Bộ 5 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 năm 2020 Trường THPT Long Thới dưới đây đã được Hoc247 tổng hợp và biên soạn một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Mời các em tham khảo bộ đề thi dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới.
TRƯỜNG THPT LONG THỚI |
ĐỀ THI HK1 MÔN NGỮ VĂN 11 NĂM HỌC 2020-2021 |
1. ĐỀ SỐ 1
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Lũy thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con.
(Tre Việt Nam – Nguyễn Duy)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn thơ trên(0,5 điểm)
Câu 2: Nêu nội dung chính của đoạn thơ (1 điểm)
Câu 3: Nêu hai biện pháp tu từ tác giả sử dụng chủ yếu trong đoạn thơ trên (0,5 điểm)
Câu 4: Hai dòng thơ: “Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con” biểu đạt vấn đề gì? Trả lời trong khoảng 5 – 7 dòng (1 điểm)
Phần II. Làm văn (7,0 điểm)
Phân tích cảnh cho chữ trong truyện ngắn Chữ người tử từ của Nguyễn Tuân.
......................................Hết....................
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
Phần I. Đọc hiểu
Câu 1:
Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ
Cách giải:
- Phương thức biểu đạt: Biểu cảm
Câu 2:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Qua chuyện cây tre tác giả ngợi ca phẩm chất con người Việt Nam luôn vượt qua khó khăn bằng sức sống bền bỉ, tình yêu thương và tinh thần đoàn kết gắn bó với nhau.
Câu 3:
Phương pháp: Căn cứ vào các biện pháp tu từ đã học
Cách giải:
- Ẩn dụ (cây tre ẩn dụ cho con người Việt Nam)
- Nhân hóa (trong các câu: Bão bùng thân bọc lấy thân/ Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm/ Thương nhau tre không ở riêng/ Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cuộc tre nhường cho con).
Câu 4:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận
Cách giải:
Biểu đạt tinh thần chịu thương chịu khó, hi sinh bản thân vì con của cây tre cũng tức là của con người Việt Nam. (HS có thể diễn đạt theo cách khác nhau nhưng phải hợp lý, có sức thuyết phục).
Phần II. Làm văn
Phương pháp:
- Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).
- Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.
Cách giải:
Yêu cầu hình thức:
- Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng làm nghị luận văn học để tạo lập văn bản.
- Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.
Yêu cầu nội dung:
1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm
- Nguyễn Tuân là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, là một nhà văn có cá tính độc đáo, có thể coi ông là một định nghĩa về người nghệ sĩ.
- Nét nổi bật trong phong cách của Nguyễn Tuân là ở chỗ, Nguyễn Tuân luôn nhìn sự vật ở phương diện văn hóa và mĩ thuật, nhìn con người ở phẩm chất nghệ sĩ và tài hoa. Sáng tác của Nguyễn Tuân thể hiện hài hòa màu sắc cổ điển và hiện đại. Đặc biệt, ông thường có cảm hứng mãnh liệt với cái cá biệt, phi thường, dữ dội và tuyệt mĩ.
- Truyện ngắn Chữ người tử từ lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng, in lần đầu tiên năm 1938 trên tạp chí Tao đàn, sau được lựa chọn vào tập truyện Vang và bóng một thời, 1940. Các lần tái bản sau, Vang và bóng một thời được đổi tên là Vang bóng một thời và Dòng chữ cuối cùng được đổi tên là Chữ người tử tù.
2. Phân tích
Cảnh cho chữ - cảnh tượng xưa nay chưa từng có
- Tóm tắt nội dung chính tác phẩm
- Vị trí của cảnh cho chữ
Tình huống cho chữ chưa từng có
- Địa điểm cho chữ đặc biệt:
+ Thông thường cho chữ ở nơi thư phòng yên tĩnh, không khí trang trọng.
+ Cảnh cho chữ lại diễn ra ở địa điểm nhà tù tối tăm, ẩm thấp, mặt đất đầy phân chuột, phân gián.
- Thời điểm cho chữ:
+ Khi người viết chữ ở vào tâm thế thoải mái, thanh thản. tâm tĩnh để tạo ra nét chữ giàu ý nghĩa.
