: tuyên ngôn
- Mục đích: trình bày quan điểm chính trị đảng phái, quốc gia nhân sự kiện trọng đại
- Phần mở đầu Tuyên ngôn Độc lập cũng là luận cứ của văn bản
+ Tác giả dùng nhiều thuật ngữ chính trị: nhân quyền, dân quyền, bình đẳng, tự do...
- Quan điểm: rõ ràng, dứt khoát
b. Cao trào chống Nhật cứu nước
- Thể loại: bình luận thời sự
- Mục đích: Trường Chinh chỉ rõ kẻ thù lúc này của nhân dân ta là phát xít Nhật, và khẳng định dứt khoát
- Thái độ: Phủ nhận vai trò đồng minh của Pháp, khẳng định kẻ thù là Nhật.
c. Việt Nam đi tới
- Thể loại: xã luận trên báo
- Mục đích: Phân tích thành tự mới các lĩnh vực của đất nước, vị thế của đất nước trên trường quốc tế, nêu triển vọng của Cách mạng trong thời gian tới
- Thái độ, quan điểm: hào hứng, sôi nổi, khuyến khích...
Câu 2. Nhận xét chung về văn bản chính luận và ngôn ngữ chính luận
Gợi ý:
- Phong cách ngôn ngữ chính luận là kiểu diễn đạt để bày tỏ chính kiến, thái độ đối với những vấn đề trong đời sống xã hội như: chính trị, pháp luật, quốc phòng, kinh tế, giáo dục,... Phong cách ngôn ngữ chính luận tồn tại ở hai dạng: dạng nói (diễn thuyết, phát biểu, ngoại giao,...), dạng viết ( tuyên ngôn, báo cáo, chính trị, xã luận,...).
3. Luyện tập
Câu 1. Phân biệt khái niệm nghị luận và chính luận
- Nghị luận là thao tác tư duy, là phương tiện biểu đạt. Chính luận là một phong cách chức năng ngôn ngữ.
- Thao tác (phương pháp) nghị luận được sử dụng ở tất cả mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực văn chương (nghị luận văn học), còn chính luận chí thu hẹp trong phạm vi trình bày quan điểm về vấn đề chính trị.
Câu 2. Vì sao có thể khẳng định đoạn văn sau đây thuộc phong cách chính luận?
Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quỷ báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ Quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
(Hồ Chí Minh - Tinh thần yêu nước của nhân dân ta)
Gợi ý:
- Đoạn văn sử dụng nhiều các từ ngữ chính trị như: lòng yêu nước, truyền thống, xâm lăng,...
- Câu văn mạch lạc, chặt chẽ; kết hợp câu ngắn với câu dài (câu thứ ba).
- Đoạn văn thể hiện rõ quan điểm chính trị về lòng yêu nước. Trong đoạn văn, Bác đánh giá cao lòng yêu nước, truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Đó là một niềm tự hào sâu sắc.
- Lời văn có sức hấp dẫn và truyền cảm: nhờ lập luận chặt chẽ, nhờ những hình ảnh so sánh cụ thể, sát hợp (... tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nquy hiểm, khó khăn, nỏ nhấn chìm tất cả lũ bản nước và lũ cướp nước).
Câu 3. Phân tích bài Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ngữ văn 10, tập một, tr.23) để chứng minh: lời văn trong văn bản giản dị, dễ hiểu, ngắn gọn nhưng diễn đạt nội dung phong phú, lập luận vững chắc.
Gợi ý:
Để chứng minh được bài Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chí Minh (Ngữ vân 10, tập một) có lời văn giản dị, dễ hiểu, ngắn gọn nhưng diễn đạt nội dung phong phú, lập luận vững chắc, cần lần lượt phân tích theo ba luận điểm sau (3 phần của bài):
- Tinh thế buộc ta phải chiến đấu: bên ta, bên địch..
- Ta chiến đấu bằng mọi thứ có trong tay.
- Niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến.
Trên đây là bài Soạn văn 11 Phong cách ngôn ngữ chính luận tóm tắt. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài soạn chi tiết Phong cách ngôn ngữ chính luận.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tư liệu nổi bật tuần
- Xem thêm