YOMEDIA

Bộ 6 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 Trường THPT Tân Thông Hội có đáp án

Tải về
 
NONE

Xin giới thiệu đến các em Bộ 6 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 Trường THPT Tân Thông Hội có đáp án, nhằm giúp các em ôn tập lại kiến thức cũ đã học và chuẩn bị sẵn sàng cho kì thi sắp tới. Hoc247 mời các em tham khảo bộ đề thi dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt, và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới.

ATNETWORK

TRƯỜNG THPT TÂN THÔNG HỘI

ĐỀ THI HK1

MÔN NGỮ VĂN 11

NĂM HỌC 2020-2021

 

1. ĐỀ SỐ 1

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)

Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu dưới đây:

Điện thoại đã được cấm sử dụng trong các giờ học ở Pháp, tuy nhiên vào năm học tới, học sinh nước này còn bị cấm sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi, giờ ăn trưa và thời gian luân chuyển giữa các tiết học.

Phản ứng của giáo viên và phụ huynh trước lệnh cấm này được chia thành 2 phe đối lập. Một số nói rằng, trẻ phải được “sống trong thời gian riêng của mình”. Ở Pháp, khoảng 93% trẻ từ 12-17 tuổi sở hữu điện thoại di động.

“Ngày nay, trẻ không còn hứng thú với việc vui chơi chạy nhảy trong giờ ra chơi nữa. Tất cả chúng đều dán mắt vào điện thoại. Và dưới góc độ giáo dục thì đó là một vấn đề” – ông Jean-Michel Blanquer, Bộ trưởng Giáo dục Pháp nhận định.

“Điều này là để đảm bảo rằng các quy định và điều luật được tôn trọng. Việc sử dụng điện thoại bị cấm trong lớp học. Với các hiệu trưởng, giáo viên và phụ huynh, chúng ta phải tìm ra cách để bảo vệ học sinh khỏi việc bị mất tập trung vì màn hình và điện thoại” – ông nói.

(Trích bài báo Trường học Pháp cấm điện thoại cả trong giờ ra chơi - dẫn theo Vietnamnet.vn 13/12/2017)

Câu 1: Xác định câu chủ đề của đoạn văn bản trên (0.5 điểm)

Câu 2: Lí do Bộ trưởng Giáo dục Pháp cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi là gì? (0.5 điểm)

Câu 3: Anh/chị hiểu “sống trong thời gian riêng của mình” là như thế nào? (1.0 điểm)

Câu 4: Là học sinh, anh/chị có đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng Giáo dục Pháp hay không? Vì sao? (1.0 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)

Cảm nhận của anh/chị về cách đợi tàu của hai chị em Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam (Ngữ văn 11, tập một, NXB giáo dục, 2017)

.............................................Hết.........................................

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 ĐIỂM)

Câu 1:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

- Câu chủ đề: Điện thoại đã được cấm sử dụng trong các giờ học ở Pháp, tuy nhiên vào năm học tới, học sinh nước này còn bị cấm sử dụng điện thoại trong giờ ra chơi, giờ ăn trưa và thời gian luân chuyển giữa các tiết học.

Câu 2:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

- Lí do: Ngày nay, trẻ không còn hứng thú với việc vui chơi chạy nhảy trong giờ ra chơi nữa. Tất cả chúng đều dán mắt vào điện thoại. Và dưới góc độ giáo dục thì đó là một vấn đề.

Câu 3:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

- Câu nói “sống trong thời gian riêng của mình” nghĩa là được có thời gian riêng, dành cho những vấn đề cá nhân mà không ai can thiệp.

Câu 4:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Học sinh nêu lên quan điểm mình cho là phù hợp. Gợi ý:

- Đồng ý.

- Vì đây là quan điểm tiến bộ, mong học sinh tiếp cận được những điều tốt đẹp:

+ Trẻ em hòa nhập với thầy cô, bạn bè nhiều hơn.

+ Trẻ em có thể năng động, vận động cơ thể hơn vào mỗi giờ giải lao

+ Trẻ em có nhiều thời gian học hỏi và sống với đời thực hơn.

II. PHẦN LÀM VĂN (7.0 ĐIỂM)

*Phương pháp:

- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

Cách giải:

Yêu cầu hình thức:

- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm

 - Giới thiệu khái quát về Thạch Lam: nổi tiếng với văn phong lãng mạn, giọng văn đầy chất thơ nhưng không ủy mị, thảm sầu như những nhà văn lãng mạn cùng thời. Ông thường viết những truyện không có chuyện, chủ yếu khai thác thế giới nội tâm của nhân vật với những cảm xúc mong manh, mơ hồ trong cuộc sống thường ngày. Mỗi truyện của Thạch Lam như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao tình cảm mến yêu chân thành và sự nhạy cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người.

- Giới thiệu chung về truyện ngắn "Hai đứa trẻ": “Hai đứa trẻ” là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, in trong tập “Nắng trong vườn”

Tâm trạng của hai chị em Liên trong cảnh đợi tàu

Trước khi tàu đến:

- An dù buồn ngủ ríu cả mắt nhưng vẫn dặn chị tàu đến nhớ đánh thức em

- Liên ngồi yên ngắm sao trời,..

Khi tàu đến:

- Nhìn thấy ánh đèn ghi từ xa, nghe tiếng còi vọng lại Liên đã vội vã gọi em dậy.

- Rồi tàu đến Liên dắt em đứng dậy nhìn đoàn xe vụt qua.

Hình ảnh đoàn tàu:

– Chuyến tàu đêm qua phố huyện là niềm vui duy nhất trong ngày của chị em Liên.
+ Mang đến một thế giới khác: ánh sáng xa lạ, âm thanh nao nức, tiếng ồn ào của khách…khác và đối lập với nhịp điệu buồn tẻ nơi phố huyện.

+ Chuyến tàu ở Hà Nội về: trở đầy ký ức tuổi thơ của hai chị em Liên, mang theo một thứ ánh sáng duy nhất, như con thoi xuyên thủng màn đêm, dù chỉ trong chốc lát cũng đủ xua tan cái ánh sáng mờ ảo nơi phố huyện.

– Việc chờ tàu trở thành một nhu cầu như cơm ăn nước uống hàng ngày của chị em Liên. Liên chờ tàu không phải vì mục đích tầm thường là đợi khách mua hàng mà vì mục đích khác:
+ Được nhìn thấy những gì khác với cuộc đời mà hai chị em Liên đang sống.

+ Con tàu mang đến một kỷ niệm, đánh thức hồi ức về kỷ nịêm mà chị em cô đã từng được sống.
+ Giúp Liên nhìn thầy rõ hơn sự ngưng đọng tù túng của cuộc sống phủ đầy bóng tối hèn mọn,

nghèo nàn  của cuộc đời mình

Ý nghĩa biểu tượng của chuyến tàu đêm:

- Hình ảnh con tàu lặp nhiều lần trong tác phẩm.

- Là biểu tượng của một thế giới thật đáng sống với sự giàu sang và sự rực rỡ ánh sáng. Nó đối lập với cuộc sống mòn mỏi, nghèo nàn, tối tăm và quẩn quanh với người dân phố huyện.

- Niềm vui đợi tàu của hai chị em Liên là niềm hạnh phúc thiêng liêng, giúp họ quên đi cuộc sống tăm tối. Nó xuấ phát từ nhu cầu của đời sống tinh thần

=> Qua tâm trạng của Liên tác giả thể hiện thái độ vừa cảm thương xót xa trước cuộc sống lay lắt, bế tắc của những kiếp người nhỏ bé vừa nâng niu trân trọng những khát vọng đổi đời ở những con người này.

Khi con tàu đi qua:

- Khi con tàu đi qua, hai chị em Liên trở về với cuộc sống hiện tại: trở về với bóng đêm, tĩnh lặng với nỗi buồn, tiếc nuối.

Nghệ thuật:

Bút pháp tương phản đối lập

- Miêu tả sinh động nhữung biến đổi tinh tế của cảnh vật và tâm trạng của con người

- Ngôn ngữ tượng trưng, giàu hình ảnh

- Giọng điệu nhẹ nhàng, thấm đượm chất thơ, chất trữ tình sâu sắc

2. ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3 ĐIỂM)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Ăn tết rừng xong
từ giã chú tắc kè
chúng tôi xuôi - ào ào cơn lũ đổ
các binh đoàn tràn vào thành phố
đang mùa thay lá những hàng me

Lá me vàng lăn tăn trải thảm phố hè
             chồi xanh lăn tăn nơi đầu cành run rẩy
             cơn gió thoảng chút hương rừng đâu đấy
             hạt mưa đầu mùa trong suốt giữa lòng tay

Người bạn tôi không về tới nơi này
anh gục ngã bên kia cầu xa lộ
anh nằm lại trước cửa vào thành phố
giây phút cuối cùng chấm dứt cuộc chiến tranh
              Đồng đội, bao người không “về tới” như anh
              nằm lại Cầu Bông, Đồng Dù, và xa nữa...
              tất cả họ, suốt một thời máu lửa
              đều ước ao thật giản dị:
              sắp về!

