Học247 xin giới thiệu đến các em bài văn mẫu Phân tích diễn biến tâm trạng Lão Hạc khi bán cậu vàng trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao nhằm giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn nghị luận về một tác phẩm văn học hay và đặc sắc nhất. Chúc các em học tốt! Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm bài học Lão Hạc.
A. SƠ ĐỒ TÓM TẮT GỢI Ý
B. DÀN BÀI CHI TIẾT
a. Mở bài:
- Giới thiệu tác giả tác phẩm:
+ Nam Cao, tượng đài văn chương hiện thực trước Cách mạng, một trong những cây bút tiêu biểu nhất
thế kỉ 20 với thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết.
+ "Lão Hạc" ra đời năm 1943, phản ánh một cách khéo léo mà mãnh liệt hiện trạng xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
+ Diễn biến tâm trạng nhân vật Lão Hạc trước và sau khi bán chó được đánh giá là chi tiết đắt giá và gây ám ảnh.
b. Thân bài:
- Tóm tắt câu chuyện
- Diễn biến tâm trạng nhân vật lão Hạc trước và sau khi bán chó
- Trước khi bán chó: Suy nghĩ, tính toán vì đối với ông, cậu Vàng là kỉ vật duy nhất mà con trai ông để lại.
- Lão đối xử với nó như với một con người.
- Sau khi bán chó: Chạy sang nhà ông giáo kể về việc bán cậu Vàng với đôi mắt "ầng ậc nước".
+ Ăn năn, dằn vặt, day dứt vì mình đã "lừa một con chó".
+ Khóc trong đau đớn vì không thể tha thứ cho bản thân
+ Tự an ủi bản thân vì đã "hóa kiếp cho nó".
- Đặc sắc nghệ thuật trong miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật.
c. Kết bài:
Khẳng định giá trị nhân đạo, lên án xã hội và bày tỏ tình thương với những con người lương thiện.
C. BÀI VĂN MẪU
Đề bài: Em hãy phân tích diễn biến tâm trạng Lão Hạc khi bán cậu vàng trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao.
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Vợ lão Hạc chết sớm. Con lão lại phẫn chí mà bỏ đi đồn điền cao su. Lão chỉ còn có cậu Vàng. Lão quý con chó như một người đàn bà hiếm hoi quý đứa con cầu tự. Nhưng rồi hoàn cảnh buộc lão phải bán cậu Vàng. Con chó mất đi, người nông dân khổ sở bất hạnh tột cùng kia đã đau đớn và day dứt chẳng khác nào mất đi một phần cơ thể của chính mình.
Câu chuyện xảy ra sau khi lão ốm một trận kéo dài hai tháng mười tám ngày. Trận ốm làm lão yếu đi ghê lắm! Lão không thể đi làm thuê được. Rồi lại bão, hoa màu trong vườn bị phá sạch sành sanh. Gạo thì mỗi ngày một kém. Lão đành phải dứt ruột bán cậu Vàng.
Ấy vậy mà đời chẳng theo ý ta muốn. Lão Hạc bị ốm, một trận ốm nặng đúng hai tháng mười tám ngày, bao nhiêu tiền của ông tích góp cũng dần tan biến. Khi khỏe lại, ông cũng chả có công việc gì làm, làm vải phải bỏ, gió bão ập tới, hoa màu bị phá sạch. Thế mà ngày nào lão cùng con chó cũng ăn hết ba hào gạo gạo. Ông sợ rằng nếu cho Vàng ăn ít đi, nó trở nên gầy rộc bán sẽ chẳng được giá, phí hoài công nuôi suốt từ trước đến nay. Nhưng rồi, khi mọi thứ quá khó khăn, vượt khỏi tầm kiểm soát, cuộc sống nghèo khổ cộng thêm lời khuyên của ông giáo mà lão Hạc đã quyết định bán cậu Vàng đi trong sự đau khổ và uất ức.
Sáng hôm đó, lão chạy qua nhà ông giáo báo tin rằng đã bán đi cậu Vàng. Lão cố tỏ ra vui vẻ vì đã bán được chó và có chút tiền, nhưng thực sự lão đang rất đau khổ. Khi được ông giáo hỏi thêm, từ vui vẻ thì mặt lão Hạc bỗng co rúm lại và bắt đầu khóc. Lão trách bản thân mình quá tệ bạc, đã quá nhẫn tâm và độc ác. Trong tâm trí lão lúc ấy chỉ có sự day dứt và dằn vặt khi đã đi lừa một con chó. Lão bán chó đi tức là lão đã bán đi người bạn duy nhất của mình, con người vốn đã cô độc ấy nay lại càng cô độc hơn. Số tiền mà lão tích góp được cộng thêm tiền bán chó, lão đem gửi cả cho ông giáo nhờ ông trông coi hộ mảnh vườn và lo thêm tang lễ của lão sau này. Kể từ ấy, lão sống trong sự đau khổ và đói kém, có gì ăn lấy. Thế rồi, đến cuối cùng, khi thức ăn đã cạn kiệt, lão đã chọn cái chết để giải thoát tất cả. Ông muốn thoát khỏi cái thực trạng khổ cực, day dứt này để hóa kiếp sang một cuộc sống mới với những hy vọng tốt hơn.
