Học247 xin gửi đến các em học sinh lớp 6 bài soạn Thực hành Tiếng Việt (Trang 99) nằm trong chương trình mới - Kết nối tri thức dưới đây nhằm giúp các em dễ dàng hơn khi tiến hành phân tích và vận dụng biện pháp tu từ hoán dụ trong một văn bản cụ thể. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để nắm vững hơn nội dung bài học, các em có thể tham khảo thêm Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Trang 99) tóm tắt.
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Khái niệm và các kiểu hoán dụ
- Khái niệm: Hoán dụ là biện pháp tu từ dùng từ ngữ vốn chỉ sự vật, hiện tượng này để gọi tên sự vật, hiện tượng khác có mối quan hệ tương cận (gần nhau) nhằm tăng khả năng gợi hình gợi cảm cho sự diễn đạt.
- Các kiểu hoán dụ:
+ Chỉ lấy một bộ phận để gọi toàn thể.
+ Lấy vật chứa đựng gọi vật bị chứa đựng.
+ Lấy dấu hiệu sự vật để gọi các sự vật.
+ Lấy những cái cụ thể để nói về cái trừu tượng.
1.2. Nhận biết hoán dụ
- Khi nhận biết hoán dụ cần chú ý những sự vật, hiện tượng khác có mối quan hệ tương cận trong ngữ liệu cụ thể.
2. Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Trang 99)
Câu 1. Các từ ngữ in đậm trong những câu sau có ý nghĩa hoán dụ. Em hãy giải thích nghĩa của các từ ngữ đó:
a. Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm trên chiếc giường tre, tre với mình sống có nhau, chết có nhau, chung thủy.
b. Tre giữ làng giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín.
c. Thị thơm thì giấu người thơm/Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà.
Trả lời:
a.
- Nhắm mắt xuôi tay: ý chỉ cái chết nhẹ nhàng, thanh thản.
b.
- Mái nhà tranh: gia đình của con người
- Đồng lúa chín: ý chỉ thành quả lao động của người nông dân.
c.
- Áo cơm cửa nhà: ý chỉ cuộc sống sung túc ấm no.
Câu 2. Chỉ ra các biện pháp tu từ được sử dụng trong những câu sau và nêu tác dụng của chúng:
a. Đời cha ông với đời tôi/Như con sông với chân trời đã xa
b. Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng đại bác.
Trả lời:
a. Đời cha ông với đời tôi/Như con sông với chân trời đã xa
- Biện pháp tu từ: so sánh.
- Tác dụng: Cho thấy khoảng cách xa xôi của thế hệ cha ông với con cháu.
b. Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng đại bác.
- Điệp ngữ: tre
- Tác dụng: Nhấn mạnh vai trò của tre trong công cuộc bảo vệ đất nước.
Câu 3. Những dòng thơ Đẽo cày theo ý người ta/ Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì gợi cho em liên tưởng đến thành ngữ nào? Giải thích ý nghĩa ngắn gọn của thành ngữ đó.
Trả lời:
- Những dòng thơ Đẽo cày theo ý người ta/ Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì gợi cho em liên tưởng đến thành ngữ: “Đẽo cày giữa đường”.
- Ý nghĩa: thành ngữ phê phán những người quá nghe theo ý kiến người khác mà không soi xét kĩ lưỡng, dẫn đến các việc làm không thành công.
Câu 4. Tre già măng mọc là một thành ngữ quen thuộc. Dựa vào bài Cây tre Việt Nam, hãy nêu cách hiểu của em về thành ngữ này.
Trả lời:
- Tre - Măng: Loại cây thường được người Việt Nam dùng để làm những vật dụng trong cuộc sống
- Già - Mọc: Ở đây có nghĩa là những cây già sẽ chết để làm chất dinh dưỡng nuôi cây non mọc lên
=> Ý nghĩa thành ngữ tre già măng mọc có nghĩa là: Thế hệ trước sẽ đào tạo thế hệ sau để thế hệ sau có kinh nghiệm và phát triển những gì mà thế hệ trước đã tạo ra và sau đó sẽ truyền lại cho thế hệ sau nữa, cứ thế cứ thế mà thế hệ trẻ luôn kế thừa và sẽ phát huy nó. Tre và măng luôn mọc gần nhau vì thế tre già luôn che chở và bảo vệ măng tránh ánh nắng mặt trời để cho măng lớn và phát triển. Hình ảnh tre và măng tựa vào nhau và cứ thế cứ thế hệ này sẽ tiếp nối thế hệ trước để phát huy.
Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Thực hành Tiếng Việt (Trang 99).
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu hỏi: Viết một đoạn văn có sử dụng phép hoán dụ và chỉ ra phép hoán dụ được sử dụng trong đoạn văn.
Trả lời:
Hè đến, cánh đồng lúa thay màu áo mới màu vàng tươi như tấm thảm khổng lồ trải dài tít tắp đến tấn chân trời. Những bông lúa cong cong uốn mình với những hạt thóc căng tròn, nặng trĩu. Thấp thoáng trên cánh đồng là những chiêc nón trắng của các bác nông dân đang làm việc vất vả trên cánh đồng. Tay niềm tay hái đưa thoăn thoắt không biết mệt mỏi. Những giọt mồ hôi lấm tấm rơi trên khuôn mặt các cô, các bác nhưng tiếng cười iếng nói vẫn vang vọng bời một vụ mùa bội thu xóa tan đi cái nắng hè oi ả. Nhìn thấy sự vất vả các các cô các bác em lại chợt nhớ đến câu ca dao: "Cày đồng đang buổi ban trưa/ Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày" từ đó càng thêm trân quý hạt cơm, hạt gạo hơn.
- Hoán dụ: Tay niềm tay hái - chỉ những người nông dân (Lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật).
4. Hỏi đáp về bài Thực hành Tiếng Việt (Trang 99) Ngữ văn 6
Khi có vấn đề khó hiểu trong bài soạn này cần giải đáp, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.