(Trích Tiếng tắc kè kêu trong thành phố,  Nguyễn Duy)

Câu 1: Chỉ ra các phương thức biểu đạt của đoạn thơ trên.

Câu 2: Thành phố trong ngày người lính trở về được miêu tả qua những hình ảnh nào?

Câu 3: Anh/chị có suy nghĩ gì về hình ảnh người lính trong những câu thơ:

“anh gục ngã bên kìa cầu xa lộ/anh nằm lại trước cửa vào thành phố/giây phút cuối cùng chấm dứt cuộc chiến tranh”?

Câu 4: Điều ước cuối cùng trong bài thơ gợi lên mong mỏi gì của người lính nói riêng và toàn dân tộc nói chung?

II. LÀM VĂN (7 ĐIỂM)

Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo (Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao) từ buổi sáng sau khi gặp Thị Nơ đến khi kết thúc cuộc đời để thấy rõ bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của nhân vật này?

..............................................Hết.............................................

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2

I. ĐỌC HIỂU (3 ĐIỂM)

Câu 1. Phương thức biểu cảm ,tự sự, miêu tả.

Câu 2.

- Hình ảnh: cơn lũ ào ào, hàng me thay lá, gió thoảng, mưa đầu mùa rơi.

Câu 3:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

- Câu thơ trên nói về sự khốc liệt của chiến tranh và sự hi sinh anh dũng của những người lính. Các anh đã ra đi với tâm thế quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Và buồn thay, ngày độc lập – ngày mà các anh mong chờ thì giờ đây các anh lại không được đứng dậy để chào đón giây phút thiêng liêng ấy.

Câu 4:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

- Điều ước trong bài thơ: “sắp về!”

- Điều ước thật giản đơn, nó gợi lên mong mỏi về một đất nước bình yên, về niềm khát khao hòa bình, về ước mong được đoàn tụ với gia đình, với những người thân yêu của người lính nói riêng và cả toàn dân tộc nói chung.

(Nội dung đầy đủ, chi tiết đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-

3. ĐỀ SỐ 3

A. PHẦN ĐỌC - HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi bên dưới:

“Thành công và thất bại chỉ đơn thuần là những điểm mốc nối tiếp nhau trong cuộc sống để tôi luyện nên sự trưởng thành của con người. Thất bại giúp con người đúc kết được kinh nghiệm để vươn tới chiến thắng và khiến nhữngthành công đạt được thêm phần ý nghĩa. Không có ai luôn thành công hay thất bại, tuyết đối thông minh hay dại khờ, tất cả đều phụ thuộc vào nhận thức, tư duy tích cực hay tiêu cực của mỗi người. Như chính trị gia người Anh, Sir Winston Churchill, từng nói, “Người bi quan nhìn thấy khó khăn trong mỗi cơ hội, còn người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mỗi khó khăn.”. Sẽ có những người bị ám ảnh bởi thất bại, bị chúng bủa vây, che lấp những cơ hội dẫn tới thành công. Tuy nhiên, đừng sa vào vũng lầy bi quan đó, thất bại là một lẽ tự nhiên và là một phần tất yếu của cuộc sống. Đó là một điều bạn không thể tránh khỏi, nếu không muốn nói thực sự là trải nghiệm mà bạn nên có trong đời. Vì vậy, hãy thất bại một cách tích cực.”

(“Học vấp ngã để từng bước thành công - John C.Maxwell)

Câu 1 (0.5 điểm): Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên?

Câu 2 (0.5 điểm): Xác định chủ đề của đoạn trích?

Câu 3 (1.0 điểm): Hãy xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: “Người bi quan nhìn thấy khó khăn trong mỗi cơ hội, còn người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mỗi khó khăn.”

Câu 4 (1.0 điểm): Tại sao tác giả lại nói: .... “thất bại là một lẽ tự nhiên và là một phần tất yếu của cuộc sống”?