Và rồi sau cái vẻ mặt khổ sở kia, lão nức nở như con nít. Lão ngồi đó mà tưởng tượng ra đầy đủ và trọn vẹn cái cảnh thằng Mục và thằng Xiên bắt chó. Lúc ấy cậu Vàng nhìn lão như kêu xin rồi như oán giận. Lão kể cho ông giáo nghe tỉ mỉ và sống động như cậu Vàng là một con người thực vậy. Câu trách của cậu Vàng mà lão nghĩ ra nghe mới chua xót làm sao: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế nào mà lão đối xử với tôi như thế này à?”. Với lão Hạc, lừa bán một con chó có khác chi đã đánh mất cả một đời lương thiện: “Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó”. Có thể nói đoạn kể chuyện của lão Hạc đã chứng tỏ sự gắn bó sâu nặng của lão với kỉ vật đứa con trai. Đồng thời cũng thể hiện cái bản chất lương thiện của một lão nông dân khốn khổ.
Rồi nỗi niềm day dứt của lão cũng nguôi đi khi nghe những lời an ủi chân thành của người hàng xóm. Nhưng chính lúc này sự day dứt của lão lại kết thành một chân lí chua chát và xót đau hơn: “Kiếp con chó là kiếp khổ như tôi chẳng hạn!”. Ôi! Cái suy nghĩ của lão sao mà đớn đau đến vậy. Quả thực cái kiếp người của lão có hơn gì cái kiếp của cậu Vàng đâu. Chẳng biết Nam Cao vô tình hay hữu ý mà câu nói của lão Hạc ở đây lại vận đúng vào cái chết của lão sau này đến vậy.
Bằng giọng văn tinh tế, từ ngữ giản dị nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa, Nam Cao đã khắc họa thành công nhân vật lão Hạc với những đức tính cao đẹp, tuy nghèo khổ nhưng vẫn quyết không làm chuyện xấu hại người. Qua đây, tác giả cũng đã thể hiện được một xã hội bất công và đầy những uất ức thời bấy giờ.
2. Bài văn mẫu số 2
Truyện Lão Hạc được miêu tả và kể lại bằng những tâm sự của nhân vật chính và xung quanh nhân vật chính. Đó là tâm sự của Lão Hạc về con chó, về người con trai của lão, về kiếp người, về cái chết, về mảnh vườn. Đó là tâm sự của ông giáo, của vợ ông giáo, của Binh Tư về thân phận lão Hạc. Có đoạn Nam Cao tả ngoại hình nhân vật bằng những từ tượng hình rất ấn tượng, đó cũng là một gương mặt mang nỗi đau của cõi lòng quặn thắt: (cười như mếu, mắt ầng ậng nước, mặt đột nhiên co rúm lại, những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra…). Đây là một tâm sự đau nhất của một tâm hồn trong trẻo, chân thật: "Thì ra tôi già bằng này tuổi rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”.
Sự xuất hiện của các nhân vật khác trong truyện đều không được miêu tả ngoại hình, mỗi người chỉ hiện diện bằng một tâm sự về lão Hạc và bằng một tâm sự của nhà văn về thân phận họ. Có tâm sự hoài nghi, miệt thị của Binh Tư “làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão hạc bởi vì lão lương thiện quá”. Có tâm sự của người con trai lão Hạc, rất thương cha nhưng phải bỏ làng ra đi và mang trong lòng một niềm u uất.
Cuộc đời của lão Hạc là một chuỗi những đau khổ và bất hạnh. Một kiếp đời chua chát và đắng cay. Vợ lão mất sớm, một mình lão “gà trống nuôi con”. Đến tuổi anh con trai lấy vợ thì nhà lão nghèo quá, nhà gái lại thách cao, nên anh con trai không lấy được vợ, phẫn chí bỏ đi đồn điền cao su. Những ngày tháng xa con, lão sống trong nỗi lo âu, phiền muộn vì chưa làm tròn bổn phận của người cha. Còn gì xót xa hơn khi tuổi già gần đất xa trời, lão phải sống trong cô độc, thui thủi một mình. Lão bầu bạn với con chó vàng - kỷ vật của người con để lại. Lão yêu nó, coi nó như người thân. Nhưng sự túng quẫn ngày càng đe dọa lão. Lão phải bán "cậu Vàng" đi vì không thể lo mỗi ngày 3 hào gạo cho cả nó và lão. Sau trận bão, lão không thể kiếm ra tiền mà "tiêu một xu cũng là tiêu vào tiền của cháu". Ông lão nông nghèo khổ ấy cứ băn khoăn, day dứt mãi vì đã trót lừa một con chó.
