Qua bài học, giúp các em hiểu được mục đích, yêu cầu của việc tóm tắt văn bản nghị luận. Bên cạnh đó, giúp các em rèn luyện kĩ năng tóm tắt một văn bản nghị luận cụ thể.
Tóm tắt bài
1.1. Tóm tắt văn bản nghị luận
- Tóm tắt là viết, kể lại một cách ngắn gọn, khách quan những nội dung chính của văn bản. Khi tóm tắt, rút ngắn, cần giữ được những nội dung cơ bản, quan trọng của văn bản gốc.
- Tóm tắt văn bản nghị luận là một hình thức làm văn kết hợp kĩ năng đọc – hiểu với kĩ năng diễn đạt, đáp ứng nhu cầu học tập suy nghĩ trong thực tế.
1.2. Mục đích, yêu cầu của tóm tắt văn bản nghị luận
a. Mục đích
- Giúp người đọc có những hiểu biết khái quát, chính xác và sâu sắc về văn bản gốc.
- Tích lũy được những tư liệu và kiến thức cần thiết.
- Học tập được cách tư duy và diễn đạt trong văn nghị luận.
- Rèn luyện được kĩ năng đọc – hiểu, tiếp nhận văn bản và tóm tắt văn bản nghị luận.
b. Yêu cầu
- Phản ánh trung thành các tư tưởng, luận điểm của văn bản gốc; không tự ý thêm bớt.
- Diễn đạt ngắn gọn, súc tích, loại bỏ những thông tin không phù họp với mục đích tóm tắt.
- Không biến nội dung bài tóm tắt thành bài phân tích văn bản hay bài nhận xét nguyên bản một cách chủ quan.
1.3. Cách tóm tắt văn bản nghị luận
- Bước 1: Đọc kĩ văn bản gốc. Dựa vào nhan đề, phần mở đầu và kết thúc
→ Lựa chọn những ý, những chi tiết phù hợp với mục đích tóm tắt.
- Bước 2: Đọc từng đoạn trong phần triển khai (thân bài) và nắm được các luận điểm, luận cứ làm sáng tỏ vấn đề.
- Bước 3: Lập dàn ý trình bày lại một cách hệ thống những luận điểm của văn bản được tóm tắt.
- Bước 4: Dùng lời văn của mình để thuật lại nội dung cơ bản của văn bản được tóm tắt nhưng cần giữ lại bố cục và những câu văn quan trọng của văn bản gốc.
Bài tập minh họa
Bài tập 1: Tóm tắt văn bản “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi” (Tóm tắt văn bản nghị luận Ngữ văn 11 Nâng cao, tập 2, NXB GD, trang 127) trong khoảng 8- 10 câu.
Gợi ý
(1) Câu cách ngôn: “Không có gì thuộc về con người mà xa lạ đối với tôi” biểu thị : bất cứ ai sử dụng nó đều tự khẳng định ”Tôi thuộc về nhân loại”. (2) Cái thuộc về con người bao gồm mọi ước mơ về cuộc sống tốt đẹp, một cuộc sống làm con người gần gũi nhau. (3) Cái thuộc về con người còn là những sai lầm mà con người không ai tránh được, là những hạn chế về tri thức mà không ai biết hết được. (4) Con người có đặc điểm là biết hiểu người khác. (5) Mỗi người trong nhân loại lại đều khác nhau, đều có cá tính riêng không ai giống ai, cần được tôn trọng. (6) Con người còn có những nỗi buồn riêng cần được chia sẻ. (7) Câu cách ngôn thể hiện tiếng nói chung của con người, khẳng định khát vọng được đồng cảm và được hòa nhập. (8) Với câu cách ngôn đó, ở đâu ta cũng có thể tìm thấy bạn bè.
Bài tập 2: Tóm tắt đoạn trích “Một thời đại trong thi ca” của Hoài Thanh (SGK Ngữ văn lớp 11, tập 2, trang 101- 103) trong khoảng 15 dòng.
Gợi ý: Đoạn trích có 21 đoạn xuống dòng, GV chia từng bước, hướng dẫn HS tóm tắt.
Các câu chủ đề ấy phải làm rõ được nội dung của đoạn trích: (1) Đặt ra nhiệm vụ đi tìm “Tinh thần thơ mới”. (2) Bởi vì các thời đại liên tiếp cùng nhau cho nên phải tìm cái chung của mỗi thời đại. (3) Xã hội Việt Nam xưa không có cá nhân, chỉ có đoàn thể. (4) Cái bản sắc của cá nhân chìm đắm trong gia đình, trong quốc gia như một giọt nước trong biển cả. (5) Cũng có những bậc kì tài để cho cái tôi xuất đầu lộ diện. (6) Họ dùng chữ tôi để nói chuyện với người khác chứ tuyệt không nói đến mình. (7) Bởi họ cầu cứu đến đoàn thể để trốn cô đơn. (8) Khi chữ tôi xuất hiện với cái nghĩa tuyệt đối của nó trên thi đàn Việt Nam gây khó chịu cho bao nhiêu người. (9) Khi nhìn đã quen thì cái tôi đó thật tội nghiệp, thi nhân mất hết cái cốt cách từ trước. (10) Tâm hồn họ chỉ vừa thu trong khuôn chữ tôi. (11) Bi kịch của cái tôi là đi đâu cũng không thoát khỏi sự bơ vơ, cô đơn. (12) Phương Tây đã trao trả hồn ta lại chon ta, nhưng ta thiếu một niềm tin đầy đủ. (13) Họ gửi tất cả bi kịch vào tiếng Việt. (14) Họ tìm thấy linh hồn nòi giống trong tiếng Việt. (15) Họ tìm về dĩ vãng để vin vào những bất diệt đủ đảm bảo cho ngày mai.
3. Soạn bài Tóm tắt văn bản nghị luận
Để nắm được những hiểu biết về văn bản nghị luận, các em có thể tham khảo thêm bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 11 HỌC247