 

B. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm) 

Câu 1 (2 điểm)

Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau: “Người thành công luôn tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn. Kẻ thất bại luôn thấy khó khăn trong mọi cơ hội.”

Câu 2 (5.0 điểm)

Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo (sau khi gặp Thị Nở) trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao.

.............................Hết...........................

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3

A. PHẦN ĐỌC - HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1:

Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụCách giải:

- Phương thức biểu đạt: nghị luận

Câu 2:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

- Chủ đề: Chủ đề chính của đoạn trích là nói về sự tất yếu của thành công và thất bại trong cuộc sống của con người.

Câu 3:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

- Biện pháp tu từ: điệp từ “khó khăn”, “cơ hội”.

- Tác dụng: Làm cho câu văn có nhịp điệu, giàu giá trị tạo hình. Qua đó nhấn mạnh cách nhìn của một người đối với khó khăn và cơ hội.

Câu 4:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

- “Lẽ tự nhiên” hay “phần tất yếu” tức là điều khách quan, ngoài ý muốn con người và con người không thể thay đổi.

+ Bởi vì trong cuộc sống không ai là không gặp thất bại. Có người thấy bại nhiều, thấy bại lớn. Có người thất bại ít, thất bại nhỏ.

+ Vì đó là điều tất yếu nên ta đừng thất vọng và chản nản. Hãy dũng cảm đối mặt và vượt qua.

B. PHẦN LÀM VĂN (7.0 điểm) 

Câu 1:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận

Cách giải:

Yêu cầu về kĩ năng:

Viết đúng kiểu đoạn văn nghị luận xã hội trình bày về quan điểm đưa ra.

- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu về kiến thức: đảm bảo được các ý sau:

a) Giải thích:

- Người thành công là người đạt được mục đích mà mình đặt ra sau một quá trình nỗ lực, cố gắng.

- Kẻ thất bại là người không thực hiện được những mong muốn, dự định đã đặt ra.

- Cơ hội: hoàn cảnh thuận tiện gặp được để làm việc gì mình mong ước.

=> Về thực chất, câu nói khẳng định sự thành bại của mỗi người phụ thuộc vào cách người ấy đón nhận và xử thế trước những vấn đề của đời sống.

b) Phân tích, bình luận

- Thành và bại luôn song hành như một thực thể khách quan. Không ai không từng gặp thất bại, ngay cả những người thành công. (dẫn chứng)

- Sự thành bại của mỗi người không chỉ phụ thuộc vào tài năng hay cơ hội mà còn ở thái độ của người đó trước những khó khăn trong cuộc sống:

+ Với những người giàu nghị lực, mỗi khó khăn là cơ hội để tích lũy kinh nghiệm, kiểm chứng năng lực của bản thân. Và như thế, họ sẽ luôn tìm thấy cơ hội trong mỗi khó khăn để thành công.

+ Với những người bi quan, lười biếng khi gặp khó khăn thử thách vội chán nản, tự tìm thấy lí do để thoái thác công việc, từ bỏ ước mơ. Không vượt qua khó khăn càng khiến họ mất hết niềm tin để rồi chỉ thấy khó khăn trong mọi cơ hội. Và chắc chắn họ sẽ luôn thất bại.

- Cuộc sống rất khắc nghiệt nhưng luôn ẩn giấu nhiều cơ hội mà mọi người cần nắm bắt.

- Sự thành bại ở một giai đoạn không có ý nghĩa trong suốt cả cuộc đời. Mọi người cần có cách ứng xử trước mọi thành bại để đạt được những điều mình mong ước. Thành công chỉ có được sau quá trình học tập, tích lũy, nỗ lực, rèn luyện lâu dài.

- Phê phán thái độ sống hèn nhát, lười biếng, dễ gục ngã, mất niềm tin sau những lần thất bại.

c) Bài học nhận thức và hành động

- Cần phải có niềm tin, nghị lực lớn để vượt qua những thử thách khó khăn trong cuộc sống, để luôn tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn.

- Không ngại đối mặt với khó khăn. Coi khó khăn, thử thách như một phần tất yếu của cuộc sống.

