Trong lòng mẹ là một đoạn trích hay được học trong chương trìh Ngữ Văn 8. Câu chuyện về tình cảm của chú bè Hồng dành cho mẹ, những cảm xúc ngọt ngào khi được gặp mẹ là bài học sâu sắc về tình cảm của người con dành cho mẹ. Học 247 mời các em tham khảo bài giảng Trong lòng mẹ để hiểu hơn về bài học ấy.
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu chung
a. Tác giả
- Nguyên Hồng (1918-1982) tên khai sinh là Nguyễn Nguyên Hồng, quê ở Thành phố Nam Định.
- Trước Cách mạng, ông sống chủ yếu ớ Thành phố cảng Hải Phòng trong một xóm lao động nghèo. Ngay từ tác phẩm đầu tay, Nguyên Hồng đã hướng ngòi bút về những người cùng khổ gần gũi mà ông yêu thương thắm thiết.
- Sau Cách mạng, Nguyên Hồng tiếp tục bền bỉ sáng tác; ông viết cả tiểu thuyết, kí, thơ, nổi bật hơn cả là các bộ tiểu thuyết sử thi nhiều tập.
- Nguyên Hồng được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
- Tác phẩm chính: Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Cửa biển...
b. Tác phẩm
- “Những ngày thơ ấu” là tập hồi kí kể về tuổi thơ cay đắng của tác giả. Tác phẩm gồm 9 chương, đăng trên báo năm 1938, in thành sách lần đầu năm 1940. Đoạn trích “Trong lòng mẹ” là chương IV của tác phẩm.
- Đoạn trích “Trong lòng mẹ”; trích hồi kí “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng, đã kể lại một cách chân thực và cảm động những cay đắng, tủi cực cùng tình yêu thương cháy bỏng của nhà văn đối với người mẹ bất hạnh.
- Bố cục:
- Phần 1: Từ đầu đến “Người ta hỏi đến chứ”: Cuộc đối thoại giữa người cô và chú bé Hồng
- Phần 2: Còn lại: Cuộc gặp gỡ giữa bé Hồng và mẹ
1.2. Đọc - hiểu văn bản
a. Hoàn cảnh của bé Hồng
- Gần đến ngày gỗ đầu của thầy
- Mẹ ở Thanh Hóa chưa về
- Ở với họ hàng
→ Hoàn cảnh đáng thương mồ côi bố, sống xa mẹ
b. Cuộc đối thoại giữa người cô và chú bé Hồng
Thái độ của người cô
- Gọi Hồng đến bên cười hỏi: "Hồng mày có muốn vào Thanh Hóa với mẹ mày không?"
- Giọng ngọt: "Mợ mày phát tài lắm, có như dạo trước đâu"
- Vỗ vai Hồng cười mà nói rằng: "Bắt mợ mày may vá sắm sửa cho và thăm em bé chứ"
- Đổi giọng nghiêm nghị…chập chừng nói tiếp "Tháng tám là giỗ đầu cậu mày, mợ mày về dù sao cũng đỡ tủi cho cậu mày, và mày còn phải có họ, có hàng, người ta hỏi đến chứ"
⇒ Giả dối, mỉa mai, cay độc
Thái độ của bé Hồng khi nghe câu chuyện của bà cô về mẹ
- Toan trả lời…cúi đầu không đáp
- Nước mắt tôi ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa ở cằm và ở cổ
- Cười dài trong tiếng khóc
- Cổ họng nghẹn ứ khóc không ra tiếng
⇒ Tâm trạng đau đớn tủi cực
Cảm nhận của bé Hồng về câu chuyện của bà cô
- Nhận ra những ý nghĩa cay độc trong giọng nói và trên nét mặt khi cười rất kịch của cô
- Những rắp tâm tanh bẩn
- Những cổ tục
⇒ Hiểu rõ bản chất của người cô, đó là con người có tính cách hẹp hòi, tâm địa cay độc tàn nhẫn ⇒ Là nhân vật thể hiện những định kiến hẹp hòi tàn nhẫn đối với người phụ nữ trong xã hội cũ.
c. Tình cảm của bé Hồng đối với mẹ
Khi nghe những lời cay độc từ bà cô:
- Nhưng đời nào tình yêu thương và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến → Tình yêu thương và sự kiên định trong suy nghĩ về mẹ
- Chỉ vì tôi thương mẹ tôi và căm tức sao mẹ tôi lại vì sợ hãi những thành kiến tàn ác mà xa lìa anh em tôi, để sinh nở một cách dấu giếm → Sự trưởng thành trong suy nghĩ
- "Giá những cổ tục…..vồ lấy, mà cắn, mà nhai, mà nghiến" → Tình yêu thương và lòng căm phẫn ⇒ mong muốn hành động được đấu tranh bảo vệ cho mẹ
Khi gặp mẹ:
- Khi thấy thoáng một bóng người ngồi trên xe kéo giống mẹ, Hồng liền đuổi theo, gọi bối rối "Mợ ơi! Mợ ơi! Mợ ơi!..." → Tiếng gọi tha thiết khát khao tình mẹ
- “cái lầm đó không những làm tôi thẹn mà còn tủi cực nữa, khác gì cái ảo ảnh của một dòng nước trong suốt chảy dưới bóng râm đã hiện ra trước con mắt gần rạn nứt của người bộ hành ngã gục giữa sa mạc” → Đây là một giả thiết mà cậu bé tự đặt ra – giả định là một hình ảnh so sánh độc đáo ⇒ hi vọng tột cùng - thất vọng - tuyệt vọng tột cùng
- "Tôi thở hồng hộc, trán đẫm mồ hôi, và khi trèo lên xe, tôi ríu cả chân…..òa khóc nức nở"
⇒ Tình yêu thương, nỗi xúc động bàng hoàng, niềm sung sướng và cả sự tủi thân nghẹn ngào vỡ òa trong tiếng khóc nức nở
- Được nhìn thấy mẹ: Gương mặt mẹ…tươi sáng, đôi mắt trong và nước da mịn, màu hồng của hai gò má
- Được ngồi trong lòng mẹ: đùi áp đùi mẹ, đầu ngả vào cánh tay mẹ, cảm giác ấm áp… mơn man khắp da thịt….hơi thở thơm tho
- Cảm nhận về tình mẹ: Người mẹ có một êm dịu vô cùng
⇒ Cảm nhận niềm hạnh phúc, thiêng liêng của tình mẫu tử
-
Tổng kết
-
Nội dung
- Đoạn trích cho ta hiểu được tình cảnh đáng thương, nỗi đau tinh thần của chú bé Hồng. Đồng thời cảm nhận được nỗi khát khao sự ấm áp của tình mẹ thiêng liêng cao đẹp của bé Hồng
-
Nghệ thuật
- Văn bản thể hiện phong cách viết văn của Nguyên Hồng trong thể loại hồi kí: Thấm đượm chất trữ tình, lời văn tự truyện chân thành, giàu sức truyền cảm
-
Bài tập minh họa
Đề: Em hiểu như thế nào về thể loại tự truyện? Đọc phần tóm tắt tác phẩm và văn bản đoạn trích trong SGK, em hình dung ra sao về cảnh nhân vật chú bé Hồng?
Gợi ý làm bài
- Các em có thể tham khảo gợi ý dưới đây:
- Tự truyện là tác phẩm văn học thuộc loại tự sự do tác giả viết về cuộc đời mình. Ở tác phẩm tự truyện, các sự kiện tiểu sử nhà văn đóng vai trò cơ sở của sáng tạo nghệ thuật để từ đó làm cho quá khứ tái sinh, làm sống dậy các thời kì xã hội nhất định. Ở đây, tác giả thành nhân vật người kể chuyện (ngôi thứ nhất số ít) và trực tiếp bộc lộ cảm nghĩ về những ngày thơ ấu của mình.
- Hình dung về tình cảnh nhân vật chú bé Hồng
- Bố đã mất. Người mẹ không toại nguyện trong hôn nhân, không hạnh phúc ở nhà chồng, đang tha hương cầu thực kiếm sống ở phương xa. Chú bé phải sống với người cô cay nghiệt, đầy ác cảm, thành kiến nặng nề với người mẹ đáng thương của chú.
- Chú bé hồng khao khát tình yêu thương, nhất là tình mẫu tử, vừa luôn phải chịu đựng, đề phòng trước sự ghẻ lạnh, châm chọc của nhiều người xung quanh.
3. Soạn bài Trong lòng mẹ
Nói đến Nguyên Hồng, người ta nhớ ngay một giọng văn như trút cả bao xúc động đắng xót vào trong những câu chuyện của ông. Hồi ký “Những ngày thơ ấu” là kỷ niệm xót xa của cậu bé Hồng, mang theo cái dư vị đắng chát của tuổi thơ khát khao tình mẹ. Với bài soạn Trong lòng mẹ, các em sẽ hiểu rõ hơn về những đớn đau và hạnh phúc của nhân vật chú bé Hồng. Chi tiết bài soạn, các em có thể tham khảo tại đây: Bài soạn Trong lòng mẹ.
4. Hỏi đáp Bài Trong lòng mẹ Ngữ văn 8
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
5. Một số bài văn mẫu Trong lòng mẹ
Trong lòng mẹ là một đoạn trích nằm ở chương IV của tập hồi kí Những ngày thơ ấu của nhà văn Nguyên Hồng. Đoạn trích kể về những đớn đau của cậu bé Hồng trong hoàn cảnh phải sống ở nhà họ hàng của nội khi mẹ phải tha hương cầu thực. Để hiểu hơn về nhân vật cậu bé Hồng cũng như những đớn đau mà em phải chịu đựng. Các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 8 HỌC247