Mời các em học sinh lớp 8 cùng tham khảo:
Nội dung tài liệu Chuyên đề Đặc điểm xã hội Đông Nam Á môn Địa Lý 8 năm 2021 để có thể ôn tập và củng cố các kiến thức, chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Chúc các em học tập tốt và đạt kết quả cao.
ĐẶC ĐIỂM XÃ HỘI ĐÔNG NAM Á
1. LÝ THUYẾT
a. Những nét chung và riêng trong sản xuất, sinh hoạt của người dân Đông Nam Á.
- Nét chung:
+ Cư dân Đông Nam Á biết trồng lúa nước từ lâu đời, bên cạnh đó có nghề rừng và nghề biển hỗ trợ cho việc ổn định cuộc sống. Mưa nắng, sông nước là hai yếu tố chủ đạo cho hoạt động trồng lúa nước nên trong thần thoại, cố tích, trò chơi dân gian, lễ hội thường thấy xuất hiện những yếu tố này như hội đua thuyền, hội đắp núi cát, chơi thả diều, chơi rồng rắn... Người Inđônêxia và người Việt Nam cùng có trống đồng; người Philippin và người Việt Nam cùng có điệu múa sạp với những thanh tre, bương, nứa; người Tây Nguyên có nhiều nét điêu khắc, điệu dân ca, điệu múa dân tộc và truyền thuyết giống ở nhiều dân tộc của Malaixia, Inđônêxia; người Thái ở miền Bắc Việt Nam có nhiều làn điệu dân ca gần với người Lào, người Thái Lan.
+ Bên cạnh lúa nước là cây lương thực chính, các nước còn trồng lúa nương (trên đồi, ruộng bậc thang), khoai, sắn; chăn nuôi ít phát triển do thói quen ăn uống của người dân không có nhu cầu cao về thịt, sữa.
+ Người nông dân chủ yếu sống trong các làng mạc núp dưới bóng tre hoặc dừa và tạo thành những cộng đồng gắn bó với nhau.
- Nét riêng:
+ Tính cách, tập quán, văn hoá từng dân tộc không trộn lẫn với nhau: Cùng là cồng chiêng bằng đồng nhưng người Mường, người Bana, E Đê, Xtiêng và người Malaixia, người Inđônêxia, có cách đánh và múa không giống nhau. Từ tre, trúc người Tây Nguyên của Việt Nam tạo nên đàn K’rôngput, đàn Tơrưng, ... trong khi người Thái, người Lào, người Philippin lại làm ra cây sáo với các giai điệu, âm sắc khác nhau.
b. Sự đa dạng trong tôn giáo, tín ngưỡng
- Ấn Độ giáo và Phật giáo theo chân các thương gia Ấn Độ, tu sĩ Bà La Môn và các nhà sư xâm nhập vào các quốc gia cổ đại Đông Nam Á ngay từ đầu Công nguyên và hoà nhập với những tín ngưỡng và tập tục của người địa phương để dần trở thành nền văn hoá Ấn Độ giáo hoặc Phật giáo rất khác biệt ở từng quốc gia và khác với chính những tôn giáo gốc ở Ấn Độ. Nhờ vào ảnh hưởng của các tôn giáo đến từ Ấn Độ mà Đông Nam Á đã xây dựng những kỳ quan kiến trúc và nghệ thuật như Ăngco (Campuchia), Bôrôbuđua (Inđônêxia), tháp Chămpa (Lào)...
- Ngày nay ảnh hưởng của Ấn Độ giáo trong đời sống thường ngày của người dân Đông Nam Á không còn sâu sắc như trước kia.
2. BÀI TẬP VÍ DỤ
Câu 1: Vì sao lại có những nét tương đồng trong sinh hoạt, sản xuất của người dân các nước Đông Nam Á?
Giải
Có những nét tương đồng trong sinh hoạt, sản xuất của người dân các nước Đông Nam Á vì:
Dân cư Đông Nam Á chủ yếu thuộc chủng tộc Môn-gô-lô-it, cùng sống trong môi trường nhiệt đới gió mùa, cùng có nền văn minh lúa nước, vị trí là cầu nối giữa đất liền và hải đảo…
Câu 2: Dựa vào hình 15.1 và bảng 15.2, hãy cho biết:
- Đông Nam Á có bao nhiêu nước? Kể tên các nước và thủ đô từng nước.
- So sánh diện tích, dân số của nước ta với các nước trong khu vực.
- Có những ngôn ngữ nào được dùng phổ biến trong các quốc gia Đông Nam Á. Điều này có ảnh hưởng gì tới việc giao lưu giữa các nước trong khu vực?
Bảng 15.2. Một số số liệu của các nước Đông Nam Á năm 2002
Giải
- Đông Nam Á gồm 11 nước:
+ Việt Nam (Thủ đô Hà Nội)
+ Lào (Thủ đô Viêng Chăn)
+ Cam-pu-chia (Thủ đô Phnôm-pênh)
+ Thái Lan (Thủ đô Băng Cốc)
+ Mi-an-ma (Thủ đô Y-an-gun)
+ Ma-lai-xi-a (Thủ đô Cua-la Lăm-pơ)
+ In-đô-nê-xi-a (Thủ đô Gia-các-ta)
+ Xin-ga-po (Thủ đô Xin-ga-po)
+ Bru-nây (Thủ đô Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan)
+ Phi-líp-pin (Thủ đô Ma- ni-la)
+ Đông Ti-mo (Thủ đô Đi-li)
- Diện tích: Việt Nam có diện tích lớn thứ 5 trong khu vực (sau In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma, Thái Lan và Ma-lai-xi-a)
- Dân số: Số dân đông thứ 3 trong khu vực (sau In-đô-nê-xi-a, Phi-lip-pin)
-> Diện tích của Việt Nam tương đương với Phi-líp-pin và Ma-lai-xi-a song dân số của Việt Nam hơn Ma-lai-xi-a khá nhiều, gấp trên 3 lần và tương đương với dân số của Phi-líp-pin.
- Ngôn ngữ được dùng phổ biến tại các quốc gia trong khu vực là: tiếng Anh, tiếng Hoa và tiếng Mã Lai. Các nước trong quần đảo có lợi thế hơn trong sử dụng ngôn ngữ chung là tiếng Anh. Các nước còn lại của khu vực sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp với nhau do không có chung ngôn ngữ để sử dụng.
Câu 3: Đặc điểm dân số, phân bố dân cư, sự tương đồng và đa dạng trong xã hội của các nước Đông Nam Á tạo thuận lợi và khó khăn gì cho sự hợp tác giữa các nước?
Giải
* Thuận lợi:
- Dân số đông và trẻ đem lại nguồn lao động dồi dào cho các ngành kinh tế, là thị trường tiêu thụ rộng lớn của các nước.
- Dân cư tập trung ở các vùng đồng bằng, tạo điều kiện khai thác có hiệu quả các nguồn lợi tự nhiên và vị trí địa lí vùng đồng bằng.
- Người dân Đông Nam Á có nhiều nét tương đồng trong văn hóa, sinh hoạt, phong tục tập quán : các quốc gia dễ dàng giao lưu văn hóa, hợp tác, phát triển để giao lưu kinh tế, phong tục tập quán.
* Khó khăn: sự bất đồng về ngôn ngữ, mỗi nước có những phong tục tập quán, tín ngưỡng riêng.
3. BÀI TẬP TRẮC NGHIỆM
Câu 1: Chủng tộc chủ yếu ở Đông Nam Á là:
A. Ơ-rô-pê-ô-it
B. Môn-gô-lô-it
C. Ô-xtra-lô-it
D. Môn-gô-lô-it và Ô-xtra-lô-it.
Đáp án: D. Môn-gô-lô-it và Ô-xtra-lô-it.
Giải thích: Chủng tộc chủ yếu ở Đông Nam Á là Môn-gô-lô-it và Ô-xtra-lô-it
Câu 2: Đông Nam Á có bao nhiêu quốc gia:
A. 9
B. 10
C. 11
D. 12
Đáp án: C. 11
Giải thích: Đông Nam Á có 11 quốc gia:
Tên các nước (thủ đô): Việt Nam (Hà Nội), Lào (Viên Chăn), Cam-pu-chia (Phnom-pênh), Thái lan (Băng Cốc), Mi-an-ma (Y-an-gun), Ma-lai-xi-a (Cua-la-lum-pơ), In-đô-nê-xi-a (Gia-các-ta), Xin-ga-po (Xin-ga-po), Bru-nây (Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan), Phi-lip-pin (Ma-ni-la), Đông-ti-mo (Đi-li).
Câu 3: Quốc gia duy nhất không giáp biển ở Đông Nam Á là
A. Thái Lan
B. Cam-pu-chia
C. Việt Nam
D. Lào
Đáp án: D.Lào
Giải thích: Đông Nam Á có 11 quốc gia và Lào là quốc gia duy nhất không giáp biển ở Đông Nam Á
Câu 4: Đa số người Thái Lan theo tôn giáo
A. Hồi giáo
B. Ki-tô-giáo
C. Ấn Độ giáo
D. Phật giáo
Đáp án: D.Phật giáo
Giải thích: Đa số người Thái Lan theo Phật giáo
Câu 5: Đa số người In-đô-nê-xi-a theo tôn giáo
A. Hồi giáo
B. Ki-tô-giáo
C. Ấn Độ giáo
D. Phật giáo
Đáp án: A. Hồi giáo
Giải thích: Đa số người In-đô-nê-xi-a theo Hồi giáo
Câu 6: Đa số người Việt Nam theo tôn giáo
A. Phật giáo và Hồi giáo
B. Ki-tô giáo và Hồi giáo
C. Phật giáo và Ki-tô giáo
D. Phật giáo và Ấn Độ giáo
Hiển thị đáp án
Đáp án: C. Phật giáo và Ki-tô giáo
Giải thích: Đa số người Việt Nam theo Phật giáo và Ki-tô giáo
Câu 7: Cho tới trước chiến tranh thế giới thứ 2, 3 nước Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam bị đế quốc nào xâm lược
A. Đế quốc Anh
B. Đế quốc Tây Ban Nha
C. Đế quốc Hà Lan
D. Đế quốc Pháp.
Hiển thị đáp án
Đáp án: D. Đế quốc Pháp.
Giải thích: Cho tới trước chiến tranh thế giới thứ 2, 3 nước Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam bị đế quốc Pháp xâm lược
Câu 8 : Trong khu vực Đông Nam Á quốc gia nào không bị đế quốc xâm lược
A. Việt Nam
B. In-đô-nê-xi-a
C. Thái Lan
D. Phi-lip-pin
Đáp án: C. Thái Lan
Giải thích: Các nước Việt Nam, In-đô-nê-xi-a và Phi-lip-pin là thuộc địa của các nước đế quốc là Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha
---(Hết)---
Trên đây là toàn bộ nội dung Chuyên đề Đặc điểm xã hội Đông Nam Á môn Địa Lý 8 năm 2021. Để xem thêm nhiều tài liệu hữu ích khác, các em đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tốt!