Bài soạn Một số thể loại văn học: kịch, văn nghị luận tóm tắt dưới đây nhằm giúp các em nắm được đặc điểm của kịch và văn nghị luận. Hy vọng rằng bài soạn này sẽ hữu ích với các em. Mời các em cùng tham khảo nhé!
1. Bố cục bài học
- Kịch: Khái lượt về kịch
- Khái niệm
- Đặc trưng
- Kiểu loại
- Yêu cầu khi đọc kịch bản văn học
- Văn nghị luận: Khái lượt về văn nghị luận
- Khái niệm
- Đặc điểm
- Phân loại
- Yêu cầu
2. Hướng dẫn soạn văn bài Một số thể loại văn học: kịch, văn nghị luận
Câu 1. Hãy nêu tóm tắt những đặc trưng của kịch, các kiểu loại kịch và yêu cầu về đọc kịch bản văn học.
Gợi ý:
* Tìm hiểu về thể loại kịch:
- Đặc trưng của kịch:
+ Kịch là loại hình nghệ thuật tổng hợp.
+ Đối tượng mô tả của kịch là các xung đột đời sống. Xung đột kịch được cụ thể hóa bằng hành động kịch. Hành động kịch được thực hiện bằng nhân vật kịch. Nhân vật kịch được khắc họa bằng lời thoại kịch (có đối thoại, bàng thoại, độc thoại).
- Các ba kiểu loại kịch:
+ Bi kịch: phản ánh xung đột giữa những nhân vật cao thượng, tốt đẹp với thế lực đen tối, độc ác; sự thảm hại hay cái chết của các nhân vật tốt đẹp dấy lên nỗi thương cảm.
+ Hài kịch: khai thác tình huống khôi hài, đối lập giữa vẻ ngoài và bên trong làm bật lên tiếng cười.
+ Chính kịch: phản ánh xung đột trong cuộc sống hàng ngày, vui buồn lẫn lộn.
- Yêu cầu về đọc kịch bản văn học:
+ Đọc kỹ phần giới thiệu để có hiểu biết chung về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.
+ Tập trung vào lời thoại để xác định đặc điểm, mối quan hệ của các nhân vật.
+ Phân tích hành động kịch, xác định và phân tích các xung đột chủ yếu và thứ yếu.
Câu 2. Tóm tắt đặc trưng của văn nghị luận, các kiểu loại văn nghị luận và yêu cầu về đọc văn nghị luận.
Gợi ý:
* Đặc trưng của văn nghị luận: trình bày trực tiếp tư tưởng, quan điểm, tình cảm về những vấn đề xã hội quan tâm, chứng cứ chân thực và có sức thuyết phục
* Phân loại:
- Căn cứ vào nội dung: nghị luận xã hội- chính trị (chính luận), nghị luận văn học
- Căn cứ thời đại: nghị luận dân gian (tục ngữ), nghị luận trung đại (chiếu, hịch, biểu, cáo, tấu...), nghị luận hiện đại (bình giảng, phân tích, phê bình...)
* Yêu cầu khi đọc văn nghị luận:
+ Tìm hiểu về tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm nghị luận
+ Tìm ra đúng luận điểm, luận cứ, lập luận của tác giả
+ Đánh giá tính đúng đắn, hữu ích của hệ thống luận điểm
+ Tìm hiểu phương pháp lập luận làm sáng tỏ luận điểm
+ Nêu giá trị nội dung tư tưởng, nghệ thuật biểu hiện tác phẩm, rút ra bài học, ảnh hưởng của tác phẩm đối với thực tế.
3. Luyện tập
Câu 1. Phân tích xung đột kịch trong đoạn trích Tình yêu và thù hận (trích Romeo và Juliet của Sếch-xpia).
Gợi ý:
Vở kịch dựa trên xung đột giữa khát vọng yêu đương mãnh liệt với hoàn cảnh thù địch vây hãm. Mối tình của Romeo và Juliet khẳng định sức sống, sức vươn lên trên mọi hoàn cảnh trói buộc con người. Mối tình đó cũng là lời kết án đanh thép, tố cáo thành kiến phong kiến, nguyên nhân hận thù của tình người, của chủ nghĩa nhân văn.
Trong toàn vở Romeo và Juliet, xung đột cơ bản là xung đột giữa tình yêu và thù hận. Tuy nhiên trong đoạn trích này, thù hận không xuất hiện như là một thế lực cản trở tình yêu. Thù hận chỉ hiện ra qua suy nghĩ của các nhân vật, song không phải là động lực chi phối, điều khiển, quyết định hành động của nhân vật.
Để làm rõ những xung đột kịch trong đoạn trích, cần trả lời các câu hỏi sau:
- Tinh yêu của Romeo và Juliet bị ngăn trở bởi điều gì?
- Tìm những biểu hiện cho thấy cả Romeo và Juliet đều băn khoăn, trăn trở, lo lắng cho tình yêu của mình trước những thử thách không dễ vượt qua
- Những suy nghĩ của các nhân vật đã thôi thúc họ hành động như thế nào?
- Những suy nghĩ và hành động của nhân vật thể hiện ý nghĩa gì?
=> Từ việc phân tích suy nghĩ, hành động của các nhân vật, chỉ ra xung đột kịch của đoạn trích.
Câu 2: Phân tích nghệ thuật lập luận trong văn bản Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác.
Gợi ý:
Nghệ thuật lập luận nổi bật trong bài Điếu văn đọc trước mộ Các Mác của Ăng-ghen là nghệ thuật trùng điệp và kiểu so sánh tăng tiến (Xem thêm trong bài Điếu văn đọc trước mộ Các Mác). Có thể tiến hành các thao tác cụ thể sau:
- Phát hiện và thống kê các biện pháp nghệ thuật đã được tác giả sử dụng trong đoạn trích.
- Các biện pháp nghệ thuật đó thể hiện dụng ý nghệ thuật gì của tác giả?
- Đánh giá mức độ quan trọng và khẳng định lại giá trị lập luận của các biện pháp nghệ thuật đã phát hiện.
Trên đây là bài Soạn văn 11 Một số thể loại văn học: kịch, văn nghị luận tóm tắt. Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài soạn chi tiết Một số thể loại văn học: kịch, văn nghị luận.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----
Tư liệu nổi bật tuần
- Xem thêm