+ Cảnh cho chữ trong tác phẩm: đêm khuya, thời khắc cuối đời của người cho chữ.
- Vị thế của người cho chữ và người xin chữ có sự đảo lộn
+ Người cho chữ: người sáng tạo ra cái đẹp, ở vị thế của tử tù, người ban phát cái đẹp, giáo dục quản tù
+ Người xin chữ: quản ngục, được giáo dục.
=> Cảnh tượng chưa từng có
Nghệ thuật: Dùng thủ pháp đối lập tương phản để dựng lên song hành cảnh nhà giam và cảnh cho chữ
=> Nhà văn truyền tải thông điệp: sự chiến thắng tất yếu của cái đẹp của cái thiện ở trên cuộc đời này.
- Sự cảm hóa chưa từng có:
+ Lời khuyên của tử tù khuyên quản ngục giữ thiên lương
+ Hành động của quản ngục : “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”
Ý nghĩa của cảnh cho chữ:
- Tỏa sáng vẻ đẹp của các nhân vật
- Làm nổi bật giá trị tư tưởng của tác phẩm.
- Tài năng nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân:
+ Phát huy cao độ bút pháp lãng mạn ( vượt xa cái nhạt nhòa, tầm thường)
+ Nổi bật nghệ thuật đối lập tương phản
+ Dàn dựng theo nghệ thuật điển ảnh ( nhịp điệu chậm rãi, cảnh hiển ra như cuốn phim điện ảnh, mảng tối, sáng, nhân vật hiện lên rõ nét)
+ Từ Hán Việt ( dựng lại không khí thời đã qua, cổ kính, trang nghiêm, bi tráng)
3. Kết bài
- Khái quát và mở rộng vấn đề
2. ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Hãy nhìn dòng người đang cuộn chảy trên đường phố trong cái ngột ngạt của trưa hè nóng bức, ai cũng nghẹt thở vì chất thải của động cơ xe máy, ô tô cho dù khẩu trang che kín mũi miệng. Hậu quả sẽ ra sao với sức khỏe của con người? Khó mà lường được. Nhưng trước mắt thì vẫn cứ phải tồn tại bằng cách thở hít vào phổi cái khói bụi độc hại đó để mà bươn chải với cuộc mưu sinh.
Ai đó mong có dịp về nông thôn để được hít thở không khí trong lành, sẽ khó tránh khỏi cảm giác thất vọng. Sự trong lành mà họ trông đợi đang bị hủy hoại nghiêm trọng bởi chất thải công nghiệp, chất thải vô tội vạ của làng nghề, chất thải từ “mạnh ai nấy được” trong nuôi trồng thủy sản…. Sông Cầu tiếp nhận thêm ít nhất 180.000 tấn phân hóa học, 1.500 tấn thuốc trừ sâu! Lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy bị nước thải đô thị xối thẳng trực tiếp làm nước sông đen ngòm và đang bốc mùi. Sông Thị Vải trong lưu vực sông Đồng Nai đã có đoạn bị chết kéo dài sau khu vực hợp lưu Suối Cả, Đồng Nai đến khu công nghiệp Mĩ Xuân…
Trở lại với chuyện thường ngày ở cái vạch dừng xe trên đường phố. Trong cái nóng thiêu đốt, tiếng gầm gào của các loại động cơ ô tô, xe máy làm cho bầu không khí càng thêm ngột ngạt. Rồi đây, “dân giàu” lên thêm, ô tô càng nhiều thêm, nơi vạch dừng xe của đường phố không thể mở rộng hơn để tương thích với sự phát triển đó sẽ càng thêm ngột ngạt và nghẹt thở.
(Theo Tương Lai, Môi trường và phát triển, báo điện tử Nguoidaibieu.com.vn)
Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên. (0.5 điểm)
Câu 2. Nội dung cơ bản của đoạn văn trên là gì? (0.5 điểm)
Câu 3. Theo tác giả bài viết, về nông thôn con người có tìm được không khí trong lành không? Vì sao? (1.0 điểm)
Câu 4. Hãy trả lời ngắn gọn câu hỏi của tác giả bài viết: Hậu quả sẽ ra sao với sức khỏe của con người khi môi trường sống bị ô nhiễm nặng nề? (1.0 điểm)
II. LÀM VĂN: (7.0 điểm)
Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Chí Phèo (Chí Phèo – Nam Cao) từ khi bị thị Nở từ chối tình yêu đến khi đâm chết Bá Kiến và tự sát.