- Luôn hành động mạnh mẽ, quyết đoán để khắc phục khó khăn…

(Nội dung đầy đủ, chi tiết đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-

4. ĐỀ SỐ 4

Phần I: Đọc hiểu (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

“Loài người không được cho sẵn bất cứ cái gì trên mặt đất này. Tất cả những gì anh ta cần - anh ta phải làm ra chúng. Và ở đây loài người đối mặt với sự lựa chọn cơ bản nhất của mình: anh ta chỉ có thể tồn tại được theo một trong hai cách - bằng cách làm việc độc lập với bộ óc của riêng anh ta, hay là trở thành một kẻ ăn bám sống nhờ bộ óc của những người khác. Người sáng tạo chọn cách thứ nhất. Kẻ ăn bám thì chọn cách thứ hai. Người sáng tạo một mình đối mặt với tự nhiên. Kẻ ăn bám đối mặt với tự nhiên thông qua những trung gian.

Mối quan tâm của người sáng tạo là chinh phục tự nhiên. Còn mối quan tâm của kẻ ăn bám là chinh phục con người.

Người sáng tạo sống với lao động của mình. Anh ta không cần gì khác. Mục đích cơ bản của anh ta là chính bản thân anh ta. Kẻ ăn bám sống cuộc đời thứ cấp. Anh ta cần những người khác. Những người khác trở thành động lực chính của anh ta.”

(Trích tiểu thuyết “Suối nguồn”, Ayo Rand, NXB Trẻ, TP HCM, 2017, tr.1174)

Câu 1: Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2: Trong đoạn trích, tác giả đã nhắc đến những đặc điểm nào của người sáng tạo?

Câu 3: Theo anh (chị) việc tác giả khẳng định: Người sáng tạo sống với lao động của chính mình / Anh ta không cần ai khác” có ý nghĩa gì?

Câu 4: Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “Mối quan tâm của người sáng tạo là chinh phục tự nhiên. Còn mối quan tâm của kẻ ăn bám là chinh phục con người”? Vì sao?

Phần II. Làm văn (7.0 điểm)

Phân tích bức tranh phố huyện lúc về đêm cho đến khi đoàn tàu đi qua trong tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam.

............................Hết.................................

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4

Phần I: Đọc hiểu (3.0 điểm)

Câu 1:

Phương pháp: Đọc, xác định thao tác lập luận chính

Cách giải:

Thao tác lập luận chính: so sánh

Câu 2:

Phương pháp: Đọc, tìm ý

Cách giải:

Những đặc điểm của người sáng tạo mà tác giả nhắc đến trong đoạn trích:

+ Làm việc độc lập với bộ óc của riêng anh ta

+ Một mình đối mặt với tự nhiên; mối quan tâm là chinh phục tự nhiên

+ Sống với lao động của mình, không cần ai khác

+ Mục đích cở bản của anh ta là chính bản thân anh ta

Câu 3:

Phương pháp: Đọc, phân tích

Gợi ý:

- Tác giả đề cao, ca ngợi người sáng tạo.
- Đồng thời tác giả muốn nói người sáng tạo luôn có khả năng tự lập, khả năng sáng tạo, có lòng tự trọng cao, không cần dựa dẫm, ỷ lại vào bất kì ai nhằm khẳng định giá trị bản thân bằng chính lao động của mình và để sống một cuộc đời thật sự có ý nghĩa …

Câu 4:

Phương pháp: Phân tích, bình luận

Cách giải:

- Học sinh có thể đồng tình, không đồng tình hoặc đồng tình một phần

- Lí giải hợp lí, thuyết phục

-(Nội dung đầy đủ, chi tiết đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-

5. ĐỀ SỐ 5

Phần I: Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản:

Bạn nói những gì, làm điều gì, cảm thấy như thế nào - tất cả đều có nguồn gốc từ trong tâm trí bạn và bắt đầu chỉ bằng một ý nghĩa.

Suy nghĩ của chúng ta cũng giống như những hạt giống, mỗi suy nghĩ sẽ đơm hoa kết trái để tạo ra một hương vị riêng biệt. Suy nghĩ có thể là sự sáng tạo hay phá hủy, yêu thương hay thù hận, nâng đỡ hay vùi dập. Khi chúng ta hiểu và học cách kiểm soát những ý nghĩa của bản thân thì chúng ta sẽ trải nghiệm được sự bình an, niềm hạnh phucs và sự vững vàng trong tâm hồn. Suy nghĩ ticsh cực dạy chúng ta cách hành động thay vì phản ứng: “hướng dẫn” cuộc đời ta thay vì để cho hành vi của người khác, những trải nghiệm quá khứ, hay hoàn cảnh hiện tại điều khiển tinh thần của ta.