Lão coi cậu Vàng như người bạn, như đứa con, như con cháu trong nhà mà đối xử hết mực yêu thương Lão gọi nó là cậu Vàng như một bà hiếm hoi gọi đứa con cầu tự Thỉnh thoảng không có việc gì làm, lão lại bắt rận cho nó hay đem nó ra ao tắm Cho nó ăn cơm trong một cái bát như một nhà giàu Lão cứ nhắm vài miếng lại gắp cho nó một miếng như người ta gắp thức ăn cho con trẻ Rồi lão chửi yêu nó, lão nói với nó như nói với đứa cháu bé về bố nó. Chính vì tình yêu thương ấy mà khi bán cậu Vàng thì trong lão diễn ra một sự dằn vặt đau khổ, day dứt: Lão kể lại cho ông giáo việc bán “cậu Vàng” với tâm trạng vô cùng đau đớn, đến nỗi ông giáo thương lão quá “muốn ôm chầm lấy lão mà òa lên khóc”. Khi nhắc đến việc cậu Vàng bị lừa rồi bị bắt, lão Hạc không còn nén nỗi đau đớn cứ dội lên: “Mặt lão đột nhiên co rúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra... Lão hu hu khóc”.
Lão Hạc đau đớn đến không phải chỉ vì quá thương con chó, mà còn vì lão không thể tha thứ cho mình vì đã nỡ lừa con chó trung thành của lão. Sau khi bán chó, lão sắp xếp cho chính cuộc đời mình sau đó: Lão gửi nhờ mảnh vườn cho ông giáo trông coi đến khi nào con trai lão về thì nó có cái để làm vườn. Lão sợ khi lão mất rồi nhiều người lại dòm ngó Lão đem số tiền bán chó và nhịn ăn có được mang sang nhà ông giáo để nhờ vả ma chay cho mình. Suy cho cùng, việc lão tìm đến cái chết một cách tự nguyện cũng vì thương con lão. Nên nhớ, khi đó lão Hạc còn ba mươi đồng bạc (một số tiền khá lớn thời bấy giờ) và mảnh vườn ba sào. Nhưng lão nhất quyết không tiêu phạm vào cái vốn liếng cuối cùng mà lão đã dành cho con trai lão. Lão Hạc cũng là người đầy khí tiết, có lòng tự trọng. Thà chịu đói, chịu chết chứ không nhờ người khác. Với cái chết đau đớn dữ dội mà lão Hạc tự chọn, lão Hạc đã thể hiện một khí tiết cao quý, có ý thức nhân phẩm rất cao.Lão Hạc là con người “đói cho sạch, rách cho thơm”, “chết vinh hơn sống nhục”, là con người coi trọng nhân phẩm hơn cả cuộc sống. Tình cảnh túng quẫn, đói khổ ngày càng đe dọa lão Hạc và đấy lão vào con đường chết, tìm một lối thoát cuối cùng. Đủ thấy số phận bi thảm của những người nông dân nghèo khổ sở những năm đen tối trước Cách mạng tháng Tám bấy giờ.
Vậy là ông đã mất đi người bạn duy nhất ấy. Ông còn văng những câu chửi thề để chửi chính bản thân mình “ khốn nạn... Ông giáo ơi… nó có biết gì đâu”. Điều đó cho thấy ông Lão đang rất ân hận và day dứt vì việc làm của mình. Ông là một người có lòng tự trọng và ông thấy việc ông nói dối một con chó là không nên. Nhìn thấy ánh mắt của cậu Vàng khi bị bán ông lão như có cảm giác nó trong ánh mắt nó nhìn ông không còn yêu quý như xưa mà như là đang oán hận trách móc: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão đối xử tôi thế này à”.
Từ đau đớn thương cậu Vàng đến day dứt lương tâm Lão Hạc chuyển đến sự chua chát trong cuộc đời của mình. Ông nói để hóa kiếp cho con chó ấy nhưng qua đó ta thấy được kiếp người trong xã hội ấy chẳng khác nào kiếp chó. Và dù sao thì cũng phải chết.
Qua đây ta thấy được tâm trạng của Lão Hạc khi bán cậu Vàng. Đối với chúng ta nhiều khi bán đi một con chó cũng thấy rất bình thường nhưng đối với người dân ấy chỉ có một mình với con chó ấy thì lại rất buồn. Qua đó ta cũng thấy được phẩm chất đáng quý của người nông dân. Đó là tự trọng giàu lòng thương yêu.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----