YOMEDIA
NONE

Soạn bài Củng cố, mở rộng trang 47 - Ngữ Văn 6 Tập 2 Kết nối tri thức

Mời các em học sinh cùng tham khảo bài soạn Củng cố và mở rộng trang 47 thuộc sách Kết nối tri thức dưới đây nhằm giúp các em ôn luyện lại những kiến thức về các văn bản truyện cổ tích đã học. Đồng thời, bài soạn này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, để nắm vững hơn nội dung bài học, các em có thể tham khảo thêm Soạn bài Củng cố và mở rộng trang 47 tóm tắt.

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Ôn lại đặc điểm của thể loại truyện cổ tích

- Truyện cổ tích là loại truyện dân gian có nhiều yếu tố hư cấu, kì ảo, kể về số phận và cuộc đời của các nhân vật trong những mối quan hệ xã hội. Truyện cổ tích thể hiện cái nhìn về hiện thực, bộc lộ quan niệm đạo đức, lẽ công bằng và ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp ơn của người lao động xưa.

- Một số yếu tố của truyện cổ tích:

+ Truyện cổ tích thường kể về những xung đột trong gia đình, xã hội, phản ánh số phận của các cá nhân và thể hiện ước mơ đổi thay số phận của chính họ.

+ Nhân vật trong truyện cổ tích đại diện cho các kiểu người khác nhau trong xã hội, thường được chia làm hai tuyến: chính diện (tốt, thiện) và phản diện (xấu, ác).

+ Các chi tiết, sự việc thường có tính chất hoang đường, kì ảo.

+ Truyện được kể theo trật tự thời gian tuyến tính, thể hiện rõ quan hệ nhân quả giữa các sự kiện.

+ Lời kể trong truyện cổ tích thường mở đầu bằng những từ ngữ chỉ không gian, thời gian không xác định. Tùy thuộc vào bối cảnh, người kể chuyện có thể thay đổi một số chi tiết trong lời kể, tạo ra nhiều bản kể khác nhau ở cùng một cốt truyện.

1.2. Ôn lại các văn bản truyện cổ tích đã học

- Truyện cổ tích Cây khế.

- Truyện cổ tích Thạch Sanh.

- Truyện cổ tích Vua chích chòe.

2. Soạn bài Củng cố và mở rộng trang 47

Câu 1. Điền thông tin về các đặc điểm của truyện cổ tích.

Trả lời:

Các yếu tố

Đặc điểm

Chủ đề

Những xung đột trong gia đình, xã hội phản ánh số phận của các cá nhân và thể hiện ước mơ đổi thay số phận của chính họ.

Nhân vật

Đại diện cho các kiểu người khác nhau trong xã hội, thường được chia làm hai tuyến: chính diện (tốt, thiện) và phản diện (xấu, ác)

Cốt truyện

Truyện được kể theo trật tự thời gian tuyến tính, thể hiện rõ quan hệ nhân quả giữa các sự kiện.

Lời kể

Lời kể trong truyện cổ tích thường mở đầu bằng những từ ngữ chỉ không gian, thời gian không xác định.

Yếu tố kì ảo

Các chi tiết, sự việc thường có tính chất hoang đường, kì ảo

Câu 2. Sưu tầm một số bản kể hoặc các hình thức kể khác (truyện, thơ, kịch, phim hoạt hình...) của các truyện cổ tích Thạch Sanh và Cây khế. So sánh và nêu nhận xét về sự giống nhau và khác nhau giữa các bản kể hoặc các hình thức kể đó.

Trả lời:

- Một số bản kể hình thức khác của truyện cổ tích Thạch Sanh: Thạch Sanh (Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi); Thạch Sanh Lý Thông (thơ, Dương Thanh Bạch).

- Một số bản kể hình thức khác của truyện cổ tích Cây khế: Ăn khế trả vàng (phim)...

- So sánh:

  • Giống nhau: Các nhân vật chính, sự kiện chính trong truyện.
  • Khác nhau: Hình thức thể hiện (thơ, phim…); Cách kể các sự kiện hoặc kết thúc…

Câu 3. Hãy thử phác họa "thế giới cổ tích" như em biết bằng đoạn văn (khoảng 5-7 câu).

Trả lời:

Em lại thong dong thả bước chậm rãi. Trên bãi cỏ non xanh, một bầy hươu đang nhởn nhơ gặm cỏ. Em mải mê bước theo chú hươu sao có cặp sừng tuyệt đẹp. Một khu rừng hiện ra trước mắt em. Tiếng chim hót ríu rít, suối chảy róc rách, những bông hoa rực rỡ lạ kì đang ngả đầu vào nhau thì thầm trò chuyện. Em dừng lại trước một tảng đá lớn màu trắng đục. Cạnh tảng đá là một cây cau cao vút, tàu cau rủ xuống như âu yếm, chở che. Một dây trầu với những chiếc lá xanh mượt mềm mại quấn chặt lấy thân cau như chẳng muốn rời.

Các em có thể tham khảo bài giảng Củng cố, mở rộng trang 47 để củng cố hơn nội dung bài học.

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Em hãy kể lại truyện cổ tích Cây khế bằng lời của Chim Thần.

Trả lời:

Văn học Việt Nam là kho tàng của những câu ca dao tục ngữ, những câu chuyện cổ tích đã nhẹ nhàng đi vào lời ru của bà, của mẹ. “Cây khế” là một trong những truyện cổ tích gần gũi, thân quen với tuổi thơ các bạn nhỏ. Tôi chính là nhân vật Chim Thần trong truyện cổ tích đó. Hôm nay, tôi xin được kể lại câu chuyện để chúng ta cùng suy nghĩ ý nghĩa của nó.

Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ đều mất sớm. Người anh tham lam lười biếng. Người em lại hiền lành, chăm chỉ. Khi hai anh em lấy vợ chưa được bao lâu thì người anh chia gia tài. Vốn bản tính tham lam sẵn có lại cậy thế mình là anh cả hắn chiếm hết tài sản cha mẹ để lại chỉ cho người em một mảnh vườn nhỏ và cây khế ngọt. Vợ chồng người anh sống sung sướng, an nhàn trên gia tài có sẵn còn người em thì phải đi cày thuê cuốc mướn sống qua ngày. Tuy cuộc sống vất vả nhưng ngày nào người em cũng không quên tưới nước, chăm sóc cho cây khế.

Mùa khế năm ấy, cây khế trong vườn nhà người em ra hoa kết trái, cành nào cành ấy đều sai trĩu quả. Vợ chồng người em thầm nghĩ bán quả lấy tiền mua thóc gạo. Tôi vốn rất thích ăn trái cây. Một hôm, tình cờ lại bay ngang qua khu vườn của người em, thấy những quả khế chín mọng hấp dẫn, tôi vội sà xuống ăn hết trái này đến trái khác. Thấy tôi ăn khế, người em ở đâu đi đến đứng ngước mắt nhìn tôi, anh ta không đuổi tôi đi mà chỉ buồn rầu than thở với tôi:

- Chim ơi! Gia tài nhà tôi chỉ có mỗi cây khế này thôi. Chim ăn hết rồi, tôi biết lấy gì để sống?

Tôi vốn là loài chim biết trả ơn bèn đáp:

- Ăn một quả, trả một cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.

Vợ chồng người em có vẻ bất ngờ vì tôi biết nói tiếng người. Nhưng cũng theo lời đi may một cái túi ba gang. Mấy hôm sau, theo như lời hẹn, tôi bay đến chở người em ra đảo lấy vàng. Người em thấy vàng chất đầy đảo nhưng không hề tỏ vẻ tham lam, chỉ lấy đủ một túi ba gang rồi nhờ tôi chở về nhà. Từ đó, cuộc sống người em trở nên sung túc, giàu có. Vợ chồng người em còn đem tiền và gạo giúp đỡ mọi người trong vùng.

Chuyện đến tai người anh. Người em không giấu diếm kể hết sự việc. Lòng tham nổi lên, người anh bèn gạ đổi gia tài của mình để lấy cây khế. Vợ chồng người em đồng ý, thế là anh ta chuyển về chỗ người em ở. Mùa khế ra hoa kết trái năm sau tôi lại đến ăn như lần trước.

Người anh cũng than thở với tôi y như người em. Tôi vẫn đáp:

- Ăn một quả, trả một cục vàng. May túi ba gang, mang đi mà đựng.

Anh ta vui mừng khôn xiết, nhưng hai vợ chồng người anh lại may một cái túi to đến mười hai gang. Tôi đưa anh ta đến đảo lấy vàng. Đến nơi, anh ta hoa cả mắt, hì hục nhét vàng bạc châu báu chật cứng cả cái túi mười hai gang và cố gắng nhét đầy mọi chỗ trên người mình. Lúc trở về, ì à ì ạch leo lên lại tụt xuống mãi hắn mới bò lên được lưng tôi. Nhưng vì nặng quá, tôi phải vỗ cánh đến mấy lần mới nhấc mình lên khỏi mặt đất được. Đường về nhà hắn phải bay qua biển rộng, phần vì chở quá nặng, phần vì có một luồng gió bất chợt thổi đến, tôi không giữ được thăng bằng, bèn nghiêng cánh hất hắn và cả túi vàng xuống biển sâu.

Câu chuyện qua đã lâu nhưng vẫn nhắc nhở mỗi người không nên tham lam. Tham lam sẽ nhận lại hậu quả thích đáng.

(Sưu tầm)

4. Hỏi đáp về bài Củng cố và mở rộng trang 47 Ngữ văn 6

Khi gặp bất cứ khó khăn gì trong việc tìm hiểu bài soạn này, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON