YOMEDIA
NONE

Cô bé bán diêm - Ngữ văn 6 Tập 2 Cánh diều


Mời quý thầy cô và các em học sinh cùng tham khảo bài học Cô bé bán diêm nằm trong chương trình mới - Cánh diều, bài học này giúp các em hiểu hơn về nhà văn An-đéc-xen. Bên cạnh đó, bài học này còn gợi lên cho chúng ta lòng thương cảm đối với một em bé bất hạnh, lay động trong ta tình thương và niềm tin ở con người, nhất là những con người phải đối mặt với những khó khăn thử thách ở đời vẫn không nguôi mong muốn, khát vọng những điều tốt đẹp nhất. Mời các em cùng tham khảo nhé!

ADSENSE
YOMEDIA
 

Tóm tắt bài

1.1. Chuẩn bị

a. Tác giải, tác phẩm:

* Tác giả:

- An-đéc-xen (1805 - 1875) là nhà văn người Đan Mạch nổi tiếng với loại truyện kể cho trẻ em.

- Nhiều truyện của ông được biên soạn lại từ những truyện cổ tích, nhưng cũng có những truyện do ông sáng tạo ra.

- Một số tác phẩm quen thuộc như: Cô bé bán diêm, Bầy chim thiên nga, Nàng tiên cá, Bộ quần áo mới của hoàng đế, Nàng công chúa và hạt đậu…

* Tác phẩm:

- “Cô bé bán diêm” là một trong những truyện nổi tiếng nhất của nhà văn An- đéc- xen.

- Tóm tắt: Trong đêm giao thừa rét mướt, một cô bé đầu trần, chân đi đất, bụng đói nhưng phải đi bán diêm. Cô bé ấy đã mồ côi mẹ và ngay cả bà nội - người yêu thương em nhất cũng đã qua đời. Em không dám về nhà vì sợ bố sẽ đánh em. Vừa lạnh vừa đói, cô bé ngồi nép vào một góc tường rồi khẽ quẹt một que diêm để sưởi ấm. Que diêm thứ nhất cho em có cảm giác ấm áp như ngồi bên lò sưởi. Em vội quẹt que diêm thứ hai, một bàn ăn thịnh soạn hiện lên. Đến quẹt que diêm thứ ba thì một cây thông Noel. Quẹt que diêm thứ tư được thắp lên, lần này là bà nội với khuôn mặt hiền từ hiện ra. Những ảo ảnh đó nhanh chóng tan đi sau sự vụt tắt của que diêm. Em vội vàng quẹt hết cả bao diêm để mong níu bà nội lại. Cuối cùng, cô bé bán diêm đã chết rét trong đêm giao thừa lạnh giá.

b. Tìm hiểu từ khó:

- Hiền hậu: Hiền lành và tốt bụng.

- Gia sản: Tài sản của gia đình.

- Lãnh đạm: Lạnh lùng, thờ ơ.

- Gió bấc: Gió lạnh, thổi từ hướng Bắc.

- Thịnh soạn: Có nhiều món ăn ngon, sang.

c. Nội dung chính:

- Truyện gửi gắm bài học về tình yêu thương giữa con người, phê phán lối sống thờ ơ, vô cảm.

d. Bố cục:

Gồm 3 phần:

- Phần 1: Từ đầu đến “đờ ra”: Hoàn cảnh của cô bé bán diêm.

- Phần 2: Tiếp đến “về chầu thượng đế”: Các lần quẹt diêm và mộng tưởng.

- Phần 3: Còn lại: Cái chết thương tâm của cô bé bán diêm.

1.2. Đọc hiểu

a. Hoàn cảnh của cô bé bán diêm:

- Nhà nghèo, mẹ chết sớm, sống với bố và bà nội rồi bà nội cũng qua đời. Người bố khó tính luôn chửi rủa, đánh đập → Em phải đi bán diêm kiếm sống.

-> Hoàn cảnh cô bé thật éo le: mồ côi, thiếu thốn tình thương, phải tự vất vả kiếm sống, bị người cha đối xử hết sức tàn nhẫn.

- Bối cảnh của truyện: Đêm giao thừa, ngoài đường phố rét mướt (nhiệt độ có khi xuống tới không độ) em bé “ngồi nép trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà...” mong cho đỡ lạnh.

=> Bối cảnh truyện làm tăng sự cô đơn và tình cảnh tội nghiệp của cô bé.

- Các hình ảnh tương phản, đối lập:

+ Trời đông giá rét, tuyết rơi, cô bé đầu trần,chân đi đất.

+ Đường lạnh buốt tối đen >< cửa sổ mọi nhà đều sáng rực đèn.

+ Em bé bụng đói cả ngày chưa ăn >< bàn ăn thịnh soạn sực nức mùi ngỗng quay.

+ Xó tối tăm >< ngôi nhà có dây thường xuân bao quanh năm xưa khi bà nội còn sống.

b. Các lần quẹt diêm và mộng tưởng:

- Cô bé đã trải qua 4 lần quẹt diêm với những tưởng tượng lần lượt xuất hiện:

  • Lần thứ nhất: Mơ ước có lò sưởi - mong muốn lúc này có được sự ấm áp.
  • Lần thứ hai: Mơ ước căn phòng có bàn ăn, trên bàn có ngỗng quay - mong muốn được no bụng.
  • Lần thứ ba: Mơ ước có cây thông Noel - mong muốn được đón giao thừa như mọi người.
  • Lần thứ tư: Mơ ước được gặp lại bà - mong muốn được che chở, yêu thương.
  • Lần cuối cùng: Quẹt toàn bộ số diêm còn lại - để gặp lại bà và đi theo bà đến nơi hạnh phúc.

