Bài học Tự đánh giá bài 2 dưới đây nhằm giúp các em học sinh ôn luyện lại thể thơ lục bát cùng những bài thơ đã học. Hy vọng rằng bài học này sẽ giúp các em dễ dàng hơn khi tiếp cận một bài học nằm trong sách mới - Cánh diều. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Tự đánh giá - Những điều bố yêu
Đọc văn bản Những điều bố yêu và thực hiện yêu câu bên dưới:
NHỮNG ĐIỀU BỐ YÊU
Ngày con khóc tiếng chào đời
Bố thành vụng dại trước lời hát ru
Cứ “À ơi, gió mùa thu”
“Con ong làm mật”, “Mù u! bướm vàng”…
Sau yêu cái chỗ con nằm
Thơm mùi sữa với chiếu thâm mấy quầng
Yêu sao ngang dọc, dọc ngang
Những hàng tã chéo mẹ giăng đầy nhà.
Thêm yêu dìu dịu nước hoa
Khi con muỗi đốt, bà xoa nhẹ nhàng
Và yêu một góc mặt bàn
Mèo con, chút chít xếp hàng đợi chơi.
Yêu ngày con gọi “Mẹ ơi”
Bước đi chập chững, Mặt Trời nhòm coi
Bao ngày, bao tháng dần trôi
Khắp nhà đầy ắp tiếng cười của con.
Để khi con vắng một hôm
Bố ngơ ngẩn nhớ, quên cơm bữa chiều.
Con ơi có biết bao điều
Sinh cùng con để bố yêu một đời.
(Nguyễn Chí Thuật, Báo Giáo dục và Thời đại Chủ nhật, số 35, 1999)
(1) Bài thơ Những điều bố yêu được viết theo thể thơ nào?
A. Thể thơ tự do
B. Thể thơ lục bát
C. Thể thơ năm chữ
D. Thể thơ bốn chữ
Đáp án:
B. Thể thơ lục bát
-> Bài thơ Những điều bố yêu được viết theo thể thơ lục bát.
(2) Bài thơ là lời bày tỏ cảm xúc của ai?
A. Người bố
B. Người con
C. Người mẹ
D. Người bà
Đáp án:
A. Người bố
-> Bài thơ là lời bày tỏ cảm xúc của người bố.
(3) Cách ngắt nhịp nào thể hiện đúng nghĩa của khổ thơ?
A.
Ngày con khóc tiếng chào đời/
Bố thành vụng dại/trước lời hát ru
Cứ “À ơi,/gió mùa thu”
“Con ong làm mật”,/“Mù u bướm vàng”...
B.
Ngày con/khóc tiếng/chào đời
Bố thành/vụng dại/trước lời/hát ru
Cứ “À/ơi, gió/mùa thu”
“Con ong/làm mật”,/“Mù u/bướm vàng”...
C.
Ngày con/khóc tiếng chào đời
Bố thành/vụng dại trước lời hát ru
Cứ “À/ơi, gió mùa thu”
“Con ong làm mật,/“Mù u bướm vàng”...
D.
Ngày con khóc tiếng / chào đời
Bố thành vụng dại trước lời / hát ru
Cứ “À ơi, gió mùa thu”/
“Con ong làm mật,/“Mù u bướm vàng”...
Đáp án:
A.
Ngày con khóc tiếng chào đời/
Bố thành vụng dại/trước lời hát ru
Cứ “À ơi,/gió mùa thu”
“Con ong làm mật”,/“Mù u bướm vàng”...
-> Cách ngắt nhịp thể hiện đúng nghĩa của khổ thơ là:
Ngày con khóc tiếng chào đời/
Bố thành vụng dại/trước lời hát ru
Cứ “À ơi,/gió mùa thu”
“Con ong làm mật”,/“Mù u bướm vàng”...
(4) Điệp từ nào được sử dụng trong bài thơ để thể hiện trực tiếp tình cảm mà tác giả muốn bộc lộ?
A. Con
B. Bao
C. Bố
D. Yêu
Đáp án:
D. Yêu
-> Điệp từ "yêu" được sử dụng trong bài thơ để thể hiện trực tiếp tình cảm mà tác giả muốn bộc lộ.
(5) Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì trong dòng thơ “Khắp nhà đầy ắp tiếng cười của con”?
A. So sánh
B. Nhân hoá
C. Ẩn dụ
D. Liệt kê
Đáp án:
C. Ẩn dụ
-> Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ trong dòng thơ “Khắp nhà đầy ắp tiếng cười của con”.
(6) Hai dòng thơ nào nói được tất cả những điều mà người bố yêu?
A.
Ngày con khóc tiếng chào đời
Bố thành vụng dại trước lời hát ru.
B.
Và yêu một góc mặt bàn
Mèo con, chút chít xếp hàng đợi chơi.
C.
Yêu ngày con gọi “Mẹ ơi”
Bước đi chập chững, mặt trời nhòm coi.
D.
Con ơi có biết bao điều
Sinh cùng con để bố yêu một đời.
Đáp án:
D.
Con ơi có biết bao điều
Sinh cùng con để bố yêu một đời.
-> Hai dòng thơ nói được tất cả những điều mà người bố yêu là:
Con ơi có biết bao điều
Sinh cùng con để bố yêu một đời.
(7) Trong khổ thơ thứ nhất, những tiếng nào được gieo vần với nhau?
A. Đời - lời; ru - thu - u
B. Đời - ru; thu - u - vàng
C. Chào - hát; ru - thu - u
D. Đời - lời; hát - thu - u
Đáp án:
A. Đời - lời; ru - thu - u
-> Trong khổ thơ thứ nhất, những tiếng được gieo vần với nhau là: Đời - lời; ru - thu - u.
(8) Bài thơ Những điều bố yêu có điểm gì khác với bài thơ À ơi tay mẹ (Bình Nguyên) và Về thăm mẹ (Đinh Nam Khương)?
A. Viết về tình cảm gia đình
B. Viết theo thể thơ lục bát
C. Diễn tả tâm trạng của người cha
D. Thể hiện tình cảm sâu nặng
Đáp án:
C. Diễn tả tâm trạng của người cha
-> Bài thơ Những điều bố yêu có điểm khác với bài thơ À ơi tay mẹ (Bình Nguyên) và Về thăm mẹ (Đinh Nam Khương) ở chỗ: Diễn tả tâm trạng của người cha.
(9) Bài Những điều bố yêu giống các bài thơ và ca dao (Bài 2) ở điểm nào?
A. Đều là ca dao
B. Đều là thể thơ lục bát
C. Đều thể hiện tình cảm cha con
D. Đều là thơ hiện đại
Đáp án:
B. Đều là thể thơ lục bát
-> Bài Những điều bố yêu giống các bài thơ và ca dao (Bài 2) ở điểm đều là thể thơ lục bát.
(10) Viết một đoạn văn (khoảng 5 - 7 dòng) phát biểu cảm nghĩ của em về bài thơ Những điều bố yêu.
Gợi ý:
Khi đọc bài thơ “Những điều bố yêu”, người đọc sẽ cảm nhận được tình phụ tử sâu sắc. Đối với người bố, ngày con sinh ra đời là ngày hạnh phúc nhất. Trong suốt quá trình trưởng thành của con, bố mẹ luôn ở bên cạnh quan tâm, chăm sóc và chứng kiến. Tiếng gọi “Mẹ” đầu tiên, mỗi bước đi chập chững, hay cả tiếng cười của con đều khiến bố cảm thấy yêu thương. Và chỉ xa con một chút thôi, bố cũng cảm thấy ngẩn ngơ, nhớ mong. Có thể thấy tình cảm của người cha tuy thầm lặng, nhưng cũng rất sâu nặng.
1.2. Hướng dẫn tự học
- Tiếp tục tìm hiểu đặc điểm thơ lục bát qua việc thực hành làm thơ lục bát theo đề tài tự chọn.
- Đọc sách báo, truy cập internet, tìm hiểu và sưu tâm các bài ca dao hoặc bài thơ hay viết về đề tài gia đình theo thể lục bát.
Bài tập minh họa
Bài tập: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về một bài thơ lục bát mà em thích.
a. Hướng dẫn giải:
- Đoạn văn cần có mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn.
- Nên chọn bài thơ lục bát mà em nắm kĩ nội dung, tâm đắc nhất.
- Cảm nhận có thể là: Vui, buồn, thán phục, yêu mến,...
b. Lời giải chi tiết:
Ca dao dân ca là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng chúng ta từ thuở lọt lòng. Dòng sữa tinh thần ấy lan xa theo hương lúa, cánh cò, trầm bổng ngân nga theo nhịp chèo của con thuyền xuôi ngược, âu yếm thiết tha như lời ru của mẹ... như khúc hát tâm tình quê hương đã thấm sâu vào tâm hồn tuổi thơ mỗi người. Em nhớ mãi lời ru của bà của mẹ:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Lời ca dao tuy giản dị mà ý nghĩa thật lớn lao, nó ca ngợi công lao trời biển của cha mẹ và nhắc nhở đạo làm con phải lấy chữ hiếu làm đầu. Cha mẹ sinh con ra, nuôi con mau lớn thành người. Tấm lòng cha mẹ dành cho con thật vô tận, nó chỉ có thể sánh với núi sông hùng vĩ trường cửu mà thôi. Công cha lớn lao như núi, cha thức khuya dậy sớm làm lụng vất vả lo cho con có cơm ăn áo mặc, học hành, khôn lớn thành người. Người cha như chỗ dựa tinh thần và vật chất cho con, cha nâng niu ôm ấp chăm chút cho con, ai có thể quên công lao trời biển ấy. Chín tháng mang nặng rồi đẻ đau, mẹ chắt chiu từng giọt sữa ngọt ngào nuôi con khôn lớn. Lúc con khỏe mạnh cũng như khi ốm đau lòng mẹ giành cho con: như biển Thái Bình dạt dào. Không có cha mẹ làm sao có chúng ta được: con có cha mẹ, không ai ở lỗ nẻ mà lên, tục ngữ đã dạy ta bài học đó. Câu ca dao đã nâng công lao của cha mẹ lên tầm kỳ vĩ sánh với vũ trụ, đất trời. Những hình ảnh tuy giản dị đơn sơ mà thấm đượm lòng biết ơn vô hạn của con cái với mẹ cha. Ngày nay chữ hiếu không chỉ dừng ở góc độ gia đình, rộng hơn là hiếu với dân, với nước. Có được như vậy mới nhằm xây dựng một xã hội lành mạnh, đẹp đẽ hơn, mà trước hết phải từ gia đình sống với nhau hiếu thuận có đạo đức. Bài ca dao trên cũng như phần lớn các bài ca dao khác với nghệ thuận so sánh ví von, lời thơ cân xứng hài hoà, hình ảnh giản dị mà hàm xúc... đã nhằm nói lên được tình cảm gia đình sâu sắc. Tính truyền cảm, nội dung giáo dục mạnh mẽ đã làm cho nó sống mãi với chúng ta bao đời nay.
Lời kết
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Rèn luyện khả năng nhận biết và phân tích một bài thơ lục bát.
+ Trau dồi thêm vốn từ cho bản thân.
Hỏi đáp bài Tự đánh giá bài 2 Ngữ văn 6
Trong quá trình tìm hiểu bài học này, nếu có bất cứ khó khăn gì các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247