Theo tính toán, mỗi người trung bình có khoảng 30.000 - 50.000 ý nghĩ mỗi ngày. Một tâm trí đang trong tình trạng stress sẽ tạo ra nhiều ý nghĩ hơn, có thể lên đến 80.000 ý nghĩ. Hẳn bạn đã từng rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh vì gặp phải một sự kiện đột ngột xảy ra trong đời, lúc đó có đến hàng ngàn ý nghĩ chạy dồn dập trong đầu bạn.

 Tâm trí chúng ta có một khả năng rất lớn, làm việc không ngừng nghỉ ngơi cả khi ngủ. Như đã nói suy nghĩ chính là hạt giống cho những hành động và cả xúc. Vì vậy, bằng cách tạo nên những suy nghĩ tích cực và lành mạnh, chúng ta đã kích hoạt tiềm năng tích cực của chính mình.

(Frederic, Labarthe, Anthony Strano - Tư duy tích cực, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2014, trang 20, 21)

Thực hiện những yêu cầu sau:

Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên (0.5 điểm)

Câu 2: Theo tác giả, ý nghĩ phụ thuộc như thế nào vào trạng thái tinh thần của con người? (0.5 điểm)

Câu 3: Theo anh/chị, vì sao tác giả cho rằng: “Khi chúng ta hiểu và học cách kiểm soát những ý nghĩ của bản thân thì chúng ta sẽ trải nghiệm được sự bình an, niềm hạnh phúc và sự vững vàng trong tâm hồn”? (1.0 điểm)

Câu 4: Anh/chị có cho rằng: “Suy nghĩ chính là hạt giống cho những hành động và cảm xúc” không? Vì sao? (1.0 điểm)

 Phần II: Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1: (1.0 điểm)

Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 100 chữ) nêu những suy nghĩ của mình về vai trò của suy nghĩ tích cực trong cuộc sống.

Câu 2: (6 điểm)

Phân tích quá trình thức tỉnh của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.

..............................hết........................

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5

Phần I: Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1:

Phương pháp: Đọc, căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ

Cách giải:

Phương thức biểu đạt chính: nghị luận

Câu 2:

Phương pháp: Đọc, tìm ý, phân tích

Cách giải:

  Ý nghĩ phụ thuộc rất nhiều vào trạng thái tinh thần của con người:

- Khi bình thường, mỗi người có khoảng 30.000 - 50.000 ý nghĩ trong ngày;

- Khi stress, mỗi người có đến hàng ngàn, hàng chục ngàn ý nghĩ, khiến bản thân rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh.

Câu 3:

Phương pháp: Đọc, phân tích

Gợi ý:

- Vì: Khi hiểu và kiểm soát những ý nghĩ, chúng ta sẽ làm chủ được lời nói, hành động, cảm xúc; không vi phạm các chuẩn mực đạo đức, pháp luật. Từ đó, chúng ta có được sự bình an, niềm hạnh phúc và sự vững vàng trong tâm hồn.

Câu 4:

Phương pháp: Phân tích, bình luận

Gợi ý:

  Học sinh có thể trả lời nhiều cách khác nhau, miễn sao phù hợp với yêu cầu của đề và các chuẩn mực đạo đức, pháp luật. Sau đây là các gợi ý:

- Đồng ý. Vì, suy nghĩ của con người biểu hiện cụ thể qua lời nói, hành động và cảm xúc.

- Không đồng ý. Vì, trong đời sống con người, có lúc lời nói, việc làm, cảm xúc bề ngoài không giống với ý nghĩ bên trong.

- Vừa đồng ý vừa không đồng ý: Thông thường, trong đời sống con người, nghĩ sao nói vậy, song cũng có nhiều lúc, không ít người, nghĩ một đằng làm một nẻo.

 Phần II: Làm văn (7.0 điểm)

Câu 1:

Phương pháp:

Gợi ý:

+ Suy nghĩ tích cực là tư duy theo chiều hướng lạc quan, tin tưởng, thấy được phương hướng, kết quả giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.

+ Suy nghĩ tích cực có tác dụng và ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần, định hướng hành động đúng đắn cho mỗi người.

+ Thiếu suy nghĩ tích cực, con người dễ rơi vào trạng thái bi quan, bế tắc.

+ Để có suy nghĩ tích cực, mỗi người cần rèn luyện thói quen tư duy, nâng cao kiến thức, tích cực trải nghiệm, luôn giữ tinh thần lạc quan…

+ Hãy học cách suy nghĩ tích cực để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp cho bản thân.

(Nội dung đầy đủ, chi tiết đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-

6. ĐỀ SỐ 6

I. Đọc hiểu văn bản (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

“Cầm bút lên định viết một bài thơ

Chợt nhớ ra nay là ngày nhà giáo

Chợt xấu hổ cho những lần cao ngạo

Thì ra con cũng giống bấy nhiêu người…

 

Cầm bút lên điều đầu tiên con nghĩ

Đâu là cha, là mẹ, là thầy…

Chỉ là những cảm xúc vu vơ, tầm thường, nhỏ nhặt…

Biết bao giờ con lớn được,

Thầy ơi! Con viết về thầy, lại “phấn trắng”, “bảng đen”

Lại “kính mến”, lại “hy sinh thầm lặng”…

Những con chữ đều đều xếp thẳng

Sao lại quặn lên những giả dối đến gai người…

 

[…]

Có những điều vô cùng giản dị

Sao mãi giờ con mới nhận ra…”

(Không đề - Nguyễn Thị Chí Mỹ)

Câu 1 (1.0 điểm): Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào? Phương thức biểu đạt chính là gì? (nhận biết)

Câu 2 (1.0 điểm): Xác định 1 biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu thơ sau và nêu hiệu quả nghệ thuật của nó:

Thầy ơi! Con viết về thầy, lại lại “phấn trắng”, “bảng đen”

Lại “kính mến”, lại “hy sinh thầm lặng”…

Những con chữ đều đều xếp thẳng

Sao lại quặn lên những giả dối đến gai người… (thông hiểu)

Câu 3 (1.0 điểm): Theo anh chị, nhà thơ đã nhận ra điều gì qua 2 câu thơ sau:

Có những điều vô cùng giản dị

Sao mãi giờ con mới nhận ra… (thông hiểu)

II. Tạo lập văn bản (7.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm): (vận dụng cao)

Từ nội dung của văn bản phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 120 chữ) bàn về ý nghĩa của lối sống chân thật.

Câu 2 (5.0 điểm): (vận dụng cao)

Phân tích bi kịch tha hóa của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.

ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 6

I. Đọc hiểu văn bản (3.0 điểm)

Câu 1.

Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm

Câu 2:

Phương pháp: Căn cứ vào các biện pháp nghệ thuật đã học

Cách giải:

Biện pháp nghệ thuật: Liệt kê: “phấn trắng”, “bảng đen”, “kính mến”, “hy sinh thầm lặng”

Tác dụng: Nhấn mạnh những hi sinh thầm lặng của người giáo viên và tình cảm yêu mến, quý trọng, sự biết ơn của học trò

Câu 3:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp

Cách giải:

Tác giả nhận ra công lao và sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của thầy giáo.

II. Tạo lập văn bản (7.0 điểm)

Câu 1:

Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận

Cách giải:

- Giới thiệu vấn đề

- Giải thích vấn đề

- Chân thật là đúng đắn, có như thế nào thì bày tỏ đúng như thế

- Sống chân thật là sống đúng với con người của mình, không lắt léo, không man trá hay lừa lọc ai

Phân tích, bàn luận vấn đề

- Tại sao con người cần phải sống chân thật?

+ Người sống chân thật sẽ nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để từ đó có thể khắc phục

+ Người sống chân thật sẽ luôn cảm thấy thanh thản

+ Người sống chân thật sẽ được mọi người xung quanh tin tưởng, yêu quý, trở thành chỗ dựa cho bạn bè, người thân

+ Mọi người đều sống chân thật sẽ tạo dựng một xã hội tốt đẹp

- Phê phán những người sống giả dối

Liên hệ bản thân

Tổng kết

(Nội dung đầy đủ, chi tiết đề thi số 6 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-

 

Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 6 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 năm 2020 Trường THPT Tân Thông Hội. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.

Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .

Bên cạnh đó các em có thể tham khảo thêm các tài liệu khác cùng chuyên mục:

Chúc các em học tập tốt !

 

NONE

ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
ERROR:connection to 10.20.1.101:9312 failed (errno=111, msg=Connection refused)
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON