YOMEDIA
NONE

Củng cố, mở rộng Bài 3 - Ngữ văn 8 Tập 1 Kết Nối Tri Thức


Với bài học Bài 3: Lời sông núi, các em sẽ đã được học một số bài văn nghị luận đặc sắc, được viết nên bởi những con người kiệt xuất - những nhân vật lịch sử có trọng trách đối với đất nước, kết tinh hào khí của cha ông trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Chính vì vậy, nội dung bài giảng Củng cố, mở rộng Bài 3 thuộc sách Kết Nối Tri Thức do HỌC247 biên soạn và tổng hợp sẽ giúp các em hệ thống hóa lại những kiến thức trọng tâm mà các em đã học. Mời các em cùng tham khảo

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt bài

1.1. Ôn lại đặc điểm cơ bản của văn bản nghị luận

1.1.1. Luận đề, luận điểm trong văn bản nghị luận

a. Luận đề:

- Khái niệm: Luận đề là vấn đề được luận bàn trong văn bản nghị luận.

- Đặc điểm:

+ Vấn đề đó có tính chất bao trùm, xuyên suốt văn bản.

+ Mỗi văn bản nghị luận thường chỉ có một luận đề.

+ Luận đề có thể được nêu rõ ở nhan đề, ở một số câu hoặc có thể được khái quát từ toàn bộ nội dung của văn bản.

- Tác dụng: Luận đề trong văn bản nghị luận xã hội là hiện tượng hay vấn đề của đời sống được nêu để bàn luận.

 

b. Luận điểm:

- Khái niệm: Luận điểm là các ý triển khai những khía cạnh khác nhau của một luận đề trong văn bản nghị luận.

- Tác dụng: Qua luận điểm được trình bày, có thể nhận thấy ý kiến cụ thể của người viết về vấn đề được bàn luận.

1.1.2. Mối liên hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ, bằng chứng trong văn bản nghị luận

- Luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng là những yếu tố có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong văn bản nghị luận.

- Mối liên hệ này có tính tầng bậc:

+ Văn bản nghị luận trước hết phải có một luận đề.

Từ luận đề, người viết triển khai thành các luận điểm.

Mỗi luận điểm muốn có sức thuyết phục, cần được làm rõ bằng các lí lẽ và mỗi lí lẽ cần được chứng minh bằng các bằng chứng cụ thể.

- Có thể hình dung mối liên hệ này qua sơ đồ sau:

Sơ đồ thể hiện mối quan hệ giữa các vấn đề trong văn bản nghị luận

Xem chi văn bản nghị luận:

Hịch tướng sĩ - Trần Quốc Tuấn

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta - Hồ Chí Minh

1.2. Ôn tập thực hành tiếng Việt

1.2.1. Đoạn văn diễn dịch, quy nạp

- Đoạn văn diễn dịch: Đoạn văn có câu chủ đề được đặt ở đầu đoạn, những câu tiế theo triển khai các nội dung cụ thể để làm rõ chủ đề của đoạn văn.

- Đoạn văn quy nạp: Đoạn văn triển khai nội dung cụ thể trước, từ đó mới khái quá nội dung chung, được thể hiện bằng câu chủ đề ở cuối đoạn văn.

1.2.2. Đoạn văn song song, phối hợp

- Đoạn văn song song: Đoạn văn không có câu chủ đề, các câu trong đoạn có nội dung khác nhau, nhưng cùng hướng tới một chủ đề.

- Đoạn văn phối hợp: Đoạn văn kết hợp diễn dịch với quy nạp, có câu chủ đề ở đầu đoạn và cuối đoạn.

1.3. Ôn lại cách viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống

- Nêu được vấn đề nghị luận và giải thích để người đọc hiểu vì sao vấn đề này đáng được bàn đến.

- Trình bày rõ ý kiến về vấn đề được bàn; đưa ra được những lí lẽ thuyết phục, bằng chứng đa dạng để chứng minh ý kiến của người viết.

- Đối thoại với những ý kiến khác (giả định) nhằm khẳng định quan điểm của người viết.

- Nêu được ý nghĩa của vấn đề nghị luận và phương hướng hành động.

1.4. Ôn tập cách thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi

- Nêu được những thông tin chính xác, cô đọng về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi.

- Nói rõ lí do chọn vấn đề.

- Trình bày được suy nghĩ, hiểu biết và đánh giá của người nói về một vấn đề đã lựa chọn.

- Nêu được nội dung chính mà nhóm đã thảo luận và trình bày lại được nội dung đang thảo luận.

Bài tập minh họa

Tìm đọc một văn bản nghị luận bàn về xã hội, ghi vào vở luận đề, các luận điểm, các kiểu đoạn văn được sử dụng ở văn bản đó.

 

Phương pháp giải:

- Tìm đọc văn bản trên sách báo hoặc internet để trả lời.

 

Lời giải chi tiết:

“Chỉ cần có ước mơ đủ lớn, ý chí sẽ đưa bạn đến thành công”. Quả đúng là như vậy, khi bạn dám ước mơ, dám đặt ra mục tiêu lý tưởng cho mình thì chắc chắn ý chí sẽ là liều thuốc tiếp thêm sức mạnh để bạn chạm tay tới cánh cửa thành công. Sau khi học xong hai văn bản “Hê-ra-clét đi tìm táo vàng” và “Chiến thắng Mtao Mxây” đã cho ta thấy rằng sức mạnh ý chí đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi con người.

Ý chí không phải từ khi sinh ra chúng ta đã sở hữu nó mà ý chí được sinh ra trong quá trình chúng ta rèn luyện bản thân. Ý chí là nghị lực vươn lên trong cuộc sống, khi gặp khó khăn cũng không lùi bước, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành mục tiêu. Sức mạnh ý chí sẽ giúp cho con người vượt qua khó khăn một cách dễ dàng hơn và nhận được sự kính phục từ mọi người.

Người có sức mạnh ý chí là người luôn lạc quan trong cuộc sống, khi gặp khó khăn họ sẽ tìm cách để vượt qua chứ không chịu đầu hàng. Dẫu biết trên đời này không có ai là hoàn hảo nhưng chúng ta đều có thể cố gắng, trau dồi tri thức, làm đẹp cho bản thân để trở thành một phiên bản tốt nhất. Trong văn học, ta bắt gặp một Hê-ra-clét là người người phàm nhưng lại mang ý chí, sức mạnh phi thường. Sức mạnh ý chí chính là động lực giúp Hê-ra-clét chiến thắng các vị thần trong các cuộc giao đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đem táo vàng về cho nhà vua. Bên cạnh đó, nhân vật Đăm Săn trong “Chiến thắng Mtao Mxây” cũng là người anh hùng mà chúng ta đáng ngưỡng mộ. Đăm Săn đã chiến đấu oanh liệt để cứu vợ khi bị Mtao Mxây bắt vợ và trở thành tù trưởng đáng kính của buôn làng. Không chỉ trong văn học, ở cuộc sống đời thường ta vẫn luôn bắt gặp những tấm gương có ý chí, nghị lực phi thường. Chắc hẳn mỗi chúng ta đều nhớ câu chuyện về người thầy Nguyễn Ngọc Ký. Thầy Nguyễn Ngọc Ký bị bại liệt cả hai tay nhưng bằng một sức mạnh phi thường thầy đã học viết bằng chân và trở thành một người thầy giáo đáng kính. Có lẽ, những khiếm khuyết trên cơ thể cũng không thể làm khó được thầy bởi thầy luôn nuôi trong mình một ngọn lửa tràn đầy nhiệt huyết, một ngọn lửa của ý chí vững vàng. Bởi vậy, sức mạnh ý chí có vai trò vô cùng to lớn và quan trọng trong việc khẳng định bản thân và sự thành công của mỗi người. Sức mạnh ý chí giúp con người sống có mục tiêu, hành động rõ ràng và luôn luôn biết cố gắng để đạt được mục tiêu. Sức mạnh ý chí còn giúp cho con người đứng vững trước những phong ba, bão táp của cuộc đời.

Bên cạnh những tấm gương về sức mạnh ý chí thì vẫn còn tồn tại một bộ phận nhỏ những người không nhận ra tầm quan trọng của sức mạnh ý chí. Thật đáng phê phán những người hèn nhát, dám nghĩ nhưng không dám làm, những người không có ý chí, nghị lực, thấy khó khăn đã vội nản chí, có lối sống ích kỉ và chỉ biết dựa dẫm vào người khác để đạt được mong muốn.

Để cho cuộc sống của chúng ta tươi đẹp hơn và để cho mỗi ngày trôi qua là một ngày ý nghĩa thì mỗi chúng ta cần trau dồi, rèn luyện bản thân để không bị gục ngã khi gặp khó khăn, thất bại. Bên cạnh đó, chúng ta cần chọn cho mình một thái độ sống tích cực, biết vươn lên để khẳng định chính mình.

Sức mạnh ý chí đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công của mỗi người. Dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, khi bạn vấp ngã hay gặp khó khăn thì sức mạnh ý chí sẽ là nút gỡ giúp bạn vượt qua mọi trở ngại. Do vậy, bạn hãy tự tin khẳng định chính mình và bước ra khỏi “vùng an toàn” của mình để đem lại những năng lượng tích cực cho chính mình và mọi người xung quanh.

=> Xác định luận đề, luận điểm:

- Luận đề: Sức mạnh của ý chí con người

- Luận điểm:

+ “Sức mạnh ý chí có vai trò quan trọng trong việc khẳng định bản thân và sự thành công của mỗi người.”

+ “Sức mạnh ý chí giúp con người sống có mục tiêu, hành động rõ ràng và luôn luôn biết cố gắng để đạt được mục tiêu.”

- Kiểu đoạn văn: song song.

Lời kết

Học xong bài Củng cố, mở rộng Bài 3, các em cần:

- Nhận biết được nội dung bao quát; luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng tiêu biểu trong văn bản nghị luận.

Phân tích được mối liên hệ giữa luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng; vai trò của luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong việc thể hiện luận đề.

Phân biệt được lí lẽ, bằng chứng khách quan (có thể kiểm chứng được) với ý kiến, đánh giá chủ quan của người viết.

Liên hệ được nội dung nêu trong văn bản với những vấn đề của xã hội đương đại.

Nhận biết được đặc điểm và chức năng của các kiểu đoạn văn diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp; biết vận dụng trong tiếp nhận và tạo lập văn bản.

Viết được văn bản nghị luận về một vấn đề của đời sống.

Biết thảo luận ý kiến về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi; nắm bắt được nội dung chính mà nhóm đã thảo luận và trình bày lại được nội dung đó.

Có tinh thần yêu nước, có trách nhiệm đối với những vấn đề của cộng đồng.

Soạn bài Củng cố, mở rộng Bài 3 Ngữ văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Bài học Củng cố, mở rộng Bài 3: Vẻ đẹp cổ điển, sẽ giúp các em ôn tập kiến thức đã học về các đặc điểm cơ bản của văn bản nghị luận, đặc điểm và chức năng của các kiểu đoạn văn thường gặp, cách viết một bài văn phân tích và thảo luận về một vấn đề trong đời sống. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn:

Hỏi đáp bài Củng cố, mở rộng Bài 3 Ngữ văn 8 tập 1 Kết Nối Tri Thức

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

-- Mod Ngữ văn 8 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON