Nhằm giúp các em hệ thống hóa lại kiến thức đã học trong Bài 5: Những câu chuyện hài, HỌC247 đã biên soạn và tổng hợp nội dung bài giảng Củng cố, mở rộng Bài 5 thuộc sách Kết Nối Tri Thức dưới đây. Nội dung bài giảng bao gồm các kiến thức đã học như: đặc điểm cơ bản thể loại hài kịch và truyện cười; đặc điểm và tác dụng của câu hỏi tu từ, nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu; cách viết một bài văn nghị luận và trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội cụ thể. Mời các em cùng tham khảo
Tóm tắt bài
1.1. Ôn lại đặc điểm cơ bản của hài kịch và truyện cười
1.1.1. Hài kịch
a. Khái niệm: Hài kịch là một thể loại của "kịch", hướng vào sự cười nhạo cái xấu xa, lố bịch, lạc hậu.... đối lập với các chuẩn mực về cái tốt đẹp, tiến bộ.
b. Đặc trưng:
- Xung đột kịch biểu hiện qua hành động kịch với các sự việc, tình huống gây cười.
- Nhân vật chính trong hải kịch là những kiểu người có tính cách tiêu biểu cho các thói xấu đáng phê phán: hà tiện, tham lam, kiêu căng, khoe mẽ.
- Lời đối thoại trong hài kịch mang đậm tính khẩu ngữ; cấu trúc đối thoại dựa trên những nội dung đối nghịch.
- Các thủ pháp trào phúng thường được sử dụng trong hài kịch như: tạo tình huống kịch tính, cải trang; dùng điệu bộ gây cười; dùng thủ pháp phóng đại, chơi chữ, gây hiểu lầm, thoại bỏ lửng, nhại,...
Xem chi tiết hài kịch:
- Trưởng giả học làm sang - Mô-li-e
1.1.2. Truyện cười
a. Khái niệm: Truyện cười là một thể loại tự sự có dung lượng nhỏ, dùng tiếng cười nhằm chế giễu những thói hư tật xấu, những điều trái tự nhiên, trái thuần phong mĩ tục của con người và còn nhằm mục đích giải trí.
b. Đặc trưng:
- Dung lượng tác phẩm: truyện cười thường ngắn.
- Cốt truyện tập trung vào sự việc có yếu tố gây cười, tình huống trớ trêu, những nghịch li trong đời sống,....
- Bối cảnh được xây dựng trong truyện cười thường bị cường điệu so với thực tế, có yếu tố bất ngờ.
- Nhân vật chính trong truyện cười thường là đối tượng bị chế giễu.
- Ngôn ngữ truyện cười dân dã, nhiều ẩn ý.
Lưu ý: Truyện cười thường là truyện dân gian, tuy nhiên cũng có cả ở hình thức truyện kể của văn học viết.
Xem chi tiết truyện cười:
- Chùm truyện cười dân gian Việt Nam
1.2. Ôn tập thực hành tiếng Việt
1.2.1. Câu hỏi tu từ
a. Khái niệm: Câu hỏi tu từ là câu hỏi không dùng để hỏi mà để khẳng định, phủ định, bộc lộ cảm xúc....
b. Tác dụng: Khác với câu hỏi thông thường, câu hỏi tu từ được sử dụng nhằm đạt một số hiệu quả giao tiếp như tăng sắc thái biểu cảm, biểu đạt ý nghĩa một cách tế nhị, uyển chuyển.
1.2.2. Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu
a. Khái niệm:
- Nghĩa tường minh là nghĩa được diễn đạt trực tiếp bằng các từ ngữ trong câu.
- Nghĩa hàm ẩn là nghĩa được suy ra từ nghĩa tường minh của cả câu, từ nghĩa của từ ngữ trong câu và từ ngữ cảnh sử dụng cầu.
b. Đặc điểm:
- Trong giao tiếp bằng ngôn từ: có những ý nghĩa được hiển thị ngay trên từ ngữ (nghĩa tường minh) và có những ý nghĩa ngắm chúa, cần phải suy luận mới biết được (nghĩa hàm ẩn).
- Trong văn học: nghĩa hàm ẩn giúp chuyển tải nhiều điều ý nhị, kín đáo, sâu xa,... làm cho giao tiếp ngôn từ được uyển chuyển, phong phủ, thú vị. Đặc biệt là các nội dung, thông điệp mà tác giả muốn chuyển tải thường được thể hiện dưới hình thức nghĩa hàm ẩn.
