HỌC247 xin giới thiệu đến các em nội dung bài giảng Thực hành tiếng Việt trang 113 thuộc sách Kết Nối Tri Thức dưới đây. Với nội dung bài giảng rõ ràng cùng ví dụ minh họa cụ thể sẽ giúp các em hiểu được sẽ giúp các em nhận biết được nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu. Mời các em cùng tham khảo. Chúc các em học tốt!
Tóm tắt bài
1.1. Khái niệm nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu
- Nghĩa tường minh: là phần thông báo được diễn đạt trực tiếp bằng các từ ngữ trong câu. Lớp nghĩa này được thể hiện ngay trong việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh muốn miêu tả, diễn giải.
- Nghĩa hàm ẩn: là phần thông báo tuy không được diễn đạt trực tiếp bằng từ ngữ trong câu nhưng có thể suy ra từ những từ ngữ ấy.
Ví dụ:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
- Nghĩa tường minh:
+ Nhiễu điều: tấm vải đỏ.
+ Giá gương: bàn thờ.
=> Ý cả câu là tấm vải đỏ được phủ lên bàn thờ. Các mô tả này gắn với khung cảnh hiện ra thể hiện sự uy nghiêm, thiêng liêng.
- Hàm ý: Câu nói khuyên nhủ chúng ta - những công dân của tổ quốc hãy biết yêu thương, san sẻ, đùm bọc nhau từ những điều nhỏ nhặt nhất. Xây dựng sự đoàn kết, đùm bọc và thương yêu lẫn nhau. Cùng nhau giúp cho đất nước, quê hương của mình phát triển giàu đẹp, văn minh hơn. Chính nhờ sự đoàn kết, đồng lòng mà đất nước mới có được các sức mạnh và giá trị như ngày hôm nay.
1.2. Đặc điểm nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu
* Trong giao tiếp bằng ngôn từ: có những ý nghĩa được hiển thị ngay trên từ ngữ (nghĩa tường minh) và có những ý nghĩa ngắm chúa, cần phải suy luận mới biết được (nghĩa hàm ẩn).
- Có những nghĩa hàm ẩn tuỳ thuộc ngữ cảnh:
+ Ví dụ: Ngày mai tôi đi Hà Nội.
+ Nhận xét: Có thể hiểu là: “Ngày mai tôi không gặp mặt với nhóm được", nhưng cũng có thể hiểu: "Anh có cần gửi gì cho người thân ở Hà Nội thì tôi sẽ mang giúp cho",... Những nghĩa này tuỳ thuộc vào nội dung trao đổi trước đó giữa người nói (người viết) và người nghe (người đọc).
- Có những nghĩa hàm ẩn không tuỳ thuộc vào ngữ cảnh:
+ Ví dụ: Nó lại đi Đà Lạt.
+ Nhận xét: Câu này cho biết một người nào đó đi Đà Lạt, và nhờ từ lại mà ta có thể suy ra trước đó người này đã từng đi Đà Lạt. Nghĩa hàm ẩn này được suy ra từ nghĩa của từ ngữ ở trong câu, chứ không tuỳ thuộc vào ngữ cảnh.
* Trong văn học:
- Đặc điểm:
+ Nghĩa hàm ẩn giúp chuyển tải nhiều điều ý nhị, kín đáo, sâu xa... làm cho giao tiếp ngôn từ được uyển chuyển, phong phú, thú vị.
+ Các nội dung, thông điệp mà tác giả muốn chuyển tải thường được thể hiện dưới hình thức nghĩa hàm ẩn.
- Ví dụ:
Chuột chù chê khỉ rằng hôi
Khỉ mới trả lời: Cả họ mày thơm.
(Ca dao)
=> Nhận xét: Chuột chù và khỉ đều là các loại có mùi hôi. Nhưng chuột chù lại chê khi trong khỉ chính mình cũng hôi. Nghĩa tường minh trong câu trả lời của khỉ là lời khen, nghĩa hàm ấn thể hiện sự mỉa mai chuột chù. Câu ca dao có hàm ý phê phán những người không tự biết cái xấu của mình mà còn đi chê bai người khác.
Bài tập minh họa
Xác định nghĩa hàm ẩn của các câu tục ngữ dưới đây:
a. Có tật giật mình.
b.
Đời người có một gang tay
Ai hay ngủ ngày, còn có nửa gang.
c.
Cười người chớ vội cười lâu
Cười người hôm trước, hôm sau người cười.
d. Lời nói gói vàng
Lời giải chi tiết:
a. Chỉ những người cảm thấy chột dạ khi có ai đó nói về mình vì mình đã làm những điều sai trái.
b. Nói về sự hữu hạn của đời người, từ đó khuyên chúng ta nên biết quý trọng thời gian.
c. Khuyên ta phải biết tôn trọng người khác, nếu coi thường, khinh bỉ người khác thì khi ta rơi vào hoàn cảnh như họ ta sẽ bị người khác chê bai, khinh thường.
d. Nhắc nhở chúng ta về giá trị của lời nói để ta biết trân quý lời nói.
Lời kết
Học xong bài Thực hành tiếng Việt trang 113, các em cần nắm:
- Nhận biết được nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu.
- Nêu được tác dụng của nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn trong câu.
- Giải thích được nghĩa của một số câu tục ngữ thông dụng.
Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 113 Ngữ văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức
Bài học Thực hành tiếng Việt trang 113: Nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu sẽ giúp các em nhận biết được nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn của câu. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:
- Soạn bài đầy đủ Thực hành tiếng Việt trang 113
- Soạn bài tóm tắt Thực hành tiếng Việt trang 113
Hỏi đáp bài Thực hành tiếng Việt trang 113 Ngữ văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 8 HỌC247