......................................Hết....................
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương pháp: Căn cứ vào các phong cách ngôn ngữ đã học: sinh hoạt, nghệ thuật, báo chí, chính luận, hành chính – công vụ Cách giải:
- PCNN: Báo chí
Câu 2:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Nội dung văn bản: Tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng ở cả thành thị lẫn nông thôn hiện nay.
Câu 3:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Theo tác giả, về nông thôn cũng không được hưởng không khí trong lành bởi nông thôn hiện nay cũng đang bị ô nhiễm nặng nề vì chất thải công nghiệp, chất thải của làng nghề, chất thải trong nuôi trồng thủy sản….
Câu 4:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề đến sức khỏe của con người:
- Mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch, tiêu hóa…
- Tăng nguy cơ ung thư, dị tật bẩm sinh…
-(Nội dung đầy đủ, chi tiết đề thi số 2 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-
3. ĐỀ SỐ 3
PHẦN I: ĐỌC - HIỂU (3,0 điểm)
Đọc kĩ văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
“Còn gì đáng buồn hơn khi mà giàu có về vật chất thì lại nghèo nàn đến thảm hại về văn hóa tinh thần,... Một bộ phận thanh niên bây giờ nghĩ nhiều, nói nhiều đến tiền bạc, hưởng thụ. Ăn mặc đẹp, tiện nghi, hiện đại lắm nhưng con người thì vô cùng mỏng. Gió thổi nhẹ là bay biến tứ tán ngay. Ngày trước dân ta nghèo nhưng đức dày, nhân cách vững vàng, phong ba bão táp không hề gì,... chung quy tại giáo dục mà ra. Cha mẹ bây giờ chiều con quá, không để chúng thiếu thốn gì. Vì thế mà chúng rất mong manh, dễ vỡ, dễ hư hỏng…”
(Theo Nguyễn Khải, báo Đầu tư, sách Ngữ Văn 11 Nâng cao, NXB Giáo dục, 2014)
Câu 1: Văn bản trên nói về hiện tượng gì trong đời sống? (0,5 điểm)
Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 3: Trong văn bản trên có sử dụng thành ngữ. Hãy ghi lại chính xác và giải thích ý nghĩa của thành ngữ đó. (1,0 điểm)
Câu 4: Chữ “mỏng” trong văn bản được hiểu như thế nào? (1,0 điểm)
PHẦN II: LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm):
Anh/chị có đồng tình với quan điểm được nêu lên ở phần Đọc- hiểu: “Cha mẹ bây giờ chiều con quá, không để chúng thiếu thốn gì. Vì thế chúng rất mong manh, dễ vỡ, dễ hư hỏng” .
Hãy viết một đoạn văn ( khoảng 12-15 dòng ) trình bày suy nghĩ của mình.
Câu 2: (5,0 điểm):
Về một phẩm chất mà anh/chị cho rằng nổi bật ở nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân.
......................................Hết....................
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Văn bản nói về hiện tượng một bộ phận thanh niên mải chạy theo những nhu cầu về vật chất, không chú trọng đến đời sống văn hóa tinh thần.
Câu 2:
Phương pháp: Căn cứ vào các phương thức biểu đạt đã học: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận, hành chính – công vụ
Cách giải:
- Phương thức biểu đạt chính của văn bản là nghị luận.
Câu 3:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Thành ngữ được sử dụng trong văn bản là “phong ba bão táp”.
- Thành ngữ “phong ba bão táp” có nghĩa là những khó khăn, gian khổ.
Câu 4:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Chữ “mỏng” có nghĩa là sự yếu đuối, kém cỏi về đạo đức, nhân cách, nghị lực, sức mạnh, bản lĩnh, ý chí,… không đủ sức chống đỡ những thử thách gian khổ trong cuộc sống.
II. LÀM VĂN
Câu 1:
Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)
Cách giải:
a. Yêu cầu về kĩ năng: đảm bảo cấu trúc đoạn văn, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi diễn đạt, lỗi chính tả; đảm bảo tương đối dung lượng như yêu cầu của đề.
b. Yêu cầu về kiến thức:
- Giới thiệu được vấn đề cần nghị luận.
- Bày tỏ sự đồng tình hoặc không đồng tình và biết cách lập luận bảo vệ ý kiến của bản thân
(Đồng tình vì cha mẹ hiện nay thương con mù quáng nên chiều theo sở thích cá nhân của con vô điều kiện; do điều kiện về kinh tế vật chất đi lên so với thời đại trước nên muốn bù đắp cho con; không muốn con thua sút bạn bè; con cái đòi hỏi ở cha mẹ nhiều hơn nên nếu gặp khó khăn, trở ngại trẻ không có bản lĩnh để vượt qua trở nên yếu đuối tự ti, bạc nhược.
Không đồng tình vì cha mẹ bây giờ dạy con có nhiều phương pháp tiên tiến: cung cấp vật chất nhưng không thỏa mãn, dạy con tự lập, làm giàu chính đáng, chú trọng rèn kĩ năng sống cho con nên thanh niên bây giờ bản lĩnh và nhiều khao khát. Rất nhiều bạn trẻ đã thành công và rạng danh đất nước…)
- Phân tích, bàn luận vấn đề: Học sinh phân tích, bàn luận vấn đề theo quan điểm mình đưa ra ở trên.
- Liên hệ bản thân
-(Nội dung đầy đủ, chi tiết đề thi số 3 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-
4. ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc văn bản
“Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này [....] Rằng cứ mỗi một kẻ thù ta gặp ở nơi này thì ở nơi khác ta lại tìm thấy một người bạn. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu hiểu rằng một đồng đô-la kiếm được do công sức của mình bỏ ra còn quý hơn nhiều so với năm đô-la nhặt được trên hè phố....
Xin hãy dạy cho cháu cách chấp nhận thất bại và cách tận hưởng niềm tin chiến thắng. Xin hãy dạy cho cháu tránh xa sự đố kị. Xin dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui thầm lặng. Dạy cho cháu rằng những kẻ hay bắt nạt người khác là những kẻ dễ bị đánh bại nhất....”
(Trích Thư của tổng thống Mĩ A.Lin-côn gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, trong Những câu chuyện về người thầy, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1: Xác định nội dung của đoạn trích (0.5 điểm)
Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích (0.5 điểm)
Câu 3: Xác định biện pháp tu từ và chỉ ra hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn in đậm của đoạn trích (1.0 điểm)
Câu 4: Từ câu nói “Rằng cứ mỗi kẻ thù ta gặp ở nơi này thì ở nơi khác ta lại tìm thấy một người bạn.” Anh/chị rút ra được bài học gì? (1.0 điểm)
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Từ ý kiến trong phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về bản thân cần chấp nhận sự thất bại như thế nào để thành công trong cuộc sống.
Câu 2: (5.0 điểm)
Phân tích vẻ đẹp của hình tượng nhân vật Huấn Cao trong truyện ngắn “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân.
......................................Hết....................
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Câu 1:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp
Cách giải:
- Nội dung: Bức thư phụ huynh gửi đến thầy giáo hãy dạy con mình những điều tốt đẹp.
Câu 2:
Phương pháp: căn cứ vào 6 phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, hành chính – công vụ
Cách giải:
- Phương thức chính: Nghị luận.
Câu 3:
Phương pháp: Căn cứ vào các biện pháp tu từ
Cách giải:
- Biện pháp tu từ: điệp ngữ “xin dạy cho cháu”.
- Hiệu quả nghệ thuật: tăng giá trị biểu đạt, tạo nhịp điệu cho các câu văn. Qua đó, nhấn mạnh tấm lòng mong mỏi, khát khao của người cha khi muốn con mình được nhận những điều hay lẽ phải.
