Bài học Chuyện cổ nước mình nhằm giúp các em học sinh lớp 6 thêm tự hào về kho tàng truyện cổ của nước nhà. Đồng thời, bài học này còn giúp các em rút ra được những kinh nghiệm sống, thái độ sống tốt đẹp và nhân hậu. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Chuẩn bị đọc
a. Tác giả:
- Lâm Thị Mỹ Dạ sinh năm 1949.
- Quê ở Quảng Bình.
- Một số tác phẩm: Trái tim sinh nở (thơ, 1974), Danh ca của đất (truyện thiếu nhi, 1984), Hái tuổi em đầy tay (thơ, 1989), Đề tặng một giấc mơ (thơ, 1998)...
- Bà được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007.
b. Tìm hiểu từ khó:
- Độ lượng: Rộng rãi, dễ tha thứ cho người khác.
- Nhân hậu: Có lòng thương người và sống có tình cảm.
- Độ trì: Phật, tiên che chở, giúp đỡ con người vượt qua khó khăn.
- Đa mang: Lo lắng, quan tâm tới nhiều người, nhiều việc (nghĩa trong bài).
c. Đại ý:
Ca ngợi kho tàng truyện cổ nước ta: vừa nhân hậu, thông minh và có kinh nghiệm sống quý báu.
1.2. Trải nghiệm cùng văn bản
- Tình yêu thương mênh mông, triết lý niềm tin "Ở hiền gặp lành" là điều khiến nhà thơ phải yêu và quý trọng:
"Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì được phật tiên độ trì"
-> Tác giả đã gửi gắm trong những dòng thơ trên về bài học cái thiện luôn thắng cái ác, khuyên chúng ta hãy rèn luyện thái độ sống nhân hậu, biết giúp đỡ người khác rồi sẽ được những hạnh phúc, may mắn trong cuộc sống.
- Chuyện cổ nước mình trở thành hành trang tinh thần, giúp nhà thơ có sức mạnh vượt qua mọi "nắng mưa" - khó khăn, thử thách trong cuộc sống:
"Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi"
-> Tác giả đã nhấn mạnh rằng những câu chuyện cổ sẽ giúp chúng ta được thư giãn, có động lực bước qua những khó khăn trước mắt và vươn đến thành công.
- Khi đọc chuyện cổ nước mình, nhà thơ như được gặp mặt ông cha của mình để khám phá những phẩm chất tốt đẹp:
"Chỉ còn truyện cổ thiết tha
Cho tôi nhận mặt ông cha của mình
Rất công bằng, rất thông minh
Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang"
-> Những câu chuyện cổ dạy con người cách sống độ lượng, khoan dung với mọi người. Đây cũng chính là những bài học mà ông cha ta truyền lại cho thế hệ sau.
- Chuyện cổ nước mình còn ẩn chứa những bài học đạo lý quý giá cho con người:
"Thị thơm thì giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà
Đẽo cày theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì
Tôi nghe truyện cổ thầm thì
Lời cha ông dạy cũng vì đời sau.
Đậm đà cái tích trầu cau
Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người.
Sẽ đi qua cuộc đời tôi
Bấy nhiêu thời nữa chuyển dời xa xôi.
Nhưng bao truyện cổ trên đời
Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm"
- Vẻ đẹp phẩm chất:
- Chăm chỉ siêng năng làm lụng.
- Có trí tuệ, có chính kiến của bản thân.
- Coi trọng tình nghĩa sâu nặng.
=> Bài thơ giản dị mà sâu sắc.
1.3. Tổng kết
- Về nội dung: Ca ngợi kho tàng truyện cổ của nước ta. Đó là những câu chuyện đề cao những phẩm chất tốt đẹp của ông cha ta.
- Về nghệ thuật:
+ Ngôn ngữ giản dị, hàm súc.
+ Những bài học được chuyển tải một cách tinh tế và sinh động.
Bài tập minh họa
Bài tập 1: Vì sao tác giả yêu chuyện cổ nước mình?
a. Hướng dẫn giải:
Đọc lại văn bản, liệt kê các câu thơ nói về lí do tác giả yêu chuyện cổ nước mình và lí giải theo suy nghĩ của em.
b. Lời giải chi tiết:
- Vì chuyện cổ nước mình giàu lòng nhân ái và ý nghĩa phản ánh cuộc sống rất sâu xa.
- Giúp thế hệ đời sau tiếp nhận được những phẩm chất quý báu của cha ông như lẽ công bằng, sự thông minh, lòng độ lượng tình nhân ái bao la…
- Chuyện cổ đem lại cho chúng ta hôm nay những lời răn dạy cực kì quý báu của cha ông về những phẩm chất tốt đẹp cần có trong cuộc sống. Đó là lòng nhân hậu vị tha, lòng độ lượng bao dung, chăm chỉ, chuyên cần và ăn ở hiền lành phúc đức.
Bài tập 2: Em hãy viết đoạn văn ngắn cảm nhận về bài thơ Chuyện cổ nước mình.
a. Hướng dẫn giải:
Đọc kĩ lại bài thơ, nắm nội dung và trình bày thông điệp của tác giả theo cảm nhận của em.
b. Lời giải chi tiết:
Đoạn thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ gợi ra những giá trị nhân văn mà các câu chuyện dân gian đã gợi ra. Kho tàng truyện cổ của dân tộc không chỉ lưu giữ mà còn truyền gửi thông điệp cho thế hệ sau. Dù là truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, tục ngữ hay ca dao đều bộc lộ khát vọng, gửi gắm một bài học của cha ông. Đặc biệt, trong thời đại mà con người chạy đua với thời gian để phát triển thì những bài học ấy càng ngời sáng, khiến con người sống chậm lại, suy tư và điều chỉnh bản thân. Đoạn thơ, bài thơ bằng thể thơ lục bát, hình ảnh giản dị, gần gũi đã gửi gắm những bài học giản dị thân quen về lòng nhân ái, về cái thiện, về những đức tính tốt đẹp mà con người cần có... bởi vậy mà bài thơ đã tạo được sức sống lâu bền qua biết bao thế hệ độc giả.
Lời kết
Học xong bài này, các em cần nắm:
- Vai trò của truyện cổ trong việc bồi đắp nhân cách, tâm hồn con người.
- Cần giữ gìn và bảo tồn những truyện cổ của nước nhà.
- Hiểu được ý nghĩa sâu sắc mà văn bản Chuyện cổ nước mình gửi gắm.
Soạn bài Chuyện cổ nước mình
Bài học Chuyện cổ nước mình đã gửi gắm những bài học giản dị thân quen về lòng nhân ái, về cái thiện, về những đức tính tốt đẹp mà con người cần có. Để hiểu được một cách sâu sắc những bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt tại đây:
Hỏi đáp bài Chuyện cổ nước mình Ngữ văn 6
Trong quá trình tìm hiểu bài học này, nếu có bất cứ khó khăn gì các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số bài văn mẫu về văn bản Chuyện cổ nước mình
Bài thơ Chuyện cổ nước mình nhằm giúp các em học sinh cảm nhận thấm thía về bài học làm người ẩn chứa trong những truyện cổ dân gian mà cha ông ta đã đúc rút, răn dạy. Để hiểu hơn về ý nghĩa bài thơ này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu về văn bản Chuyện cổ nước mình dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247