=> Những mong muốn của cô bé là hoàn toàn chính đáng.

c. Cái chết thương tâm của cô bé bán diêm:

- Em bé tội nghiệp chết rét trong đêm giao thừa.

- Đôi má hồng, đôi môi đang mỉm cười, trên thi thể là những bao diêm trong đó có một bao diêm đã đốt hết.

- Thái độ người qua đường: Lạnh lùng, vô cảm -> “Bảo nhau: Chắc nó muốn sưởi cho ấm!”

- Xã hội thiếu tình thương, mọi người lạnh lùng, vô cảm thờ ơ với những con người bất hạnh.

- Nhà văn An-đéc-xen đã viết truyện này với tất cả tình thương và lòng thương cảm đối với em bé bất hạnh.

1.3. Tổng kết

- Về nội dung: Tác phẩm Cô bé bán diêm của An-đéc-xen truyền cho chúng ta lòng thương cảm sâu sắc đối với một em bé bất hạnh.

- Về nghệ thuật: Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, đan xen giữa hiện thực và mộng tưởng, với các tình tiết diễn biến hợp lí.

Bài tập minh họa

Bài tập: Em hãy viết một đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về văn bản Cô bé bán diêm.

a. Hướng dẫn giải:

- Đọc kĩ lại văn bản Cô bé bán diêm để thâu tóm nội dung và viết đoạn văn.

- Cảm nhận của em có thể là: Cảm động, yêu mến, thán phục,...

b. Lời giải chi tiết:

Truyện ngắn Cô bé bán diêm của nhà văn An-đéc-xen đã để lại những dư âm, ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Không chỉ vậy đó còn là niềm cảm thương vô hạn cho số phận bất hạnh, đầy bi thương của nhà văn với cô bé bán diêm. Hoàn cảnh của cô bé vô cùng thương cảm, ngay từ những lời đầu tiên giới thiệu về hoàn cảnh của cô bé đã khiến người đọc phải rơi nước mắt: bà và mẹ những người yêu thương em nhất đều đã qua đời, em sống chui rúc với bố trong một căn gác tối tăm, chật chội. Người bố có lẽ vì cuộc sống nghèo túng, khó khăn nên đâm ra khó tính, đối xử tệ bạc với em: hay mắng nhiếc, chửi rủa em. Và nhà văn đã tô điểm cho nét đẹp của em bằng hình ảnh đối nghịch giữa cảnh và người: “Trong buổi sáng lạnh lẽo ấy, ở một xó tường, người ta thấy một em gái có đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười”. Cô bé bán diêm đã chết theo cách của người đang thiếp ngủ trong giấc mơ đẹp. Nhìn hình ảnh những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhàn, người ta có thể đoán đúng hành vi của cô bé trước khi chết: “Chắc nó muốn sưởi cho ấm! ”, những hình ảnh “đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười ” kia thì khó có thể đoán ra điều gì khiến khuôn mặt cô bé biểu hiện nên hình ảnh có vẻ vui sướng và thỏa nguyện ấy. Về cái chết của những người bất hạnh, nói chung nhiều nhà văn đã miêu tả, mà phần lớn là buồn thảm, hoặc vật vã dữ dội (như cái chết của lão Hạc). Duy cái chết của cô bé bán diêm thì người đọc có cảm giác buồn thương nhưng thanh thản, nhẹ nhàng và thấm sâu. Tạo được cảm giác khác lạ ấy có lẽ nhờ vào cách xây dựng tính cách nhân vật (cô bé bán diêm) của An-đéc-xen, một cô bé bán diêm bất hạnh nhưng không giận đời. Em bé thật đáng thương. Trong xã hội tư bản thiếu sự đồng cảm và tình yêu thương giữa người với người nhà văn An-đéc-xen đã viết truyện này với niềm xót thương vô hạn đối với cô bé không may mắn. Tuy vậy nội dung câu chuyện Cô bé bán diêm với kết thúc thương tâm của nó vẫn khiến người đọc rơi nước mắt.

Lời kết

- Học xong bài này, các em cần nắm:

+ Những hiểu biết bước đầu về "người kể chuyện cổ tích" An-đéc-xen.

+ Nghệ thuật kể chuyện, cách tổ chức các yếu tố hiện thực và mộng tưởng trong tác phẩm.

+ Lòng thương cảm của tác giả đối với em bé bất hạnh.

Soạn bài Cô bé bán diêm

Truyện Cô bé bán diêm đưa người đọc vào khung cảnh một đêm giao thừa giá rét ở đất nước Đan Mạch, Bắc Âu cách đây hơn một trăm năm. Để hiểu hơn về bài học này, mời các em cùng tham khảo thêm bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:

Hỏi đáp bài Cô bé bán diêm Ngữ văn 6

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

Một số bài văn mẫu về văn bản Cô bé bán diêm

Văn bản Cô bé bán diêm là một tác phẩm nói về số phận bất hạnh của một cô bé nghèo khổ trong xã hội tư bản đương thời. Để cảm nhận được rõ nét về câu chuyện này, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu hay dưới đây:

-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF