Trong cuộc sống, có trải nghiệm đem lại cho em niềm vui, sự tự hào, hạnh phúc; có trải nghiệm để lại trong em nỗi buồn, sự sợ hãi hoặc nối tiếp,… Nhưng dù thế nào, từ những trải nghiệm đó, em có thể rút ra những bài học để trưởng thành hơn. Để các em dễ dàng viết được một bài văn trải nghiệm thực hành kể trước lớp học, Học247 mời các em cùng tham khảo bài học nằm trong chương trình sách Kết nối tri thức dưới đây: Kể về một trải nghiệm của em.
Tóm tắt bài
1.1. Ôn lại yêu cầu đối với bài văn kể về một trải nghiệm
- Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất.
- Giới thiệu được trải nghiệm đáng nhớ.
- Tập trung vào sự việc đã được xảy ra.
- Sắp xếp các sự việc, chi tiết theo trình tự hợp lí.
- Sử dụng các chi tiết miêu tả cụ thể về thời gian, không gian, nhân vật và diễn biến câu chuyện.
- Thể hiện được cảm xúc của người viết trước sự việc được kể, rút ra được ý nghĩa, sự quan trọng của trải nghiệm đối với người viết.
1.2. Các bước kể về một trải nghiệm của em
a. Trước khi nói:
* Chuẩn bị nội dung nói:
- Đánh giá những từ ngữ, câu văn quan trọng mà khi trình bày không thể bỏ qua, như:
- Câu văn giới thiệu trải nghiệm em muốn kể.
- Những từ ngữ giới thiệu thời gian, không gian, nhân vật trong câu chuyện.
- Những câu văn trình bày diễn biến của câu chuyện.
- Những từ ngữ thể hiện cảm xúc của em trước sự việc được kể.
- Ghi ngắn gọn ra giấy một số ý quan trọng không thể bỏ qua khi trình bày bài nói như: thời gian, không gian, nhân vật, sự việc, cảm xúc của bản thân…
- Mục đích nói: Nói về trải nghiệm cá nhân để chia sẻ với người nghe về một kinh nghiệm trong cuộc sống và thể hiện bản thân.
- Người nghe: Thầy cô, bạn bè, người thân và những người quan tâm đến trải nghiệm em chia sẻ.
* Tập luyện:
- Trình bày trước bạn bè, thầy cô, người thân…
- Kết hợp ngôn ngữ hình thể, giọng điệu tự nhiên…
b. Trình bày bài nói:
- Sử dụng hiệu quả các ghi chú (viết trên một vài mảnh giấy giỏ) để không bỏ sót ý.
- Sử dụng phương tiện hỗ trợ (tranh ảnh, đoạn phim ngắn…) để bài nói thú vị và hấp dẫn hơn.
c. Sau khi nói:
Các nội dung cần trao đổi như:
- Sự phù hợp của việc sử dụng các yếu tố phi ngôn ngữ (điệu bộ, cử chỉ, nét mặt…)
- Hiệu quả của các phương tiện hỗ trợ (tranh ảnh, đoạn phim ngắn…) trong khi trình bày.
Bài tập minh họa
Bài tập: Em hãy thực hành nói trước tập thể để kể về một trải nghiệm mà em luôn nhớ mãi.
a. Hướng dẫn giải:
- Đọc kĩ lại các bước thực hành kể lại một trải nghiệm của em để giải bài tập này.
- Gợi ý các trải nghiệm như: lỗi lầm của bản thân, kì nghỉ đáng nhớ,...
b. Lời giải chi tiết:
- Mở đầu: Kính chào thầy cô và các bạn, sau đây tôi xin phép được trình bày về vấn đề… (nội dung vấn đề)
- Trình bày vấn đề:
Quãng đời học sinh đều có những kỉ niệm về ngày khai giảng. Trong kí ức của tôi, ngày khai giảng vào lớp một là đáng nhớ nhất.
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in giai điệu của bài hát “Ngày đầu tiên đi học” đã vang lên trong buổi khai trường hôm ấy. Sáng hôm ấy, tôi thức dậy từ rất sớm. Chuẩn bị cặp sách và quần áo xong, tôi được mẹ đưa đến trường. Con đường đến trường ngày hôm nay thật khác lạ. Có lẽ vì tôi cảm nhận được trong mình đã thay đổi - trở thành một học sinh lớp một.
Khi đến trường, ấn tượng đầu tiên của tôi là ngôi trường hôm nay thật đẹp đẽ hơn mọi ngày. Sân trường sạch sẽ và được phủ đầy bởi những hàng ghế thẳng tắp. Các bạn và các anh chị học sinh trong bộ đồng phục mới, khuôn mặt ai nấy đều rạng ngời. Các cô giáo trông thật xinh đẹp trong những bộ áo dài nhiều màu sắc. Tôi được mẹ đưa đến phía hàng của lớp 1A rồi khẽ nói lời chào tạm biệt. Theo lời cô giáo, một lát nữa thôi, khối lớp 1 sẽ bắt đầu diễu hành trước toàn trường.
Ít phút sau, buổi diễu hành diễn ra. Lớp chúng tôi sẽ diễu hành đầu tiên. Trong bộ đồng đồng phục mới tinh, tôi cảm thấy vô cùng tự hào. Đặc biệt hơn là khi nghe tiếng vỗ tay của các anh chị lớp trên để đón chào chúng tôi. Tiếng trống cùng với tiếng bước chân của các bạn học sinh làm trái tim tôi cảm thấy thật rộn ràng. Sau buổi diễu hành, thầy hiệu trưởng phát biểu để chào mừng những học sinh lớp một. Tuy rằng không thể nhớ rõ được những lời thầy nói, nhưng giọng nói ấm áp của thầy đến giờ vẫn còn vang vọng trong lòng tôi. Nhưng điều làm tôi nhớ nhất trong buổi lễ khai giảng hôm đó chính là tiếng trống khai trường. Tiếng trống báo hiệu một năm học mới đã bắt đầu. Tiếng trống vang vọng trong kí ức về một buổi đầu khai trường thật ý nghĩa và thiêng liêng trong cuộc đời học sinh. Nó giống như một bước ngoặc lớn trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ vậy.
Kỉ niệm về buổi khai giảng đầu tiên vẫn còn in đậm trong kí ức của tôi. Đó chính là hành trang cho tôi trên những chặng đường tiếp theo.
- Kết thúc: Dưới đây là phần trình bày của tôi, cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe.
(Sưu tầm)
Lời kết
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Chuẩn bị được một bài thực hành nói trước tập thể về một trải nghiệm đáng nhớ của em.
+ Rèn luyện và nâng cao kĩ năng thực hành nói trước tập thể lớp học.
Soạn bài Kể về một trải nghiệm của em
Bài học Kể lại một trải nghiệm của em nhằm giúp các em có cơ hội chia sẻ những câu chuyện, những trải nghiệm để lại cho các em nhiều bài học hay và bổ ích. Để hiểu hơn về bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
Hỏi đáp bài Kể về một trải nghiệm của em Ngữ văn 6
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số văn mẫu bài Kể lại một trải nghiệm của bản thân Ngữ văn 6
Để rèn luyện kĩ năng viết bài văn kể lại một trải nghiệm của bản thân, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247