1.3. Ôn lại cách viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống
- Mở bài: Nêu vấn đề nghị luận (một thói xấu của con người trong xã hội hiện đại).
- Thân bài:
+ Làm rõ vấn đề nghị luận.
+ Trình bày ý kiến phê phán, nêu lí lẽ và bằng chứng để chứng minh sự phê phán là có cơ sở.
+ Nêu ý kiến không đồng tình (giả định) với ý kiến của người viết và tranh luận với ý kiến đó.
- Kết bài: Khẳng định ý kiến phê phán, rút ra bài học.
1.4. Ôn tập cách trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội
- Giới thiệu vấn đề (có thể đi thẳng vào vấn đề hoặc kể một tình huống dẫn tới vấn đề).
- Lần lượt trình bày từng nội dung của vấn đề theo dàn ý đã chuẩn bị.
- Nêu ý phê phán một cách đúng mực, có thể thêm chút hài hước.
- Chú ý phản ứng của người nghe để tìm kiếm sự đồng thuận hoặc sẵn sàng đối thoại.
Bài tập minh họa
“Cười là một hình thức chế ngự cái xấu.”
(Trích, Phương Lựu - Trần Đình Sử - Lê Ngọc Trà, Lí luận văn học, tập 1, NXB Giáo dục, 1986, tr. 241)
Viết đoạn văn (khoảng 7 - 9 câu) trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên.
Lời giải chi tiết:
Cái hài trong truyện cười dân gian được biểu hiện qua tiếng cười ở nhiều góc độ: cái cười đả kích, châm biếm, giễu cợt, cái cười vui, trên cơ sở phản ánh các hiện tượng xã hội đa dạng của đời sống con người, nhưng điểm nổi bật là tiếng cười có tính triết lý xã hội sâu sắc. Truyện cười dân gian là sản phẩm nghệ thuật của nhân dân lao động, ở đó, nhân dân đã dùng tiếng cười như một vũ khí của chính nghĩa, của đạo đức để lên án cái xấu, cái phi nghĩa, vô đạo đức. Cái cười tố cáo, quan lại, vua chúa tham lam, dâm ô, trụy lạc, buôn thần, bán thánh là tiếng cười trí tuệ, vượt xa cái cười giải trí. Nó phơi bày ung nhọt của xã hội, sự mục rỗng của xã hội. Tuy chưa đủ sức công phá trước thành trì của chế độ phong kiến nhưng tiếng cười này có ý nghĩa kéo nhanh hơn sự xuống dốc của chế độ phong kiến lỗi thời, góp phần mở đường cho sự tiến bộ của xã hội tốt đẹp hơn. Ý nghĩa thẩm mỹ của cái hài trong truyện truyền thống là vạch trần cái xấu núp bóng cái đẹp để khẳng định cái đẹp, lấy cái đẹp làm tiêu chuẩn để nhận dạng cái xấu.
Lời kết
Học xong bài Củng cố, mở rộng Bài 5, các em cần:
- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của hài kịch như: xung đột, hành động. nhân vật, lời thoại, thủ pháp trào phúng.
- Nhận biết được một số yếu tố của truyện cười như: cốt truyện, bối cảnh, nhân vật và ngôn ngữ.
- Nhận biết được câu hỏi tu từ, nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu; nêu được tác dụng của việc sử dụng câu hỏi tu từ và nghĩa hàm ẩn; giải thích được nghĩa của một số câu tục ngữ thông dụng.
- Viết được bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống; nêu được lí lẽ, bằng chứng thuyết phục.
- Trình bày được ý kiến về một vấn đề xã hội: nghe và tóm tắt được nội dung thuyết trình của người khác.
- Có ý thức tránh những việc làm kệch cỡm, lố lăng; hưởng đến cách ứng xử phù hợp.
Soạn bài Củng cố, mở rộng Bài 5 Ngữ văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức
Bài học Củng cố, mở rộng Bài 5: Những câu chuyện hài, sẽ giúp các em ôn tập kiến thức đã học về các đặc điểm cơ bản thể loại hài kịch và truyện cười; đặc điểm và tác dụng của câu hỏi tu từ, nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu; cách viết một bài văn nghị luận và trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội cụ thể. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:
- Soạn bài đầy đủ Củng cố, mở rộng Bài 5
- Soạn bài tóm tắt Củng cố, mở rộng Bài 5
Hỏi đáp bài Củng cố, mở rộng Bài 5 Ngữ văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 8 HỌC247