Câu 4:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp.
Cách giải:
Từ câu nói trên, ta rút ra được thêm bài học trong những chặng đường mà mình bước đi. Rằng trong những điều không hay mà ta gặp phải thì đâu đó ta lại được trả giá bằng những điều tốt đẹp. Nên hãy lạc quan, nếu như ta không may gặp phải những người chưa tốt, những việc chưa hay.
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1:
Phương pháp: Phân tích, tổng hợp, bình luận
Gợi ý:
Giải thích:
“Thất bại” là khi không đạt được mục tiêu do mình đề ra. Đôi khi chỉ là những điều nhỏ bé, đôi khi chỉ là những con điểm kém, thất bại trong mối quan hệ bạn bè,...
Phân tích, bình luận:
- Thất bại, tổn thương là điều không tránh khỏi trong cuộc sống, nhưng cách bạn đối diện với thất bại mới là điều giá trị.
- Thất bại đơn giản chỉ là cơ hội giúp bạn có thể bắt đầu mọi việc lại từ đầu, lần này cẩn thận, tinh tế và khôn ngoan hơn vì bạn đã tự rút ra được kinh nghiệm cho mình
* Liên hệ bản thân:
- Muốn thành công phải thay đổi từ bản thân mình
- Hãy rút ra những bài học quý giá từ những sai lầm của chính mình. Khắc phục sai lầm sẽ giúp bạn thành công khi gặp phải vấn đề tương tự, thậm chí cả trong tình huống hoàn toàn khác biệt.
-(Nội dung đầy đủ, chi tiết đề thi số 4 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-
5. ĐỀ SỐ 5
Phần I: Đọc hiểu (4 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
(Thương vợ - Trần Tế Xương)
1. Xác định phong cách ngôn ngữ chính được sử dụng trong văn bản trên?
2. Xác định thể thơ được sử dụng trong văn bản trên?
3. Biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong hai câu thơ sau ? Nêu hiệu quả sử dụng của biện pháp nghệ thuật đó?
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Phần II: Làm văn (6 điểm)
Anh(chị) hãy phân tích bi kịch tha hoá của nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao ?
......................................Hết....................
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 5
Phần I: Đọc hiểu
1.
Phương pháp: Căn cứ vào đặc điểm của các phong cách ngôn ngữ đã học: sinh hoạt, nghệ thuật, báo chí, chính luận, hành chính – công vụ.
Cách giải:
- Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.
2.
Phương pháp: Căn cứ vào đặc điểm của các thể thơ mà em đã học.
Cách giải: Thể thơ thất ngôn bát cú.
3.
Phương pháp: Căn cứ vào các biện pháp nghệ thuật mà em đã học.
Cách giải:
- Biện pháp nghệ thuật: Sử dụng thành ngữ “một duyên hai nợ” và “năm nắng mười mưa”
- Tác dụng: Thành ngữ và cách nói tăng cấp “một duyên hai nợ” “năm nắng mười mưa” đã khắc họa cuộc đời cơ cực, tủi nhục của bà Tú. Bà với ông Tú, duyên thì ít mà nợ thì nhiều. Ông Tú tự thấy mình là một gánh nợ trong suốt cuộc đời người vợ. Nhưng người mẹ, người vợ đó không hề ý thức rằng đó là sự hi sinh. Như bao người phụ nữ Việt Nam khác, bà làm mọi việc một cách tự nhiên, âm thầm, không hề đòi hỏi, oán trách. Bà Tú coi đó như một lẽ thường tình, nào có kể công.
-(Nội dung đầy đủ, chi tiết đề thi số 5 vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 năm 2020 Trường THPT Long Thới. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập .
Bên cạnh đó, các em có thể tham khảo thêm các tài liệu khác cùng chuyên mục:
-
Bộ 6 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 Trường THPT Tân Thông Hội có đáp án
-
Bộ 3 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 năm 2020 có đáp án Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm có đáp án
-
Bộ 5 đề thi HK1 môn Ngữ văn 11 năm 2020 Trường THPT Giồng Ông Tố có đáp án
Chúc các em học tập tốt!